Thứ bảy, 20/04/2024,


Người dựng “lều thơ” bên mộ Hàn Mặc Tử (21/09/2008) 

Một ngày phố biển không anh

Chiều mưa Ghềnh Ráng vắng tanh bóng người

Mộ Hàn lạnh giữa đất trời

Thơ không cháy đỏ trên Đồi Thi Nhân…

 

     Không chỉ ngày 22 tháng 9 - sinh nhật thi sĩ Hàn Mặc Tử hàng năm, mà đã nhiều năm nay, dù cho trời nắng hay mưa, đều dặn hằng ngày người ta vẫn thấy một người đàn ông trạc tuổi ngoài 40, dáng người cao dong dỏng, gương mặt phong trần và mái tóc để dài kiểu nghệ sĩ, xuất hiện trên đồi Ghềnh Ráng (Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) từ trước 5 giờ sáng. Anh lặng lẽ mở cửa chiếc lều nhỏ của mình, vồn vã chào đón tất cả các du khách đến thăm khu di tích mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử từ sáng sớm cho tới tối khuya. Anh nhiệt tình giới thiệu với họ về thân thế, sự nghiệp của nhà thơ. Rồi anh say sưa đọc cho họ nghe những bài thơ hay nhất của Hàn Mặc Tử. Và với cây “bút lửa” trong tay, tuỳ theo yêu cầu của du khách, anh trực tiếp chép tặng một câu thơ, hay cả một bài thơ lên lên những tấm gỗ thơm, nhỏ nhẹ, xinh xắn làm kỷ niệm...

     Nhiều người gọi anh là “Chàng nghệ sĩ phiêu du”, “Lãng tử Dzũ Kha”, “Ẩn sĩ trên Ghềnh Ráng”, “Người giữ đền”… bởi anh đã tự tìm cho mình một công việc chẳng giống ai: Từ nay tới cuối đời chỉ sống và chép thơ Hàn Mặc Tử, với biệt danh “Bút lửa Dzũ Kha”.

 

 

     Từ “Đại ca giang hồ” đất Quy Nhơn…

 

     Tên thật của anh là Trương Vũ Kha, sinh năm 1960 và lớn lên tại một xóm lao động cạnh ga Bình Định. Cha anh là một cán bộ Cách mạng, Đảng viên từ năm 1946, từng bị Mỹ-Nguỵ bắt tù đày (1962 - 1968), ra tù ông bị bệnh nặng rồi mất. Nhà nghèo, một mình người mẹ lam lũ nuôi hai chị em Kha lớn lên. Người chị làm cô giáo. Còn Kha, sau khi học mỹ thuật tại TP. Hồ Chí Minh, anh về mở phòng tranh nghệ thuật và làm thơ tại Quy Hòa (nơi Hàn Mặc Tử đã sống những năm cuối đời, để chữa trị bệnh phong và mất trong đau đớn, cô quạnh năm 1940).

     Tranh của Kha thiên về thuỷ mạc. Ngắm các tác phẩm của anh, ta như thấy chất lãng du và hoài cổ của một nghệ sĩ. Còn thơ anh mang đủ các các tâm trạng buồn vui, nhưng đều chịu ảnh hưởng ít nhiều của thơ Hàn Mặc Tử.

      Mới gặp Kha lần đầu, hẳn nhiều người sẽ không ngờ rằng người đàn ông có gương mặt rất nghệ sĩ, đẹp trai này lại từng là một “đại ca” nổi tiếng trong giới giang hồ Quy Nhơn. Đó là vào những năm 1982 - 1985, khi các võ sư Ngọc Sanh và Hồng Kim Quang lừng danh đất Bình Định thu nhận Kha làm đệ tử, coi anh như một học trò cưng. Chẳng cần đổ máu, chết người, hoặc gây gổ, dằn mặt kẻ khác, mà chỉ bằng dũng khí, sự nghĩa hiệp, bênh vực kẻ yếu... Trương Vũ Kha đã thu phục nhân tâm, khiến cho giới giang hồ khu ga Bình Định rất nể trọng. Kha đã nói là họ đều phải nghe theo.

     Nhiều người còn nhớ hình ảnh “Trương đại ca” cưỡi ngựa, phong cách ngang tàng và lập dị, rong ruổi khắp thành phố Quy Nhơn. Nhưng “đại ca” đâu phải là một nghề, dù trước đó (những năm 1987 - 1992) Kha tham gia trong Tổ An ninh khu vực, giúp Công an phường Lê Hồng Phong bắt được mấy chục vụ trộm cắp, trấn lột...

 

     … Đến “Bút lửa Dzũ Kha”

 

     Từ năm 1983, Kha bắt đầu vẽ tranh bằng “bút lửa”, tự đặt cho mình biệt danh là “Dzũ Kha”. (Anh giải thích chữ “Dzũ” là do phiên âm tên đệm “Vũ” theo giọng địa phương quê mình mà thành). Thật ra, kỹ thuật “bút lửa” (dùng điện nung nóng một đoạn dây kim loại để làm ngòi bút và vẽ bằng cách đốt cháy gỗ) không có gì mới. Nó đã được các nghệ nhân ở Đà Lạt (Lâm Đồng) và Sài Gòn sử dụng từ lâu. Nhưng Dzũ Kha đã nâng lên một bước cao hơn: Ngòi bút của anh đã đạt tới mức điêu luyện là dùng “bút lửa” vẽ được cả lên... giấy bình thường. Và “bút lửa” của Dzũ Kha chỉ dùng để chép thơ, vẽ thơ Hàn Mặc Tử như một kiểu thư pháp nghệ thuật.

     Hồi ấy, Ghềnh Ráng còn đầy những quán bia ôm. Chưa dựng được “lều thơ” như bây giờ, Dzũ Kha đem tranh đi bỏ mối và bán rong. Không ít lần, dân anh chị bảo kê các quán bia ôm đã gây sự với chàng “bút lửa”, nhưng rồi khi nhận ra anh chính là “đại ca” của giới giang hồ” Quy Nhơn một thời,  họ đều lặng lẽ rút lui.

     Hơn hai mươi năm qua, Dzũ Kha đã miệt mài, cặm cụi, tỉ mỉ chép tới mấy chục ngàn bức tranh thơ Hàn Mặc Tử, để làm quà cho du khách tới thăm khu di tích mộ của nhà thơ. Mỗi sản phẩm của anh làm ra, dù kích cỡ chỉ nhỏ bằng bàn tay, hay lớn hơn tờ nhật báo... đều là một tác phẩm nghệ thuật thực sự. Chúng được Dzũ Kha gửi gắm cả tình cảm và tâm hồn mình trong đó, chứ không đơn giản chỉ là muốn quảng bá cho thơ Hàn Mặc Tử.

     Trên đất nước Việt Nam, người yêu thơ, say thơ không phải hiếm. Nhưng yêu thơ Hàn Mặc Tử đến mê đắm như Dzũ Kha thì có lẽ chỉ có một. Anh chẳng những thuộc làu toàn bộ thơ của Hàn Mặc Tử mà còn tìm đọc tất cả những gì người ta viết về ông từ trước tới nay; lặn lội tìm gặp rất nhiều nhân chứng liên quan đến thơ và đời Hàn Mặc Tử. Gặp được khách tri âm, Dzũ Kha có thể ngồi cả ngày đêm để đàm đạo về thơ Hàn mà không chán.

     Theo như Dzũ Kha thì trong cuộc đời cầm bút ngắn ngủi, Hàn Mặc Tử đã sáng tác khoảng 175 bài thơ, có 150 bài đã được công bố... Đến thăm khu mộ Hàn Mặc Tử ở Ghềnh Ráng, chẳng cần đợi yêu cầu, bất cứ du khách nào cũng sẽ được Dzũ Kha “đọc” cho nghe một bài giới thiệu dài cả chục trang giấy về đời và thơ Hàn Mặc Tử, mà anh đã thuộc như trong máu thịt mình sẵn có vậy, bằng chất giọng của một “thổ dân” Bình Định.

 

 

     “Độc nhất vô nhị”

 

     Vì tò mò và cũng là thử kiểm tra kiến thức “Hàn Mặc Tử học” của anh, tôi đã hỏi Dzũ Kha:

     - Theo anh, bút danh Hàn Mặc Tử có xuất xứ và ý nghĩa như thế nào?

     - Bút danh này có cả một quá trình hình thành: Năm mười lăm tuổi, Nguyễn Trọng Trí (tên thật của Hàn Mặc Tử) đã bắt chước anh cả là Nguyễn Bá Nhân (tức nhà thơ Mộng Châu) làm thơ đường luật, lấy biệt hiệu là Minh Duệ Thị. Khi được mẹ gửi ra Huế, học tại Trường Nhà Dòng Pellerin, Trí đã tự gọi mình là Phong Trần, bắt đầu làm thơ đăng trên các báo Phụ Nữ Tân Văn, Sài Gòn và một số Phụ trương văn chương của các nhật báo. Thời gian sau, theo phong trào của thanh niên tân học đi làm báo, Trí đã bỏ học về nhà, đổi bút hiệu là Lệ Thanh (do chữ đầu của sinh quán Lệ Mỹ và chính quán Thanh Tâm ghép lại). Với bút danh đó, anh đã chiếm giải nhất cuộc thi thơ do một thi xã tổ chức. Về sau, khi đã được báo Sài Gòn mời giữ mục văn chương, viết nhiều bài cho mục Công luận văn chương... có người bạn chê bút hiệu Lệ Thanh nghe nó yếu đuối và có vẻ “yểu điệu thục nữ” quá, Trí mới đổi bút hiệu là Hàn Mạc Tử (có nghĩa là “rèm lạnh”).

Một lần, Trí gặp nhà thơ Quách Tấn, ông này trêu: Tránh kiếp phong trần, lại đi làm khách hồng nhan; sợ kiếp hồng nhan đa truân lại đi làm kiếp rèm lạnh... Sao mà lẩn thẩn thế!

     Trí bực mình, nổi cáu, nhưng thấy bạn có lý, mới cân nhắc, rồi đổi chữ “Mạc” thành ra chữ “Mặc”. Theo thi sĩ Quách Tấn giải thích thì Hàn Mặc Tử có nghĩa là Anh chàng bút mực và cũng có nghĩa là Khách văn chương. Từ  đấy, bút hiệu “Hàn Mặc Tử” đã được Nguyễn Trọng Trí sử dụng cho đến ngày mất...

     Dzũ Kha cho biết anh đang có trong tay hai tài liệu thuộc dạng “độc nhất vô nhị” về nhà thơ Hàn Mặc Tử. Đó là ảnh chân dung bà Nguyễn Thị Như Nghĩa (chị gái của nhà thơ) và ảnh ông Nguyễn Bá Hiếu (em trai của nhà thơ). Ngoài ra còn có khoảng 25 bài thơ mà nhiều người khẳng định là của Hàn Mặc Tử, với nhiều dị bản khác nhau; chúng được lưu truyền qua người thân, bạn bè và cả những fan hâm mộ nhà thơ... rồi được tặng lại cho Dzũ Kha.

     Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bình Định chẳng những đã nhiệt tình đưa tôi lên đồi Ghềnh Ráng giới thiệu với  với Dzũ Kha, mà còn tìm giúp cuốn “Hàn Mặc Tử - Hương thơm và mật đắng” do nhà văn Trần Thị Huyền Trang, vợ anh, sưu tầm và biên soạn. Sách dày 324 trang, do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 1997. Có lẽ đây là một trong những cuốn tư liệu đầy đủ nhất về thơ và đời của Hàn Mặc Tử. Tiếc là nó chỉ được in có 800 bản, nên chị Trang đã phải phôtô giúp tôi thêm một bản làm tư liệu tham khảo.

 

(Còn nữa)

Đặng Vương Hưng

 

___________ 

Kỳ sau: Sinh nhật cho… người đã khuất

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: