Tôi được bạn thơ ở thành phố Hồ Chí Minh đưa đến thăm nhà nhạc sĩ “Thuyền và Biển” vào một sáng chủ nhật tháng 10. Thật là một dịp may hiếm hoi gặp được nhạc sĩ bằng xương bằng thịt mà bao nhiêu năm mình đã say mê hát những ca khúc của ông. Nhà của nhạc sĩ ở cư xá Bắc Hải, đường Thất Sơn, quận 10. Nhạc sĩ cùng vợ tiếp chúng tôi ở phòng khách trên lầu 2 trong một không gian đầm ấm, thân tình. Chỉ có hai ông bà ở nhà, con cháu đều đi vắng.
Cùng nhau trò chuyện và uống trà do tự tay ông pha, nhấm nháp vị ngọt đắng của thanh sô-cô-la, trao tặng ông những vần thơ và nhận lại từ nhạc sĩ tuyển tập “Phan Huỳnh Điểu - Thuyền và Biển” cùng đĩa nhạc “Mãi mãi là tình yêu” với 16 ca khúc chọn lọc trong số hơn một trăm ca khúc của ông, mà hơn nửa số đó được phổ từ các bài thơ tình tuyệt tác.
Nhiều người chỉ biết nhạc sĩ qua những bài tình ca tha thiết yêu thương hoặc các bài hành khúc rực lửa, sôi sục khí thế cách mạng. Ông là một người quá nổi tiếng vậy mà khi gặp ông lại thấy ông là một người rất bình dị đời thường. Gặp và trò chuyện với ông, ta như được truyền cho tất cả những điều nhân hậu của một người cha, người ông và sự dịu dàng vị tha của lòng một người mẹ.
Đã bao người hát và yêu ca khúc của ông nhưng chưa có dịp được gặp ông một lần và may mắn được nghe ông kể về những kỷ niệm và hoàn cảnh ra đời của nhiều ca khúc. Nhạc sĩ kể: Khoảng năm 1962 khi nghệ sĩ Quốc Hương vừa tốt nghiệp nhạc viện
Ca khúc “Cuộc đời vẫn đẹp sao” thì lại được sáng tác trong… bệnh viện. Trong thời gian nằm viện, nhạc sĩ đã đọc tập thơ “Bài thơ hạnh phúc” của Dương Hương Ly, thấy cuối bài thơ có những câu thơ sao lại trùng hợp với hoàn cảnh của ông lúc bấy giờ. Cầm đàn lên phổ nhạc và vài ba ngày sau đã xong. Quốc Hương vào thăm ông và đã hát thì thầm ca khúc “Cuộc đời vẫn đẹp sao” cho ông nghe vì quy định của bệnh viện không được làm ồn… Một lúc sau thì giọng nam cao cứ to dần… không dừng lại được và tất cả bệnh nhân, bác sĩ đều kéo đến nghe bất chấp cả nội quy, không bị phê bình mà lại còn được vỗ tay hoan hô.
Bài “Hành khúc ngày và đêm” được phổ thơ của Bùi Công Minh trong lúc đứa con trai thứ hai của nhạc sĩ đang ở chiến trường B và người yêu của anh là một cô giáo ở Hà Nội. Người hát ca khúc này lần đầu là ca sĩ Phan Huấn. Câu đầu của bài hát: Rất dài và rất xa… đã bị đề nghị bỏ đi hoặc chữa lại để anh em binh sĩ bớt suy nghĩ! Thế là ca sĩ phải hát lại thành một câu hò “ơ ơ ơ ớ ơ… ơ ớ ờ ơ ớ” nghe thật buồn cười. Sau ngày thống nhất đất nước, lời ca mới được trả lại đúng nguyên bản.
Một lần ra Hà Nội họp, gặp anh em văn nghệ sĩ. Vui vẻ thăm hỏi nhau, cuối buổi tối, ca sĩ Vũ Dậu chợt hỏi nhạc sĩ: Đêm nay anh nghỉ ở đâu? Sau một đêm với câu hỏi vấn vương trong đầu và ca khúc có tựa đề cùng tên với câu hỏi “Đêm nay anh ở đâu?” đã ra đời.
“Thuyền và Biển” được phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ nữ tài hoa bạc mệnh Xuân Quỳnh mà mỗi lần lắng nghe ai cũng như thấy mình đắm chìm vào những nốt nhạc không thể nào tinh tế hơn được nữa.
Biết về những năm tháng ở chiến trường của ông, ai cũng xúc động về tình đồng đội dưới làn mưa bom bão đạn, khói lửa chiến tranh. Ông là người rất mạnh mẽ và cũng tràn đầy tình cảm yêu thương con người, và phải chăng đó cũng chính là một yếu tố quan trọng để cuộc đời này có một nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu với những bản tình ca dạt dào lòng nhân ái.
Ngày 11 tháng 11 này là sinh nhật thứ 86 của ông mà tôi không có điều kiện ở lại để dự ngày vui của lão nhạc sĩ. Cầu mong cho ông được sống mãi dù biết điều đó là không thể! Nhưng những nốt nhạc yêu thương mà ông viết, để lại cho đời sẽ vẫn luôn được ngân vang… và như thế là ông sẽ thực sự sống mãi trong lòng những người hâm mộ.
Và nhân buổi gặp tôi có làm bài thơ nhỏ tặng ông nhân ngày sinh nhật lần thứ 86:
Kính tặng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu
Là con Mười Một trong nhà,
Tháng ngày Mười Một cũng là ngày sinh.
Bảy mươi niên, bách khúc tình,
Dâng đời cả trái tim mình đắm say.
Cuộc đời đẹp lắm ai hay?
Bao năm vẫn hát khúc ngày và đêm.
Ánh sao vẫn dõi êm đềm,
Đầu sông vẫn nhớ một miền quê xa.
Sợi thương nhớ chốn quê nhà,
Thuyền và Biển mãi vẫn là bên nhau.
Kơ nia cây uống nước đâu?
Nước nguồn miền Bắc mãi sâu nặng tình.
Cuối Thu thơ gởi lòng mình,
Cách xa… vẫn bóng với hình mãi đây.
Sáu mươi năm… trọn tình này,
Tám mươi sáu… vẫn tràn đầy tim yêu.
Thành phố Hồ Chí Minh 10/ 2010
Trần Mạnh Tuân