Thứ hai, 23/12/2024,


Nữ đạo diễn cải lương ‘điên với nghề’ (24/12/2010) 

Chuyện cô thức bảy, tám đêm liền để làm nhạc cho hoàn hảo hay chỉ để nghĩ ra một tấm vải thay thế cho cả đoạn lời dài trong kịch bản không phải là điều lạ lẫm với đồng nghiệp của cô. Thế nên, bạn nghề vẫn hay bảo cô bị “điên nghề”.

Vở diễn bắt đầu lúc 8g nhưng mới 7g mà rạp Hồng Hà đã chật kín khách. Khán giả ngồi lan ra bậc thang lên xuống trong rạp khiến khách mời đến muộn không có cả chỗ để đứng. Đó là không khí của buổi tổng duyệt vở cải lương Gươm thiêng trao trả hồ thần (Kịch bản Phạm Văn Quý) của nữ đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai. Cái tên Hoàng Quỳnh Mai hóa ra “hot” hơn nhiều lần những gì người ta vẫn nghĩ về sự ảm đạm của sân khấu Bắc.

 

Giữa lúc nghệ sỹ đang kêu trời về sự ngoảnh mặt làm ngơ của công chúng hiện đại với nghệ thuật truyền thống thì Hoàng Quỳnh Mai vẫn nở nụ cười má lúm giòn tan: “Cảm giác mình đang sống trong thời hoàng kim của cải lương vậy”.

Cảm giác đó không hề vô căn cứ khi những vở cải lương của cô luôn chật rạp trước giờ công diễn cả tiếng đồng hồ; khi khán giả luôn cố nán lại để xem mặt đạo diễn và dúi cho cô quả cam, quả táo; khi mỗi chiều đi bộ từ nhà hát về nhà, người dân quanh khu phố lại với theo “có vở gì mới cho chúng tôi đi xem không đạo diễn ơi”.

Cái tên Hoàng Quỳnh Mai không phải chỉ được biết đến khi có Cung phi Điểm Bích (kịch bản Hoàng Công Khanh). Cô diễn viên của Nhà hát Cải Lương Việt Nam cũng đã có dấu ấn trong nghề với các vai Nhâm trong Điều không thể mất, Phượng trong Lôi Vũ, Chiosan trong Cô gái Phù Tang... Nhưng chỉ đến khi câu chuyện về nàng cung phi tài sắc của vua Trần Anh Tông và tình yêu bất chấp luân lý phong kiến mà nàng dành cho vị sư tổ thứ 3 của Thiền phái Trúc Lâm được Hoàng Quỳnh Mai lôi ra khỏi ngăn kéo bụi bặm cũ kỹ của Hoàng Công Khanh thì công chúng Hà Thành mới bắt đầu quan tâm hơn đến cải lương và tên tuổi của vị nữ đạo diễn trẻ.

Không phải nghệ sỹ thành công nào cũng dám sẵn sàng dựng vở về đề tài lịch sử. Điện ảnh, truyền hình vốn có lợi thế về ngôn ngữ truyền tải mà luôn bị “đánh đập” tơi bời mỗi khi động đến lịch sử, nhất lại là lịch sử trung đại Việt Nam. Vậy mà từ Cung phi Điểm Bích, Hoàng Quỳnh Mai liên tiếp dựng và liên tiếp thành công với Bến nước Ngũ Bồ, Trọn đời trung hiếu với Thăng Long và mới đây nhất là Gươm thiêng trao trả hồ thần. Người xem thích cái thủ pháp sân khấu mà Hoàng Quỳnh Mai sử dụng. Không cần quá nhiều lời hát rườm rà và cường điệu, cũng không cần những phông màn trang trí cầu kỳ. Trong vở diễn mới đây, Hoàng Quỳnh Mai chỉ dùng một tấm vải mà tạo được nhiều cảm xúc đặc biệt cho khán giả. Khi tấm vải hiện ra như một mặt hồ bình lặng, khi lại là dòng sông đêm hiểm nguy, lúc lại là một bầu trời u tối với hàng triệu con người đang giơ tay vùng vẫy mong thoát khỏi hỗn mang.

 

 

Cảnh trong vở "Trọn đời trung hiếu đất Thăng Long"

 

Tuy nhiên, một ý tưởng, một thủ pháp sân khấu chẳng bao giờ đến dễ dàng. Hoàng Quỳnh Mai tự nhận mình cầu toàn và duy mỹ, luôn đòi hỏi vở diễn phải đẹp bên cạnh cái hay. Chuyện cô thức bảy, tám đêm liền để làm nhạc cho hoàn hảo hay chỉ để nghĩ ra một tấm vải thay thế cho cả đoạn lời dài trong kịch bản không phải là điều lạ lẫm với đồng nghiệp của cô. Thế nên, bạn nghề vẫn hay bảo cô bị “điên nghề”. Hoàng Quỳnh Mai cũng thừa nhận: “Đúng là tôi bị điên. Tôi mắc bệnh của Đan Thiềm trong Vũ Như Tô, bệnh của người thích sáng tạo và chỉ có một cách chữa là được sáng tạo không ngừng”.

Sự sáng tạo trong cách làm cải lương kiểu mới đã tạo nên sức hấp dấn cho những vở diễn lịch sử của Hoàng Quỳnh Mai. Thay vì minh hoạ lịch sử, kể câu chuyện về một người anh hùng theo tuyến tính thời gian và đường gen của chiến công nối tiếp chiến công, Hoàng Quỳnh Mai luôn chọn xuất phát điểm là một lớp cắt nhân vật, khắc hoạ nhân vật phi thường từ một góc nhìn rất đời, rất con người. Như Lý Thường Kiệt với cái tâm trạng giằng xé khi quyết định từ bỏ thiên chức đàn ông để vào cung làm hoạn quan và phục vụ nghiệp lớn của dân tộc. Như nhà sư Huyền Quang với sự rung cảm bản năng trước sắc, tài và tình yêu mãnh liệt, chân thành của Điểm Bích. Như Lê Lợi với những đau đớn tột cùng khi chứng kiến cái chết của hai người vợ đầu gối má kề. Những lát cắt sinh động và nhân văn ấy khiến các vở diễn trở nên gần gũi, hiện thực, nói chuyện xưa nhưng con người thì tươi mới, gần gũi, những rung cảm của nhân vật sống cách đây hàng thế kỷ không bị lệch nhịp với thời hiện đại mà bắt được tần số rung cảm của khán giả ngày nay. Cách làm ấy, như Hoàng Quỳnh Mai bông đùa, là “làm cải lương kiểu chụp citi”.

Ít ai biết, Hoàng Quỳnh Mai đặt chân vào lãnh địa của cải lương năm 18 tuổi chỉ bằng sự sĩ diện của cô học trò giải nhất văn tỉnh bị trượt đại học không muốn phải về quê nhà đối mặt với thất bại. Cô ra Hà Nội, quyết tâm theo học cải lương dù thầy giáo đến tận nhà thuyết phục thi lại năm sau, dù trong vốn liếng của cô lúc ấy không hề có khái niệm về nhịp. Nhưng kiến thức văn chương và lịch sử dày dặn đã tạo cái thế vững chãi cho sự nghiệp hiện tại của cô. Cô tâm sự: “Cái khó nhất của làm kịch hay phim về lịch sử là làm thế nào để vẫn tôn trọng, trung thành với lịch sử mà vẫn tạo được sức hấp dẫn về nghệ thuật. Trong các vở diễn của mình, tôi không bao giờ dám bắt tay vào làm khi chưa hiểu sâu, cảm sâu về nhân vật. Tôi cho rằng, chỉ khi nào mình có cảm xúc thực sự về nhân vật thì mình mới tìm được lý lẽ riêng để kể câu chuyện của mình”.

Với thế mạnh lịch sử, Hoàng Quỳnh Mai đang tiếp tục được giao làm vở về một nhân vật vĩ đại mà cô rất tâm đắc nhưng chưa được phép tiết lộ. Hỏi cô làm thế nào để thường xuyên có kịch bản hay, cô chia sẻ: “Người ta cứ hay kêu là không có kịch bản hay cho sân khấu. Tôi lại nghĩ rằng có rất rất nhiều kịch bản hay đang đợi những đạo diễn có cùng tần số rung cảm tìm đến và dàn dựng. Tôi luôn tin rằng, trong một ngăn kéo bụi bặm cũ kỹ nào đó đang có một kịch bản đợi tôi như tôi đã từng có cơ duyên với Cung phi Điểm Bích”.

Dĩ nhiên, không phải đạo diễn nào cũng dễ dàng bắt được tần số với tác giả kịch bản và không phải tác giả kịch bản nào cũng cho phép đạo diễn vào lục ngăn kéo của mình. Cơ duyên ấy đâu phải trời cho, nếu không yêu cải lương, yêu sáng tạo đến “điên nghề” như Hoàng Quỳnh Mai.

 

Hoàng Hồng

(Nguồn: Báo Điện tử Tổ Quốc)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: