'Sát thủ online' dày 350 trang, với nghệ thuật tiểu thuyết độc đáo, Nguyễn Xuân Thủy đã trình ra một thế giới tội phạm mới mẻ, đầy bí ẩn và không kém phần hấp dẫn. eVan có cuộc trò chuyện với nhà văn về tác phẩm này.
* Cụm từ “Tội phạm Internet” nghe có vẻ thích hợp với một nhà văn công an hơn là một nhà văn quân đội như anh. Điều gì mời gọi anh bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết thứ hai này?
- Không có ranh giới sáng tác cho một người cầm bút, dù anh ta công tác trong lĩnh vực nào. Nhưng cũng có chút duyên nợ ở đây. Khi Bộ Công an cùng Hội Nhà văn tổ chức cuộc thi tiểu thuyết và ký về đề tài “Vì bình yên cuộc sống”, nhà văn Trần Thanh Hà đã “rủ rê” tôi tham gia. Khi quyết định tham dự, tôi rất băn khoăn lựa chọn đề tài và cuối cùng chọn viết về tội phạm vị thành niên, mà đã là tội phạm vị thành niên thì không thể thiếu... Internet. Đăng ký đề cương rồi mới thấy lo vì là cả một cuốn tiểu thuyết chứ đâu phải là một truyện ngắn! Cùng lúc đó các báo đưa tin kỷ niệm 10 năm Internet vào Việt Nam với những sơ kết “được - mất” trong 10 năm mở cổng điện tử hoà mạng với thế giới, điều đó đã thôi thúc tôi viết một cái gì đó để đánh dấu mốc thời gian mang ý nghĩa xã hội rất cao này.
* Tại sao lại không phải là một cuốn ký, một cuốn phóng sự về một mảng tội phạm rất nóng hiện nay - tội phạm mạng - mà lại nhất thiết phải là tiểu thuyết?
- Tôi cũng đã xuất bản 2 tập bút ký và có những thành công nhất định với thể tài này (Nguyễn Xuân Thủy từng được giải thưởng các cuộc thi bút ký của Tạp chí Nhà văn năm 2008 và Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2006). Nhưng tôi nghĩ bằng tiểu thuyết mình có thể “nói” được nhiều điều hơn, và điều quan trọng nhất là tôi thấy hào hứng với nó. Vậy thì tại sao lại phải từ chối niềm hứng khởi đang đến với mình?
* “Sát thủ online” có thế mạnh khi dụng công khai thác chất liệu mới. Bạn đọc sẽ gặp những nhân vật “sống trong thế giới ảo nhưng giết người trong thế giới thật”, những game thủ, kiếm sĩ, chiến binh, những đại hội thượng võ lâm quân, những đội quân cứu net... Thế nhưng có ý kiến cho rằng “Sát thủ online” mạnh về chi tiết nhưng chưa chặt chẽ về bố cục. Anh nghĩ sao về nhận xét này?
- Một sản phẩm khi đưa ra thị trường, dù nhà sản xuất đã cố gắng hoàn thiện nó ở mức cao nhất hoặc ngay cả của những hãng uy tín thì vẫn có những điều để góp ý từ người tiêu dùng. Một tác phẩm văn học cũng vậy, bởi bạn đọc bao giờ cũng là từ để chỉ số đông. Không chỉ những người viết trẻ mà các tác giả nổi tiếng trên thế giới nhiều khi cũng gặp trường hợp này. Tôi suy nghĩ rất đơn giản, có khen và có chê như vậy có nghĩa là tác phẩm của mình ít ra đã nhận được sự quan tâm, và với tôi như vậy cũng đã là thành công… (cười). Nói vui thì như vậy, còn nhìn nhận một cách nghiêm túc thì tôi sẽ tiếp thu mọi ý kiến phản hồi để rút kinh nghiệm trong những sáng tác phía trước của mình, bởi lắng nghe và học hỏi không bao giờ là thừa.
* Có thể nói cách kết cấu của “Sát thủ online” là “truyện lồng trong truyện”. Truyện của Mr Mouse được lồng trong tự truyện của “gã đầu bạc” - cha đẻ của Mouse. Truyện của các vụ án lồng trong những bản tin thời sự trên truyền hình. Khi chọn kết cấu này, anh gặp những thuận lợi và khó khăn gì?
- Dù về mặt hình thức “Sát thủ online” kết cấu như vậy nhưng các tuyến truyện khá rõ cùng với tiết tấu chậm. Vì thế tôi vẫn có thể kiểm soát tốt chúng. Sẽ có một chút rắc rối với cách hành văn thông tấn của 13 bản tin đặc sệt ngôn ngữ báo chí mà cụ thể là ngôn ngữ truyền hình, làm sao để chúng đậm “chất” báo chí mà không bị văng ra khỏi mạch truyện. Nhưng tôi vốn học báo chí và đang làm báo bên cạnh hoạt động văn nghệ, vì thế cũng không trở ngại lắm khi giải quyết điều này trong tác phẩm của mình.
* Nhân vật chính của anh - cu Tí, sau này là Mouse, là Hiệp sĩ đen - có một ký ức tuổi thơ vừa tinh khôi vừa dữ dằn ở làng quê. Sau khi đã trở thành tội phạm, đã cùng đường, anh ta lại trở về cái vùng quê ấy. Ra đi, thất bại và trở về, anh nghĩ sao khi có người nhận xét môtíp này đã quá ư quen thuộc?
- Tôi đồng ý rằng nó quen thuộc nhưng nếu đặt nó trong chuỗi logic của tác phẩm thì lại thấy như thế là hợp lẽ. Sự trở về quê của Tí chỉ là tiếp nối hành trình tìm mẹ trong vô vọng khi mà đã bỏ qua những cám dỗ, khi mà đã hết nơi nương tựa và không còn lý do để sống trên cõi đời này. Cậu bé ấy có chỗ nào để đi, để về, để bấu víu nữa đâu, ngoài những viễn ảnh về một người mẹ trong sâu thẳm tâm can và một “bà mẹ quê hương” gắn với những kỷ niệm ấu thơ! Nếu như môtíp trở lại quê hương là “quen thuộc” thì tôi nghĩ sự “quen thuộc” đó cho dù 1000 năm nữa vẫn là cái gì đó gần gũi rung động trái tim con người.
* “Sát thủ online” đã khai thác khá sâu sắc những ngóc ngách đời sống tình cảm của loại nhân vật tội phạm mới, tội phạm Internet. Thế còn các cán bộ công an, những người đã đưa loại tội phạm này ra ánh sáng thì sao?
- Tôi chỉ dám khẳng định một điều, rằng mình đã cố gắng hết sức để xây dựng các nhân vật, trong đó có hình tượng người chiến sĩ công an trên mặt trận phòng chống tội loại tội phạm rất mới - tội phạm Internet. Trong “Sát thủ online” tôi khá quan tâm đến đời sống riêng cũng như hậu phương của họ mà cụ thể là gia đình Thượng tá Hoàng. Anh không chỉ phụ trách chuyên án VN-19 mà còn là một nhân vật song hành, can dự vào thế giới ảo cũng như gánh chịu những mất mát đau lòng từ nó thông qua cô con gái Kiều Vy mà hệ quả là anh đã mất đi người vợ yêu dấu. Nhưng việc các hình tượng nhân vật đó thành công đến đâu có lẽ còn tuỳ thuộc vào cảm nhận của bạn đọc. Và tôi đang chờ những phản hồi từ họ, đặc biệt là từ chính những chiến sĩ cảnh sát phòng chống tội phạm Internet.
* Ngoài nhân vật chính được “chăm chút” rất kỹ lưỡng, những nhân vật còn lại của anh còn có phần mỏng mảnh, thậm chí xuất hiện và mất hút cũng rất nhanh. Nếu ai đó cho rằng “Sát thủ online” là một bức tranh với những mảng màu còn chưa thật rõ nét, anh nghĩ sao?
- Ai dám chắc “một bức tranh với những mảng màu rõ nét” sẽ nhận được sự đánh giá cao của số đông công chúng? Sự “mờ màu” đôi khi lại là một dụng ý của người viết đấy chứ.
* “Sát thủ online” chọn một kết thúc buồn với cái chết của Mouse và mẹ đẻ anh ta, còn bố đẻ của Mouse thì đi tu và viết tự truyện. Trong quá trình viết, anh có nghĩ đến một cái kết khác?
- Khi đã lựa chọn cái kết đó có nghĩa là tôi đã cân nhắc. Cân nhắc rồi thì tôi sẽ không đặt lại vấn đề “nếu như”, vì dù có hay không những phương án kết khác trong quá trình viết cũng chẳng nói lên điều gì. Nhưng khi tác phẩm phát hành rộng rãi, nếu tôi không nhận được sự ủng hộ cho cái kết từ bạn đọc nghĩa là, ở một mức độ nào đó, tôi chưa thực sự thành công. Và điều đó chỉ có thể sửa chữa khi tôi viết một cuốn tiểu thuyết khác. Gã đầu bạc là loại nhân vật có thể làm mọi thứ, và ngay cả việc đi tu với gã cũng chẳng phải là chuyện gì ghê gớm. Một bên là cặn bã xã hội, một bên là môi trường thiền tịnh của nhà chùa, tôi muốn đặt bạn đọc vào giữa hai thái cực này. Và như bạn đã thấy, việc tìm đến cửa phật của gã thật lố bịch, nực cười. Còn về cái chết của Mr Mouse và mẹ đẻ của cậu ta, tại sao lại để cho nhân vật này sống, nhân vật kia chết khi đọc xong mỗi tác phẩm vẫn là những tranh cãi đời thường theo quan điểm riêng của mỗi người. Ngay trong cuộc sống có rất nhiều những con người không đáng chết nhưng họ vẫn chết. Vì thế không nên quan tâm đến những cái chết trong “Sát thủ online” mà nên lắng nghe xem trái tim mình có rung động trước sự sống chết của nhân vật hay không?
Nhân Kiệt thực hiện
(Nguồn: Evan.VnExpress)