Thứ hai, 23/12/2024,


'Mùa xuân nho nhỏ' -Khát vọng dâng hiến của Thanh Hải (16/12/2010) 

Thanh Hải tên thật là Phạm Bá Ngoãn, sinh ngày 4-11-1930, quê ở xã Phong Bình, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế. Trong kháng chiến chống Mỹ ông làm công tác văn hóa văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Khu ủy Trị Thiên. Sau năm 1975, ông là Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên. Ông mất ngày 15-12-1980.

 

Thơ Thanh Hải đã đi vào văn học nhà trường từ thập kỷ 60. Hồi đó, học sinh tiểu học ở miền Bắc đã thuộc lòng các bài thơ Mồ anh hoa nở, Cháu nhớ Bác Hồ của ông. Thơ ông bình dị như cuộc đời của ông, một người chiến sĩ kiên trung với cách mạng.

 

Đêm nay trên bến Ô Lâu/Cháu ngồi cháu nhớ chòm râu Bác Hồ... là một trong những vần thơ cảm động nhất về tình cảm của thanh thiếu niên miền Nam đối với Bác. Nói về tình cảm thủy chung, gắn bó son sắt hai miền Nam-Bắc thì Tám năm nay mới gặp nhau của Thanh Hải cũng là tiêu biểu. Năm 1960, trong phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc có nhà thơ Thanh Hải.

 

Từ chiến khu Thừa Thiên, Thanh Hải cuốc bộ vào Tây Ninh, rồi sang Campuchia đi máy bay qua Trung Quốc, đi tàu hỏa về Hà Nội. Sau chuyến đi đầy gian nan và hiểm nguy, Thanh Hải để lại những vần thơ xúc động lòng người: Xa nhau chỉ một mái chèo/Mà đi trăm núi vạn đèo đến đây/Siết tay ôm chặt lấy tay/Nói gì, nước mắt tràn đầy đôi môi....

Thanh Hải đã xuất bản các tập thơ: Những đồng chí trung kiên; Huế mùa xuân; Dấu võng Trường Sơn; Mùa xuân đất này; Thanh Hải thơ tuyển. Từ năm 1960 đến năm 1965, cùng với Giang Nam, Thanh Hải là một hiện tượng thơ được chú ý.

Năm 1965 Thanh Hải được tặng Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu, là sự đánh giá những đóng góp quan trọng của ông cho nền thơ ca chống Mỹ. Năm 2001 ông được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (đợt 1).

Thanh Hải mất vì bạo bệnh. Bạn bè, đồng chí, độc giả, người thân tiễn đưa Thanh Hải về nơi yên nghỉ. Đi theo sau linh cữu Thanh Hải đám càng đi càng dài/càng dài càng đông mãi... Mộ anh trên đồi cao, nằm bên cạnh những nhà chí sĩ, những đồng chí trung kiên như: Đạm Phương nữ sử, Nguyễn Chí Diểu, Hải Triều, Lê Tự Nhiên, Ấu Triệu Lê Thị Đàn... Nghĩa trang này hình thành theo “ý chỉ” của cụ Phan Bội Châu. Cụ Phan mua khu đất này từ năm 1925, trong thời kỳ cụ bị thực dân Pháp giam lỏng ở Huế, dành cho các nhà yêu nước và nhà cách mạng ở Huế.

 

Trước ngày ra đi, Thanh Hải kịp để lại cho đời một Mùa xuân nho nhỏ. Ngay trong đêm đưa tiễn bạn, nhạc sĩ Trần Hoàn đã phổ rất thành công bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, về sau trở thành nhạc hiệu của Đài Phát thanh Thừa Thiên Huế, trở thành bài ca đi cùng năm tháng về đề tài mùa xuân của âm nhạc Việt Nam. Thanh Hải viết Mùa xuân nho nhỏ trên giường bệnh. Đó là lời tự sự chân thành, tâm niệm của một nhà thơ về lẽ sống.

 

Dù biết ngày ra đi đã rất gần nhưng khát vọng dâng hiến vẫn rực sáng trong Thanh Hải: Ta làm con chim hót/ Ta làm một nhành hoa/ Ta nhập vào hòa ca/ Một nốt trầm xao xuyến/ Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời/ Dù là tuổi hai mươi/ Dù là khi tóc bạc.

 

Thanh Tùng

(Nguôn: Tiền Phong Online)

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: