Chủ nhật, 22/12/2024,


Lửa cháy từ Rừng Bòng (phần cuối) (25/09/2008) 

     Tháng 7 năm 1950, ông Dũng có quyết định được cử đi học Trường Sĩ quan Lục quân Trần Quốc Tuấn, khi đó đóng gần thủ phủ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Lúc này, ba cha con ông Dũng đều đang tại ngũ trong Lực lượng vũ trang của ta và mỗi người một nơi. Anh Đẻ Nguyễn Đình Dụ đang công tác tại Ban Quân giới của Tỉnh đội Bắc Giang. Anh cả Nguyễn Đình Đông mới chuyển về làm Bí thư, kiêm Chủ tịch Liên xã ở địa phương. Quá trình chuẩn bị đi học của ông Dũng, phải mất khá nhiều thời gian qua các khâu sàng lọc rất kỹ. Từ điểm tập kết tại tỉnh Hà Giang, đến đầu năm 1951, mới tổ chức thành đơn vị, hành quân qua biên giới để tựu trường. Tại đây, với “sức trẻ bẻ gãy sừng trâu”, ông Dũng đã lao vào học tập rèn luyện không biết mệt mỏi. n tượng nhất với ông trong thời gian này là những đợt học “phản tỉnh” về quan điểm và đấu tranh giai cấp, gây trạng thái hết sức căng thẳng không cần thiết. Sau một năm rưỡi học tập, tháng 10 năm 1952, ông Nguyễn Đức Dũng tốt nghiệp khoá I với tấm bằng hạng ưu và lên đường về nước.

     Ông Nguyễn Đức Dũng được biên chế về đại đội 73, tiểu đoàn 375, trung đoàn 9 của sư đoàn 304, với chức vụ Trung đội phó. Ngay ngày đầu tiên về đơn vị mới, ông đã được nghe Trung đoàn trưởng Trần Thanh Tề phát biểu tổng kết Chiến dịch Thu - Đông đánh vào vùng địch hậu Khu III của quân và dân ta. Và ấn tượng sâu sắc nhất qua bài phát biểu này là hiện tượng “thủ tiêu chiến đấu” trong những trận càn lớn của giặc. Là một sĩ quan trẻ mới ra trường, lại đã từng trực tiếp trải qua chiến đấu, ông Nguyễn Đức Dũng luôn tự tin và háo hức lập công, mặc cho có những con mắt tỏ ý coi thường của một số cán bộ lớn tuổi giàu kinh nghiệm cùng đơn vị.

     Thời gian ngắn sau đó, đơn vị của ông Dũng bước vào giai đoạn huấn luyện mới ở Thanh Hoá để chuẩn bị cho Chiến dịch Thượng Lào. Huấn luyện xong, đơn vị di chuyển vào Nghệ An, qua Thanh Chương, lên Con Cuông, Cửa Rào, rồi bí mật vượt qua biên giới bằng đường mòn và đi tắt xuyên rừng, thọc sâu vào đánh chiếm mục tiêu đầu tiên là Bản Nhót Hoay.

     Những ngày chiến đấu ở Thượng Lào, có hai việc khiến ông Nguyễn Đình Dũng phải nhớ mãi, thậm chí có việc còn làm ông vẫn day dứt đến bây giờ. Và thật lạ, cả hai việc đều chỉ gắn với một địa danh gọi là Nhót Hoay.

     Việc thứ nhất là trận chạm địch đầu tiên tại đây. Lực lượng chúng chỉ có khoảng 18 - 20 tên phỉ, dựa vào hầm hố và vách đá hiểm trở, bằng phương pháp đánh lén, đã làm ta bị thương vong nhiều. Riêng trung đội của ông Dũng, được phân công làm mũi thọc sâu, kết hợp chia cắt, để bao vây tiêu diệt địch. Trong đêm tối, được sự yểm trợ hoả lực bằng trung liên của Đại đội trưởng Trần Hậu Cương, ông Dũng dẫn một tiểu đội băng qua 500 m theo lối độc đạo. Khi vào đến nơi, điểm lại, chỉ còn thấy 3 người. Đó là Tiểu đội phó Tấn đã bị thương ở bả vai và chân không đi được, chiến sĩ Hoà và Ông Dũng. Nhận ra mình đã ở trong thế bị bao vây, ông Dũng lệnh cho chiến sĩ Hoà nhanh chóng quay trở ra báo cáo, xin tăng viện của đơn vị. Còn mình ở lại, tiếp tục chiến đấu để bảo vệ thương binh. Trận đánh kéo dài quá trưa sang chiều, vẫn giải quyết chưa xong. Tiểu đoàn phải tăng cường hoả lực DKZ và súng cối, mới khiến địch hoang mang, rút chạy.

     Việc thứ hai là trên đường rút quân, phải dẫn giải 2 tên tù binh, do đơn vị bạn trao tại Nhót Hoay, về nước. Trong lúc hành quân đêm vừa mệt vừa đói, hai tên tù binh này lại chẳng chịu đi. Ông Dũng phải trói chúng bằng dây để kéo theo. Chúng cứ nằm lăn ra. Ta có thay nhau kéo chúng trượt đi trên mặt đường số 7 lỗ chỗ đá răm, rách cả quần áo, chúng cũng mặc. Đến lúc anh em ta mệt quá nghỉ giải lao, một tên tù binh bất thần liều lĩnh nhào tới giật khẩu tiểu liên trên vai ông Dũng. Ông Dũng trở ngược báng súng, đánh hắn ngã ngay tại chỗ. Anh em ta lại phải thay nhau kéo mãi, mới tới biên giới Việt - Lào, để giao chúng cho bộ phận tiếp nhận.

     Qua trận đánh không thu được kết quả gì nhiều ở Nhót Hoay và một số trận đánh khác trong Chiến dịch Thượng Lào lần ấy, ông Dũng tự rút ra kinh nghiệm tác chiến: Tại sao ta không bỏ qua, lại mất quá nhiều thời gian và công sức vào các vị trí cố thủ nhỏ của giặc như Nhót Hoay, để khi tiến đến bao vây tiêu diệt mục tiêu chính, địch đã kịp rút lui tháo chạy cả?

     Sau những gì xảy ra tại Nhót Hoay đó, điều khiến ông Nguyễn Đức Dũng phải day dứt mãi là đã có những lời dị nghị: Vì mang nặng tâm lý “thủ tiêu chiến đấu”, nên ông mới không chủ động tiếp tục tấn công giặc, mà chỉ lo cố thủ để bảo vệ thương binh... Lẽ nào một mình ngang nhiên cắm chốt giữa lòng địch như ông Dũng, lại không phải là kiên cường giữ vững bản lĩnh chiến đấu, lại không buộc giặc phải phân tán lực lượng để đối phó? Lẽ nào có thể mang vác hoặc bỏ mặc đồng đội đang bị thương của mình, giữa vòng vây lưới đạn của kẻ thù?... Ông Nguyễn Đức Dũng hành động không chỉ theo những gì đã được học, đã thành kinh nghiệm qua nhiều năm trực tiếp chiến đấu, mà còn theo lương tri bản năng. Vậy mà những lời dị nghị này vẫn loang ra, không ai cho ông có cơ hội được giãi bày, rồi cộng với thái độ bới móc của một số người về thành phần địa chủ bóc lột... cuộc đời và sự nghiệp của sĩ quan quân đội nhân dân, của Đảng viên Nguyễn Đức Dũng sẽ về đâu đây?

     Nhưng, đó cũng chỉ là những lo lắng mơ hồ, những suy nghĩ đầy tính tự kỉ của riêng cá nhân ông Dũng mà thôi. Bởi trong những năm sau đó, Cấp trên luôn tin tưởng quan tâm tạo nhiều điều kiện để ông Dũng có cơ hội tiến bộ.

     Sau khi tham gia chiến đấu và lập nhiều thành tích trong chiến thắng Điện Biên Phủ, lúc đó đang giữ chức Trung đội trưởng kiêm Tổ trưởng Đảng thuộc Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, lại một lần nữa, ông Dũng được cử đi học bồi dưỡng tại Trường Sĩ quan Lục quân, khoá 10. Sau khi ra trường, ông về làm Trợ lý tác huấn cho Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 246, thuộc Bộ Tổng Tham mưu.

     Trong năm 1959, ông Dũng lại được cử đi học bồi dưỡng văn hoá 6 tháng tại Trường Văn hoá quân đội.

Từ tháng 7 năm 1959 đến tháng 1 năm 1960, ông Dũng được cử đi đào tạo Sĩ quan nhảy dù chiến đấu tại Trung Quốc.

     Sau gần 4 năm làm giáo viên huấn luyện nhảy dù cho Lữ đoàn 305, tháng 9 năm 1964, ông Dũng lại được cấp trên cử đi đào tạo sĩ quan tham mưu cho lực lượng không quân của ta tại Học viện Không quân Bắc Kinh, Trung Quốc.

     Tính ra, thời gian ông Nguyễn Đức Dũng được qua huấn luyện và bổ túc nâng cao tại các trường ở trong nước và 3 lần tại các trường chính quy ở nước ngoài, tổng cộng đã gần 6 năm. Trong điều kiện khó khăn của Đất nước và Quân đội ta thời điểm đó, được Cấp trên ưu ái tạo điều kiện như ông Dũng, chắc chắn không có nhiều người.

     Sau bao năm miệt mài công tác và cống hiến hết sức mình, được Cấp trên tin cậy nâng đỡ và trang bị cho nhiều kiến thức sâu rộng đến thế, tuổi đời lại còn đang quá trẻ... có thể nói, chưa bao giờ, Tiền đồ và Tương lai lại mở ra sáng rỡ đến thế trước mắt ông Nguyễn Đức Dũng.

Nhưng, những điều đáng tiếc vẫn có thể xảy ra...

     Tháng 1 năm 1971, giữa lúc Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta ở cả hai miền Nam Bắc đang bước vào giai đoạn cam go quyết định, giữa lúc mọi nơi mọi người đang hừng hực khí thế sẵn sàng hy sinh thân mình vì độc lập tự do của Tổ quốc... ông Nguyễn Đức Dũng bất ngờ nhận được quyết định cho về hưu, khi đang đương chức Trưởng ban Tác chiến của Trung đoàn Không quân Sao Đỏ và khi tuổi đời chỉ vừa 38.

     Trong tình thế bất ngờ này, với ai cũng vậy thôi: Đất trời như bỗng nổ bung vỡ vụn đen ngòm, vẫn không lơi tay riết giữ tấm thân rã rời của ông Dũng.

     Cái gì đây? “Thủ tiêu chiến đấu” ư? Thành phần địa chủ bóc lột ư? Do không có khả năng, hay lập trường quan điểm thiếu vững vàng?... Không một lời giải thích, kèm theo cái quyết định cho một người mới 38 tuổi phải về hưu ấy. Rồi cho đến mãi sau này, ông Nguyễn Đức Dũng vẫn không thể hỏi ai hoặc tự trả lời được: Vì sao lại có cái Quyết định... vô lý ấy.

     Nhưng. Ngay lúc bấy giờ và cho đến tận hôm nay, có một câu hỏi - không cần đợi sự trả lời của ai, không cần phải lý lẽ hoa mỹ dông dài - vẫn có thể trả lời xác đáng. Rằng: Nguyễn Đức Dũng là Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Và, ông ta đã luôn ngẩng cao đầu, vì sự thật hiển nhiên ấy.

     Giã từ quân ngũ, bước thấp bước cao, ông Dũng lầm lũi quay về với cuộc sống đang vô cùng kham khổ của vợ con, giữa láng giềng cũng đang bữa đói bữa no, để lo đánh thắng giặc Mỹ.

Với mức trợ cấp chỉ 65 đồng một tháng, tháng nào cũng không đủ ăn. Sức khoẻ đã giảm sút - ông Dũng đã là Thương binh hạng 3/6 khi về nhà và vết thương lại hay tái phát. Trong khi đó, vợ yếu, với năm con còn nhỏ dại. Bao tâm trạng và công việc cứ chất chồng trong suy nghĩ và hành động của ông.

     Cũng nhờ tình yêu của người vợ rất mực thương chồng là Giang Thị Tơ. Bà là người con gái Hà thành nết na xinh đẹp, đã thay chồng nuôi dạy con cái và chăm sóc gia đình trong suốt bao năm ông Dũng mải mê học tập, công tác và đánh giặc. Vốn là công nhân trong một xí nghiệp dệt len, khi cuộc sống khó khăn, bà Tơ không nề hà tìm kiếm việc làm ngoài giờ, để có thêm thu nhập.

     Nhờ đôi tay khéo léo tảo tần của vợ, gia đình dần trở nên êm ấm, khiến những tâm trạng không vui của ông Dũng cũng nhạt phai theo. Yêu chồng, bà Tơ vừa chăm lo cho con ăn học, vừa lo việc sơ tán gia đình trong thời gian máy bay Mỹ ném bom. Mặt khác, bà Tơ còn phải tự thay đổi để hoà nhập và giữ mối quan hệ tốt với anh em trong gia đình nhà chồng. Vì, nói gì thì nói, suy nghĩ và công việc giữa người thành thị với người quê chồng vùng đồi núi Bắc Giang, cũng ít nhiều còn khoảng cách.

     Phải là người hiểu biết, nín nhịn và có một nghị lực hơn người, bà Tơ mới làm tròn bổn phận của một người vợ, người mẹ, người con dâu hiếu thảo, thành chiếc cầu nối hữu hiệu giữa Hà Nội và Bắc Giang, trong thời gian chồng bà lâm vào cơn khủng hoảng khá dài lúc đó. Vì vậy, cuộc sống gia đình của ông Dũng dẫu qua cơn chao đảo, vẫn luôn giữ được trong ấm ngoài êm.

     Thật cảm động biết bao, khi thời gian cũ, kỷ niệm xưa vẫn đọng lại sau chinh chiến biệt ly trên những cánh thư nồng nàn tình cảm của bà Tơ, hiện vẫn được ông Dũng trân trọng cất giữ. Mới đó mà mấy chục năm rồi, thời gian đã làm màu giấy ố vàng, mòn sờn nếp gấp, nhoè mờ nét mực, không còn đọc rõ chữ nữa. Nhưng vẫn thấy nơi đây da diết lung linh một tấm tình hết lòng vì chồng con, hết lòng vì sự nghiệp chung của Đất nước. Chính những nhân chứng vật chứng đó, đã cho các thế hệ hôm nay và mai sau thấy: Lớp người đi trước đã chịu đựng hy sinh chân thành và cao quý đến dường nào.

     “...Vợ chồng mình xa nhau, em rất nhớ anh. Nhưng biết làm sao được, chiến tranh mà. Đã nhận được thư anh rồi, em rất vui để lao động tốt hơn. Em vội viết trả lời ngay, mong sức khoẻ anh bình thường và an tâm công tác. Em ở nhà vẫn khoẻ. Gia đình vẫn bình thường, anh đừng lo lắng nhiều. ảnh chúng mình chụp chung khá đẹp. Vì chưa có địa chỉ chính xác của anh, em sợ bị mất nên không dám gửi. Khi nào có, anh báo tin về, em sẽ gửi cho sau. Anh đừng lo gì, cứ yên tâm công tác học tập, ở nhà vẫn đủ ăn, các con vẫn ngoan. Thầy chưa ra Hà Nội, anh Đông và cô chú Khải chưa xuống nhà dưới. U hỏi thăm, anh vẫn khoẻ công tác tiến bộ là U mừng. Còn công việc của em... Bây giờ em đang làm ở công trường 3 bên Hà Đông, sáng đi tối về. Trưa, em ăn ở công trường, rồi nghỉ luôn ở đó cho đỡ vất vả....

     “Em nghĩ, vợ chồng phải biết thương yêu nhau. Chúng mình xa nhau đến bao giờ anh nhỉ? Em nhìn thấy vợ chồng bạn, em lại nghĩ đến anh và nhớ anh lắm. Nhưng thôi, cố gắng chịu đựng anh nhé! Mong đến ngày nào đó, chúng ta sẽ gặp nhau. Đọc thư anh, em suy nghĩ nhiều và cố gắng làm tốt theo lời anh nói. Em gửi cái áo len lên, anh nói là đan hơi rộng, em buồn lắm. Thôi, anh cố mặc tạm, sang năm em đan lại nhé. Trong thư anh động viên, em thấy vui, khoẻ và sẽ cố gắng nhiều. Anh thương em thế, chắc chắn là một người chồng tốt. Em luôn luôn nghĩ đến anh. Chúng ta xa nhau vì nhiệm vụ công tác. Buổi chia tay, tiễn anh lên ô tô, thấy vợ chồng mình phải xa nhau, em thương và nhớ anh nhiều lắm. Anh nhận được thư này, nhớ viết trả lời ngay cho em mừng. Em mong thư anh nhiều!”.

 

Vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Đức Dũng cùng các con cháu. 

 

     Những hy sinh mất mát của cả một đất nước phải liên tục trải qua mấy cuộc chiến tranh, trong đó có cả sự hy sinh mất mát của những người thân trong gia đình và của ngay cả chính bản thân mình, đã góp lửa nhiệt tình cách mạng, đã xốc dậy lòng kiên trung với Đảng, giúp ông Nguyễn Đức Dũng lấy lại thăng bằng, vượt qua những tai bay vạ gió nhỏ lẻ, vững vàng đi tiếp trên con đường lý tưởng mà mình đã chọn. Từ một chàng trai đi ở không biết chữ, được Đảng tin yêu dắt dìu bước vào cuộc đời mới, tạo điều kiện cho ăn học đến nơi đến chốn, quan tâm bồi dưỡng thành Đảng viên của Đảng, giao đảm trách nhiều vị trí công tác có tính mũi nhọn... một người lính bình thường, còn mong ước gì hơn thế. Ông Nguyễn Đức Dũng tự nhủ: Phải cố gắng chiến thắng chính bản thân mình.

     Không chỉ có một chỗ dựa duy nhất là gia đình, các đồng chí đồng đội chung chiến luỹ một thời cũng thường xuyên ghé thăm và chia xẻ với ông Dũng mọi điều phải lo toan trong cuộc sống. Rồi Đảng uỷ và Chính quyền địa phương cũng mời ông tiếp tục tham gia công tác. Đã mấy nhiệm kỳ ông Nguyễn Đức Dũng được bầu làm Bí thư Chi bộ phường Nguyễn Trãi.

     Trở về đời thường, ông Dũng luôn gương mẫu trong các phong trào hoạt động của địa phương như: Tham gia xây dựng nếp sống văn hoá ở cơ sở, nhiệt tình và đi đầu trong phong trào ủng hộ các nạn nhân của chất độc màu da cam và đồng bào các nơi bị thiên tai bão lụt... Rất nhiều đợt, gia đình ông đã tự nguyện ủng hộ hàng trăm ngàn đồng.

     Sự vất vả cực nhọc và tấm lòng kiên trinh thảo thơm của vợ chồng ông Dũng, rồi cũng được trả công bằng đời sống khá giả, trong một cơ ngơi khang trang với tiện nghi sinh hoạt đầy đủ. Năm người con của ông bà: Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc 47 tuổi, anh Nguyễn Đức Tiến 45 tuổi, chị Nguyễn Thị Bích Huyền 38 tuổi, chị Nguyễn Thu Hà 35 tuổi và chị Nguyễn Thị Mai 31 tuổi đều đã trưởng thành, có học vấn và công ăn việc làm ổn định, có cơ ngơi gia đình riêng và các con học hành ngoan ngoãn. Ông Dũng cũng đã có cháu gọi bằng ông nội, ông ngoại. Đó là hạnh phúc lớn nhất sau suốt cuộc đời bôn ba vất vả.

     Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa. Đảng đang đem về cuộc sống ấm no hạnh phúc cho muôn nhà, xoá đi kiếp nghèo hèn nô lệ dưới ách thống trị của bọn thực dân phong kiến đế quốc. Đảng và Nhà nước đã ghi công và tặng thưởng cho hàng triệu người góp sức hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, trong đó có gia đình và bản thân ông Nguyễn Đức Dũng. Ngoài khá nhiều Huân Huy chương và Bằng Giấy khen các loại, ông Dũng đặc biệt quý trọng và nâng niu tấm Bằng công nhận Đảng viên 50 năm tuổi Đảng mà ông được nhận vào năm 2000.

     Năm 1995, vì tuổi cao sức yếu, lại là thương binh hạng 3/6, ông Nguyễn Đức Dũng được hưởng chế độ miễn sinh hoạt Đảng. Dẫu vậy, ông Dũng vẫn đều đặn tham gia sinh hoạt đóng góp ý kiến cho chi bộ vào ngày mùng 3 hàng tháng. Đặc biệt trong các kỳ bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, ông Nguyễn Đức Dũng lại vinh dự được là một trong những người cầm lá phiếu đầu tiên thể hiện quyền công dân tại hòm phiếu khu vực mình cư trú.

     Cảm giác đầu tiên khi diện kiến ông Nguyễn Đức Dũng, dẫu là người thiểu năng cũng nhận ngay được rằng: Đây là người có thể hoàn toàn tin tưởng. Lập tức có thể lấy lại sự tự tin trong ta, khi ngời ngợi toát ra từ người đối diện nét khiêm ngưỡng cao sang, vẻ phúc hậu chân tình và nhất là ánh mắt sao dễ cười dễ khóc. Thời gian gặp gỡ trực tiếp không nhiều, nhưng ít nhất cũng 3 lần chúng tôi thấy ông Dũng khóc. Nước mắt của một người đàn ông đã sang tuổi 75...

     Có thể đây là hiện thân của Kị Tải - Người đơn thân khai mở Rừng Bòng?! Có thể đây là hiện thân của ông Trấn - Người thúc đẩy Rừng Bòng tới ngày phồn thịnh?! Hay đây chính là Anh Đẻ Dụ - Đến với đời như một kẻ lãng du?! Và ánh mắt dễ cười dễ khóc kia, có thể là của Chị Đẻ Miễn thì sao?! Có thể và có thể... Nhưng, không chỉ là có thể, mà nhất định phải là: Ông Nguyễn Đức Dũng, Đảng viên gần 60 năm tuổi Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam, cựu Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam.

     Trong gian thờ trên tầng ba nhà ông Dũng, ngoài bàn thờ Tổ quốc và bàn thờ Các vị Tiên tổ khác, còn có bàn thờ Đức Phật đặt tại nơi trang trọng. Từ khá lâu, ông Dũng đã khéo kết hợp truyền thống với hiện đại trong đời sống thực tế của mình và của cả gia đình. Ông vốn rất tâm đắc với những câu răn dạy của ông bà như: “Gieo nhân nào, gặt quả ấy”, “ác trả, ác báo”, “ở hiền, gặp lành” vân vân. Rồi, trong Mười bốn điều răn của Phật, ông Dũng nhớ nhất câu: “Tội lớn nhất của đời người, là tội bất hiếu”. Có phải vì thế không, mà ông đã bỏ biết bao công sức và thời gian để tìm ra và quy tập được phần mộ của hai người trong dòng tộc, vốn bị thất lạc từ lâu, là Anh Nguyễn Đình Kha và Cô Nguyễn Thị Trụ. Ông Dũng cũng chính là người đã tìm lại được nguồn cội chính xác của Gia tộc mình là Kị Nguyễn Đình Tải. Gần đây, ông cũng lại là người chủ xướng và tâm huyết nhất, trong việc làm lễ minh oan cho Chị Đẻ Miễn và rước vong linh mẹ về thờ.

     Hiện nay, những thương tật còn mang từ ngày đi ở đợ lúc nhỏ và vết thương cũ tại cột sống thời chiến tranh, đang trở chứng hành hạ ông. Đặc biệt nguy hiểm hơn, triệu chứng sút giảm trí nhớ đang diễn ra nhanh chóng. Mặc dù tuổi đã cao, sức đã yếu, ông Nguyễn Đức Dũng vẫn đang dồn hết tâm huyết để phân xử và đấu tranh, đòi lại vị trí xứng đáng được tôn vinh và giữ gìn, của Nhà thờ Tổ họ Nguyễn Đình.

     Mặt khác, để tránh đạp phải bước lầm của những người để lại sự phá sản của gia đình mình trong quá khứ, để cháu con mai sau không bị tan đàn xẻ nghé, ngay từ bây giờ, ông Nguyễn Đức Dũng đã quyết định phân chia toàn bộ đất đai, nhà cửa và tài sản mà vợ chồng mình dành dụm tích luỹ được cho các con: Ngọc, Tiến, Huyền, Hà, Mai. Tất cả tài sản này có giá trị như một quỹ bảo hiểm - con cháu ông có thể làm nhà ở, hoặc nhà để cho thuê, nhưng không được bán vì bất cứ lý do gì - để đến ba bốn đời sau, vẫn ung dung tự tại.

     Cũng vì Chữ Hiếu đó chăng, mà ông Nguyễn Đức Dũng, dù trải qua bao trắc trở oan khiên chưa được giãi tỏ, vẫn giữ trọn niềm tin với Đảng, vẫn hướng về Đảng với lòng biết ơn sâu sắc của một người con được cha mẹ đổi đời.

     Rất tình cờ, trong lần đến thăm ông Dũng để xin ý kiến cuối cùng về bài viết này, chúng tôi may mắn được gặp người bạn chiến đấu thâm niên, cách đây gần 60 năm, tên là Trần Ngọc Khanh hiện ở nhà số 74, ngõ 203, đường Trường Chinh, Hà Nội, cũng đến thăm ông Dũng. Khi nghe nhắc đến chuyện phải về hưu khi mới 38 tuổi của ông Dũng, ông Khanh chân tình từ tốn nói với bạn mình:

     - Để bụng làm gì cho nặng chuyện bọt bèo cũ rích ấy. Chẳng qua chỉ là cá nhân một thằng cha căng chú kiết nào đó, có thói ganh ăn ghét ở, đã thừa cơ làm hại cậu. Chứ Đảng ta... Cậu đã được nghe một đại diện nào của Đảng, thậm chí, một Đảng viên bình thường nào đó, dám chính thức tuyên bố về lí do của tờ Quyết định đó chưa? Nếu cậu không xứng đáng thì làm sao lại có tấm bằng công nhận Năm mươi năm tuổi Đảng treo kia. Còn cái thằng cha căng chú kiết đó, biết đâu đã bị khai trừ, đã gằm mặt chúi rụi xuống mồ từ lâu rồi. “ác trả, ác báo” mà!

     Chúng tôi thấy ông Nguyễn Đức Dũng không thể ngưng nổi trận cười. Tiếng náo nức hân hoan cứ loang thoả chí khắp nhà. Bọt bia xóc qua miệng lon trên tay ông cũng vung vãi lên mặt bàn, cũng trắng xoá trên áo mọi người. Và chòm râu tuyệt đẹp trên gương mặt đỏ au của ông Dũng, cũng có màu như thế.

 

Nguyễn Thống Nhất

 

     _______________________ 

     LBT: Nếu Quý bạn đọc muốn tham gia chuyên mục 'Chuyện đời tôi'? Nếu các bạn trẻ muốn dành món quà tặng bất ngờ, đầy ý nghĩa văn hóa cho ông bà, cha mẹ mình (nhân lễ mừng thọ, kỷ niệm ngày cưới vàng, bạc...) xin hãy liên hệ với số máy 0913210520, hoặc email: lucbat.com@gmail.com. Các nhà văn trẻ đang có mặt ở nhiều vùng miền trên cả nước, sẵn sàng đến tận nhà riêng để phục vụ và thể hiện tác phẩm theo thỏa thuận.

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: