“Đoản khúc Em” – Cái tựa sách thoạt nghe thấy có vẻ giống với giọng điệu trẻ trung của một tác giả 8x nào đó. Thế nhưng khi lật sách ra đọc bài đầu tiên với cái nhan đề “Khúc em xưa” thì biết tác giả của tập thơ tuổi cũng không còn quá trẻ. Tuy vậy, câu chữ trong tập thơ không vì thế mà cũ mòn, sáo rỗng; ngược lại nó còn có được sự tươi mới, trong trẻo và điều đó đã lôi cuốn người đọc đi theo từng câu chữ cho tới hết tập thơ.
Tác giả Lê Minh Dung, một người trước nay luôn xem chuyện viết lách chỉ là những phút giây ngẫu hứng trong cuộc dạo chơi của tâm hồn qua chốn văn chương. Có lẽ vì thế mà từng câu chữ anh viết ra luôn có sự khoáng đạt, cởi mở, không bị gò bó trong một khuôn khổ nhất định nào đó. Có không ít người đã cho rằng đây là một thế mạnh và cũng là một yếu điểm của người cầm bút, bởi lối viết amateur chính là một con dao hai lưỡi, nó luôn đặt người viết vào trạng thái hưng phấn cao độ nhưng nó cũng lại giống như một con ngựa bất kham có thể bứt cương phá đàn bất kể lúc nào. Nhưng ở đây, ta thấy Lê Minh Dung tung tẩy với trò chơi con chữ của mình một cách rất thoải mái nhưng lại không kém phần điệu nghệ. Ta hãy đọc những câu sau: “Khúc nhạc ai nhặt khoan niềm viễn xứ/ Ta loay hoay cuống quýt níu lại chiều…” (Bâng khuâng), rồi nữa: “Em - một đời hồn nhiên như trời đất/ Chẳng ghen hờn giận dỗi, chẳng trách cứ chê bai/ Trong giấc mơ em vẹn nguyên như ngày xưa ấy, chúng mình giấu kỷ niệm vào vạt cỏ mềm ướt đẫm sương mai/ Tay trong tay anh đếm nhịp tim mình rơi thổn thức bên em hồn nhiên ngước mắt đếm sao trời…” (Đoản khúc em). Đọc những câu này thấy hiện hữu hình ảnh một gã lãng tử si tình đang thả hồn mình vào từng vùng hoài niệm.
Bao trùm lên toàn bộ tập thơ là những nét khắc họa về một bóng hình em xưa, bóng hình của một người con gái mà tác giả đã mang theo và ám ảnh suốt đời, bóng hình của một nàng thơ đúng nghĩa. Từng mảnh ghép như phân đoạn của một cuộn phim chiếu chậm lần lượt hiện ra như mơ như thực với: “Dường như tôi đã gặp em/ Giữa bao vần điệu thân quen thuở nào…” (Dường như), rồi tiếp đến: “Có một thời em lênh đênh trong hồn ta/ Ta cứ nghĩ mình là tư bản/ Dưới mũi tên tình yêu em trải ngàn tấm thảm/ Đã có thời ta cứ ngỡ rằng ta...” (Thời ta ngỡ), và cuối cùng chỉ là: “Để em hạnh phúc với người/ Tôi đi về phía cuối trời buồn tênh…” (Lời cuối), thế nhưng tình vẫn khôn nguôi: “Ước lạc vào miền em rưng rưng ký ức/ Ánh trăng nào thấp thỏm đợi chiều rơi…” (Miền ký ức). Và như vậy, em của một thời xa ấy cuối cùng đã được tác giả đóng khung gói vào miền ký ức để mà ngưỡng vọng. Tình đời luôn ẩn giấu trong đó sự đớn đau ngang trái, tuy nhiên với Lê Minh Dung thì nó vẫn lung linh, ảo diệu; anh đã hoài niệm về nó với những khía cạnh đẹp đẽ nhất.
Chủ đề về gia đình và quê hương trong thơ Lê Minh Dung cũng được anh khá chú trọng. Điều này cũng là dễ hiểu, bởi với một người xa quê lâu ngày như anh thì hẳn những nỗi niềm thương nhớ khắc khoải đã dồn nén, tích tụ lại và khi có cơ hội thì vỡ òa ra ào ạt. Những kỷ niệm của một thời ấu thơ, một thời trai trẻ luôn đau đáu trong anh: “Là tôi - một thời thơ bé/ Thả diều, hái ổi, chăn trâu/ Tuổi thơ lớn cùng cây lúa/ Chân bùn quen lội đồng sâu…” (Là tôi), “Khắc vào tim bầu trời ký ức tuổi thơ nhau/ Anh không khóc ngày chia tay/ mà soi mình trong đôi mắt em nhạt nhòa nước mắt…” (Nợ em)… Khi viết về gia đình thì ta thấy Lê Minh Dung lộ rõ những tình cảm yêu thương nồng ấm. Với cha mẹ, anh thể hiện mình là một đứa con chưa làm tròn đạo hiếu: “Nhà nghèo mái rạ tường vôi/ Mẹ tôi áo vá một đời chân quê…” (Mẹ tôi), rồi những khao khát được về bên cha mẹ: “Ngập ngừng bước chân như chạy/ Kia rồi hiên mẹ mái xiêu/ Tóc bạc lưng còng dáng mẹ/ Xác xơ khóm trúc lay chiều…” (Mơ về quê), và xót xa hơn khi cái cơ hội để báo hiếu đã không còn: “Mây trôi về phía cuối trời/ Con ngồi bên mộ nhặt lời ru xưa.” (Bài thơ dâng Mẹ). Với con cái, anh là một người cha gần gũi, hồn hậu: “Sợ em đói, búp bê không bú mẹ/ Giờ tan trường con ngóng tiếng xe ba...” (Thơ cho con gái). Với người vợ tao khang hiền thảo thì anh tự nhận mình là một kẻ vô tâm: “Anh vô tâm - có những lần bắt gặp/ Giọt nước mắt em rơi, thầm xót xa lòng/ Mấy vần thơ như tình anh chân thật/ Dâng tặng mình - em có nhận cho không?” (Vẫn là em), nhưng lại vẫn tràn đầy với những sẻ chia, đồng cảm: “Em gửi thời thiếu nữ/ Trên má con ửng hồng…” (Này em). Tất cả những tình cảm này cho ta thấy trong con người Lê Minh Dung luôn đầy ắp tình yêu thương, và điều đó thực đáng trân trọng.
Trong tập thơ này, thể loại lục bát được tác giả Lê Minh Dung tập trung khai thác trong một góc độ mở với cái nhìn riêng biệt của mình. Những nét tinh tế, mượt mà khá dàn trải dưới sự sắp đặt có chủ ý. Tự thân lục bát vốn dĩ đã có sự mềm mại, và khi nó được chăm chút kỹ càng thì sẽ càng thêm phần mượt mà, óng ả hơn. Với lục bát của Lê Minh Dung thì người đọc sẽ dễ dàng nhận ra cái sự trau truốt ấy. Những câu lục bát như: “Sóng cồn ngập bãi cát mềm/ Thương con còng gió giữa đêm trở về...” (Khúc em xưa), “Tôi vừa khâu lại giấc mơ/ Bằng lời yêu vớt bên bờ lặng câm…” (Tôi không là tôi), “Bỗng dưng thèm thấy mình say/ Soi gương uống mãi vẫn loay hoay buồn…” (Buồn) v.v… đã đầy vẻ lấp lánh của ánh sáng thi ca. Ngoài ra, trong trong tập này cũng còn có những câu lục bát được ngắt nhịp khá ấn tượng, nó mang dáng vẻ hiện đại, mới mẻ nhưng hoàn toàn không gây ra sự phản cảm. Những đoạn ngắt được thực hiện khá hợp lý, chuẩn xác làm cho người đọc không có cảm giác những câu lục bát bị đứt đoạn, tủn mủn. Có thể dẫn ra một số câu như: “Này thu/ hãy đến cùng tôi/ Để nghe/ nhịp đập/ tim rơi/ cuối chiều…” (Này thu chờ ta), “Hồn tôi/ thuở ấy di cư/ Sang hồn em/ để cậy nhờ... nhớ không…” (Cậy nhờ), “Hỏi rằng/ em nhớ tôi không/ Tôi như gốc rạ/ đem lòng ra phơi…” (Hỏi em) v.v… Gần đây có một số tác giả trẻ khi làm thơ lục bát đã quá lạm dụng việc ngắt câu để tạo cho mình sự mới lạ, phá cách, tuy vậy họ lại thường quá sa đà vào đó mà không chú ý tới bố cục của bài thơ nên nhiều khi chính việc ngắt câu không đúng chỗ, đúng lúc đã làm cho những câu thơ trở nên tối nghĩa và làm hỏng đi những bài thơ hay. Thế nhưng với Lê Minh Dung thì dường như anh đã thoát được khỏi cái xu hướng dễ dãi ấy, bởi đa số những câu chữ của anh luôn được sắp đặt với sự chủ động.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng ở trong tập thơ này vẫn còn những yếu điểm không đáng có. Đôi chỗ vẫn còn những câu chữ khá hời hợt, cẩu thả làm cho cả một bài thơ mất đi giá trị thực của nó. Có một số bài diễn đạt còn lan man, dàn trải, không đi vào trọng tâm của ý, tứ. Phải chăng cái sự ngẫu hứng của tác giả cũng đã vượt ra khỏi sự kiểm soát? Thiết nghĩ, đây là điều không nên, vì dù rằng cuộc dạo chơi của tác giả với thi ca ở mức nào thì cũng luôn cần phải chỉn chu hơn, sâu sắc hơn để không tự làm mất đi giá trị của chính mình. Và điều này, với Lê Minh Dung chắc sẽ không phải là việc quá khó.
Với “Đoản khúc Em” - tập thơ đầu tay ở tuổi ngoại ngũ tuần, có thể nói Lê Minh Dung đã mang đến cho người đọc một sự ngạc nhiên thú vị. Bằng niềm đam mê và nhiệt huyết của mình với văn chương, Lê Minh Dung đã thực sự cho thấy những giá trị nghệ thuật và sự sáng tạo trong tác phẩm của mình. Vì thế chúng ta nên kỳ vọng và tin tưởng rằng anh sẽ chứng tỏ được diện mạo của mình với thi ca.
Bình Chánh – Tp. Hồ Chí Minh, tháng 10/2010
Trần Minh Tâm
Phạm Minh Giắng - phamigia@gmail.com - 0987736365 - Trung tâm Bảo trợ xã hội Vũ Thư-Thái Bình
(Ngày 27/11/2010 06:36:44 PM)
Chúc mừng anh đã sinh con đầu lòng cùng nàng thơ. Chức bà cả mừng lắm.
Phạm Minh Giắng
Hoàng Anh Tuấn - hoanganhtuan.calc@gmail.com - 0914877998 - 237, Hồng Hà, Cốc Lếu, Lào Cai
(Ngày 22/11/2010 10:53:09 AM)
Bìa sách ấn tượng quá, thơ Lê Minh Dung thì dĩ nhiên là rất tình!^^
|