Ít có nhà văn nào mỗi lần ra sách lại được bàn tán xôn xao như Tạ Duy Anh. Giã biệt bóng tối chưa hết ồn ào, Tạ Duy Anh lại sắp công bố “Những giấc mơ của tôi”. Tác giả “Bước qua lời nguyền” từng khoe với chủ nhân trang web này rằng: “Cái gì tớ vừa nhìn thấy trong giấc mơ thì ít lâu sau lại xảy ra trong thực tế!”.
Còn trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên, nhà văn Tạ Duy Anh thổ lộ: “Không thể nói là tôi tin vào những giấc mơ mà những giấc mơ cho tôi biết trước hiện thực sẽ xảy đến. Và nó không hề đánh lừa tôi!”
- Ít có nhà văn Việt
Tạ Duy Anh: Tôi chỉ cảm thấy điều đó giống như một gánh nặng. Sự thật thì không phải lúc nào cũng sung sướng khi được nhiều người mang ra bàn tán. Khi đó tôi chỉ thèm được yên tĩnh để suy nghĩ. Tôi là người luôn có quá nhiều việc phải làm và nó thu hút toàn bộ mối quan tâm của tôi. Vì thế, với tôi, mỗi cuốn sách ra đời giống như xong một việc. Rung đùi thì không - vì tôi ghét thói quen đó, nhưng thở phào thì có đấy.
- Nhiều người cho rằng Giã biệt bóng tối của anh đượm màu sắc u ám, đen tối và... tục tĩu. Anh có muốn "nói lại" không?
Tạ Duy Anh: Những gì có thể nói thì tôi đã nói trong tác phẩm. Tôi tuyệt đối tin vào trái tim trong sáng của mình, vì thế hãy để mặc ai muốn nghĩ thế nào cũng được. Mà cứ cho là nhiều người nghĩ như thế đi thì... họ vẫn không phải là tất cả.
- Anh hay nói về sự phù phiếm của cuộc đời và sự phù phiếm của việc theo đuổi những cái phù phiếm đó. Vậy, thế nào là phù phiếm, theo quan niệm của anh, và anh làm gì để thoát khỏi nó?
Tạ Duy Anh: Phải ngoài ba mươi tuổi tôi mới nhận ra rằng, những việc đáng làm ở mỗi người luôn chỉ bằng một phần nhỏ những việc không đáng làm, những việc thuộc loại vớ vẩn. Theo tôi, việc gì đáng làm mà không làm đến nơi đến chốn, việc gì không đáng làm mà dồn hết tâm huyết, sức lực vào để làm thì chính là phù phiếm.
- Vì sao những trang viết trong trẻo nhất của anh lại là những trang viết về gái điếm, về những đứa trẻ lang thang, bụi bặm, còn giới trí thức thì trở nên xấu xí, kệch cỡm? Có bi quan quá không?
Tạ Duy Anh: Điều đó chỉ chứng tỏ tầng lớp người mà chúng ta quen gọi là dưới đáy ấy còn đáng kính trọng và đáng cho tôi hy vọng.
- Tập sách sắp xuất bản của anh - Những giấc mơ của tôi - kể lại những giấc mơ của anh. Tại sao anh tin vào những giấc mơ?
Tạ Duy Anh: Tôi đã trải nghiệm đủ để nhận ra rằng có những điều ta không thể đặt câu hỏi tại sao. Không thể nói là tôi tin vào những giấc mơ mà những giấc mơ cho tôi biết trước hiện thực sẽ xảy đến. Và nó không hề đánh lừa tôi. Nếu là bạn, bạn sẽ nghĩ là mình tin hay mình thấy?
- Những giấc mơ "tầm phào" ấy giúp ích gì cho anh, và cho độc giả?
Tạ Duy Anh: Những giấc mơ làm thay đổi cuộc đời một con người, một nhà văn, hoàn thiện nhân cách ở anh ta thì không thể nói là tầm phào được. Tôi chỉ biết chắc những gì tác động đến tôi qua những giấc mơ như vậy. Đó là nó cho tôi vững tin vào tương lai, vào ý nghĩa của những hành vi mang tính đạo đức, vào sức mạnh mỗi người có thể có và vào kiếp sau, kiếp sống cần được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn kiếp sống hiện tại.
- Anh nói với một nhà văn, một trí thức, điều quan trọng là cố gắng sống sao cho lương thiện. Anh có thể nói rõ hơn?
Tạ Duy Anh: Trí thức là bộ phận tinh hoa của mỗi dân tộc. Chỉ trí thức mới phải gánh chịu trách nhiệm là những kẻ được trao sứ mệnh. Một dân tộc được kính trọng hay bị coi thường đều quyết định bởi tầng lớp trí thức. Vì cái sứ mệnh lớn lao đó mà phải sống xứng đáng, không được cam chịu cúi đầu, không được ngoan ngoãn làm những con vẹt, không được bán mình vì danh hay vì lợi hay vì bất cứ quyền lợi cá nhân nào khác. Trí thức không được nói dối. Theo tôi, bệnh nói dối của trí thức mới là hiểm họa lâu dài. Vì thế, không nói dối đã là một người lương thiện rồi.
Y NGUYÊN
(Nguồn: trannhuong.com)