Thứ hai, 16/09/2024,


Ngày tôi xa quê (05/11/2010) 

Gió đông trở rét chiều nay

Bếp hồng chắc mẹ giờ này đang nhen

Hồn nhà theo khói bay lên

Nhớ màu lam - tóc mẹ hiền nhuốm sương

 (Phạm Tâm An)

 

 

Quê tôi nằm bên dòng sông Kinh Thầy trong xanh hiền hòa, lũy tre xanh bao phủ quanh làng chở che, ôm ấp. Ngày tôi vào Nam là một sáng mùa Đông lạnh lẽo năm 1985.

 

Có lẽ trong ký ức tuổi thơ của tôi không mùa Đông nào lạnh lẽo và da diết như vậy dù cho năm đó mới chỉ 4 tuổi. Tới tận bây giờ, dù đã gần 25 năm trôi qua tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại nhớ buổi sáng mùa Đông rời xa quê như vậy. Có lẽ đó là mùa Đông cuối cùng tôi được cảm nhận đến cái lạnh buốt da của vùng quê Bắc Bộ. Đường ra bến đò quê tôi là những hàng tre xanh ngắt, ngoằn ngèo, sâu hun hút. Trong tâm trí tôi hình ảnh về con đường phủ đầy lá tre vàng, từng cơn mưa lá tre vàng tung bay khi những cơn gió lạnh buốt thổi qua bao giờ cũng gợi lại cho tôi những cảm xúc nhớ thương da diết.

 

Đi hết con đường đầy lá tre là đến bến đò, tôi không nhớ nó được gọi là bến gì nhưng đối với tôi lúc đó là cả một thế giới mở ra trước mắt, tôi không thể thấy rõ cảnh vật, chỉ thấy bờ bên kia hiện ra mờ mờ trong sương sớm. Cái cảm giác chông chênh say sóng đến tận bây giờ tôi vẫn còn có thể cảm nhận được khi thuyền chở sang sông, lúc đó tôi có cảm giác như thời gian đó trôi qua lâu lắm, tôi tự hỏi tại sao lại lâu như vậy giống như ở trên biển vậy.

 

Tới tận khi lớn lên tôi mới tự mình trả lời được câu hỏi đó, quê tôi nằm gần Lục Đầu Giang, là nơi sáu con sông chia ra chảy về các vùng quê khác, nên sông mới rộng và sóng to như vậy.

 

Khi đã vào trong miền Nam nhiều năm sau, tôi vẫn thường nằm mơ được trở về dòng sông, bến đò, hàng tre xanh đó để cảm nhận hết hương vị của quê hương, để được trở về với nguồn cội.

 

 

Lê Bá Khanh

(Nguồn: VnExpess)

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: