Phạm Tuyên là nhạc sĩ của những những nhạc phẩm ghi dấu ấn trong lòng thính giả yêu nhạc: "Đảng đã cho ta một mùa xuân", "Tiến lên đoàn viên", "Như có Bác trong ngày đại thắng", "Chiếc gậy Trường Sơn", "Từ một ngã tư đường phố", "Gửi nắng cho em", "Tiến lên đoàn viên", "Chú voi con ở bản Đôn", "Chiếc đèn ông sao..."...
Nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2010), chúng tôi xin giới thiệu đôi nét về người bạn đời của nhạc sĩ Phạm Tuyên, nguồn cảm hứng để tác giả sáng tác nên ca khúc "Gửi nắng cho em" (phổ thơ Bùi Văn Dung) mà ông tâm đắc...
Vẫn là căn phòng cũ trên tầng 3 khu tập thể N2 ngõ 40 phố Vạn Bảo. Vẫn là gian phòng nhỏ có cửa sổ hướng ra phố Vạn Phúc, mỗi khi mở ra là tiếng động cơ xe cộ vọng vào. Trong phòng là những tủ kính đầy sách, trên tường treo tranh, ảnh và tặng phẩm kỷ niệm về học giả Phạm Quỳnh (thân phụ của nhạc sĩ Phạm Tuyên), và về vợ chồng nhạc sĩ... Vẫn bộ bàn ghế này tôi đã từng ngồi... Nhưng người tiếp chuyện tôi giờ không phải là bà nữa, thay vào vị trí đó là ông, nhạc sĩ Phạm Tuyên. Bùi ngùi, ông nhắc nhớ:
- Tôi chỉ tiếc là bà nhà tôi không còn. Đấy là một chỗ dựa rất quan trọng của tôi. Thậm chí bà nhớ các sáng tác của tôi hơn tôi. Thường thường lên danh mục các chương trình là bà nhà tôi làm. Từ khi bà nhà tôi mất đến giờ thì các cháu nó chả biết gì. Cũng buồn! Ngoảnh đi ngoảnh lại thấm thoắt đã hơn một năm rồi.
Vợ chồng nhạc sĩ Phạm tuyên (ảnh chụp tại tư gia).
Nhạc sĩ Phạm Tuyên đưa tôi đến ban thờ thắp hương cho bà. Bà là PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết, Trưởng khoa đầu tiên Khoa Giáo dục Mầm non Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Lựa một sớm hè tháng 5 năm 2009, bà hóa thân vào nắng vàng mây trắng chia tay ông và các con, các cháu để đi xa mãi mãi.
Bàn thờ bà được ông lập ngay tại phòng làm việc cũ của bà. Đồ dùng vẫn giữ nguyên như bà đang đi vắng. Đây giá sách với những cuốn về tâm lý học bà đọc và nghiên cứu hàng ngày. Kia dàn máy vi tính bà đã viết những công trình khoa học cuối cùng của cuộc đời mình. Một trong số đó là cuốn Hồi ký bà đã viết trong hai năm từ 2007 đến 2008 với nhan đề: "Chúng tôi đã sống như thế" kể về con đường làm khoa học của bà và sự gặp gỡ với người làm nghệ thuật.
Bà tự đánh vi tính bản thảo hồi ký trong khi đang mang trong mình căn bệnh tiểu đường đã ở vào giai đoạn cuối. Với nghị lực kiên cường chống lại bệnh tật, bà đã cống hiến sức lao động khoa học và làm việc miệt mài cho đến những phút giây cuối cùng dành cho khoa học, cho cuộc đời và cho gia đình.
Ông đưa bản thảo hồi ký cho bạn bè văn nghệ. Mọi người cùng đánh giá: Tuy là cán bộ khoa học nhưng bà viết với phong cách văn chương nghệ thuật rất thuyết phục người đọc.
- Cả sự nghiệp âm nhạc viết cho thiếu nhi tôi phải nhờ ơn bà nhà tôi. Tất nhiên mình có năng khiếu về âm nhạc rồi, nhưng lĩnh vực này vừa mang tính nghệ thuật vừa mang tính khoa học.
Là một nhà giáo có nhiều năm kinh nghiệm trên giảng đường đại học cả trong nước và quốc tế, bà nhắc ông quan điểm của ngành giáo dục nói chung, đặt lại vấn đề đối với thế hệ măng non là: Chơi mà học, học mà chơi. Từng bảo vệ thành công Luận án Phó Tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) Tâm lý học tại nước ngoài nên bà hiểu rất rõ: Tâm lý của thiếu nhi ở từng độ tuổi rất khác nhau chứ không phải như quan niệm thường đánh đồng tất cả đều là trẻ con.
Bà giúp ông thẩm định: Lứa tuổi thiếu niên nhi đồng khác người lớn ở chỗ bài hay, bài dở người ta có ý kiến tranh luận khác nhau, có thể đồng thuận, có thể bảo lưu. Nhưng đối với trẻ thơ lại khác, trẻ thơ không có ý kiến gì hết. Cái nào các cháu chấp nhận là chấp nhận. Cái nào các cháu không nhận là người nhạc sĩ phải chịu. Bởi vì chất lượng nghệ thuật là yếu tố quyết định nhất.
Ông kể rằng, thẩm định của bà rất chính xác. Có những bài nghe xong bà nói với ông: “Bài này cũng được nhưng chắc là không phổ biến mấy”. Có những bài vừa nghe bà vừa nói: "Bài này được, hát được".
Những năm tháng tuổi trẻ, ông hay đi công tác vắng nhà. Suốt thời kỳ chống Mỹ ông đi vào tuyến lửa. Có những lúc ông tưởng mình đã nằm lại ở Trường Sơn đường mòn hay dưới những trận bom B52 bão lửa. Trên những chặng đường hành quân, lòng người nghệ sĩ, chiến sĩ, người chồng, người cha ấy vẫn luôn canh cánh muốn gửi biết bao tình cảm về cho gia đình. Khi miền Nam vừa giải phóng, đất nước vừa thống nhất, nhạc sĩ Phạm Tuyên lại tiếp tục đi miết mấy tháng liền cho tới tận mũi Cà Mau, địa giới cuối cùng của Tổ quốc. Trong một chuyến đi dài ngày ấy, ông bắt gặp một tứ ở trong bài thơ của người chiến sĩ giải phóng quân miền Bắc: "Gửi nắng cho em".
Vậy là ông nhớ tới bà cùng hai cô con gái đang ở Hà Nội giữa lúc Đài Tiếng nói Việt
Giờ thì, ở nơi suối vàng, chắc rằng PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết vẫn cảm nhận được những giọt nắng tình cảm ấm áp nhạc sĩ Phạm Tuyên dành cho bà
Kiều Mai Sơn
(Nguồn: Văn Nghệ Công An)