Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng cho biết, sẽ cố giữ nhịp độ sáng tác đều đặn mỗi năm một tác phẩm văn học. Năm nay, giữa bộn bề công việc, giữa sự chú ý của bạn đọc với giải thưởng Văn học ASEAN mà nhà văn vừa đón nhận, tác phẩm mới nhất của anh vẫn không trễ hẹn với bạn đọc. Và có lẽ trong số những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tác phẩm mới này có cái nhan đề mang đậm chất thơ nhất: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.
Ngồi im trong gió nghe đêm rớt
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, lấy từ câu thơ của chính nhà văn:
“Ngồi im trong gió nghe đêm rớt
Chợt thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.
Không biết tác giả làm câu thơ này xong mới nảy ra ý tưởng viết sách hay ngược lại, tuy nhiên, điều mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được khi đọc xong tác phẩm là hai câu thơ này phản ánh trọn vẹn cảm xúc mà tác phẩm tạo ra cho bạn đọc.
“Tôi” trong tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cũng giống như nhiều tác phẩm trước của Nguyễn Nhật Ánh, một cậu bé đang học tiểu học tại một ngôi trường làng. Toàn bộ tác phẩm chia làm 81 câu chuyện nhỏ xoay xung quanh cuộc sống hàng ngày của cậu bé. Đó có thể là chuyện về ông chú mới lớn, sau một tai nạn chỉ còn một tay nhưng lại khoái dọa ma mấy đứa cháu; là cậu em luôn thần tượng ông anh nhưng cũng khổ vì ông anh quá láu cá; là cô bạn hàng xóm có người cha mắc căn bệnh lạ… Xoay xung quanh họ còn là chuyện mối tình của ông chú, chuyện giấc mơ hoàng tử công chúa, chuyện tình yêu của những người lớn qua con mắt bọn trẻ con hay thậm chí là cả chuyện bọn trẻ con bắt đầu có “cảm giác lạ” về những người bạn xung quanh. Các câu chuyện còn có cả những yếu tố kịch tính như vụ đốt nhà bí hiểm, lũ lụt, đói ăn, những cảm giác hối hận, ghen tuông, lòng bao dung…
Thoáng nghe qua, có bạn đọc tò mò hỏi, vậy “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” có gì khác với những tác phẩm trước của nhà văn, những tác phẩm đó cũng có hết những yếu tố đã kể trên. Điều này cũng là một vấn đề đối với bất cứ nhà văn nào có nhiều tác phẩm và các tác phẩm mới rất dễ bị đem ra so sánh với tác phẩm cũ.
Chợt thấy hoa vàng trên cỏ xanh
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có hai nhận xét về tác phẩm mới nhất của mình: “Lần đầu tôi cho xuất hiện các nhân vật phản diện” và “Tôi muốn nhấn mạnh đến cái ác của sự vô tâm”…
Thật khó để tìm ra một phản diện trong tác phẩm mới nhất của anh. Nếu nói phản diện, cả tác phẩm khả dĩ có một nhân vật Sơn, con ông Bá Huân. Một cậu bé học dốt, ham chơi, tính tình thích bắt nạt kẻ yếu, sợ hãi người mạnh… tạm coi là phản diện dù rằng mới chỉ là mầm mống của sự độc ác trong tương lai.
Thế nhưng, cái ác của sự vô tâm lại được phản ánh rất rõ nét, rõ đến nỗi nhiều khi nó khiến người đọc lạnh người. Cái ác có khi rất nhẹ nhàng, như lúc nhân vật chính để mặc cho người hàng xóm bắt đi con vật thân thiết nhất của em mình chỉ vì một chút ghen tuông. Chỉ một chi tiết nhỏ đó thôi đã làm người đọc phải ngậm ngùi, sự đen tối đã lan trong tâm hồn của một đứa trẻ. Cũng có khi cái ác thể hiện dữ dội như lúc cậu bé lao vào đánh em mình đến liệt giường chỉ vì sự hiểu lầm. Cũng có khi cái ác của sự vô tâm lại được thể hiện gián tiếp như cô bé Nhi bị tâm thần phải sống cách biệt chỉ vì sợ những đứa trẻ chọc ghẹo, hay bố của Mẫn chỉ vì một căn bệnh phải lựa chọn sống chui sống nhủi, thậm chí dùng cả biện pháp quyết liệt nhất để bỏ ra đi.
Vậy “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” có giống với một số tác phẩm khác cũng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không? Câu trả lời là có và không! Có, vì nó cũng có một số mô típ quen thuộc. Không, là vì các mô típ này đã được tác giả đẩy lên một tầm cao mới. Các tuyến nhân vật khốc liệt hơn đồng thời cũng đời thường hơn. Ở một khía cạnh nào đó thì tác phẩm là một sự gắn kết mới, nó có cái sầu nhẹ nhàng của những Mắt biếc, Đi qua hoa cúc, Còn chút gì để nhớ… nhưng cũng không thiếu tiếng cười hồn nhiên của những Thằng quỷ nhỏ, Kính vạn hoa, Chú bé rắc rối… Tất cả đều được kể bằng một giọng văn đậm chất Nguyễn Nhật Ánh, nhẹ nhàng pha chút tinh nghịch, hài hước đôi lúc có cả một chút của sự chua xót, lắng đọng…
Và một điểm độc đáo nhất nữa chính là cách đọc tác phẩm. Cũng như hai câu thơ mở đầu, bạn có thể đọc qua rồi cười hoặc chau mày với những tình huống trong truyện. Nhưng chỉ khi đọc lại lần nữa, bạn sẽ thấy ẩn sau những chi tiết bình thường lại là những suy ngẫm mới, những cảm nhận mới. Sự ghen tuông tưởng chừng ngô nghê kia có phải là điều mà người trưởng thành cũng vẫn vấp phải, cái câu chuyện chui bụi rậm của hai đứa trẻ chưa kịp lớn khiến người đọc mường tượng đến những điều mang tính thời sự của hôm nay… Tất cả hiện ra cũng như khi ngồi lặng im để nghe trong gió tiếng “đêm rớt”.
Chương cuối cùng của chuyện cũng đồng thời mang tên của tác phẩm. Gieo cho bạn đọc những tâm trạng trái chiều nhưng tác giả vẫn đau đáu trong lòng về đối tượng bạn đọc chủ yếu của mình là thiếu nhi nên chương cuối này đưa mọi sự đến một kết cục tốt đẹp nhất có thể. Tác giả thầm nhắc nhở bạn đọc rằng: “Bạn cũng biết rồi đó, lúc nào cũng nhìn tương lai bằng ánh mắt u ám thì làm sao sống nổi!”. Hoa vàng trên cỏ xanh, có lẽ đó chính là bông hoa của hy vọng và hạnh phúc trong cuộc sống hôm nay.
TƯỜNG VÂN
(Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng)