Thứ hai, 23/12/2024,


Sức sống của “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn” (22/12/2010) 

Đến nay, 42 năm trôi qua kể từ ngày bài hát “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn” đến với khán, thính giả cả nước, nhưng mới đây, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ mới tiết lộ rằng: Chính cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân ta là nguồn động lực thôi thúc ông viết bài hát đó.

 

Ông kể: "Cuộc nổi dậy của quân và dân miền Nam nổ ra vào mồng 1 rạng mồng 2 Tết (đêm 30 rạng ngày 31-1-1968) đã đánh thẳng vào sào huyệt đầu não của giặc Mỹ-ngụy, khiến quân dân miền Bắc - hậu phương lớn tràn ngập niềm vui. Từng giờ, từng ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng truyền đi những tin chiến thắng, những mũi tiến công của Quân giải phóng đánh vào hang ổ của kẻ thù. Lúc này, trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam phát rất nhiều ca khúc sôi động, cổ vũ chiến thắng trong khi bản thân tôi chưa có bài hát nào. Các chú, các má và các anh, chị trong Hội đồng hương Sài Gòn - Chợ Lớn mỗi lần gặp tôi đều thúc giục: “Có bài hát về Mậu Thân ở Sài Gòn chưa? Mấy ông nhạc sĩ chưa hề biết về Sài Gòn, vậy mà bài hát của họ nghe đã quá!”

 

Sau đợt một cuộc Tổng tiến công, cấp trên điều Lư Nhất Vũ vào tổ công tác chi viện cho chiến trường B. Đến đợt hai cuộc Tổng tiến công, nhân đọc bản tin trên báo, viết về các cô gái Sài Gòn thuộc nhiều thành phần: Nữ sinh, tiểu thương, công nhân... đã hăng hái thoát ly gia đình, vào chiến khu tham gia Đoàn Thanh niên Xung phong hỏa tuyến. Nhiều cô vốn là "tiểu thư", vai yếu chân mềm nhưng không ngại hy sinh, không nề gian khổ, tải từng viên đạn để các anh giải phóng diệt thù... Lư Nhất Vũ xúc động lắm. Thế rồi, ông tự giao nhiệm vụ cho mình, trằn trọc biết bao ngày đêm để viết bản thảo bài hát. Ban đầu, bài hát có nhan đề “Đội nữ tải đạn Sài Gòn”. Viết xong, ông lập tức đạp xe sang Cầu Giấy nhờ nhạc sĩ Nhật Lai góp ý. Nhật Lai xem bản thảo, dạo thử trên đàn piano rồi gợi ý Lư Nhất Vũ thêm đoạn cao trào trước khi chuyển sang đoạn điệp khúc.

 

Chiều hôm sau ở phòng làm việc của cơ quan tại 32 Nguyễn Thái Học, Lư Nhất Vũ vừa đàn, vừa hát ca khúc mới ra lò và nhờ các đồng nghiệp nghe thử, tham gia ý kiến. Tiếp đó, nhạc sĩ đến Đài Tiếng nói Việt Nam đưa bản nhạc cho nhạc sĩ Triều Dâng xem. Triều Dâng lúc này đang hết sức đau đớn vì bệnh khớp, nhưng khi liếc qua bản thảo, ông ngồi bật dậy, la lên: "Vũ ơi, được lắm nghe mậy!". Sau đó, nhạc sĩ Lê Lôi, Triều Dâng và Lư Nhất Vũ cùng nhau thảo luận và quyết định đặt lại tên bài hát là “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn”. Một buổi sáng cuối tháng 8-1968, bài hát “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn” được thu thanh. Nhạc sĩ Nguyễn Chính viết phần đệm, ca sĩ Vũ Dậu lĩnh xướng. Tối chủ nhật ngày 1-9-1968, chương trình Câu lạc bộ âm nhạc đã giới thiệu bài hát này với thính giả cả nước.  

 

Tuổi đời của “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn” đã 42 nhưng mỗi lần nghe lại bài hát này, nhất là mỗi khi bất chợt nghe thấy bản nhạc vang lên giữa tấp nập phố phường của Thành phố Hồ Chí Minh, Lư Nhất Vũ lại thấy bồn chồn, xao xuyến. Ông bảo: Càng nghe, càng nhớ những người phụ nữ miền Nam với tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” đã truyền cho ông những cảm xúc mãnh liệt để gây dựng nên hình tượng âm nhạc của ca khúc này.

 

 

Ái Thi

(Nguồn: Báo QĐND)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: