Chủ nhật, 22/12/2024,


Nữ dịch giả Thụy Anh: Olga Berggoltz cho tôi bài học về sự chân thành (28/11/2010) 

VNT trò chuyện cùng tác giả Thụy Anh nhân dịp ra mắt cuốn sách “Olga Berggoltz của tôi” Nxb Trẻ 2010.

 

Thơ Olga Berggoltz đã khắc dấu trong nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam yêu văn học Nga, với bản dịch của các nhà thơ rất tên  tuổi. Xin hỏi, đó có phải là áp lực với chị khi khám phá mảnh đất thơ của Olga Berggoltz? 

 

Đã nhiều người hỏi tôi câu ấy. Thực ra, tôi chỉ gặp “trở ngại” khi chưa bắt đầu dịch, khi có cảm giác vẫn bị chi phối bởi chân dung người thơ mà những dịch giả đi trước đã đem lại. Nhưng đến khi “khám phá” được những khía cạnh khác, có được một cảm nhận chắc chắn hơn, đã có mong muốn, khao khát được giới thiệu cách cảm nhận ấy của mình về tác giả với bạn đọc, nghĩa là mọi “barie” tâm lý vô hình đã hoàn toàn biến mất. Lúc ấy thì chỉ còn mình với văn bản, với cuộc đời nhà thơ và đối mặt với lao động dịch thuật đầy khó khăn cũng đầy… mê hoặc này. Công việc dịch thuật cũng như sáng tác – đó là một công việc của cá nhân. Dịch cũng cần có những sáng tạo mang dấu ấn cá nhân. Khi dịch Olga, tôi cho rằng, mỗi người dịch đều có cách tiếp cận riêng của mình đối với văn bản. Tôi không có ý định “so tài” cùng những người đi trước mà chỉ cố gắng tiếp tục phần việc mà họ đã bắt đầu, nhưng bằng cảm nhận của mình, có thể ở góc độ khác, trong sự trải nghiệm khác, vì thế, tôi không cảm thấy có áp lực nào hết. Tuy nhiên, tôi quyết định không dịch lại (hoặc có dịch lại thì cũng không công bố) một số bài thơ của Olga mà những bản dịch của người đi trước đã khiến chúng khắc dấu trong tim bạn đọc. Điều này cũng không xuất phát từ “nỗi sợ” đâu, mà xuất phát từ “tình yêu”. Chính tôi cũng từng yêu “Mùa hè rớt”, “Mùa lá rụng”, “Anh hãy trở về…” qua bản dịch của Bằng Việt, Ngân Xuyên đến nỗi không chấp nhận đọc những bản dịch khác nữa. Tình yêu bất chấp mọi lý lẽ mà! Vậy thôi. Chứ tôi không mảy may lo lắng vì tôi cũng đến với Olga bằng trọn vẹn tình yêu.

 

Lý do vì sao chị ra mắt một cuốn sách không chỉ là thơ dịch mà là một cuốn sách viết về toàn bộ cuộc đời,  thơ và chân dung tư liệu của một người đã rất quen thuộc với bạn đọc Việt Nam?

 

Thực ra, nữ sĩ Olga của nước Nga là một “người quen”, thậm chí là “người thân” của bạn đọc Việt Nam, nhưng chưa nhiều người biết tường tận về cuộc đời của bà. Với “Olga Berggoltz của tôi”, tôi mong muốn kể lại với bạn đọc những gì tôi đã biết về Olga qua những ghi chép, thư từ, hồi ký của nhà thơ và đồng nghiệp, muốn bạn đọc cùng tôi gặp gỡ với một Olga sống động, từ khi còn là cô bé con mới bắt đầu tập làm thơ, rồi dấn bước trên con đường thơ ca đầy hào hứng, đồng hành cùng cuộc sống lao động, cống hiến của người dân Xô-Viết, trải qua biết bao cay đắng, mất mát, tù tội, đến khi bất ngờ có “niềm vinh quang của tột cùng đau khổ” và cuối cùng là những gắng gỏi để “qua nỗi đau tôi viết”, viết cho đến khi còn lại một mình, cô đơn và ốm bệnh, không ngừng làm việc, ấp ủ hoài bão về một Cuốn sách lớn của đời mình – một cuốn sách mà Olga cho rằng, sẽ lưu giữ hoàn toàn sự thật… Tôi cảm thấy rằng, chỉ có cách “theo chân Olga” như thế qua từng đoạn đời của bà, độc giả mới có cơ hội thấu hiểu những gì bà để lại. Không chỉ nồng nàn trong tình yêu như ta vẫn biết, bà còn có những vần thơ khi hài hước tự trào, lúc gay gắt, nghiệt ngã, quyết liệt, thậm chí, thô nháp. Giữa những lúc “hô khẩu hiệu”, nữ thi sĩ còn khắc họa những nỗi đau con người một cách giản dị mà thấm thía. Đằng sau cuốn sách, tôi có trích mấy câu của Olga:

 

Tôi mải mê hít căng mùi hương sâu lắng

ngải đắng đây, đắng ngắt tình đời –

Nỗi đau của loài người giản đơn vô hạn

đã trở thành niềm cay cực riêng tôi…

 

Thiết nghĩ, nếu không “nhìn được” những nét khắc của số phận đối với cuộc đời Olga thì không hiểu được những câu thơ tương tự thế này. Với tôi, “Olga Berggoltz của tôi” là cuốn sách viết về Olga, để cho tôi được trình bày một cách hiểu Olga chứ không phải là tập thơ dịch. Nếu chỉ là thơ dịch, tôi không dám để tên mình trên bìa sách.

 

Điều bất ngờ nhất mà chị khám phá được trong quá trình tìm hiểu Olga Berggoltz là gì?

 

Điều khiến tôi bất ngờ nhất khi tiếp cận với các bài thơ của Olga là… bà không phải là nhà thơ ca ngợi tình yêu như tôi vẫn tưởng. Mỗi một nhà thơ đến với bạn đọc và cuộc đời nhờ nhiều yếu tố: ngoài tài năng, sự lao động bền bỉ, những sáng tạo cá nhân trong sự cô đơn cùng cực, thì còn một cơ duyên của số phận. Với Olga, quãng thời gian hào hùng và thống khổ trong vòng phong tỏa của phát xít Đức cũng là một cơ duyên để bà trở thành Nàng Thơ của thành Leningrad vĩ đại. Tuy vậy, tôi chạnh nghĩ, nếu không có 900 ngày đêm sống và làm thơ hàng ngày ở Leningrad, hẳn đời thơ của Olga đã khác. Bà xinh đẹp, nữ tính nhưng không phải kiểu nữ tính cam chịu, dịu dàng, mềm mại, yếu đuối… Phong cách thơ của bà là tiếng thơ rành mạch, dứt khoát, mạnh mẽ, không khoan nhượng, không “nương nhẹ trái tim” dù trong “khúc hát, buồn đau, đắm say hay tình bạn”. Cũng vì thế, khi dịch Olga, tôi đã rất cân nhắc khi dùng đại từ nhân xưng: chẳng hạn, khi nào là anh, là bạn, khi nào là các người…

 

Ở thời điểm này, khi văn học Nga không còn còn thuộc trong hệ sách “hot”, tiếng Nga không còn giữ được vị trí quan trọng như trước nữa, chị có e sợ rằng cuốn sách của mình sẽ bị nằm phủ bụi trên một giá sách nào đó?

 

 Tôi có ý định viết về Olga và bắt đầu viết dần về bà từ năm 2007. Những bài viết nho nhỏ của tôi được đăng đây đó trên các báo. Văn Nghệ trẻ cũng đã đăng  hai kỳ  và tôi nhận được khá nhiều phản hồi. Tôi hiểu rằng, người đọc Việt Nam vẫn rất quan tâm đến Olga như một nhà thơ “của mình” chứ không hẳn là một nhà thơ nước ngoài nữa. Có lẽ một phần nhờ các bản dịch của nhà thơ Bằng Việt. Chính nhà thơ cũng từng tâm sự rằng, ông dịch qua một sự đồng cảm sâu sắc với tác giả, đã khiến cho tác giả gần như được “Việt hóa” thông qua lăng kính của dịch giả. Thật cảm động khi chứng kiến tình cảm nồng nhiệt của độc giả Việt Nam nhiều thế hệ dành cho Olga. Tôi có thể mạnh miệng mà đoan rằng, chưa có tác giả nước ngoài nào có được cảm tình dài lâu và sâu sắc của số đông độc giả như thế. Một người bạn của tôi còn nói: “Ai cũng có một thời Olga…”.  Tuy nhiên, khi viết và dịch, tôi không hề nghĩ đến khả năng đón nhận cuốn sách từ phía bạn đọc. Tôi chẳng nghĩ cũng chẳng e sợ gì hết, chỉ thấy một niềm hưng phấn say mê khi viết về nhà thơ mình yêu quý, khi dịch được những bài thơ đã khiến mình rung động sâu sắc để có thể giới thiệu với bạn bè. Và hôm nay, tôi vui mừng thấy Olga đã được đón nhận sau nhiều mong đợi.

 

Với tư cách là một nhà thơ, một dịch giả, cá nhân chị được gì khi bước vào thế giới thơ của Olga Berggoltz?

 

Từ khi bước vào thế giới thơ của bà, tôi thêm yêu sâu sắc đất nước mà tôi đã từng sống và học tập. Yêu vì những bi kịch của từng cá nhân như Olga. Yêu vì những con người của miền đất ấy, như Olga, hẳn phải có sức mạnh vĩ đại từ đất mẹ tiếp sức, mới có thể sống, vươn lên, để từ nỗi đau mà làm việc, chiến đấu và mỉm cười với cuộc đời. Vì thế, khi chia tay với nước Nga cách đây tròn hai năm, tôi đã viết: “Giọt lệ này có được chẳng giản đơn!”. Qua số phận của Olga, tôi đã yêu và hiểu được một miền đất không phải của mình. Giọt nước mắt dành cho buổi chia tay với miền đất ấy có được, quả thực là không đơn giản.

 

Nói thêm với tư cách là người sáng tác, Olga cho tôi bài học về sự chân thành. Giản dị, không màu mè, không làm điệu nhưng luôn đẩy cảm xúc đến tận cùng như bà từng tuyên bố: ‘Tôi mong muốn nhiều, tin vô cùng, yêu say đắm”. Điều này làm nên nét lôi cuốn bền bỉ qua năm tháng của Olga. 

 

Hiện nay các tác giả trẻ dịch văn học Nga ngày một thưa vắng, các dịch giả tên tuổi thì đều đã già. Lớp trẻ không còn nhiều người say mê với tiếng Nga nữa. Chị có e sợ rằng việc giới thiệu và dịch văn học Nga đương đại rồi sẽ không còn duy trì được nữa vì thiếu dịch giả?

 

Thực ra, vấn đề của việc dịch văn học Nga ở Việt Nam hiện nay, theo tôi, không phải là thiếu người giỏi.. Theo dõi trên các website liên quan đến nước Nga, tôi biết có rất nhiều người vẫn đang yêu mến tiếng Nga, văn hóa văn học Nga, nhiều người rất có khả năng trong dịch thuật. Tuy nhiên, cái thiếu ở đây là tính chuyên nghiệp của công việc này. Phần lớn mọi người mới dừng lại ở mức “dịch cho vui”, “có thời gian thì dịch” chứ chưa xác định được cho mình một định hướng cụ thể trong công việc, trừ một vài dịch giả hiện vẫn đang làm việc âm thầm và say mê như dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền, Tạ Phương… Một phần vì đây là công việc đòi hỏi nhiều hy sinh (thu nhập thấp, lao động không đơn giản, phải…. ngồi nhiều, phải “nhập hồn” vào tác phẩm..v..v.) – người ta làm việc khác có lợi hơn. Thêm nữa, tôi nghĩ, không phải bất cứ ai có đưa ra một số bản dịch là có thể coi như dịch giả. Về việc này, rất cần có một tổ chức nào đó có khả năng và thẩm quyền tập trung, phát hiện và khuyến khích người dịch văn học Nga, đồng thời có kế hoạch bồi dưỡng người giỏi tiếng mẹ đẻ, có khả năng cảm thụ tinh tế tiếng nước ngoài, những kiến thức và kỹ năng cần thiết để đạt được sự chuyên nghiệp trong dịch thuật. Tôi biết rằng, khoa Sáng tác và Lý luận phê bình văn học thuộc trường ĐH văn hóa Hà Nội đã đề xuất với trường ĐH văn chương Gorky (Matxcơva) hỗ trợ về việc đào tạo dịch thuật văn học Nga chuyên nghiệp, đưa sinh viên sang Nga học hoặc mở tại Khoa một bộ môn dịch thuật văn học. Đây cũng là một cách hay. Tóm lại, nếu không có những “chiến lược văn hóa” cấp quốc gia, không có sự quan tâm hỗ trợ cả từ phía nước Nga trong việc thúc đẩy sự quảng bá văn hóa- văn học Nga ở Việt Nam thì sự thâm nhập của văn học Nga vào đời sống văn học VN đương đại sẽ rất manh mún, tự phát và có thể nói, là một điều “không tưởng”.

 

Trong lần gặp tổng thống Nga vừa rồi, chị đã đề xuất về việc lập một quỹ dịch thuật văn học Nga, hỗ trợ cho việc tổ chức dịch và xuất bản văn học Nga ở Việt Nam. Xin hỏi: việc đó đã được xúc tiến đến đâu rồi? 

 

Thật vui mừng là việc này đang được quan tâm tích cực, không chỉ từ phía Tổng thống LB Nga. Theo tôi được biết, trong chuyến sang Nga nhận huân chương hữu nghị từ tay Tổng thống Medvedev, dịch giả Thúy Toàn đã một lần nữa đề cập cụ thể hơn vấn đề này và Tổng thống Nga đã có nhiều quan tâm để xúc tiến công việc. Các thủ tục cần thiết đang được tiến hành và, theo như dịch giả Thúy Toàn cho biết, các tổ chức xuất bản cũng như cá nhân người dịch đã có thể trình bày các dự án dịch thuật của mình và chắc chắn sẽ nhận được sự hỗ trợ cần thiết.

 

Riêng từ phía Trung tâm khoa học và văn hóa Nga ở Hà Nội, tôi cũng đã nhận được một lời đề nghị cùng tham gia cộng tác trong việc chuẩn bị hình thành một Trung tâm dịch thuật văn học Nga trực thuộc tổ chức này. Thêm nữa, tại Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, có thể sắp tới một câu lạc bộ những người yêu thích dịch thuật văn học Nga cũng sẽ ra đời.

 

Như vậy, có thể một “cú hích chính trị” đang cho chúng ta một “cú hích về văn hóa”, khiến việc dịch thuật văn học Nga đang và sẽ có cơ hội được phát triển chuyên nghiệp hơn, chí ít cũng được như “ngày xưa”.

 

Từ câu chuyện dịch văn học Nga, tôi muốn chúng ta nhắc đến chuyệc dịch văn học Việt Nam ra các thứ tiếng. Câu chuyện này đã được nhiều người bàn, nhiều ý kiến khác nhau. Cá nhân chị, để việc đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài, hiện nay chúng ta cần ưu tiên việc gì?

 

 Cá nhân tôi cho rằng, cũng như câu chuyện văn học Nga ở Việt Nam, việc đưa văn học Việt Nam ra nước ngoài cũng cần sự quan tâm và xây dựng chiến lược ở tầm quốc gia, phải có kế hoạch dài hơn và có kinh phí – mà thật vui là điều này, theo tôi được biết, đang được thực hiện. Ngoài ra, việc phát hiện, tập hợp và khuyến khích người có khả năng dịch văn học Việt ra tiếng nước ngoài là một điều phải làm và làm kỹ lưỡng, nhiệt tình chứ không theo kiểu “lớt phớt, nghe ngóng”. Những tổ chức có chức năng và thẩm quyền trong việc này cần biết liên kết các “nguồn lực” trong nước và nước ngoài để phát hiện người giỏi, có chính sách động viên người dịch kịp thời. Có thể tổ chức những cuộc gặp gỡ người dịch văn học Việt Nam ra các thứ tiếng với quy mô nhỏ hơn so với quy mô của Hội nghị quảng bá văn học VN năm vừa rồi, nhưng các chương trình thiết thực, cụ thể các cuộc tọa đàm có nội dung sâu hơn về chuyên môn với những câu hỏi đặt ra trực diện hơn như dịch gì – ai dịch – dịch thế nào (về chất lượng) – xuất bản ra sao… Theo thiển ý của tôi, đó là những điều cần quan tâm trước nhất.

 

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

(Nguồn: Phongdiep.net)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: