Thứ tư, 15/01/2025,


Bữa cơm đạm bạc giữa ngày mưa (28/12/2010) 

Có ai về lại quê xưa

Hái dùm nhé, ngọn càng cua bên rào…

(Nhớ lắm rau càng cua - Thái Ly)

 

Ở quê, hôm nào mưa gió bão bùng, chợ đò cách trở là mẹ giục hai chị em ra vườn hái rau càng cua vào xào với tỏi. Chỉ cần thêm một chén mắm thính và ớt dầm là có một bữa ăn ngon trong ngày mưa.

 

Tháng mười, những cơn mưa mùa đông bắt đầu lún phún kéo theo cái rét ngọt ngào. Những hôm trời như thế này mẹ thường để hai chị em dậy muộn nên ai cũng muốn quấn mãi cái chăn ấm trong tiếng mưa lắc rắc trên mái tôn. Mùa đông ở quê thật buồn, nhìn ra giữa màn mưa mênh mông nước, chẳng biết đâu là bến bờ. Ai cũng muốn thu mình ôm gối bên cái bếp hồng ấm áp, khơi lòng bếp đỏ rực và ném vào đó một củ khoai, củ sắn để đợi một mùi thơm từ đó vút lên ngào ngạt. Những lúc ấy, chiếc thuyền chài của ba sẽ ghé bến, mẹ đội cái nón đi lom khom trước cơn mưa ra đón ba. “Trời mưa gió quá, không kiếm được là bao”. Ba vuốt mái tóc ướt sũng nói với mẹ như thế. Mẹ đi thẳng về phía chợ và bán những con cá ít ỏi đó để mua một ít gạo dành phần cho ngày mai.

 

Buổi cơm trưa do tôi phụ trách. Sáng mẹ bảo ra sau vườn hái rau càng cua. Có lẽ không một thứ rau nào có sức sống mãnh liệt như loài rau này. Cái thân mềm, mọng nước cứ bám vào chân tường, bờ đá, dọc theo bờ rào hay hiển hiện trong những chậu cây cảnh. Chị em tôi mỗi lần hái đều gọi chúng với một cái tên rất lạ “loài rau của trời”. Sau khi hái xong, ngâm nước để rửa sạch là mẹ thường nhắc lấy chậu nước vừa rửa rau đó ra tưới lên những khoảng đất trống để hàng ngàn hạt hoa càng cua nảy nở. Món rau càng cua xào tỏi là món đặc trưng của những ngày cơm thua gạo kém. Sau khi nồi cơm nấu lửa rơm đã chín, món mắm thính kho với tóp mỡ đã xong, chỉ còn việc bắc cái chảo dầu lên, thêm hành, tỏi gia vị rồi cho rau càng cua vào trộn đều sẽ có một món thật ngon.

 

Ngoài trời mưa dầm dề, thi thoảng gió lại rít lên trên hàng chuối sau vườn nghe xào xạc. Bữa trưa đạm bạc với cơm trắng, mắm thính, rau xào và không thể thiếu món ớt dầm. Ở xứ Quảng Trị món ớt như là một bảo bối của người dân nơi. Trời nắng cháy da cũng như trời mưa rét cắt thịt, món ớt dầm từ trẻ nhỏ đến người lớn và các cụ già đều có thể ăn.

 

Tôi từng nghe ông nội kể trong thời bom đạn, khi cái đói hoành hành, con tôm con tép ngoài sông, ngoài ruộng cũng cạn dần thì việc ăn cơm trắng với ớt dầm nước mắm là điều có thực. Khi đó ớt là món “vượt khó” ăn cùng với cơm. Nghe mà phục làm sao!

 

Có những ngày ba đi chài lưới về được nhiều cá tôm, ngoài việc ra chợ bán đổi gạo thì trong mỗi bữa cơm luôn có cá kho. Những ngày mùa đông, cái bụng ăn thứ gì cũng thấy ngon và không biết chán thì món cá bống thệ kho đi kho lại của mẹ đã làm cả nhà tấm tắc mãi. Ở quê nhìn qua có vẻ quanh năm thiếu thốn nhưng thật ra cá mú thì ngoài sông và rau ráng quanh nhà. Đôi lúc chị em tôi cứ đùa, chỉ cần ngồi trong nhà với tay ra cửa sổ hái những ngọn mồng tơi cũng có một bữa canh ngon.

 

Những mùa đông bên bữa cơm đạm bạc với gia đình đã rất xa, chỉ còn lại trong một miền ký ức. Sau cơn bão căn nhà bị cuốn đi, mọi thứ không còn gì để bòn mót lại được. Cả nhà tôi tha hương.

 

Từ đó đến nay, bao năm đất trời vần vũ nhưng những món ăn đạm bạc giữa ngày mưa giông vẫn khiến tôi không thể nào nguôi nhớ về một vùng đất nghèo. Chừng đó thôi cũng ứa nước mắt.

 

 

Yên Mã Sơn

(Nguồn: Dân Trí)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  ??????? -  -  -   (Ngày 29/12/2010 09:38:55 PM)

Ghé qua "Bữa cơm đạm bạc ngày mưa" của Yên Mã Sơn, ghiền ngay hương vị Rau càng cua. Cảm ơn Yên Mã Sơn, cảm ơn nhiều Thái Ly đã còn nhớ những nét quê đầm thấm ngọt ngào. Không biết bây giờ Thái Ly, Yên Mã Sơn ở đâu và ra sao? Song tôi tin, các vị phải là, sẽ là những người yêu quê hương tha thiết, với những chất liệu thật, gần ... và sức sống mãnh liệt: rau càng cua, ớt dầm, mắm thính, khoai nướng trong bếp than hồng, cá kho, canh mồng tơi v.v... Rất đáng yêu và thật đáng được trân trọng. Tốc độ công nghiệp hóa và môi trường kinh tế thị trường, trào lưu đô thị hóa làm cho lớp người cũ phải nhiều cái lo. Lo con cháu rồi đây không biết con gà, con trâu, con cá ra sao? Đừng nói chi đến rau càng cua xào hay rau ráng luộc...
Có một điều, tôi muốn chia sẻ phần nào với Yên Mã Sơn. Nhớ về kỷ niệm bữa cơm đạm bạc ngày mưa, bạn "...không thể nào nguôi nhớ về một vùng đất nghèo. Chừng đó thôi cũng đủ ứa nước mắt". Thật là thấy thương cho Yên Mã Sơn quá!
Thật ra không có vùng đất nào là nghèo cả. Kể cả vùng Bắc, Nam cực, sa mạc... Chỉ có con người, do nhiều lý do, trong đó có lý do bị xâm lược, bị nô lệ, bị áp bức, bị đè đầu cởi cổ... chùn ý chí, không thể nào ngoi lên nổi để làm cho đất giàu. Ông ngoại tôi có lần nói một câu mà cả làng, nhiều người hoan nghênh nhưng cũng lắm kẻ giận hờn-"Không có đất nghèo, chỉ có người nghèo. Người không biết vượt qua số phận để thoát nghèo thì không thể gọi là người khôn". Từ nhỏ tôi đã được đọc hai câu, hình như của Chế Lan Viên "Lũ chúng con ngủ trong giường chiếu hẹp/ Giấc mơ con đè nát cuộc đời con!" Con người có vượt lên được hay không số phận, còn phải do điều kiện, tư tưởng và nghị lực của mình. Bây giờ có thể tạm nói, những tảng đá chắn đường không còn nhiều. Con đường vươn lên, vượt khó làm giàu đã có nhiều thuận tiện. Thật cảm động khi ngày càng có nhiều những người từ tay không thành tỷ phú, nhiều những người khuyết tật, khiếm chi, khiếm thị cũng vượt lên số phận vì mục tiêu làm giàu chân chính. Chỉ tội cho những ai, còn ngủ quên, la cà chè rượu- tự làm ngu mình, rồi than thân trách phận. Có một câu ngạn ngữ (nước ngoài) rằng "Người ngu không giữ được tiền". Phải chăng cũng là một câu răn hay cho người mình! Quê ta rừng vàng, biển bạc. Đất quê ta nơi đâu cũng còn đó nhiều những tiềm năng kinh tế chưa được khai thác. Đất nghèo, đất không có gì... thì bọn ngoại bang đâu có điên để mang khí tài, binh lính đến lấn chiếm, đúng không? Bà Chín của tôi, không biết một chữ, nhưng lại nói thơ rằng "Chàng ơi chớ mộng xa vời/ Bạc vàng ngay đít mình ngồi lại quên" Và, bà là một người hiện nay rất giàu; các con bà đều ăn nên làm ra, có nhiều đất đai, ghe tàu, con cháu sau nầy đều được học hành.
Tôi tin rằng, có nhiều những người như Yên Mã Sơn - nhớ Bữa cơm đạm bạc ngày mưa; Thái Ly-Nhớ lắm rau càng cua... thì dù ở đâu đi nữa, cái chất quê, cái lòng mặc cảm đất mình nghèo ấy rồi sẽ biến thành một nghị lực mới giúp mình thoát nghèo, và góp phần xóa bỏ cái danh không hay "đất nghèo" cho đất quê mình.
Thằng bạn tôi, từ nhớ rau càng cua, khoai lang nướng, cá lóc nướng trui, cá rô kho tộ, cá bóng kho tiêu, bánh giò, bánh mặn ... đã nãy ra ý tưởng kinh doanh du lịch, làm giàu. Tôi rất ủng hộ nó và tôi tin khi khách nước ngoài hay bà con mình từ nước ngoài về sẽ có chỗ để đến và để nhớ. Sẽ có ngày, nhắc đến Rau càng cua, những món YMS kể nhớ trong Bữa cơm đạm bạc ngày mưa không còn với ý nhớ về một vùng đất nghèo, đạm bạc nữa!
*Trương Văn Lực; email:controi58@yahoo.com; điện thoại:0937 30 35 36. Rất mong được chia sẻ từ nhiều người!

(Tiếc công gỗ của tác giả nên đưa lên! Không đủ thông tin ở phần trên theo qui định!)

  Vân Thị Nhung Hà - vylinh@gmail.com - 0987564357 - Viết văn, ĐH Văn hóa Hà Nội  (Ngày 28/12/2010 09:49:42 PM)
Bài viết hay và xúc động quá!
Các bài khác: