Thứ hai, 23/12/2024,


Nữ hoạ sỹ Nhật và khát vọng ‘vĩnh cửu hóa’ phong cảnh Việt Nam (10/12/2010) 

Sợ những khung cảnh ấy sẽ biến mất hoặc thay đổi theo thời gian, nữ hoạ sỹ Nhật Bản đã vĩnh cửu hóa cảnh vật Việt Nam bằng sự kiên trì của mình.

 

Trắc ẩn trước những đổi thay

 

Toba Mika là cái tên không xa lạ trong làng hội họa Việt Nam. Nữ sỹ người Nhật Bản này đã có 16 năm gắn bó với Việt Nam, ghi lại những hình ảnh quen thuộc về Việt Nam và thể hiện bằng những bức tranh nhuộm Katazome. Thành công từ việc làm tranh Katazome đã khó, thành công từ việc làm tranh Katazome về phong cảnh đất nước không phải là quê hương mình càng khó bội phần. Được hỏi vì sao chị lại chỉ làm những bức tranh về cảnh ở Việt Nam, Toba Mika trả lời: “Đây là những cảnh tôi đã từng gặp ở đất nước tôi và tôi sợ những cảnh ấy sẽ biến mất cùng với sự phát triển của xã hội”. Như một người Việt Nam thực sự, mỗi lần đến Việt Nam, người phụ nữ mảnh mai này lại đi đến nhiều vùng miền của mảnh đất hình chữ S này, vẽ, chụp lại những hình ảnh mà chị lo ngại sẽ biến mất, như một khát vọng vĩnh cửu hóa cuộc đời của cảnh vật.

Tới Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1994, và dường như, tâm hồn chị đã “gặp” Việt Nam. Chị chia sẻ: “Tôi có duyên với Việt Nam”. Và quả thực, công chúng người Nhật yêu tranh chị cũng “ghen tỵ”: “Toba Mika vẽ tranh về Việt Nam còn đẹp hơn vẽ tranh về Nhật Bản”. Cũng nhờ gặp Việt Nam mà chị đã chuyển hướng sáng tác của minh, từ chủ đề hoa sang cuộc sống và cảnh quan thực tế.

Hơn 100 bức ảnh về cảnh Việt Nam là gia tài lớn nhất của chị. Những cảnh đẹp, cả những cảnh “không hẳn là đẹp” về Việt Nam nhưng lại rất có hồn, rất “có số phận” như cách nói của chị. Người xem có thể xuýt xoa trước cảnh đẹp của Hồ Gươm trong một buổi mờ sương, có thể nhận ra ngay đâu là Phố Nhật ở Hội An, đâu là phố cổ Hà Nội…. và cũng có thể nhận ra ngay đâu là những mảng cuộc đời còn bị gọi với cái tên “nhếch nhác” trong sự phát triển của xã hội Việt Nam. Những mảnh tường loang lổ số điện thoại quảng cáo Khoan cắt bê tông; những ngôi nhà ổ chuột nằm trước một khu đô thị đang mọc lên các tòa nhà cao tầng; những dãy nhà nằm ngay sát đường tàu; những búi dây điện chằng chịt chạy ngang các dãy phố; những ngôi nhà nổi tuềnh toàng tạm bợ.…từ Hà Nội cho tới đồng bằng Sông Cửu Long, tất cả đều có trong tranh của Toba Mika.

“Cứ mỗi lần đến Việt Nam tôi lại bị cuốn hút bởi những ấn tượng mới lạ. Mọi hình ảnh, cho dù rất bình dị với người Việt, dường như lại cho tôi thấy chính xác cuộc sống thường ngày của họ. Người ở đó không mấy để ý, nhưng lại là những phong cảnh hết sức sinh động với tôi”- nữ họa sỹ chia sẻ.

Một không gian Việt Nam vừa nhanh, vừa chậm, vừa ồn ào vừa tĩnh lặng. Đâu đó dường như lộn xộn, láo nháo, dâu đó lại trầm ngâm, yên bình…tất cả tạo nên một cảm giác về một cuộc sống thú vị mà ở một xã hội đã phát triển quy củ như quê hương mình, nữ họa sỹ không còn tìm được.

 

Biến ảo Việt Nam cùng Katazome

 

Mười sáu năm trước, khi lần đầu đặt chân tới Việt Nam và chuyển hướng sáng tác, nhiều người hỏi vì sao chị chỉ sáng tác phong cảnh Việt Nam, chị không trả lời được. Và hôm nay, chị mới có câu trả lời. “Không vẽ người bởi sợ sự hữu hạn của đời người” đó là điều mà Toba Mika bật mí. Chỉ vẽ cảnh, những cảnh mà theo chị, đã từng có ở đất nước Nhật Bản của chị. Những cảnh ấy đã biến mất khi kinh tế, xã hội phát triển. Chị nghĩ, rồi có thể Việt Nam cũng sẽ không còn những cảnh đó và khi bắt gặp cái hồn của cảnh, là Toba Mika chép lại ngay. Cảnh với chị, không chỉ là những ngôi nhà lụp xụp đối diện với những dãy nhà cao tầng, không chỉ là những ngôi nhà sát sạt với đường tàu điện….cảnh còn là thân phận, còn là cuộc đời, bởi cảnh ấy đã tồn tại hàng chục, thậm chí hàng trăm năm, chứng kiến và bao bọc biết bao cuộc đời. Chị chia sẻ: “Sức hấp dẫn của phong cảnh Việt Nam là mỗi cảnh đều gắn với một câu chuyện. Không nước nào mà cảnh lại có hồn như ở Việt Nam”.

 

Một tác phẩm vẽ cảnh đời thường ở Việt Nam của nữ hoạ sỹ Toba Mika

 

Không chỉ kiên trì vẽ Việt Nam, người phụ nữ đẹp và rất trẻ so với tuổi của mình này còn kiên trì với loại hình nghệ thuật mà chị thể hiện. Đó là Katazome.

Nữ họa sỹ Toba Mika sinh năm 1961 tại Aichi- Nhật Bản. Tốt nghiệp cao học Trường Đại học nghệ thuật Kyoto, chị cũng chính là người có công đưa Katazome vào thế giới hội họa và sáng tạo nên một bút pháp mỹ thuật hiện đại. Từ năm 1994 chị đã vẽ về Việt Nam. Đến nay, chị đã có 4 triển lãm tại nước ta: Triển lãm Phong cảnh Việt Nam được tổ chức tại Trung tâm triển lãm Văn hóa Nghệ thuật (Vân Hồ, Hà Nội) từ 25/12/2001- 14/1/2002; Triển lãm “Toba Mika: Mười năm hồi tưởng phong cảnh Việt Nam” (1994-2003) được tổ chức tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Tokyo; Toba MiKa từ Tokyo đến Huế (2005); Triển lãm hiện đang diễn ra tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ 6-25/12/2010 mang tên “Nara- Hà Nội- Kết nối những kinh đô vĩnh hằng”./.

Katazome là loại hình tranh nhuộm màu đặc trưng chỉ riêng có ở Nhật Bản. Xuất hiện từ hơn 1000 năm trước, dùng trong công nghệ in vải may Kymono của Nhật Bản. Loại hình nghệ thuật này cũng đang dần không có người tiếp nối bởi sự tỉ mỉ, khổ luyện của người nghệ sỹ để hoàn thành một bức tranh. Toba Mika cho biết, để hoàn thành một bức tranh nhuộm Katazome phải thực hiện 17 công đoạn, hầu hết, mỗi bức tranh phải làm từ 2- 3 tháng và chỉ làm một mình. Cái khó, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ của nghệ thuật làm tranh này là chỉ đến khi hoàn thành, người nghệ sỹ mới biết chắc, tác phẩm của mình có thành công hay không.

Để thực hiện một bức tranh, người họa sỹ phải dán một loại giấy đặc biệt chống được thuốc nhuộm dán lên vải hoặc lụa bằng keo hồ. Sau đó can hình rồi lấy dao trổ thủng, bóc những phần hoa văn trổ thủng trên giấy đi, sau đó quét màu nhuộm lên bề mặt giấy. Những chỗ thủng sẽ thấm màu nhuộm xuống vải, còn chỗ nào có giấy chặn lại sẽ không dính màu xuống. Tiếp đó, bức vải nhuộm được đưa vào lò hấp nóng để cố định màu, sau đó, đem rửa sạch, hiện ra hình vẽ đã thấm lên vải. Công đoạn hấp có thể làm đi làm lại nhiều lần cho đến khi đạt được sắc độ như ý muốn.

Màu sắc trong tranh của Toba Mika cũng rất lạ. Chị thường dùng hai gam màu vàng nâu (nóng) và xanh lam (lạnh). Có bức chỉ một màu trải khắp bề mặt tranh. Không chú ý đến màu, chỉ chú ý sắc độ, bởi thế, dùng ít màu nhưng tranh của Toba Mika lại vẫn sống động, vẫn sâu lắng.

Xem tranh của chị, mỗi người Việt Nam như thấy hình ảnh đâu đó mình đã từng gặp hay mỗi ngày mình đều có thể gặp. Bởi thế, tranh Toba Mika hết sức gần gũi với tâm hồn Việt Nam.

 

Bài & ảnh: Hồng Hà

(Nguồn: Báo Điện tử Tổ Quốc)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: