Thứ hai, 23/12/2024,


Nhà thơ Hoàng Trung Thông: Bình dị và độc đáo (13/12/2010) 

Nếu còn hiện diện với chúng ta tới ngày hôm nay, nhà thơ Hoàng Trung Thông cũng "mới chỉ" bước vào tuổi 85, nghĩa là vẫn còn kém 5 tuổi nữa mới bằng tuổi cụ... Tô Hoài. Nhưng ông đã ra đi cách đây tới gần hai chục năm rồi...

 

Bạn bè, đồng nghiệp và các bậc đàn em nhớ tới ông là nhớ tới một nhà thơ nổi tiếng cương trực, người mà thời còn làm Viện trưởng Viện Văn học đã thẳng thừng từ chối việc chuẩn bị hồ sơ để được phong hàm giáo sư với lý do "làm một nhà thơ là đủ lắm rồi". Ông cũng là người chủ động viết đơn xin nghỉ hưu trước khi có ý kiến của cấp trên - một chuyện hiếm gặp trong giới công chức nước ta.

Về chi tiết của vụ việc này, trước đây, trong bài báo "Hoàng Trung thông với rượu và..." đăng trên tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an (nay là Chuyên đề Văn nghệ Công an) số tháng 1 năm 1998, Tiến sĩ Lê Đình Cúc đã thuật lại như sau: "Năm 1985, gần đến tuổi về hưu, ông làm đơn nhường lại chức vụ viện trưởng cho người trẻ hơn. Đơn gửi được hai ngày thì Giáo sư Phạm Huy Thông, lúc đó là Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội (KHXH) phụ trách tổ đi công tác nước ngoài về, xuống ngay Viện Văn học gặp nhà thơ Hoàng Trung Thông để giải quyết. Hai nhà thơ lớn gặp nhau, vui chuyện văn chương, chẳng nói gì chuyện về hưu. Suốt buổi vui vẻ, Giáo sư Phạm Huy Thông thấy khó nói quá. Cuối cùng nhà thơ Hoàng Trung Thông hỏi giáo sư còn chuyện gì nữa không, Giáo sư Phạm Huy Thông đưa quyết định về hưu cho ông HoàngTrung Thông. Ông khùng lên:

- Tôi tự nguyện xin về hưu, nhưng anh là lãnh đạo cấp trên. Tôi không nói chuyện chúng ta là nhà thơ mà là chuyện cấp trên với cấp dưới. Cấp trên không tìm hiểu lý do, nguyện vọng, tình cảm của cán bộ đã vội vã quyết định. Nhân viên hành chính của tôi, một chị lớn tuổi ốm đau xin về hưu, tôi còn để 3 tháng trời tìm hiểu có đúng thật chị muốn về nghỉ hay không. Huống hồ tôi về làm viện trưởng là do cấp trên cử. Nay dù tôi gửi đơn, các anh có gì mà vội thế. Tôi rút đơn không về hưu nữa.

Giáo sư Phạm Huy Thông ngơ ngác, xin lỗi ra về. Hôm sau nhà thơ Hoàng Trung Thông họp cơ quan tuyên bố bàn giao chức viện trưởng và về hưu:

- Tôi nói để những người lãnh đạo phải lưu tâm đến con người, đến số phận, tình cảm của nhân viên chứ tôi không có ý định ở lại đâu.

Mặc dù câu chuyện được kể bởi một nhân chứng đáng tin cậy (từng công tác tại Viện Văn học dưới thời Viện trưởng Hoàng Trung Thông), song nó vẫn có vẻ gì đó như... đùa, khiến không ít bạn đọc phải đặt câu hỏi: Chẳng lẽ công tác cán bộ ở một nơi nghiêm cẩn như vậy lại có lúc lỏng lẻo đến độ, muốn thì "nghỉ", không muốn thì "thôi", vậy sao? 

Để góp phần trả lời câu hỏi này, tôi đã liên hệ điện thoại với Giáo sư Phong Lê, một cộng sự đắc lực của nhà thơ Hoàng Trung Thông thời kì ông làm ở Viện Văn học (giống như bậc đàn anh đồng hương của mình, Giáo sư Phong Lê sau này cũng giữ cương vị Viện trưởng Viện Văn học). Giáo sư Phong Lê cho biết:

- Ông Hoàng Trung Thông về làm viện trưởng trong một tình thế đặc biệt. Thường thì cái "ghế" này bao giờ cũng thuộc về người của Ban Khoa giáo. Ông Thông lại là cán bộ tuyên huấn (trước đấy, ông là Vụ trưởng Vụ Văn nghệ - Ban Tuyên huấn Trung ương). Ông Tố Hữu và ông Đặng Thai Mai "nhắm" ông về là vì ở Viện Văn học lúc bấy giờ, nội bộ đang mất đoàn kết. Ông Thông thuộc "típ" lãnh đạo có tác phong dân dã, quần chúng, phần nào amatơ, lại rơi vào một nơi có tiếng là "kinh viện" nên mặc dù ông rất được lòng anh em trong cơ quan, song phải nói thật là một vài vị lãnh đạo trên ủy ban không thích ông. Họ dị ứng với cách nói thẳng băng của ông.

Tôi nhớ, hình như hôm ấy là Đại hội Đảng bộ của Ủy ban KHXH thì phải, ông nói ông rất áy náy khi lương mình được xếp cao hơn nhiều so với các cán bộ trưởng ban, trong khi trách nhiệm của họ rất nặng nề. Đến khi chuẩn bị bầu cấp ủy, chính nhà tôi (tức nhà nghiên cứu văn học Vân Thanh) đã đề cử ông vào Đảng ủy. Có lẽ nghĩ mình không trúng, ông xin rút, nhưng nhà tôi kiên quyết không để ông rút tên. Và kết quả đã xảy ra đúng như nhận định của ông. 

- Theo tôi được biết, Giáo sư Phạm Huy Thông có tiếng là người lịch lãm, đôn hậu, liệu cách xử sự của ông với nhà thơ Hoàng Trung Thông như trong bài báo nói trên có "quá đà" không? Và "khẩu khí" mà nhà thơ Hoàng Trung Thông dùng để nói với một bậc đàn anh trong nghề và là "thượng cấp" của mình như vậy cũng không "ổn" thì phải? - Tôi nêu thắc mắc của mình với  Giáo sư Phong Lê.

- Tôi không được chứng kiến cuộc này nên không rõ thực hư. Song phải khẳng định luôn là, ông Thông giáo sư này là một người rất hay, ông ấy không có hề hấn gì với ông Thông nhà thơ (tức Hoàng Trung Thông). Mâu thuẫn là ở chỗ ông Chủ nhiệm Ủy ban KHXH kia. Việc Giáo sư Phạm Huy Thông cầm quyết định xuống trao cho nhà thơ họ Hoàng cũng là do "lệnh trên", cũng là tình thế bất đắc dĩ thôi. Còn nói như ông Hoàng Trung Thông, quả có hơi nặng lời, song điều này có thể cảm thông được, bởi tôi biết, hai người thân nhau đến độ họ có thể nói với nhau bất cứ điều gì mà không sợ người kia chạnh lòng tự ái.

- Như giáo sư đã biết, nhà thơ Hoàng Trung Thông sinh năm 1925. Ông làm đơn xin nghỉ hưu năm 1985, nghĩa là vừa đúng 60 tuổi. Như vậy, bỏ qua vấn đề tình cảm cá nhân, việc lãnh đạo Ủy ban KHXH ra quyết định đồng ý để ông nghỉ hưu có lẽ cũng là chuyện bình thường? 

- Sẽ là bình thường nếu đó là cấp "phó viện" trở xuống, bởi theo thông lệ, tuổi "tại vị" của Viện trưởng Viện Văn học thường cao hơn, như trường hợp Giáo sư Đặng Thai Mai, ông thôi làm Viện trưởng khi đã ở tuổi 73. Vả chăng, làm sao có thể gọi là "bình thường" khi người ta đồng ý để một người nghỉ hưu ở tuổi 60 (trường hợp nhà thơ Hoàng Trung Thông), nhưng sau đó lại bổ nhiệm một người vào cương vị này ở tuổi... 66. "Vấn đề" chính là ở chỗ ấy.

"Làm một nhà thơ cũng đủ lắm rồi" - nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Lưu có lẽ đã có cách nhìn nhận đúng khi cho rằng, việc lãnh đạo Viện Văn học là công việc mà Hoàng Trung Thông "cần phải làm, bởi được giao phó", còn "hứng thú của ông có lẽ lại ở chén rượu và câu thơ". ở đây, nhà phê bình Nguyễn Văn Lưu đã có một sự liên hệ thông minh: "Có lẽ câu châm ngôn nước ngoài: Hãy nhanh chóng làm cái phải làm để làm cái ta thích làm lại có vẻ thích hợp với Hoàng Trung Thông". Và khi đã đối diện với chén rượu, câu thơ, Hoàng Trung Thông hoàn toàn trút bỏ chiếc áo viện trưởng.

Nhà văn Phong Thu từng kể: Một lần, ông và người bạn cùng trang lứa được thi nhân họ Hoàng đãi rượu ở một tửu quán trên phố Bà Triệu. Khi nâng cốc, anh bạn lên tiếng: "Xin chúc thủ trưởng". Hoàng Trung Thông nghe vậy thì ngồi yên, giọng lạnh tanh hỏi: "Cậu chúc gì ai đấy?". Anh bạn vội giải thích: "Chúc anh". Hoàng Trung Thông vẫn ngồi im. Phải đến vài giây trong tư thế ấy, ông nhìn chằm chằm vào người vừa buông ra lời chúc, cười nhạt bảo: "Thơ - không có thủ trưởng. Uống đi!".

Từ lâu, văn giới vẫn lưu truyền cặp câu đối ông viết tặng nhạc sĩ Đỗ Nhuận trong một cuộc rượu: "Cậu tỉnh, cứ tình ca, chắc chẳng lang bang đấy chứ/ Mình say thường chếnh choáng, đã từng quỵ lụy ai đâu". Đúng là Hoàng Trung Thông sống trung thực, ngay thẳng, như chính cái tên của mình.

Nhân nhắc đến chuyện Hoàng Trung Thông và rượu, tôi lại nhớ tới nhận xét của nhà thơ Hoàng Cát nhân một lần gặp ông hồi tháng 8/1992: "So với những thi sĩ cao niên khác trong làng văn thì nhà thơ Hoàng Trung Thông có hình thể già lão và suy yếu hơn tuổi tác rất nhiều. Râu tóc ông đều bạc trắng như tuyết từ nhiều năm nay. Có người cho rằng vì ông uống nhiều rượu. Nhưng theo tôi hiểu, nếu có tại cái đó, thì cũng chỉ là một phần - thậm chí là một phần rất nhỏ và là rất bề ngoài của con người và của tâm hồn thi sĩ ấy mà thôi. Mà cái chính là do bầu tâm sự về nhân tình thế thái trong sâu kín trái tim nhà thơ".

Tôi cho ý kiến này của nhà thơ Hoàng Cát không phải không có lý. Hãy đọc những câu thơ nhắc đến rượu của Hoàng Trung Thông: "Tôi muốn uống rượu trong/ Lại phải uống rượu đục/ Chao! Sông cũng như người/ Có khúc và có lúc" (bài "Tứ tuyệt"), hoặc "Nâng chén thưởng trăng, trăng tỏ/ Ai rõ lòng ta đang nhớ tới xa xăm/ Ai rõ trăng vẫn soi lòng ta như thế đó/ Thế rồi ta cất chén cùng tri âm/ Không phải chén quỳnh đâu đừng trầm ngâm/ Một mình ta mời trăng mời bạn/ Trăng biết đâu lòng ta lệ đầm" (bài "Mời trăng"). Rất nhiều tâm sự, ký gửi trong những câu thơ "lệ đầm" ấy.

Cũng nhắc nhiều đến thú uống rượu của thi sĩ họ Hoàng, song với nhà thơ Ngô Văn Phú, khi tác giả "Bài ca vỡ đất" tìm đến rượu, ấy là lúc ông được sống "cái phút thực nhất của con người". Theo Ngô Văn Phú, vì Hoàng Trung Thông từng giữ cương vị quản lý văn nghệ, nên "trách nhiệm, suy tư, những cuộc đấu tranh phức tạp và tế nhị trên mặt trận văn nghệ luôn luôn ở trên vai ông". Chỉ khi rời bỏ những cương vị đó, được trở về với thơ, với rượu, ông mới thấy "mình thật là mình".

 

Phạm Thành Chung

(Nguồn: VNCA)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Mai Văn Minh - maiminh60@yahoo.com - 0933 893525 - 855 Nguyễn Trung Trực TP Rạch Giá tỉnh Kiên Giang  (Ngày 13/10/2016 22:37:41)

Tôi yêu mên nhà thơ Hoảng Trung Thông về thơ và nhân cách của ông.
Bài viết bổ ích giúp tôi càng hiểu biết hơn về ông. Xin cảm ơn tác giả.

Các bài khác: