Thứ sáu, 26/04/2024,


Lửa cháy từ Rừng Bòng (24/09/2008) 

   

Vừa gặp chúng tôi, ông Nguyễn Đức Dũng (Điện thoại: 04.5630724) sinh ngày 23-3-1933, thuộc thế hệ thứ 5 của Gia tộc Nguyễn Đình tại thôn Bòng, xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang; hiện ở nhà 18, tổ 12, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội; nói ngay: Tôi chỉ là một người bình thường, “công không thành, danh không toại”. Tôi kể chuyện mình để thêm một lần tự ngẫm, để con cháu mai sau biết cha, biết ông chúng đã sống để làm người như thế nào...

 

 

    Xin bắt đầu với câu chuyện đã phủ màn sương khói quanh ngôi mộ của người để lại dòng họ Nguyễn Đình hiện vẫn được cháu con gìn giữ tại Cửa Trẽ, chân phía Đông của Rừng Bòng. Đó là cụ Nguyễn Đình Tải - kị của ông Dũng.

    Ngày từ giã cõi đời, có một thầy địa lý người Tàu đã tìm chọn cho phần đất an táng kị Tải và dặn: “Phải đào sâu khoảng ba chạc cày, sẽ gặp một tảng đá rộng phẳng như tấm phản. Chờ đến khi nào thấy hai con ngựa trắng chạy qua, mới được hạ huyệt...” Con cháu kị Tải đã làm theo lời dặn và thật lạ là mọi chuyện đã diễn ra đúng như vậy.

     Hiện nay, lớp lớp cháu con trong Tộc Nguyễn Đình vẫn lưu truyền lời kị Tải rằng: “Họ Nguyễn Đình ta có người làm quan trong triều Nguyễn. Vì phạm trọng tội, phải chịu án chu di tam tộc. Ta là người còn sống duy nhất chạy trốn đến trú ngụ tại rừng này...”.

     Thời đó, nơi đây còn mênh mông rừng già, nối liền với dãy núi Bảo Đài ở phía Tây, vắt ngang sang vùng Đông Triều - Phả Lại qua Rùm Quỷnh ở phía Đông, rồi chạy mãi lên vùng núi Yên Tử trên phía Bắc. Rừng Bòng khi đó có hùm beo sinh đẻ, có hươu nai tíu tít thành đàn. Chính kị Tải là một trong những người đầu tiên khai phá đất rừng, dựng lều làm nương trồng màu để sinh sống ở đất này. Qua thời gian dài nghe ngóng, biết sự truy đuổi của triều đình đã tạm lắng, kị Tải mới dám làm lễ mai táng người thân trên đồi Đồng Nếnh là hai bộ hài cốt tượng trưng: Đầu bằng sọ dừa, chân tay bằng cành cây dâu nuôi tằm. Cuộc sống tại đây đã đi vào ổn định, kị Tải mới xây dựng gia đình. Và theo gia phả còn lưu giữ, dòng tộc Nguyễn Đình của ông Nguyễn Đức Dũng, đã đơm hoa kết trái từ chính những hạt mầm được gieo giống tại làng Bòng này.

     Sự hình thành cái tên Làng Bòng hiện nay, là cả một quá trình. Trước hết phải nói rằng, khi đất đai vẫn đang là vô chủ và rừng già chưa rõ thuộc về ai, nhằm xác lập chủ quyền của người đầu tiên tìm đến khai khẩn và canh tác, kị Nguyễn Đình Tải đã trồng một loại cây làm mốc để khoanh vùng địa giới, đó là cây bòng. Đất quá rộng phải trồng nhiều bòng, bòng gặp đất tốt càng kết trái đơm bông. Rừng Bòng ở xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang hình thành như thế.

     Người đầu tiên đến đây dựng lều khai phá đất rừng và đặt tên cho Làng Bòng, tất nhiên là kị Nguyễn Đình Tải. Người kế tục xây dựng mở rộng cơ nghiệp là cụ Nguyễn Đình Lực. Người cần mẫn giỏi giang làm nên sự giàu có là ông Nguyễn Đình Trấn. Những cánh đồng phì nhiêu có được quanh làng Bòng hiện nay, là kết quả tất yếu của sự thương yêu đùm bọc lẫn nhau thành một khối của nhiều thế hệ. Bắt đầu từ việc kết bạn, kết nghĩa anh em, nhận đỡ đầu, làm con nuôi... Sau, dựng vợ gả chồng, cho đất làm nhà, cho vườn, cho ruộng... Tất cả quây quần đều là ông cháu cha con chú bác. Làng Bòng đã trở thành một Gia đình lớn của một Người cha lớn mang họ Nguyễn Đình.

     Ngày xưa, làm như vậy không chỉ vì ban ơn cầu phúc, mà còn chứng tỏ các cụ đã nhìn rất xa trông rất rộng, biết củng cố sức mạnh để chống lại thú dữ và thiên tai nơi rừng thiêng nước độc, biết phòng thủ trước sự săn lùng của chính quyền và các đối tượng luôn âm mưu tranh quyền đoạt lợi xung quanh.

     Có phải phần mộ kị Nguyễn Đình Tải đã được định vị nơi đất tốt, nên con cháu nhiều đời luôn biết giữ gìn và phát huy truyền thống dòng tộc chăng?! Trước, trong và sau thế hệ ông Nguyễn Đức Dũng, không ít người đã tham gia quân ngũ, lập nhiều thành tích xuất sắc trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Nhưng nợ oan gia vẫn trả chưa hết chăng, mà nhiều người tâm sáng tựa gương soi, vẫn mang đến cuối đời đôi vệt mờ nhân ảnh.

     Ông Nguyễn Đức Dũng có tên khai sinh là Nguyễn Đình Đúc. Cùng với anh ruột Nguyễn Đình Đông của mình, là kết quả của sự phối ngẫu giữa hai dòng họ Nguyễn Đình và Vi Văn, mà cả hai họ này, đến nay, vẫn lãng đãng giữa vòng hoài nghi của sự giả định. Bởi Nguyễn Đình, khó có thể là họ thật của một người đang trốn chạy tội chu di tam tộc - biết đâu kị Nguyễn Đình Tải là con cháu ruột của nhân vật lịch sử Đoàn Xuân Lôi?! Và Vi Văn, cũng có thể là họ phải mang của một người họ Hoàng, con cháu thúc bá với Thủ lĩnh nghĩa quân Hoàng Hoa Thám, muốn mai danh ẩn tích trước thế lực đang lên như diều gặp gió lúc đó là Vi Văn Định?! Để rồi, cha của ông Nguyễn Đức Dũng là Nguyễn Đình Dụ, sinh năm 1906 và mẹ là Vi Thị Miễn, sinh năm 1905.

     Hai cụ Dụ và Miễn đều được các con quen gọi là Anh Đẻ và Chị Đẻ. Cả hai đều được thừa hưởng phúc lộc của tổ tiên từ trong trứng nước. Vốn hiền lành thông minh và khảng khái, từ nhỏ, Anh Đẻ Nguyễn Đình Dụ đã có gia sư tại nhà, đi học trường huyện cách 7 km có người kéo xe tay đưa đón, sớm biết cưỡi ngựa và đi săn, nổi tiếng khắp vùng là một tay thiện xạ trăm phát trăm trúng... Chị Đẻ Vi Thị Miễn là một trang sắc nước hương trời, được nuông chiều từ nhỏ trong nhung lụa... Đây là một cặp trai tài gái sắc và đám cưới của họ là môn đăng hộ đối.

     Chú rể Nguyễn Đình Dụ được cha mẹ cho cả một khu nhà riêng, xây theo lối Tây, có đủ vườn cây chuồng trại nằm trên phần đất rộng tới 400 m2, cộng với hàng trăm mẫu ruộng. Của hồi môn khi về nhà chồng của cô dâu Vi Thị Miễn cũng không kém, là 75 mẫu đạc điền trên vùng Đồng Bộp, thuộc địa phận huyện Lục Nam. Họ đã sinh được hai con trai và một thời hạnh phúc. Nhưng Chị Đẻ Miễn đã nghiện thuốc phiện từ trước khi lấy chồng. Anh Đẻ Dụ cũng nghiện sau một chút. Chị Đẻ bị nhà chồng, đặc biệt là ông anh chồng xua đuổi, doạ bắn chết, để đoạt chiếm đất đai. Sau rất nhiều lần phải trốn chui trốn nhủi vì nhớ chồng thương con, Chị Đẻ Miễn đành phải dứt áo ra đi, bỏ lại chồng con mặc đời xô đẩy.

     Người phải buộc lòng hứng chịu hậu quả của một gia đình địa chủ đã hoàn toàn khánh kiệt, là nhân vật chính của chúng ta - ông Nguyễn Đức Dũng. Khi mẹ bỏ đi và nhà cửa đã nát tan, ông Dũng mới vừa hai tuổi.

ở cái tuổi còn chưa muốn rời vú mẹ đó, ai là người biết mình được sinh ra trong một gia đình địa chủ? Và ai là người đã biết sẽ phải mang cõng oan khiên trắc trở về sau?

     Từ đây, người cha Nguyễn Đình Dụ phải gà trống nuôi con. Nhưng đó cũng chỉ là tiếng thôi. Bởi vốn quen với lối sinh hoạt phong lưu, đâu dễ một sớm một chiều Anh Đẻ Dụ đã có thể tự làm tự nuôi đủ mình, chứ đừng nói đến phải đèo bòng thêm hai con nhỏ.

     Riêng ông Dũng, được cô ruột nuôi từ lúc lên hai đến bốn tuổi. Sau đó, được Bà ngoại nuôi đến sáu tuổi. Khi gia cảnh bà ngoại đã quá khánh kiệt, Anh Đẻ Dụ đến đón con về mang gửi ở nhà Bà Trẻ (Bà nội kế ) và được bà dạy cho cách quét nhà, còn cô Rượu dạy cho cách chăn trâu - những tập sự đầu tiên chuẩn bị cho quãng đời đi ăn nhờ ở đậu khi mới vừa sáu tuổi.

     Tuổi thơ của ông Dũng cứ lớn dần cùng thửa ruộng, bờ khoai với những ngày chăn trâu cắt cỏ cực khổ trăm điều. Nhất là vào những dịp mùa cấy. Từ ba bốn giờ sáng, ông Dũng đã phải thức dậy, mắt nhắm mắt mở nấu cơm cho thợ cày. Cơm vừa cạn, vùi xong, lại dắt trâu ra đồng cho ăn và đợi thợ đến nhận trâu cày sớm để kịp có đất cho người xuống cấy. Rồi lập tức quay về hối hả để quét nhà. Quét nhà xong, lại lật đật qua hai con dốc, qua cả đoạn đường gần nửa cây số, mới đến được sông để gánh nước mang về nấu cơm. Sau đó lại đem cơm cho thợ ra đồng và đón trâu dắt về nhà. Rồi ăn vội ăn vàng bát cơm độn sắn độn khoai, hoặc có khi chỉ là bát cháo, cũng độn đầy sắn khoai, cho ấm bụng.

     Không kịp nghỉ ngơi, ông Dũng bước ra ngửa mặt nhìn trời và dùng bước chân đo bóng mình dưới đất. Bóng nắng là đồng hồ giúp ông biết giờ lội ao vớt bèo về băm cho lợn. Những nhát dao hối hả thái bèo, đã cứa cả vào tay nhiều lần, lâu dần, thành những vết sẹo chằng chịt ngang dọc, làm cho ngón trỏ trên bàn tay trái của ông như bị biến dạng đến tận bây giờ. Khi chiều xuống, ông Dũng lại sấp ngửa lùa trâu ra đồng cho ăn cỏ. Đến chín mười giờ đêm, trâu đã lại sức do được ăn no cỏ có vấy sương khuya, mới được dắt trâu về. Ông lùa vội vàng bát cháo, hoặc cơm độn đầy sắn khoai với mắm tôm rang đặc lẫn với giềng, hoặc canh cà chua. Nhiều hôm, ăn phải miếng sắn mốc hay củ khoai hà vừa hôi vừa đắng. Thế mà, vẫn phải cố nuốt để lấy sức tiếp tục phụ xay lúa, giã gạo hoặc quạt cho bà chủ đang nằm hút thuốc phiện đến ngủ quên.

     Ăn uống quá kham khổ, làm vất vả từ sớm tới khuya, vậy mà chủ nhà chỉ trả công cho suốt cả năm bằng một bộ quần áo mỏng nhuộm nâu, một chiếc áo tơi che mưa và cái nón đội đầu che nắng. Mùa hè, trời nắng nóng còn có thể cởi trần cho mát, lấy chiếu đắp che muỗi để ngủ. Nhưng mùa đông sang, khi gió đông bắc thổi hun hút như khoan cắt thịt da, ông Dũng cũng chỉ biết mặc tròng thêm mấy lớp áo rách vào trong. Đêm xuống, phải rúc kỹ vào ổ rơm hoặc thùng trấu trong bếp để ngủ, cho bớt lạnh.

     Cuộc sống của kẻ ăn người ở là cơm không đủ no, áo không đủ ấm và cả những nhiếc mắng roi vọt không nương tay của chủ nhà. Ngay cả khi nước mắt đã chan cơm, thèm được một lời an ủi xẻ chia của mẹ cha hoặc bạn bè thân quen, cũng không có. Không được cha mẹ đùm bọc dạy dỗ, không được đến trường đi học, không có niềm vui bạn bè... tuổi thơ của ông Dũng chỉ quen ăn đói nhịn khát và lầm lũi cực nhọc với những việc của một kẻ sớm phải đi ở đợ làm thuê. Nó thấm sâu in đậm vào da thịt và trí óc ông, thành nỗi ám ảnh không thể nào quên cho đến tận hôm nay. Thế mà suốt đời, ông Nguyễn Đức Dũng phải mang cái gông là “thành phần địa chủ bóc lột”?

     Chính nhờ những nỗi khổ của tuổi thơ phải đi ở đợ đó, đã làm cháy bỏng niềm khát khao về một cuộc sống tự do và no đủ trong ông Nguyễn Đức Dũng. Cuộc đời những tưởng sẽ mãi chôn vùi trong kiếp làm thuê, đã được đánh thức bởi một thời cơ. Đó là năm 1946, bộ đội ta kéo về đóng quân tại làng Bòng, xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh bắc Giang. Họ đã đem theo ánh sáng của độc lập tự do, ánh sáng của hi vọng đổi đời được Đảng trao, rọi chiếu vào tâm can lớp người nô lệ lam lũ nơi đây. Trong đó, có một người nô lệ từ thuở mới chập chững biết đi, tên là Nguyễn Đức Dũng.

     Ông Dũng tâm sự: “Nhìn thấy bạn bè cùng trang lứa được tự do nói cười và làm liên lạc giúp bộ đội đánh giặc, nhìn những anh bộ đội trong bộ quân phục nghiêm trang oai vệ mà vẫn gần gũi thân tình, tôi thầm ước: Phải chi mình cũng là bộ đội.” Hình ảnh người chiến sỹ đã gieo vào lòng cậu bé 13 tuổi bao mơ ước. Thế rồi bỏ qua mặc cảm tự ti, cậu quyết định trốn kiếp làm thuê, trốn cả một thời ép mình ở rể trong đám cưới đúng luật tảo hôn, mạnh dạn đi theo và xin gia nhập Quân Giải phóng.

     Thấy cậu bé nhiệt tình, thông minh và ngoan ngoãn, đơn vị bộ đội đó đã tiếp nhận ngay và cho cậu tham gia vào trận đầu tiên chặn đánh thổ phỉ tại núi Con Phượng, cách Làng Bòng chỉ vài cây số. Rồi sau đó, ông Nguyễn Đức Dũng được chính thức cử làm những việc sau: Liên lạc viên cho một đại đội độc lập, Đội viên đội võ trang tuyên truyền, Liên lạc viên Tỉnh đội Bộ ZQ và Thư ký đánh máy Tiểu đoàn 61 của tỉnh Bắc Giang. Trong 4 năm - từ tháng 6 năm 1946 đến tháng 7 năm 1950 - được học tập rèn luyện trong môi trường quân đội, một đứa trẻ không cam chịu kiếp ở đợ, đã trở thành chàng trai 17 tuổi có đầy căng sức lực, trí tuệ và bản lĩnh của một anh bộ đội Cụ Hồ. Với bản tính cần cù hoà nhã, lại thông minh ham học hỏi, nên ông Dũng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, luôn kính ngưỡng, đồng thuận và hết lòng với anh em trong cùng đơn vị. Cấp trên tín nhiệm, đã cử hai đồng chí: Nguyễn Tiến Du là Cán bộ chính trị tiểu đoàn (sau này là Chính uỷ Đoàn 559) và Ngô Đạt là Trợ lý Tuyên huấn tiểu đoàn 61 (sau này là Phó Giám đốc Sở Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Bắc) có trách nhiệm dìu dắt giác ngộ cách mạng cho Nguyễn Đức Dũng được tham gia lớp Cảm tình và bảo đảm về tư cách nhân thân để giới thiệu kết nạp anh ta vào Đảng.

    Sau thời gian liên tục cố gắng phấn đấu, ngày mồng 4 tháng 4 năm 1950, chàng thanh niên Nguyễn Đức Dũng - khi đó mới vừa 17 tuổi - đã được Chi bộ đại đội 195, Tiểu đoàn 61, thuộc Bộ đội chủ lực tỉnh Bắc Giang kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam bây giờ.

Nhờ nỗ lực phấn đấu của bản thân trong thời gian thử thách, nên chưa đầy 7 tháng sau, ngày 23 tháng 10 năm 1950, ông Dũng đã trở thành Đảng viên chính thức của Đảng.

     Sự trưởng thành của ông Nguyễn Đức Dũng trong thời gian này, ngoài nỗ lực bản thân, còn là sự dìu dắt đầy nghĩa tình của Chỉ huy và anh em đồng đội cùng đơn vị. Nhưng cũng không thể không kể đến sự tiếp lửa truyền thống từ những người ruột thịt trong một gia đình có nhiều người tham gia cách mạng, kháng chiến. Sau một thời gian cùng chịu khủng hoảng bởi sự tan tác của gia đình ông Dũng, chú Ba Vị đã tham gia cách mạng từ trước 1945, khi đó đang đương chức Tỉnh đội phó Bắc Giang, anh ruột Nguyễn Văn Đông cũng tham gia bộ đội kháng chiến... Còn các anh con nhà bác như Nguyễn Thế Hùng là bộ đội chiến đấu ở Miền Nam, như Nguyễn Kha là Giải phóng quân ở Đông Triều đã anh dũng hy sinh trong lúc đánh nhau với Tây vào năm 1947, như Nguyễn Thế Lâm là liệt sỹ trong kháng chiến chống Mỹ sau này...

     Đến đây xin nói ít dòng kỹ hơn về người cha - Anh Đẻ Nguyễn Đình Dụ của ông Nguyễn Đức Dũng. Mà đã nói về Anh Đẻ Dụ thì không thể không nói về những cuộc săn bắn của một tay thiện xạ nức tiếng tài hoa... nhưng bạc phận.

     Vợ bỏ đi rồi, đành rằng phải tha phương cầu thực, nhưng Anh Đẻ Dụ chỉ đến những nơi và làm những việc của người biết quí trọng tài năng và thực sự cần mình, với cái đầu ngẩng cao và nụ cười hiền hậu đúng lúc ở trên môi. Anh Đẻ không bao giờ kể lể ca thán về hoàn cảnh hẩm hiu riêng tư của mình. Nhiều kẻ đã lầm anh là “người vô tư lự”, là “đần”... Nhưng, chính những kẻ đó mới lầm. Bởi:

     1. Là người cao ráo, hiền hậu và tài hoa như Anh Đẻ, không thể không có rất nhiều đàn bà theo đuổi. Nhưng nỗi đau mất vợ, niềm tiếc thương và rộng lượng tha thứ, đã cộng hưởng thành lòng tự trọng trong đấng nam nhi, khiến Anh Đẻ - mất vợ từ 28 tuổi xuân, đến tuổi 75 nhắm mắt lìa trần - vẫn không cần thêm lần lấy ai khác nữa.

     2. Mặt khác, một người “đần” thì không thể nức tiếng thiện xạ tài hoa trong săn bắn đến mức: Chẳng thèm ngắm kỹ + nín thở + bóp cò theo lẽ thường, chỉ cần sự xuất thần bằng phản xạ tự nhiên như bản năng của Anh Đẻ là không con mồi nào chạy thoát, kể cả hổ. Nên nhớ, rừng núi vùng Đông Bắc xa xưa là nơi giàu muông thú. Phường săn, hội săn của cả Tây, Ta được tổ chức tại đây thường xuyên. Nhưng, người duy nhất nổi tiếng với biệt tài có thể bắn hạ đủ loại thú bay, thú chạy... trong mọi tư thế, không ai khác, chính là Anh Đẻ Dụ.

     3. Hơn thế, “người vô tư lự” không thể nhiệt tình tham gia cách mạng và lập nhiều chiến tích khó quên như những trận bắn tỉa, từ cách xa ba bốn trăm mét, vẫn hạ gục hàng chục tên giặc đóng ở đồn Chũ, bên kia sông Lục Ngạn, vào năm 1946. Ngoài ra, hãy lắng nghe những lời tâm sự và dạy dỗ các con của Anh Đẻ Dụ trong một đoạn thư gửi Nguyễn Đức Dũng đề ngày 1 tháng 1 năm 1955:

     “Thầy đã nhận được thư và Bằng, Giấy khen của con gửi về nhờ cất giữ. Thầy rất phấn khởi vì biết con vẫn khoẻ và lập nhiều thành tích trong chiến đấu và công tác. Cấp trên đã trao tặng Bảng Vàng Danh dự cho gia đình ta. Thầy cũng vừa được tham gia học tập trong lớp chỉnh huấn cải tạo tư tưởng, để dứt khoát đứng về phía giai cấp công nhân và nông dân, kiên quyết đánh gục giặc ngoại xâm và địa chủ cường hào bóc lột. Thầy càng thấy rõ: Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch đã luôn luôn bảo vệ và quan tâm chăm sóc đến đời sống của nhân dân và bộ đội chúng ta. Con phải nhớ: Không bao giờ được quên công ơn trời biển đó!... Nhận được thư này, trả lời cho Thầy ngay nhé. Nếu lâu không thấy thư con, Thầy càng thương càng nhớ. Nhiều lúc nằm một mình, cứ nghĩ đến là khóc. Nhớ lúc các con còn bé, không có ai nuôi dưỡng chăm sóc. Bố cũng không nuôi nổi con, đem đi ở hết chỗ này đến chỗ khác. Nói đến đây lại không cầm được nước mắt. Các con được như bây giờ, tất cả là nhờ ơn Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch, con ơi. Thôi, anh (Anh Đẻ) không nói được nữa. Để hôm nào có điều kiện về phép...”.

     4. Những kẻ nói Anh Đẻ Dụ là “đần”, ắt còn phải nói lại, nếu còn sống để đến hôm nay được nghe dân quanh vùng làng Bòng vẫn truyền tụng ngợi ca hết lời về tập tục chia phần trong những ngày Lễ, ngày Giỗ các Cụ của họ Nguyễn Đình. Đã thành thông lệ, tất cả mọi người già trẻ lớn bé trong làng đều được mời dự tiệc. Ai vì bận việc hoặc đau ốm không đi, sẽ có người mang phần đến tận nhà. Và đặc biệt, là không quên cả phần của từng con chó được nuôi tại nhà đó... Rồi không ai mà không xúc động trước tấm lòng hiếu nghĩa của người con Nguyễn Đức Dũng khi nghe ông kể đã nằm mơ thấy mẹ và nghe rõ lời Chị Đẻ khẩn cầu được về với gia đình bên nội. Trong lần giỗ thứ 24 của Chị Đẻ Vi Thị Miễn, ông Dũng đã làm cả văn bản minh oan cho mẹ mình để trình thưa trước bàn thờ tiên tổ và công bố với đông đủ thân quyến trong dòng tộc, rằng: Chị Đẻ Miễn không có tội. Nếu có, cũng chưa là gì so với tội của một vài vị vai vế trong họ mạc, đã thẳng tay xua đuổi Chị Đẻ bằng mọi giá, hòng chiếm đoạt tài sản và đẩy cả một gia đình đến chỗ phân ly, lụn bại. Phải minh oan và rước vong linh Chị Đẻ về thờ phụng. Và, lạ thay, khi gieo quẻ để lĩnh hội ý cha, chỉ một lần thôi,Anh Đẻ Nguyễn Đình Dụ đã khảng khái từ tâm cho vợ mình hai đồng bạc xấp ngửa!

     Xin tạm khép phần nói về Anh Đẻ Dụ qua một cuộc săn thú cuối cùng có khá đủ người trong nhà tham dự. Sau ngày sửa sai Cải cách ruộng đất, nhiều người trong gia tộc Nguyễn Đình gốc gác ở làng Bòng như Anh Đẻ Dụ, Chú Ba Vị, Anh cả Đông và cả ông Nguyễn Đức Dũng... mới thoát cảnh bị giam giữ, bị quản thúc giám sát do ai đó nghi ngờ họ tham gia Quốc Dân đảng. Giờ đây, tất cả đã được phục hồi công tác, được khôi phục Đảng tịch. Mừng quá, vừa để gặp mặt chia vui, vừa để cứu đói trong hoàn cảnh kinh tế eo hẹp, Anh Đẻ Dụ tập hợp mọi người về tổ chức thành một hội toàn những tay súng chuyên nghiệp, đi săn khắp vùng rừng núi từ Ba Khe, Hố Nai đến Đầu Trau, Bến Tắm. Dưới sự chỉ huy bố trí phối hợp tài tình của Cao thủ Nguyễn Đình Dụ, kết quả thu được của cuộc đi săn đó là nhiều thú nhỏ và cả một con nai nặng hơn một tạ. Gia đình Anh Đẻ Dụ, cùng khá nhiều người dân Làng Bòng lại được một phen vui như tết...

 

(Còn nữa)

Nguyễn Thống Nhất

 

_________________ 

LBT: Nếu Quý bạn đọc muốn tham gia chuyên mục 'Chuyện đời tôi'? Nếu các bạn trẻ muốn dành món quà tặng bất ngờ, đầy ý nghĩa văn hóa cho ông bà, cha mẹ mình (nhân lễ mừng thọ, kỷ niệm ngày cưới vàng, bạc...) xin hãy liên hệ với số máy 0913210520, hoặc email: lucbat.com@gmail.com. Các nhà văn trẻ đang có mặt ở nhiều vùng miền trên cả nước, sẵn sàng đến tận nhà riêng để phục vụ và thể hiện tác phẩm theo thỏa thuận.

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: