Chủ nhật, 22/12/2024,


Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Thân thế và sự nghiệp nhà thơ Chế Lan Viên (20/11/2010) 

Sáng ngày 19/11/2010, tại trụ sở Hội nhà văn Việt Nam, 7 – Nguyễn Đình Chiểu – Hà Nội, buổi lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà thơ Chế Lan Viên đã được tổ chức trang trọng.

 

Tham dự buổi lễ kỷ niệm có đại diện Ban tuyên giáo, lãnh đạo Hội nhà văn Việt Nam, các thế hệ nhà văn cùng thời và các thế hệ nhà văn lớp sau của nhà thơ Chế Lan Viên như: Ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng ban tuyên giáo Trung ương, nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch UB toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT VN, nhà văn, nhà báo Phan Quang – nguyên Chủ tịch Hội nhà báo Việt nam, nhà văn Khuất Quang Thụy – TBT website Hội Nhà văn, nhà văn Lê Thành Nghị, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà thơ Bằng Việt, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, nhà văn Đỗ Chu, nhà thơ Đỗ Hàn, nhà phê bình Vũ Nho, nhà văn Võ Thị Xuân Hà, nhà thơ Phạm Khải… cùng nhiều thế hệ đọc giả của nhà thơ và đặc biệt khi có Phan Trường Định – con trai nhà thơ Chế Lan Viên (đại diện gia đình) cùng tham dự buổi kỷ niệm.

 

Tại buổi lễ, các nhà thơ, nhà phê bình Hà Minh Đức, Lê Thành Nghị, Mai Quốc Liên, Trần Đăng Khoa, Bằng Việt... đã đọc các tham luận khẳng định đóng góp to lớn của nhà thơ Chế Lan Viên trong việc phát triển và hiện đại hóa nền thơ ca Việt Nam thế kỷ 20.

Với một giọng điệu thơ riêng biệt và đặc sắc pha trộn lãng mạn với siêu thực, tượng trưng, giàu chất suy tư và cũng đầy nhạc điệu... các tập thơ của Chế Lan Viên như: Điêu tàn, Hoa đời thường, Chim báo bão, Ánh sáng và phù sa, Di cảo thơ... đã trở thành những tác phẩm thơ ca đỉnh cao nổi bật của dân tộc trong thế kỷ 20. Quan điểm tôn trọng, đề cao sáng tạo cá nhân và tài năng trong thơ ca, tình yêu tha thiết với thơ ca của Chế Lan Viên cũng được các bạn bè và đồng nghiệp sống cùng thời với ông chia sẻ tại lễ kỷ niệm.

Đặc biệt, nhân dịp này, những người yêu mến và hâm mộ Chế Lan Viên đã được nghe lại giọng nói của chính Chế Lan Viên qua bài 'Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi' trong bộ sưu tập Bảo tàng Âm thanh của Đài TNVN với giọng nói của 300 nhà văn, nhà thơ, trong đó 2/3 đã qua đời.

 

Lucbat.com trân trọng giới thiệu tham luận của Lê Thành Nghị, Chủ tịch HĐ Lý luận Hội Nhà văn VN tại buổi lễ Kỷ niệm 90 năm sinh nhà thơ lớn Chế Lan Viên.

 

CHẾ LAN VIÊN VÀ HIỆN ĐẠI HÓA THƠ VIỆT

 

Lê Thành Nghị, Chủ tịch HĐ Lý luận Hội Nhà văn đọc tham luận.

Ảnh: Lucbat.com

 

Trong văn học Việt Nam thế kỷ XX, nếu chọn một nhà thơ tài hoa và độc đáo bậc nhất, chắc chắn nhiều người sẽ nghĩ đến Chế Lan Viên, bởi vì từ thuở viết Điêu tàn cho đến những tập cuối cùng của Di cảo, ông đã làm chúng ta đi từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác. Sức sáng tạo của Chế Lan Viên có thể nói là phi thường và dấu ấn thơ ông để lại trong đời sống tinh thần của thời đại ông sống quả là hết sức sâu sắc. Có thể nói Chế Lan Viên đã làm phong phú thêm tâm hồn của mỗi người dân Việt bằng những câu thơ xuất phát từ tâm hồn đặc biệt của ông...Và cũng có thể nói, đến Chế Lan Viên, thơ Việt Nam đã phát lộ hết chiều kích, đã trở nên hết sức sang trọng, với những vẻ đẹp hiện đại có thể sánh với bất cứ nền thơ hiện đại nào của thế giới..

