Chủ nhật, 22/12/2024,


Nàng thơ và tình yêu (11/11/2010) 

Có nhiều định nghĩa về thơ và nhà thơ. Nhưng nhìn chung thơ và nhà thơ đi liền với cái hay cái đẹp. Thơ thường đi liền với tuổi trẻ, mùa xuân, tình yêu. Phải vậy chăng mà mọi người quen gọi thơ là "nàng thơ", và bây giờ ngày càng có nhiều người phấn đấu để trở thành nhà thơ. Bởi trong lịch sử, "nhà thơ" là một danh hiệu, danh hiệu "nhà thơ" rất cao quý. Chỉ có điều, nhà thơ là do trời đất sinh ra, chứ không thể phấn đấu được.

 

Nhà thơ Chế Lan Viên

 

1. Nhà thơ "mở lối cho ta về bể"

 

Những ai phấn đấu để trở thành nhà thơ thì thường là những người tự ngộ nhận. Thơ sinh ra nhà thơ hay nhà thơ sinh ra thơ, thật khó rạch ròi, bởi khi có thơ thì sẽ có nhà thơ và ngược lại. Còn khi đã không có thì không có cách nào để có được. Càng phấn đấu để sinh ra thơ, thành nhà thơ thì càng xa thơ.

Trong các khái niệm về thơ và nhà thơ, tôi chú ý đến mấy câu của Chế Lan Viên:

"Trái đất rộng thêm ra một phần vì bởi các trang thơ
Vì diện tích tâm hồn các nhà thi sĩ
Họ chỉ trồng một hàng dương đã mở lối cho ta về bể"...

Hai câu trên là một cách lý tưởng hóa thơ và nhà thơ, giống như Xuân Diệu từng lý tưởng hóa tình yêu của các chàng địa chất trong bài thơ "Anh địa chất và những triệu năm" là "anh địa chất yêu ai, chắc hẳn yêu dài, yêu bền, yêu chặt"... Nhưng câu thứ ba "Họ chỉ trồng một hàng dương đã mở lối cho ta về bể" thì là một quan điểm về thơ và nhà thơ rõ ràng và riêng biệt. Ông không quan niệm thơ là bể như nhiều người, trong đó có các nhà thơ và nhà phê bình thơ. Ông chỉ quan niệm nhà thơ là người "mở lối" cho tâm hồn mọi người "về bể" mà thôi. Có thể thấy, đấy là một quan niệm hiện đại. Nó không "bao cấp" về tư tưởng, về tâm hồn. Nó "mở lối" cho tư tưởng và tâm hồn mọi người đi tới tự do.

Quan điểm đó là sự phát triển tự nhiên quan niệm thơ phải hàm súc của thơ phương Đông. Thơ là gợi, chứ không phải giãi bày, không trình, không phô hết. Đây là một sự phát triển lý luận thơ hiện đại trên cơ sở truyền thống. Tôi rất dị ứng với việc áp dụng các lý luận về thơ của phương Tây vào đánh giá, lý giải thơ phương Đông. Không kể dùng các loại chìa khóa cảm ứng từ hiện đại để mở những chiếc khóa có lẫy của phương Đông. Phải dùng các chìa khóa răng cưa đặc trưng phương Đông thì mới mở được khóa vào những ngôi nhà phương Đông.

Cái kiểu hoắng lên các loại lý luận, làm như chỉ có phương Tây mới là hiện đại, rồi áp dụng một cách máy móc vào giải mã thơ phương Đông, thơ Việt Nam thì đâu có được! Rồi từ các loại lý thuyết ấy lại sinh ra các loại thơ phương Tây cho đời sống xã hội phương Đông, xã hội Việt Nam thì theo tôi là đi ngược quy luật của sự phát triển, mà từ xưa ông cha ta đã tỉnh thức giễu cợt điều đó trong bài ca dao "Ngược đời" đó thôi!

Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn trong bài "Tự thú của một người viết phê bình" có tâm đắc với câu chuyện của thi sĩ Xuân Diệu trao "chìa khóa" phê bình văn chương cho nhà thơ Phạm Tiến Duật bằng cách tặng quyển "Mái Tây" của Vương Thực Phủ, có lời bình của Kim Thánh Thán, do Nhượng Tống dịch. Điều đó chứng tỏ sự trăn trở của anh, cũng như của Xuân Diệu, Phạm Tiến Duật đi tìm lý thuyết cho phương pháp phê bình văn chương phương Đông. Theo tôi, đó là những trăn trở đáng quý, theo một phương hướng đúng, cần phải tiếp tục khơi mạch và phát triển.

Tôi lại nghe nói, có những nhóm người đang tìm cách vận động để tác giả này tác giả nọ của Việt Nam được trao giải Nobel Văn chương. Tốt thôi, giao lưu văn hóa với thế giới thời mở cửa thì tham gia vào các cuộc chơi là điều cần thiết. Nhưng tôi tin, dù có bị thiên lệch như thế nào thì giải Nobel Văn chương trao cho một nhà văn thuộc dân tộc nào, tất phải mang tư tưởng, tâm hồn và phong cách của dân tộc đó trong các tác phẩm. Không thể trao giải cho một nhà văn Việt Nam mang phong cách Tây và ngược lại. Nó là chuyện buồn cười, thế giới người ta không làm thế, đừng ảo tưởng!

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết "Nhà thơ cũng phải biết xung phong". Còn thi sĩ Xuân Diệu trong một lúc nào đó viết: "Là thi sĩ nghĩa là ru với gió". Theo tôi, là không đối lập nhau. Đó là hai đặc trưng của thơ phương Đông khi đất nước thanh bình và khi có biến. Cũng như thi sĩ Chế Lan Viên viết "Khi ta muốn thơ ta thành hầm chông giết giặc/ Thành một nhành hoa mát mắt cho đời"... Đó là những quan niệm về thơ mang đặc trưng dân tộc "giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh" mà thôi.

 

2. Chủ đề tình yêu trong văn chương

 

Thơ viết về tình yêu có khối lượng có lẽ lớn nhất trong các chủ đề! Đã là nhà thơ thì ai cũng có thơ tình yêu. Không phải nhà thơ, khi yêu người ta cũng làm thơ, mà thời trẻ chúng tôi vẫn trêu nhau bảo là thơ "tán gái". Số thơ này có lẽ vô cùng lớn, bởi tình yêu trai gái từ xưa đến nay của nhân loại là không ngừng, là vô tận. Tuy nhiên, thơ tình yêu hay để truyền đời thì cũng không quá nhiều so với thơ của các chủ đề khác. Bởi để kết ngọc thì khó vô cùng! Thế mới là ngọc chứ không lại là đá cuội. Phương diện nào của cuộc sống, của tâm hồn, của nghệ thuật cũng vậy thôi.

Kho tàng ca dao dân ca của dân tộc Việt Nam vô cùng lớn, trong đó chủ đề lớn nhất là tiếng hát than thân và tình yêu trai gái. Về thân phận con người tôi đã đề cập ở một bài trước. Nay về chủ đề tình yêu, tôi muốn nói nhiều hơn. Đó là ca dao về tình yêu thì nhiều, nhưng những câu thật hay thì cũng chỉ có một phần trăm số lượng những câu được lưu truyền. Những câu ca dao hay đọc lên là giật mình, nó như chẳng có gì mà lại thổn thức hồn người: "Ra đường mắt mải nhìn anh/ Để chân em đá đổ thành nhà vua!"; "Ra về, em có dặn rằng/ Nơi hơn người kết, nơi bằng đợi em!"; "Nhớ khi gánh nặng anh chờ/ Qua cầu anh đợi, bây giờ em quên!"; "Anh còn cái cối giã bèo/ Anh đem bán nốt để theo cô mình"; "Yêu nhau đứng ở đằng xa/ Con mắt liếc lại bằng ba đứng gần"; "Yêu nhau cởi áo trao nhau/ Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay"... Vâng, ngỡ như chẳng có gì mà lại là sâu thẳm, bởi đấy là cái bình thường của cuộc sống, cái bình thường chứa đựng sự sinh sôi.

Thực ra, những câu thơ viết về tình yêu mà cứ tuồn tuột tuôn ra, dẫu cảm xúc có thiết tha thì cũng không đọng lại. Nó phải là sự tột đỉnh, sự quá ngưỡng, hoặc sự khác biệt dị thường. Hai thiên tài của văn chương nước Nga thế kỷ XIX là L.Tônxtôi và A.Puskin cùng nói về sự thất tình, chấm dứt một tình yêu, hai người nói khác nhau, trái ngược nhau, mà cả hai đều được yêu quý. L.Tônxtôi thì nói "Ở đâu tình yêu chấm dứt, ở đấy sự căm thù bắt đầu". Còn A.Puskin thì "Cầu em được người tình như tôi đã yêu em!". Tư tưởng của A.Puskin cao hơn L.Tônxtôi chăng?

Chẳng phải đơn giản thế! Sự căm thù trong tình yêu khác với sự căm thù thông thường của cuộc đời, sự căm thù kẻ thù địch. Sự căm thù vì quá yêu là khác hẳn! Đó là sự yêu hơn mà thôi. Anna Karênina căm thù V.Trônxki trong tiểu thuyết "Anna Karênina" của Lép Tônxtôi  bằng cách tự hủy hoại mình để người mình yêu phải đau đớn, bằng cách lao vào tầu hỏa tự tử. Suy nghĩ và hành động của Anna Karênina không thể nói là thấp hơn câu: "Cầu em được người tình như tôi đã yêu em!". Đứng về mặt nghệ thuật, suy nghĩ và hành động đau đớn ấy có khi còn cao hơn lời cầu chúc cao cả nhưng trơn tuột kia.

Nhiều người nhận xét, thơ tình yêu chỉ nói về thất tình mới hay! Có phải thật vậy chăng? Có thể, giống như quy luật tạo ngọc trai, đau đớn để mà kết ngọc. Nhưng những viên ngọc khác ở đời được tạo nên bởi các quy luật khác thì sao? Thi sĩ Henrích Hainơ (Đức) có những bài thơ thất tình đau đớn, có những câu thơ đọc mà giật mình thảng thốt: "Ban ngày tôi bị lừa/ Đêm mơ tôi vẫn thích!". Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng có những câu thơ về tình yêu thật đau đớn: "Ta yêu mình tan nát bởi mình ơi!". Tình yêu nồng thắm vẫn có thơ hay. Đó là những bài thơ của Lui Aragông viết tặng Enxa. Đó là "Một trăm bài thơ tình" của Pablô Nêruđa. Đó là câu thơ như ngọc của Eptusencô: "Khi em khẽ rụt rè áp bàn tay lên má/ Mặt chiếc nhẫn long lanh như một ánh sao chiều"...

Văn chương viết về tình yêu là một trong hai chủ đề có lợi thế hơn. Nhưng để thành kiệt tác thì tất cả đều phải "vượt vũ môn", đều phải thử lửa như nhau. Chẳng có chủ đề nào được ưu ái hơn, được hạ thấp tiêu chuẩn cả. Thậm chí, ở chốn thiêng liêng là tình yêu và thân phận con người, yêu cầu tồn tại còn phải cao hơn. Vâng, đó là quy luật của đỉnh cao, quy luật của vinh quang, cũng là quy luật của nghệ thuật.

 

Đinh Quang Tốn

(Nguồn: Báo CAND)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: