Cảm xúc ngập tràn trên những khuôn mặt đã đi qua thời gian. Có những cựu chiến binh già trong bộ quân phục đã cũ, nhòa lệ khi xem lại những kỷ vật từ chiến trường.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam ngày 15-12 chứng kiến một cuộc gặp gỡ cảm động của các cựu chiến binh, tướng lĩnh quân đội và cả nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Họ có mặt để khai mạc triển lãm Những kỷ vật kháng chiến sau gần 3 năm vận động sưu tầm.
Nhòa lệ đi ngược ký ức
Trước giờ khai mạc triển lãm, trên sân bảo tàng lộng gió, ông Nguyễn Tá Thìn (ngụ thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) trầm ngâm nhớ lại người em trai, liệt sĩ Nguyễn Tá Lập, hy sinh khi vừa tròn hai mươi tuổi. Nhà có ba người con trai, cả ba đều lên đường nhập ngũ, hai người tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, một người tham gia chiến tranh biên giới. 'Em tôi nhập ngũ khi vừa tròn mười tám, hai năm sau, trong một trận đánh ở chiến trường Quảng Nam, đồng đội của em giành chiến thắng nhưng em tôi thì mãi mãi nằm xuống' - ông Thìn tâm sự. Cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Tá Lập đã được đồng đội của ông gìn giữ và sau đó mang ra Bắc trao tận tay cho gia đình. Sau mấy chục năm, những dòng chữ đã nhòe mực được gia đình liệt sĩ Lập trân trọng trao tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Vượt gần trăm cây số từ Thái Nguyên xuống Hà Nội, người cựu binh già, thương binh Lý Viết Nghiên, còn có người vợ đi cùng. Bà đi vì không yên tâm để ông (mất 45% sức khỏe) một mình vượt chặng đường dài. Nhập ngũ năm 1968, chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế cho đến ngày thống nhất đất nước, ông Nghiên làm nhiệm vụ mở đường, rà phá bom mìn và trực tiếp chiến đấu ở Sư đoàn 304.
Bị mất bốn ngón tay trong một trận chiến đêm, thêm một mảnh đạn nữa găm vào đầu năm 1971, thế nhưng ông Nghiên kiên quyết không trở ra hậu phương mà bám trụ tại chiến trường. Giọng nói vẫn đầy hào khí, đôi mắt ánh lên niềm vui khi nhắc lại những đồng đội xưa, ông Nghiên cùng vợ đã hiến tặng bảo tàng 15 hiện vật gắn bó sống chết với ông và các đồng đội.
Bài ca không quên
11.000 hiện vật đã được các bảo tàng quân đội tiếp nhận từ năm 2008 đến nay, 1.033 hiện vật tiêu biểu trong số đó đã được chọn giới thiệu trong cuộc triển lãm nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22-12. Rất nhiều kỷ vật đã gây xúc động mạnh với người xem. Đó là chiếc nồi đồng (nồi mười) từng trộn máu, gạo, đất của mẹ Trần Thị Xân ở Đại Thắng, Đại Lộc, Quảng Nam. Mẹ có tới 5 người con là liệt sĩ, bản thân mẹ cũng hy sinh khi đang nấu cơm phục vụ thương binh.
Là chiếc mái chèo của ông Lại Tấn Chuyên, người 'đứng mũi chịu sào' cùng với mẹ Suốt anh hùng trên những chuyến đò chở bộ đội qua sông Nhật Lệ. Bộ 'Quyết tâm thư” 70 lá viết bằng máu của 70 dân quân trong đại đội dân quân súng 12,7 mm mang tên Phùng Chí Kiên (Diễn Châu, Nghệ An) được tăng cường cho mặt trận Quảng Trị chiến đấu anh dũng (đến nay chỉ còn lại 30 người). Là chiếc mũ sắt của một liệt sĩ trong số 200 chiến sĩ mũ sắt của thủ đô Hà Nội thuộc Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 hy sinh trong đêm 26-3-1968 tại Chư Tan Kra... Những kỷ vật trên nay đã trở thành báu vật.
Họa sĩ Lê Đức Tuấn, chủ nhân của chiếc ba lô đựng cuốn nhật ký bằng tranh ông vẽ khi hành quân vào chiến trường Tây Nguyên, xúc động đến trào nước mắt khi nhận lại cuốn nhật ký của mình sau 42 năm thất lạc. Lên đường theo tiếng gọi của tổ quốc, chàng sinh viên trường mỹ thuật không viết nhật ký theo cách thông thường mà vẽ bằng tranh trong mỗi giờ nghỉ ít ỏi. Sau trận chiến ác liệt ở Chư Tan Kra, chiếc ba lô đựng cuốn nhật ký của ông bị thất lạc và rơi vào tay người Mỹ. Cũng giống như nhật ký Đặng Thùy Trâm, cuốn nhật ký bằng tranh được mang về Mỹ, đăng trên báo Mỹ và sau này như có sự sắp đặt, đã tìm được chủ nhân tưởng đã hy sinh của mình.
Chất liệu cho nhiều tác phẩm nghệ thuật Hơn 300 bài viết đã được gửi về Ban Tổ chức cuộc thi viết 'Những kỷ vật kháng chiến'. Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, tâm sự từ những bài viết này, nhiều câu chuyện xúc động đã được phát hiện. Có thể kể đến bài viết về chiếc gậy kỷ vật của anh bộ đội Phùng Văn Quán gửi về quê hương Hòa Xá, Ứng Hòa, Hà Nội (Hà Tây cũ). Từ tinh thần dũng cảm của người con quê hương, các cụ bô lão trong làng đã phát động phong trào tặng gậy cho thanh niên trước khi lên đường nhập ngũ. Đây cũng chính là chất liệu để nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác bài hát Chiếc gậy Trường Sơn nổi tiếng. Câu chuyện về chiếc xe đạp của liệt sĩ Lang Sỹ Thủy cũng khiến cho nhiều người đọc phải rơi nước mắt. Dù bị thương sau một trận chiến, được cấp trên cho điều trị tại hậu phương và chuyển công tác về Tỉnh đội Thanh Hóa nhưng vết thương chưa kịp lành, anh chiến sĩ trẻ đã 'mượn' chiếc xe đạp của người chị đạp thẳng từ Thanh Hóa vào chiến trường Thành cổ Quảng Trị chia lửa cùng đồng đội. Anh Thủy đã anh hũng hy sinh. Chiếc xe đạp được anh gửi lại nhà một người dân xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Linh với lời dặn: 'Chị làm ơn cho tôi gửi chiếc xe. Nếu tôi còn sống sẽ trở lại lấy, còn nếu tôi hy sinh, sẽ có người nhà đến nhận'. Chiếc xe đã được bảo quản từ đó đến nay. Lễ trao giải cuộc thi viết 'Những kỷ vật kháng chiến' đã được tổ chức ngay sau lễ khai mạc triển lãm với giải nhất dành cho bài viết Báu vật Trường Sơn của tác giả Nguyễn Huân, ngoài ra còn 2 giải nhì, 4 giải ba cùng nhiều giải khuyến khích. |
Theo Yến Anh