 

Từ thuở viết Điêu tàn Chế Lan Viên cho rằng làm thơ tức là làm sự phi thường. Điều đó có nghĩa thơ là một lĩnh vực không phải ai muốn là cũng có thể đạt tới .Về phương diện nào đó, làm thơ cũng như đá bóng, ai cũng có thể làm thơ được cũng như ai cũng có thể đá bóng được, nhưng trở thành siêu sao thì chỉ có những tài năng. Một thời với quan niệm quần chúng hoá...mọi mặt đời sống tinh thần, có lúc, có nơi vô tình chúng ta đã tầm thường hoá những tài năng, cào bằng các giá trị, dị ứng với những sáng tạo độc đáo. Một cách rất lôgic, đề cao cái phổ thông, cái tầm tầm, cái dễ tiếp nhận, cái đơn giản, tất yếu sẽ dẫn tới xem nhẹ cái độc đáo, cái dị biệt, caí riêng...những điều cốt tử của văn chương nghệ thuật. Chế Lan Viên ngay từ buổi đầu đã không tầm thường hoá công việc làm thơ,và sau này, ngay cả khi kêu gọi thơ cần có ích, ông cũng không bao giờ hạ thơ xuống một bậc để đi qua cánh cửa hẹp của quan niệm một thời

 

Đừng làm những câu thơ khuôn mình theo văn phạm

Như những cây quá thẳng chim không về

 

Khuôn mình theo văn phạm,hoặc như những cây quá thẳng...phải chăng Chế Lan Viên muốn nói đến những thứ thơ rập khuôn, nhạt nhẽo, dễ dãi, giản đơn, vô bổ...chỉ có thể là sản phẩm của những trí tuệ tầm thường, hoăc là sản phẩm nhan nhản của một thứ lao động lười nhác mà thời đại nào cũng có. Cách nghĩ ấy của Chế Lan Viên không chỉ thể hiện quan niệm, mà còn là trách nhiệm , sứ mệnh của nhà thơ trước văn hoá dân tộc. Như vậy với quan niệm làm thơ là làm sự phi thường, Chế Lan Viên đã đưa công việc làm thơ vốn trước kia được cho là lập thân tối hạ, trở thành một công việc hết sức thiêng liêng. Điều này thật có ý nghĩa vì cho đến ngay cả lúc này, trong xã hội hiện đại này, khi không ít người vẫn cho làm thơ là công việc khi rỗi rãi, lúc hưu nhàn, dễ dàng như thò tay vào túi, khi lao động thơ vẫn là thứ lao động bị rẻ rúng. Quan niệm của Chế Lan Viên, có thể có người cho rằng ông đang tuyệt đối hoá lao động thơ, nhưng nếu nhìn lại lịch sử văn học dân tộc,bao nhiêu những thế kỷ qua đi, những Nguyễn Du, Nguyễn Trãi còn lại không được bao nhiêu người mới thấy Chế Lan Viên có lý. Và vì vậy đây chính là một quan niệm đề cao tài năng, để tạo ra thơ đỉnh cao, để có thể đưa thơ Việt Nam vào quỹ đạo hiện đại.

 

Suốt cuộc đời hơn 50 năm lao động sáng tạo của mình, Chế Lan Viên nói ra hoặc không nói ra nhưng ông đang làm theo tư tưởng làm thơ là làm việc phi thường có từ rất sớm ấy của mình. Ông tự học thơ Đường, thơ Tống, học thơ Pháp, thơ của những nhà thơ đông tây kim cổ, học thơ của những nhà thơ cùng thời, học bất cứ kiến thức nào của nhân loại...một mình thức muộn dậy sớm học suốt đời, là để chắp cánh cho thơ của mình, há chẳng phải là một việc phi thường. Niềm kinh dị mà Hoài Thanh cảm nhận từ Điêu tàn của Chế Lan Viên hẳn nhiên là kết quả đầu tiên của việc làm phi thường ấy. Là một nhà thơ của phong trào Thơ mới, nhưng Chế Lan Viên đã cho thấy sự khác lạ của ông giữa những nhà thơ mới .Bởi vì thơ Chế Lan Viên rất có ý thức xa lánh cái tầm thường, thông tục. Vẫn là cảm hứng lãng mạn, nhưng trong cách cảm của Chế Lan Viên yếu tố siêu thực như những vỉa lấp lánh khác thường trong tư duy thơ lúc bấy giờ. Là thành viên của nhóm Trường thơ loạn nhưng khác với Bích Khê và Hàn Mặc Tử, ở Chế Lan Viên siêu thực tân kỳ hơn, bởi vì nó mang vẻ u uất, xót xa ,ghê rợn, bí hiểm hướng về một không gian đã trở thành hoang tàn của lịch sử. Như một cái tháp Chàm chắc chắn và lẻ loi, bí mật, ở Chế Lan Viên tận đâu đó rất sâu trong siêu thực là bóng dáng thực của cuộc đời, như thể Khi đã buồn thực tại / Thì quay về tháp xưa.

 

Trong thơ Chế Lan Viên về sau cũng vậy, yếu tố siêu thực luôn được quan niệm để làm gia tăng chiều kích của hiện thực, để làm cho hiện thực sung mãn hơn. (Tựa Tuyển tập Hàn Mặc Tử). Đó là khi Lý Bạch viết: Tóc dài ba ngàn trượng; đó là khi Nguyễn Du tả: Ngọn đèn khêu nguyệt, tiếng chày nện sương. Và đó cũng là khi Chế Lan Viên nhìn thấy: Sóng như hàng nghìn trưa xanh, trời đã tan xanh ra thành bể và thôi không trở lại làm trời. Ý nghĩa bị xáo trộn, logic bị vi phạm, mạch nghĩ bị gián đoạn... Đây là những biểu hiện thường thấy trong thơ hiện đại phương tây. Rõ ràng hiện thực không còn là hiện thực đơn giản, phản ảnh không còn là phản ảnh theo kiểu tấm gương .Như vậy yếu tố siêu thực như Chế Lan Viên quan niệm chính là một trong những yếu tố của văn học hiện đại, là cái để hiện đại hoá tư duy thơ, một phẩm chất từng có trong thơ ca phương đông, nhưng chưa bao giờ được gọi tên, cho đến Chế Lan Viên.

 

Thơ ca Việt Nam phản ảnh tâm hồn người Việt, thường nghiêng về cảm xúc., thậm chí duy cảm. Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh..viết bằng những xúc cảm, xúc động. Làm thơ, Chế Lan Viên không nhất thiết bắt đầu bằng xúc cảm. Một ý nghĩ , có khi là một khái niệm, một tư tưởng, một ý niệm triết học, hoặc một triết lý nhân sinh chợt đến, tư duy thơ của ông hình thành, những hình ảnh, ngôn từ, nhạc điệu, vần điệu và cảm xúc cũng theo đó hình thành. Bài thơ ra đời như một sự sinh linh sống động, hoà quyện tất cả, từ cảm xúc đến lý trí, mang máu thịt của tâm hồn ông . Thơ Chế Lan Viên vì vậy, rất mạnh mẽ, sắc bén về trí tuệ, nhưng cũng hết sức mượt mà về ngôn từ, nhạc điệu.

 

Thơ Chế Lan Viên rất giàu chất suy tưởng, trí tuệ. Có thể vì thế nên nhiều người cho rằng thơ ông ít những chi tiết đời sống. Nhận xét này có lý. Bởi vì Chế Lan Viên không bao giờ miêu tả chỉ để miêu tả, mặt khác, thơ ca không phải sinh ra là để làm công việc miêu tả. Nếu như hình ảnh cuộc sống có phần ít đi thì cần phải thấy cái giàu có, đa dạng không một nhà thơ nào sánh kịp, đó là cả một thế giới của những suy tưởng, của những tưởng tượng, của cái ảo giác, cả những cái siêu thực. Hiện thực trong thơ Chế Lan Viên không phải đơn giản là cái nhìn thấy, mà là cái cảm thấy, nghĩ thấy. Nó là bóng dáng của cái nhìn thấy. Đúng hơn nó là cái nhìn thấy được khái quát, nhào nặn qua tư duy, qua suy tưởng, qua tưởng tượng, có thể bị xáo trộn, bị gián đoạn, nó là cái vô nghĩa hợp lý...nghĩa là cái nhìn thấy đã qua giai đoạn nhận thức lý tính, nhận thức trừu tượng, không thể lấy kích tấc thường mà đo được,( Hoài Thanh ). Hiện thực ấy vì vậy cao hơn, bản chất hơn, giàu ý nghĩa hơn...cái hiện thực nhìn thấy.

 

Có thể là trái đất mất anh hơn là anh mất nó

Nó mất anh như mất một hạt bụi có nghĩa gì?

Còn anh ngày mai khi đã là linh hồn, anh vẫn nhìn thấy nó

Cha vẫn nhìn thấy con, thấy mẹ, thấy khu vườn

Có điều ở thế giới ấy trong sáng, người ta không đau,

không dùng nước mắt

Người ta trong như thuỷ tinh, chỉ còn tình thương.

( Từ thế chi ca )

 

Bài thơ nói về sự tịch diệt ở đời. Từ thế giới bên kia nhìn về cõi người vẫn thấy ấm áp, vẫn chan hoà tình thương. Nó là siêu mà vẫn thực.Nó là cõi lặng, cõi vô biên mang bóng dáng cuộc đời. Biên độ của hiện thực không chỉ được mở rộng sang một thế giới siêu hình, mà còn ở tận miền suy tưởng. Biên độ của sự suy tưởng, vẻ đẹp của trí tuệ làm câu thơ của Chế Lan Viên trở nên lấp lánh, trong ảo giác, chinh phục trái tim con người bằng sự bất ngờ của những ý nghĩ, của những liên tưởng. Đó chính là vẻ đẹp của trí tuệ, một phẩm chất của thơ ca hiện đạị.

Chế Lan Viên là một triết gia, một nhà tư tưởng trong thi ca.Thể hiện phẩm chất ấy là những triết lý rất đặc sắc trong rất nhiều câu thơ, bài thơ của Chế Lan Viên. Triết lý là phương tiện để mài sắc, vót nhọn tư tưởng. Nhưng triết lý trong thơ không phải triết lý suông, nó thông qua cảm xúc và tình cảm của nhà thơ. Ý nghĩa triết lý, tư tưởng được tạo lập, được toát ra từ hình tượng, hình ảnh, từ ngôn ngữ của bài thơ. Nó là sự trừu xuất từ những vật chất hiện hữu của bài thơ.

 

Anh tồn tại mãi

Không bằng tuổi tên, mà như tro bụi.

Như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên

(Từ thế chi ca)

 

Đây là triết lý về sự sống và cái chết, sự bất tử và cái tàn lụi, tồn tại và huỷ diệt, cái thoáng chốc và vĩnh viễn. Ở một chỗ khác Chế Lan Viên viết: Hãy để cho người ta quên anh đi, dẫm đạp lên tên tuổi anh- Rồi anh lại xanh hơn .Nếu muốn để được nhớ, hãy quên mình đi. Chính là triết lý của Phật, của Chúa, của đạo đức nghìn đời, của lẽ đời ông bà vẫn dạy con cháu. Lời tự răn mình mà cũng để răn đời, giản dị nhưng sâu sắc, chí lý.

Chế Lan Viên hay triết lý về thời gian trong sự vô thuỷ vô chung, vô lượng của thời gian và kiếp người rất đỗi hữu hạn. Lắng nghe tiếng kêu trong gỗ như thời gian liên tục nghiến, Chế Lan Viên chọn cho mình một triết lý hành động:

 

Có lẽ tốt hơn là trỗi đậy

Chong đèn xay cối lúa

Tiếng cối xay ù ù kia dẹp tan tiếng mọt gặm chân giường

(Hai thứ tiếng)

 

Ngày xưa, lúc còn chiến tranh chống Mỹ, sống hết mình với cuộc chiến đấu của nhân dân, Chế Lan Viên bình luận : Những ngày tôi sống ở đây là những ngày đẹp hơn tất cả/ Dù mai sau có muôn vạn lần hơn. Rồi đến một ngày chiến thắng, khi đất nước trên đài cao vinh quang, nhưng trong cuộc mưu sinh đầy gian nan trước mắt, bao nhiêu câu hỏi không dễ tìm ra câu trả lời. Điều đó làm Chế Lan Viên day dứt:

Chẳng huân chương nào nuôi được người lính cũ!

Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời

Tôi ú ớ

Ngưòi ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong

Tôi xấu hổ

Thêm một lần ta thấy trách nhiệm đứng ngang tầm chiến luỹ của Chế Lan Viên, khi ông đi tìm một câu thơ giải đáp về cuộc đời hiện tại, có gì đó bi tráng như ngày xưa cha ông chúng ta từng đấm nát bàn tay trước cửa cuộc đời để đi tìm lẽ sống. Như vậy triết lý trong thơ Chế Lan Viên không bao giờ tách rời những vấn đề của cuộc sống.

 

Như chúng ta biết triết lý là để làm sắc bén hơn tư tưởng của thơ. Thơ Chế Lan Viên không bài nào là không cân chở một tư tưởng nào đó. Ở đâu văn học có sự suy tư tưởng, nhưng trong thơ Chế Lan Viên luôn đầy ắp tư tưởng. Bởi vì ông luôn luôn tâm niệm: tư duy ý và tư duy hình cần song song nẩy nở và bồi đắp cho nhau, mỗi lần ông đặt mình trước trang giấy; bởi vì bao giờ ông cũng muốn phát giác sự việc ở bề chưa thấy. Ở cái bề sâu, ở cái bề sau, ở cái bề xa.Thơ ấy thường làm sửng sốt, bất ngờ, thường làm kinh dị, kinh ngạc mọi người là vì vậy. Ngày trước Hải Thượng Lãn Ông nói: thơ cốt ở ý, ý có sâu xa thơ mới hay. Chế Lan Viên đã làm đúng như vậy. Thơ Chế Lan Viên rất dễ chuyển nghĩa sang những ngôn ngữ khác là vì thơ ông rất sáng rõ về ý. X.V. Calachôva, một chuyên gia nghiên cứu thơ Nga rất ngạc nhiên khi đối chiếu một số bài thơ của Chế Lan Viên bản tiếng Việt và bản dịch sang tiếng Nga, thấy số lượng từ vựng không chênh nhau bao nhiêu. Điều đó chứng tỏ tính hàm súc và về mặt nào đó là tính quốc tế, tính hiện đại của thơ Chế Lan Viên.

 

Thế kỷ XX, thơ Việt Nam thật sự được hiện đại hoá lần thứ nhất bởi các nhà thơ mới trong đó có Chế Lan Viên. Một cuộc cách tân triệt để, phá bỏ những niêm luật, những đối, những biền ngẫu...trong thơ trước đó để làm nên một thời đại mới trong thi ca, đưa thơ ca Việt Nam vào quỹ đạo hiện đại, rất phù hợp với tâm lý, tình cảm của những cá nhân tiểu tư sản, trước trào lưu xâm lấn ồ ạt của văn hoá nói chung và thơ ca phương tây nói riêng. Nhưng rồi những bài thơ bảy chữ, tám chữ của thơ mới (mà trong Điêu tàn của Chế Lan Viên có không ít) hình như chỉ sau khoảng mươi năm đã có vẻ không còn phù hợp. Một cuộc cách tân khác bằng thơ không vần của Nguyễn Đình Thi tuy không thuận buồm xuôi gío, nhưng cũng đã cho thấy thơ Việt Nam đang trên đường đi tìm một một hình thức biểu hiện mới. Ở Chế Lan Viên, sau tập thơ Gửi các anh như một sự trở lại đầy cố gắng , đến tập Ánh sáng và phù sa và cho đến những tập thơ cuối cùng, câu thơ không ngừng thay đổi về mặt cấu trúc.Những câu thơ dài ngắn đan xen, những nhịp điệu liên tục thay đổi, đầy biến hoá. Không hề tự hạn chế số tiếng trong một câu thơ ( có những câu chỉ có 2 tiếng, có những câu thơ có đến trên 20 tiếng ), Chế Lan Viển trở nên hết sức linh hoạt, đắc địa và hiệu quả, đào xới đến tận gốc những điều ông đang suy nghĩ, chinh phục đến từng con tim khối óc những độc giả ông đang hướng tới. Miẽn là nói được ý, còn dài hay ngắn không thật sự quan trọng. Nhưng ông hết sức chú ý đến nhịp, nhạc điệu, hình ảnh, ngôn ngữ. Đôi khi câu dài như để diễn đạt mạch suy nghĩ đang tuôn chảy dào dạt, và câu ngắn như một con đập đột ngột chắn lại, bất ngờ và ấn tượng:

Anh yêu cây bàng trụi lá mùa đông chỉ còn cốt lõi

Cái rét già lọc hết lá vàng đỏ chói

Để trơ cành.

(Cây bàng)

 

Chế Lan Viên không tự hạn chế mình trong thể loại. Khi cần ông sử dụng thơ tự do, thơ văn xuôi. Thơ tự do, thơ văn xuôi của Chế Lan Viên có thể xem là đặc sản, đẹp lộng lẫy. Có thể thấy điều đó ở các bài như Tàu đến tàu đi, Cành phong lan bể, Văn xuôi về một vùng thơ...Khi cần Chế Lan Viên sử dụng thơ lục bát. Lục bát của ông cũng rất hiện đại: Khi vui ngắm núi làm vui / Khi buồn nhặt trái sim rơi đỡ buồn...Khi cần Chế Lan Viên làm thơ năm chữ. Thơ năm chữ của Chế Lan Viên hết sức mượt mà: Em đi như chiều đi/ Gọi chim vườn bay hết/ Em về tựa mai về / Rừng non xanh lộc biếc/ Em ở trời trưa ở/ Nắng sáng màu xanh che / Tình anh như sao khuya/ Rải hạt vàng chi chít..Khi cần Chế Lan Viên viết thơ tứ tuyệt. Thơ tứ tuyệt của ông, theo Xuân Diệu đạt đến bậc thầy. Như vậy với sự vận dụng linh hoạt các thể thơ, Chế Lan Viên tự do sãi cánh cả tâm hồn để biểu hiện những điều ông suy nghĩ. Hình thức câu thơ cũng như thể loại thơ có thể không có gì đặc biệt nhưng sao bước vào thế giới thẫm mỹ của ông, người ta vẫn thấy kỳ ảo, vẫn thấy lạ lẫm, vẫn bị hút đi mạnh mẽ trong cái từ trường, trong cái mê lộ, trong cái đường bay kỳ ảo của Chế Lan Viên. Khó có thể tách bạch đâu là tượng trưng, đâu là siêu thực, đâu là ấn tượng, đâu là trực giác, đâu là logic, đâu là phi logic một khi đã bước vào vườn thơ của Chế Lan Viên như bước vào một thực thể hiện thực đã được mỹ lệ hoá theo sự tưởng tượng độc đáo của ông. Chính vì lẽ đó, thơ Chế Lan Viên dường như đang choàng lên mình chiếc áo hình thức vô cùng hiện đại, để tôn lên vẻ đẹp muôn thuở của thơ ca.

Không phải ngẫu nhiên Chế Lan Viên có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong đồng nghiệp, đặc biệt là những nhà thơ trẻ. Văn học Việt Nam thế kỷ XX sẽ nhạt đi biết bao nếu không có Chế Lan Viên. Tính hiện đaị trong thơ Chế Lan Viên làm nên sức sống lâu bền của thơ ông. Chắc chắn Chế Lan Viên sẽ còn đồng hành với chúng ta đến mai sau, và sẽ là nhà thơ đi xa nhất theo trục thời gian phía trước. Đúng như dự cảm của Tố Hữu:

Mai sau những cánh đồng thơ lớn

Có xác tro anh bón sắc hồng.

 

Hà Nội tháng 10-2010

Lê Thành Nghị

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: