Trong bối cảnh hiện nay, khi văn hóa nghe – nhìn đang có xu hướng lấn át văn hóa đọc thì mảng văn chương về đề tài chiến tranh xem ra có bề “lép vế” trên văn đàn. Nhưng thực tế không có gì là bi quan vì văn học về chiến tranh vẫn là đề một “siêu đề tài” theo cách diễn đạt của Nhà văn Chu Lai.
Tác giả Thủy Hướng Dương tuy còn rất trẻ (sinh năm 1972), thuộc thế hệ 7x – sinh ra khi cuộc chiến tranh đã vào hồi kết và hòa bình đã tạo ra cho thế hệ này một cảm thức khác về đời sống so với các thế hệ trước. Vì thế tôi rất ngạc nhiên và thực sự xúc động khi đọc tác phẩm Chuyện của lính Tây Nam (NXB Hội Nhà văn - 2010) của cây bút nữ này.
Trước hết, tôi nghĩ tác giả là một người dũng cảm vì đã dám đi trở lại một con đường mà không ít ai đó cho và sợ rằng là “đường mòn” trong văn chương. Nói dũng cảm là bởi không ít cây bút 7x khi rơi vào đề tài này sẽ rơi vào toan tính “lỗ” và “lãi”. Cũng vì thế ta thấy họ chủ yếu khám phá cái đời sống tự thân không ít rắc rối của thế hệ không muốn biết quá khứ. Phải chăng vì thế mà Thủy Hướng Dương sẽ trở nên “lạc loài” và cô độc trong sáng tác? Rất có thể như thế và biết đâu vì thế mà chị có sức mạnh của một kẻ cô đơn?
Lối viết của Thủy Hướng Dương rất có tình. Không có tình sẽ khó mà cất bút viết được hơn 100 trang sách về một cuộc chiến thuộc loại “những chuyện không muốn viết”. Vì kẻ địch của người lính cách mạng Việt Nam là Kh’me Đỏ. Dường như tác giả không quá băn khoăn về vấn đề thể loại của tác phẩm mà chỉ cần ghi lại những câu chuyện của một thời đạn lửa chiến tranh. Ký ức chính là chất bột để “gột nên hồ” cho tác phẩm Chuyện của lính Tây Nam. Đọc tác phẩm này tôi chợt nhớ đến tác giả của một cuốn tiểu thuyết Nga rất quen thuộc với độc giả Việt Nam những năm 70. 80 của thế kỷ XX – I. Bondarep (sinh 1924). Ông đã chia sẻ với bạn đọc Việt Nam: “cả thế hệ tôi đều kinh qua suốt cuộc chiến tranh, những người còn lại lác đác có thể đếm được (…) Cũng có thể vì vậy từ mặt trận trở về tôi cầm bút viết, cảm thấy mình mắc nợ với thế hệ mình, với những người mãi nằm lại trên chiến trường trong những chiến hào giờ đã bị phủ lấp. Có những người ký ức là sự trừng phạt, nhưng có những người ký ức là trách nhiệm. Tôi thuộc về loại sau” (Lời tựa cho bản dịch tiếng Việt tiểu thuyết “Trò chơi” – NXB Lao động, 2007)
Chuyện của lính Tây Nam được kể từ ngôi thứ nhất xưng “Tôi” là nhân vật “Tuấn tròn” ban đầu là tiểu đội trưởng với nhiệm vụ tải thương. Lối kể này tạo cho độc giả niềm tin vào những chuyện được kể là đảm bảo tính chân thực. Nhiều chi tiết của chiến tranh được kể lại với một giọng hết sức trung thực (ví dụ như về ý định tự thương của “tôi” khi lâm vào tình thế ác liệt của cuộc chiến, về sự mất mát hy sinh của các chiến sĩ thuộc tiểu đoàn 1 và 2 Trung đoàn 316 và Trung đoàn 33...) Sự thật được tái hiện trong toàn bộ tính khốc liệt, phức tạp của nó. Người đọc tự nhiên cảm thức được một chân lý “Máu người không phải là nước lã” và “Chiến tranh không phải là trò đùa”.
Sẽ có độc giả không vừa lòng với cuốn sách này vì nó không phù hợp với thị hiếu đọc ngày nay (phải gây “sốc” bằng những chuyện gay cấn, mùi mẫn và có yếu tố “sex” v.v). Nhưng như đã nói ở trên, tôi nghĩ khi viết tác phẩm này, tác giả chỉ đinh ninh rằng mình cầm bút là để “nâng niu những gì thuộc về ký ức chiến tranh” và “Tôi muốn viết về họ với một niềm tự hào sâu thẳm từ trái tim mình”. Nếu như thế, rõ ràng Ký ức chiến tranh với tác giả Thủy Hướng Dương là ký ức có trách nhiệm.
Nhưng mỗi nhà văn đều có độc giả riêng của mình. Thủy Hướng Dương cũng vậy. Chị sẽ có không ít độc giả không chỉ là những cựu chiến binh trải qua chiến tranh mà còn cả những độc giả sinh ra và lớn lên trong hòa bình. Họ vẫn khát khao nhận biết quá khứ hào hùng, nhận biết cái giá của chiến thắng. Và có lẽ những bài học về đạo đức trong chiến tranh sẽ có lúc phù hợp với hành xử trong đời thường – sự hy sinh, lòng cao thượng và tinh thần xả thân vì đại nghĩa.
Tôi nghĩ, Thủy Hướng Dương đã hết mình trên từng trang sách “Chuyện của lính Tây Nam”, sự hết mình đó có thể coi là một thành công của tác giả.
Hà Nội ngày 27/11/2010
Bùi Việt Thắng