Thứ hai, 23/12/2024,


HÀ NỘI ÂM VANG BẢN THUYẾT MINH HOÀ GIẢI, YÊU THƯƠNG TRONG ĐÊM THƠ “TRỞ VỀ NGÔI NHÀ VIỆT” (18/12/2010) 

Vào 19h30 ngày 16-12, tại Trường ĐH Văn hóa Hà Nội đã âm vang giai điệu yêu thương trong Đêm thơ hội ngộ với nhà thơ, giáo sư Bruce Weigl - người cựu chiến binh Mỹ từng chiến đấu trong Lữ đoàn Kỵ binh bay số 1 tại chiến trường Quảng Trị. Một đêm thơ đầy cảm xúc hoà giải và tình yêu, lần đầu tiên ra mắt tại Việt Nam. Nhà thơ Hữu Việt và Hà Thu làm MC, chương trình diễn ra hoàn toàn bằng song ngữ, thể hiện sự tôn trọng với tác giả và bạn bè quốc tế.

Đến dự có nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Cương – Hiệu trưởng ĐH Văn Hóa Hà Nội, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Bằng Việt, GS – TS nhà thơ Bruce Weigl, GS Hoàng Ngọc Hiến, nhà văn Larry Heinmann – ĐH Texas, dịch giả Thuý Toàn, đạo diễn Trần Văn Thủy, nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quý, Nguyễn Bảo Chân, nhà thơ Jennifer Fossenbel, các cây bút quốc tế trong nhóm 'Hanoi Writers Collective', nhà văn Văn Giá, dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai...

 

PGS.TS Nguyễn Văn Cương – Hiệu trưởng ĐH Văn Hóa Hà Nội,

Tặng hoa cho GS – TS nhà thơ Bruce Weigl

 

 “Sứ giả nước mắm Việt Nam”

 

Bruce Weigl là một nhà thơ nổi tiếng tại Mỹ, là cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam, nguyên là người sáng lập Trung tâm William Joiner của Đại học Massachusettes, Boston, Mỹ – Trung tâm nghiên cứu về tác hại của chiến tranh và là đơn vị đầu tiên của Mỹ có quan hệ giới thiệu văn học Việt Nam tại Mỹ. Thơ và bút ký là nỗi niềm và cảm xúc về Việt Nam, vế cuộc chiến đã qua và về những mối quan hệ thân hữu mới Việt – Mỹ. Bruce Weigl là một cựu chiến binh Mỹ từng tham gia chiến trường Quảng Trị từ năm 1967 đến 1968. Đi qua nỗi đau chiến tranh, Bruce Weigl tìm đến văn chương như một sự cứu rỗi linh hồn để rồi trở thành một hiện tượng của thi ca Mỹ với gia tài 13 tập thơ. Hiện ông là Chủ tịch Hội đồng thẩm định thơ của Giải thưởng Sách Quốc gia Mỹ, và nguyên là Chủ tịch Chương trình viết văn Quốc gia. Bài hát bom na pan - tập thơ viết về chiến tranh Việt Nam của ông đã được đề cử cho giải thưởng Pulitzer.

 

Đã trở về Việt Nam 12 lần, nhưng lần này là lần đầu tiên Giáo sư Bruce Weigl thực sự trở về Ngôi nhà Việt của ông bằng thơ ca, và bằng việc ông đã thực hiện một chuyến hành trình đầu tiên trở lại Quảng Trị sau 42 năm. Hai ngày ở Quảng Trị, ông đã đến viếng hương hồn các liệt sĩ tại nghĩa trang Trường Sơn, trò chuyện với những cựu binh Việt Nam tại Quảng Trị, giao lưu, đọc thơ, và đến thăm địa đạo Vĩnh Mốc. Tại Huế, ông cũng giao lưu đọc thơ với các nhà văn, nhà thơ, cựu chiến binh tại tạp chí Sông Hương và tặng sách vở cho một trường cấp I nơi có các học sinh khiếm thính và học sinh thiểu năng. Ông đã rất vui khi thay mặt cho nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai, nhà xuất bản Phụ Nữ và nhà Xuất bản Kim đồng  gửi tặng 700 quyển sách cho trường tiểu học Thuận Thành, đường Nguyễn Thái Thân, Huế.

    Bruce Weigl tâm sự  “chiến tranh đã từng tước đi của tôi rất nhiều, nhưng nó cũng cho tôi thơ ca, một người con Việt Nam và tình yêu đối với đất nước và con người Việt Nam”.  Trong suốt hành trình, Bruce Weigl và Nguyễn Phan Quế Mai đã đọc những vần thơ bè bạn bằng tiếng Việt, tiếng Anh thầm thì trong khuya sâu, nôn nao, xước buốt mà lấp lánh ánh sáng tình yêu, đạo lý, nhân cách, nghẹn ngào trước những linh tự: “Chiến tranh đã ăn ruỗng tôi/ tôi không thể chạm vào ai được nữa/ Ngọn gió thổi xuyên qua tôi đến nơi xanh thẳm/ nơi họ vẫn ngã xuống trong biển máu/ Tôi vẫn nghe tiếng họ, đêm đêm/ tôi không thể trút bỏ quần áo trong ánh sáng” (Kỷ niệm ngày được tha thứ, Bruce Weigl).

 

Ngày 15/12, ông có mặt tại Hà Nội để ra mắt hồi ký Vòng tròn của Hạnh. Ngày 16/12, ông có buổi nói chuyện với sinh viên viết văn Nguyễn Du (Đại học Văn hóa) với chủ đề Khuynh hướng cách tân thơ trong văn học Mỹ. Trong buổi giao lưu với đông đảo Thầy và trò khoa Viết Văn, nhà thơ Bruce Weigl đã chia sẻ những hiểu biết và quan điểm của mình về nền văn học Mỹ. Ông cho rằng văn học Mỹ chia thành hai khuynh hướng: truyền thống và hiện đại. Lối viết của truyền thống toát lên vẻ đẹp hoàn hảo của khuôn mẫu, nó thống trị thơ ca nhiều thế kỷ. Ngược lại, lối viết hiện đại thì đậm đặc nét phá cách. Bruce Weigl chia sẻ: “Tôi vẫn nói với các sinh viên viết văn của mình, các em hãy đưa vào tác phẩm văn học tất cả những gì đang diễn ra xung quanh các em, đấy là cách tốt nhất biểu đạt về đời sống”.  

 

Và đặc biệt buổi tối cùng ngày diễn ra đêm thơ và giới thiệu hồi ký “Sau mưa thôi nã đạn” do Nguyễn Phan Quế Mai biên soạn và chuyển ngữ. Đây là tập sách gồm 2 phần.  Phần I: Bài hát bom Napan với 36 bài thơ của tác giả tuyển chọn lại từ 6 tập thơ đã xuất bản cùng với những bài thơ mới nhất chưa được in. Phần II: Trở về ngôi nhà Việt gồm 6 bài bút ký, chuyện kể , trong đó có 3 bài ông viết riêng cho tập sách nầy. Trong tập sách này, bài viết “Nước mắm của tôi”, đã gây xúc động mạnh mẽ cho bạn đọc. Đặc biệt, một doanh nghiệp sản xuất nước mắm tư nhân tại Phú Quốc đã điện thoại nhờ báo Tuổi Trẻ gửi lời mời giáo sư, nhà thơ Bruce Weigl đến thăm Phú Quốc và thăm nhà máy sản xuất nước mắm của họ. Bruce Weigl nói: “Tôi đã có nhiều chức danh, nhưng chức danh làm tôi hạnh phúc nhất sẽ là sứ giả nước mắm Việt Nam”.

 

Đội giá rét đến dự đêm thơ

 

Cái giá rét của đêm mùa đông Hà Nội, còn sâu hơn cả bản tin thời tiết của Trung tâm khí tượng Thuỷ văn quốc gia, vẫn không ngăn nổi hơn 500 khách mời và sinh viên các trường Đại học xúng xính áo khăn trong đêm thơ “Trở về ngôi nhà Việt”.

 

Cựu chiến binh Trần Như Đắc, đi xe khách từ Việt Trì về Hà Nội từ sáng sớm, và chờ đến tối để được trò chuyện và giao lưu với nhà thơ Bruce Weigl. Ông thổ lộ, rằng mình là người viết văn, chưa làm thơ bao giờ, nhưng trong buổi tối xúc động như thế này, cảm hứng thơ đã đến, và ông chép lại để bày tỏ về tình yêu con người, về những tình bạn mới, dù trước kia đã từng ở hai chiến tuyến. Ông mang theo 2 chiếc lá hình trái tim được ép cẩn thận và lồng vào khung gỗ khá đẹp mắt. Bài thơ thật giản dị như chính những người lính ra trận thủa nào: “Ngày ấy đã lùi xa/ Dù còn trong ký ức/ Giờ đây giữa chúng ta/ Ngọn lửa Thơ cháy rực/ Tặng anh đôi lá này/ Hình trái tim đỏ cháy/ Và bắt chặt bàn tay/ Ấm tình yêu là vậy”. (Chiếc lá hình trái tim, Trần Như Đắc).

 

Nhà lý luận phê bình văn học Vũ Nho, gọi taxi mãi không được, ông đã quyết định đến dự đêm thơ bằng cách túc tắc… đi bộ. Ông nói rằng, đi tìm vẻ đẹp của thơ, “khi đi vào thế giới của thơ ca, ta chớ nên đi với một trái tim dửng dưng, với con mắt thờ ơ, lạnh nhạt. Hãy trân trọng và nâng niu, vì đó đâu phải là câu chữ, đó là hồn người viết, là vật họ gửi làm tin cho ta. Vì vậy hãy đọc thơ như mình trò chuyện với tác giả với một tinh thần cảm thông 'đồng khí, đồng thanh'. Và như vậy trái tim ta mới có thể dễ dàng hoà nhịp với trái tim đang phập phồng của thi nhân trong từng câu chữ”.

 

Nhà thơ Hữu Thỉnh, dự cuộc họp quan trọng tại Hải Phòng. Mặc dù vậy, ông đã xuất hiện tại đêm thơ lúc 20h45 với bó hoa tươi thắm, khi chương trình đã diễn ra gần một tiếng. Dáng đi nhanh nhẹn, giọng trầm, sâu hút, ông thú thật rằng buổi tối chưa ăn gì, dù vậy trước sức nóng của những cặp mắt thơ và tiếng vỗ tay của hơn 500 người trong hội trường, làm ông ấm lòng hơn bao giờ hết. Cách đây hai mươi năm, Hữu Thỉnh và nhà thơ Bruce Weigl đã có một cuộc hội ngộ tại “Hội thảo văn học viết về chiến tranh Việt Nam giữa các cựu chiến binh – nhà văn Việt Nam và Mỹ”. Lúc đó, cả hai người còn xa lạ. Sau này, đọc rất nhiều thơ của Bruce Weigl, nhà thơ Hữu Thỉnh rất xúc động đã tìm thấy một sự đồng cảm tâm hồn về những xúc cảm đau buồn của chiến tranh trong thơ Bruce Weigl, người từ bờ bên kia của cuộc chiến tranh, sang bên này của lẽ phải và tình thương.

 

Nhà thơ “bếp lửa” Bằng Việt – Chủ tịch Hội đồng thơ HNV, đeo kính mặc áo len, không muốn nhiều người nhận ra mình, ông lặng lẽ đến và ngồi lẫn vào khối sinh viên. Phải khó khăn lắm mới tôi mới đến được vị trí và thì thầm vào tai ông: ” Buổi tối quá chừng thơm”. Bằng Việt ngước lên nhìn, đôi mắt nửa mơ màng, nửa nheo lại nhìn thế giới: “Ném một câu thơ vào gió thổi/ Lời bay đi, tôi nhớ lại đời mình”.

 

Ca sỹ Nhật Thảo và Hồng Gấm khẳng định có phát hiện thấy một “tay” hát nhạc Rock khá nổi tiếng người nước ngoài, chống cằm như một ngù hoa đón những cánh ong thơ một cách say đắm. Hình ảnh quá đẹp này đã làm 2 cô ca sỹ chú ý, miên man và sửng sốt suốt đêm thơ. Vâng, sức hút của thơ quả là kinh khủng, khi thơ ca đã có thể chạm và bám riết vào cơ thể Rock, một cách tình cờ, dịu dàng đến nôn nao.

 

 “Các cụ Hà Nội bảo tuyệt”

 

Mở đầu chương trình là một số tác phẩm dân ca và ca khúc Việt Nam, được thể hiện trên các nhạc cụ truyền thống: đàn bầu, đàn tam thập lục và đàn tranh do các nghệ sĩ: Tú Anh, Thùy Linh, Quỳnh Ngọc từ học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam và tiết mục múa nữ Dao Tiền của sinh viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Dẫn chương trình là MC Hà Thu và Nhà thơ Hữu Việt.

 

20h Nhà thơ Trần Quang Quý, nhà thơ Jennifer Fossenbell trình diễn bài thơ Nụ hôn một cách nhịp nhàng và uyển chuyển. Cả Hội trường im lặng nghe rung động trong từng thớ chữ: Trên tay những tờ lệnh nhập ngũ tôi bỏ quên/ hôm đó trên máy bay, cha hiện ra bên tôi/ Ông cúi xuống, đặt mệnh lệnh vào lòng tôi/ Rồi trước khi rời xa/ không một lời từ biệt/ cha đặt lên môi tôi chiếc hôn mạnh mẽ/ Xuyên qua rừng rậm, xuyên qua cao nguyên/ xuyên qua tất cả cái chết xanh/ tôi chạm những ngón tay mình/ vào nụ hôn cha tôi”.

 

Hành trình của Bruce Weigl vào chiến tranh được tiếp nối qua bài thơ “Nỗi buồn vây bủa trên đường xuống địa ngục” qua phần trình bày của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và nhà thơ, nhà giáo Kelly Morse. Cả hai đứng sát nhau, đọc rất nhanh và kết thúc bất ngờ, khiến cho không ít những người đang lăm le chụp ảnh, đến lúc ngước lên đã thấy người mới, cảnh mới mà giật mình, vì mình chậm tay chậm chân. Thơ sao có thể chờ người, có lẽ phải chủ động hơn nữa với nàng thơ.

 

Nhà thơ trẻ Nguyễn Quyến làm thót tim nhiều nữ sinh Đại học Văn Hoá, khi anh đọc thơ “Kỷ niệm ngày được tha thứ” cùng với nhà thơ, họa sĩ Suzi Garner bằng âm lượng của một khẩu pháo hạng nặng. Một người bạn làm trong lĩnh vực xây dựng của tôi, đã đo được âm lượng của anh từ một phần mềm dùng microphone của điện thoại để đo cường độ âm thanh là hơn 70 decibel. Trong khi đó, theo các nhà khoa học, tiếng ồn khoảng 50 decibel sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ và nghỉ ngơi, từ 70 decibel trở lên sẽ gây ra mệt mỏi, thiếu tập trung, ảnh hưởng đến công việc, thậm chí dẫn đến sự cố. Hình như, Nguyễn Quyến đã có một lý giải hết sức dễ thương là: Mọi người nghe thơ chứ có phải ngủ đâu. Trời rét thế này, không đọc to, mình còn buồn ngủ nữa là người nghe thơ…

 

Nhà thơ Bruce Weigl đọc thơ cùng với hai cô gái Lữ Thị Mai và Giang Thuỳ Linh. Bruce Weigl cùng với 2 sinh viên của trường ĐH Văn hóa trình bày 2 bài thơ: Đời cô tung bay lá cờ lụa đỏLý thuyết hai sự thật. “Suốt một đêm không ngủ, tôi nghe tiếng chim dìu ban mai/ về trên mặt hồ bằng tiếng hát/ Trên những chiếc thuyền nan/ những người hái sen chèo xa/ giữa những bông hoa trắng muốt/ được ngắt đi nhưng sẽ lại dâng lên sức sống”. (Đời cô tung bay lá cờ lụa đỏ)

 

21h00 phút, nhà thơ Trần Đăng Khoa vừa đứng dậy lên sân khấu phát biểu, tiếng vỗ tay, hò, hú đã ầm ầm như thác đổ. Trần Đăng Khoa giơ bàn tay múp míp:

Các bạn biết không, thơ ca đồng nghĩa với cái đẹp. Nhà thơ chính là sứ giả của cái đẹp, sứ giả của hoà bình, thiện chí, tình yêu. Mặc dù Bruce Weigl đến với chúng ta từ cuộc chiến tranh. 16 năm trước, chúng tôi đã gặp nhau, cùng đọc thơ tại Mỹ và tôi đã viết trong cuốn Chân dung & Đối thoại một kỷ niệm khó quên khi nghe anh kể chuyện. Khi đấy Bruce Weigl còn trẻ lắm, vác máy bộ đàm trong con đường rừng đầy gai góc, mồ hôi nhễ nhại, đang thở ra khói thì giật mình thấy trước mắt mình một anh du kích, trên vai cũng đang vác một phương tiện gì đấy. Cả hai nhìn nhau, hầm hè, như muốn nuốt sống đối thủ. Trong sát – na linh diệu đó, cả hai cùng đằng sau quay và cùng bỏ chạy bán sống bán chết về hướng ngược lại.

Và bây giờ, “sau mưa thôi nã đạn”, chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, Bruce Weigl đã đau đáu bao nhiêu năm muốn tìm lại người du kích đó. Bởi vì, nếu trong giây phút đó, người du kích kia nổ súng thì hẳn nước Mỹ sẽ mất đi một nhà thơ lớn và quan trọng hơn là chúng ta sẽ mất đi một người bạn chân thành, tin cậy, yêu Việt Nam da diết như chính anh là người Việt. Tôi cũng cho rằng, người du kích Việt Cộng gặp Bruce Weigl trong tình huống ấy, anh đang sống đâu đó trên đất nước chúng ta, có thể thật gần, có thể thật xa, nhưng hãy tin rằng anh ta cũng là một thi sỹ.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng dịch là diệt, “nó là nó, không phải là nó, mà lại là nó”. Nhưng với dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai thì lại khác, và Trần Đăng Khoa bất ngờ dí dỏm gọi “Quế Mai ơi” “Các cụ Hà Nội bảo tuyệt”. Và ông chúc cho liên minh, tổ hợp thơ Mỹ - Việt luôn bốc lửa và bền vững. Hội trường vỡ ra cười rần rần, cười chảy cả nước mắt nhiều chàng trai còn kéo nhầm khăn của cô bạn ngồi bên cạnh để lau, thật lãng mạn và thú vị vô cùng.

 

21h30 phút Nguyễn Phan Quế Mai, Bruce Weigl đọc thơ và giao lưu với khán giả. Trái tim luôn có những lý lẽ riêng, những vần thơ 'Bài hát bom na-pan', 'Tết đến', 'Con gái của bố', như từ nơi xa thẳm vọng về, da diết, ám ảnh. “Cô bé bị đốt cháy sau võng mạc của anh/ Không gì có thể thay đổi được điều đó/ kể cả tình yêu dịu ngọt của em/ cả không khí mát lành sau mưa/ và cả rừng cỏ xanh đang trải trước mặt chúng ta/ Không điều gì có thể chối bỏ được sự thật đó” (Bài hát bom na-pan).“Cha muốn nói rằng con là dòng sông của cha/ hoặc con là đóa hoa của cha/ hoặc con là chú chim vàng anh/ Nhưng cha không muốn chữ nghĩa trói buộc con/ cách chữ nghĩa thường làm/ Cha không muốn chữ nghĩa uốn cong con/ vì thế cha đã im lặng. Cha đã quan sát con/ – con còn nhớ chứ?/ khi con ngồi xổm bên hồ cá/ kéo chiếc que ngang qua bóng mình in trên mặt nước” (Con gái của bố).

Không gian lắng lại khi vang lên bài thơ Lời thơ tặng mẹ Nguyễn Thị Vẻ do chính tác giả và dịch giả trình bày thật xúc động. Nguyễn Phan Quế Mai là người có khả năng đọc thơ đặc biệt, giọng chị rười rượi như gió làng, nước trời cứ lặng lẽ thấm vào không gian, thời gian như đi, như trôi, như dừng lại… bất tận, mươn mướt ký tự, thi thẳm chân trời.

“Nhưng - số phận chia lìa hai ngả

Mẹ lặng lẽ gặt mình thành gốc rạ

cô liêu trên đồng trống tái màu

 

Giờ đây Mẹ trở về thóc giống

để chúng con cùng nâng niu, cất giữ, gieo trồng

để những hạt-gạo-Mẹ chúng con ăn vào cơ thể

lại trổ đòng

lại xanh mướt xanh”  (Lời thơ tặng mẹ Nguyễn Thị Vẻ)

 

22h00 Bruce Weigl đã cảm ơn mọi người, cảm ơn Hà Nội, cảm ơn Việt Nam đã dành những tình cảm tốt đẹp cho ông. Về cá nhân, ông muốn gửi lời cảm ơn đến nhà thơ Hữu Thỉnh, người đã mở cánh cửa, đặt gói quà yêu thương đầu tiên trong mối quan hệ giữa 2 nền văn học Mỹ - Việt. Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Bruce Weigl xúc động nói rằng ông không có chị gái, không có anh trai và cho đến khi gặp Nguyễn Quang Thiều thì ông đã có một người em tuyệt vời. Con gái nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đang học tại Mỹ và ở nhà của Bruce Weigl, ông cảm thấy hạnh phúc vì được sở hữu một phần gia đình của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Bruce Weigl gửi lời cảm ơn đến nhà thơ trẻ Nguyễn Quyến, người đã làm ông “Hết tuyệt vọng lại điên cuồng hy vọng”, nhưng cuối cùng “Thất vọng” vì Nguyễn Quyến suýt làm con rể… hụt của ông. Bruce Weigl cảm ơn họa sĩ Lê Thiết Cương đã thiết kế bìa và minh họa cho quyển sách.

Và đương nhiên, ông quay sang nhìn Nguyễn Phan Quế Mai một cách chân thành: Khi dịch sách và trao đổi với nhau, chưa có ai bắt tôi làm việc nhiều như Nguyễn Phan Quế Mai, mỗi ngày mở email là thời khắc mà tôi cảm thấy run run, vì biết mình sẽ phải làm gì trong công việc mỗi ngày. Cô ấy làm việc thật cẩn trọng, chuyên nghiệp, tôi học được nhiều đức tính đáng quý đó, khi tiến hành cộng tác với nhau. Chỉ riêng cái tựa đề: Sau mưa thôi nã đạn, cũng đã làm chúng tôi trao đổi rất nhiều, và cuối cùng thật hạnh phúc, chúng tôi đã dò được tín hiệu hoà giải, yêu thương đó. Để bây giờ quý vị đang cầm trên tay ấn phẩm 245 trang đầy tính nghệ thuật, trang nhã và công phu.

 

Nguyễn Phan Quế Mai xúc động khi chia sẻ với đêm thơ: 'Tập thơ và hồi ký này là sự tri ân đối với mảnh đất Việt – nơi tôi được sinh ra và lớn lên, nơi đã phải gánh chịu nhiều đau thương và mất mát của chiến tranh. Tôi hy vọng rằng, tập sách này sẽ góp phần vào tiếng nói kêu gọi hòa bình của nhân loại trên khắp thế giới. Với việc in song ngữ quyển sách, tôi cũng tin rằng những người bạn quốc tế đang sống ở Việt Nam sẽ được tiếp cận tốt hơn với lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam, qua những bài thơ và bài viết độc đáo của nhà thơ/giáo sư  Bruce Weigl.

  Tập sách này sẽ không thể ra đời nếu không có sự hậu thuẫn và động viên của chồng tôi, tôi chân thành cảm ơn anh về tất cả. Tập sách này cũng thấm đẫm tình yêu và sự động viên của bè bạn, đồng nghiệp dành cho tôi và Bruce Weigl trong sáu tháng qua'.

 

 Đêm thơ không thắp 1000 ngọn nến như trong dự kiến chương trình, chẳng ai còn quan tâm đến điều đó, trong Hội trường không còn một chỗ trống, dù nhớn dù bé, hở ra là mất ghế, nên chẳng ai dám đứng dậy ra ngoài làm việc ABC hoặc nghe điện thoại. Tất cả cộng hưởng, thấm tháp trong trường thi ca ngọt ngào, cao cả và tươi rói yêu thương.

 

22h30 phút kết thúc đêm thơ nhạc bằng bài hát Để gió cuốn đi , 'sống trong đời sống cần một tấm lòng, để làm gì em biết không?'. Lời hát, lời thơ tan biến trong sự tiếc nuối của nhiều người. Nhà văn Văn Giá, hướng về phía Hội trường, đùa rằng những người ở lại, chính là một nửa của nền văn học nước nhà, lì lợm với thơ như thế nhẽ nào trời phụ lòng người và Văn Giá kết luận: “Chưa có lúc nào lại như ở đây/ Mật độ nhà thơ lì lợm thế này”. Cả Hội trường lại ồ lên trước sự hài hước của Chủ nhiệm Khoa Viết văn.

 

Hai nhà thơ GS Bruce Weigl, Nguyễn Phan Quế Mai ở lại Hội trường hơn nửa tiếng đồng hồ để ký tặng sách cho cho người hâm mộ. Tôi nhìn thấy trong mắt Bruce Weigl lấp lánh một điều gì đó hạnh phúc, viên mãn trong khi ông đã trở về và ở trong Ngôi nhà Việt. Ngôi nhà đó có hoa, mảnh vườn ríu rít, lăn tròn những giọt hót chim sâu, xa xa là dòng sông Bình Lục chảy hiền hoà, thơm thảo… Thơ ca quả là kỳ diệu.

 

23h đêm, Hà Nội lạnh buốt, mọi người quây quần về phòng khách Gia đình Khoa Viết văn: GS Hoàng Ngọc Hiến, GS Bruce Weigl, nhà văn Larry Heinemann, nhà thơ Bằng Việt, Trần Quang Quý, Quang Hoài, Nguyễn Phan Quế Mai, Mai Anh Tuấn, ca sỹ Hồng Gấm, Lãng Tử Đạt Ma, Hoàng Ngọc Hào (Hoàng Ngọc Hào làm ở khối kinh tế của Quân đội, là bạn trai Nguyễn Thị Hạnh Weigl, con gái nhà thơ Bruce Weigl), và chủ nhân nhà văn Văn Giá.

Mọi người nâng cốc chúc mừng, ngắm hoa hồng, uống rượu trắng từ quê hương Nguyễn Du – Hà Tĩnh với lạc rang đỏ, nóng, thơm và giòn như tiêu đề một bản tổng kết cuối năm.

Ngoài kia, giáng sinh đang đến rất gần…

 

Bài và ảnh

LÃNG TỬ ĐẠT MA

(lucbat.com)

Email: yeulucbat@gmail.com

 

CHÙM ẢNH ĐẶC BIỆT TRONG ĐÊM THƠ

“TRỞ VỀ NGÔI NHÀ VIỆT” TẠI HÀ NỘI

 

 

Toàn cảnh đêm thơ

 

 

Hai MC Hà Thu và Hữu Việt trao đổi

 

 

Nhà văn Văn Giá và dịch giả Nguyễn Phan Quế Mai

 

 

Nhà thơ Trần Quang Quý, Jennifer Fossenbell trình diễn bài thơ Nụ hôn

 

 

Nguyễn Quang Thiều và nhà thơ, nhà giáo Kelly Morse.

 

 

Nguyễn Quyến đọc thơ “Kỷ niệm ngày được tha thứ”

với nhà thơ, họa sĩ Suzi Garner

 

 

Bruce Weigl đọc thơ với Lữ Thị Mai và Giang Thuỳ Linh.

2 bài thơ: Đời cô tung bay lá cờ lụa đỏ và Lý thuyết hai sự thật

 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa phát biểu:

Các cụ Hà Nội bảo như thế là được

 

Hội trường không còn 1 chỗ trống

Phải chen nhau, kiễng chân để nghe thơ

 

 

Nhà thơ Hữu Thỉnh và phút thân mật với Bruce Weigl

 

 

Nhà thơ Bằng Việt và Jennifer Fossenbell

 

Những người bạn thân thiết

 

 

Dịch giả Thuý Toàn (Thứ 3, trái sang)

 

 

Hai nhân vật chính Bruce Weigl và Nguyễn Phan Quế Mai

 

Bruce Weigl: Chúng ta nên mở một quầy hoa trên phố Mai Hắc Đế

 

Với các nghệ sỹ trong đêm thơ

 

Nguyễn Phan Quế Mai trả lời phỏng vấn

 

Trái sang: Nhà thơ Hữu Việt, Nguyễn Phan Quế Mai,

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bảo Chân

 

 

Ca sỹ Hồng Gấm, Nhật Thảo khoe vẻ đẹp bí ẩn thơ mùa đông

 

Tạm biệt và hẹn gặp lại

 

Ấm áp trong phòng khách Khoa Viết văn lúc 23h đêm.

 

 

Xem thêm bài trên Báo Tuổi trẻ

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: