Chủ nhật, 22/12/2024,


Giáo sư Hoàng Chương - Chuyện về "nghiệp suốt đời" (21/10/2010) 

Sinh ra ở "cái nôi" của nghệ thuật hát tuồng (Bình Định), dường như tuồng đã ngấm vào máu, vào hơi thở của ông ngay từ thuở thiếu thời. Ông chính là người nghĩ ra giải thưởng Đào Tấn để tôn vinh danh nhân văn hoá dân tộc, đồng thời, thông qua giải thưởng Đào Tấn để động viên những người có cống hiến đáng kể cho nền văn hoá dân tộc. Giờ, thời điểm mà tuồng không phải ở đỉnh cao, ông - Giáo sư Hoàng Chương - vẫn mê mải với bộ muôn nghệ thuật mà ông coi như "nghiệp suốt đời".


* Suốt 15 năm làm Viện trưởng Viện Sân khấu, ông đã dành toàn bộ tâm huyết của mình cho nghiên cứu, sưu tầm sân khấu truyền thống. Trong đó, ông dành sự quan tâm nhất với nghệ thuật tuồng. Vậy ông nghĩ thế nào khi tuồng ngày càng không còn chỗ đứng trong lòng người đương đại?


- Nghệ thuật truyền thống nói riêng đang mất dần chỗ đứng, tuồng cũng không nằm ngoài quy luật này. Đối với những người say mê tuồng, sống chết với tuồng mới biết được giá trị văn hóa lớn lao của tuồng đối với văn hóa Việt Nam, mới thấy đau xót khi tuồng ngày càng vắng bóng trên các sân khấu. Bản thân tôi là một người dành cả cuộc đời nghiên cứu về tuồng thì đây quả là một việc đáng buồn.


* Vừa nghỉ hưu, ông đã sáng lập ngay Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Hiện nay, trung tâm của ông đã được nhiều giáo sư đầu ngành cộng tác, tư vấn như Giáo sư Vũ Khiêu, Giáo sư Trần Văn Khê ở Pháp… Lý do nào khiến ông có thể làm được những công việc mà những người trẻ, có sức khỏe cũng khó lòng làm được?


- Tôi đã gần 80 tuổi nhưng chưa bao giờ tôi cho phép mình ngơi nghỉ, bởi tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm với nền văn hóa của dân tộc. Tôi sinh ra và lớn lên, được nuôi dưỡng bằng những tinh hoa văn hóa của dân tộc nên phải có nghĩa vụ gìn giữ và bảo vệ nó. Những giáo sư tham gia cùng tôi cũng có chung mục đích là làm sao để phát huy những giá trị văn hóa của truyền thống nên họ mới có thể cùng tôi đi suốt chặng đường gian lao này.


* Điều mà giáo sư lo lắng nhất với tuồng bây giờ là gì?


- Nghệ thuật truyền thống của Việt Nam đang gặp khủng hoảng lớn do hội nhập, thời buổi mà văn hóa nước ngoài du nhập vào với sức lan tỏa rộng khắp. Con người hiện đại cũng tiếp nhận văn hóa này một cách nhanh chóng nên quên dần văn hóa truyền thống. Có điều lạ là khi tôi đi giảng bài cho sinh viên nước ngoài, họ lại thích nghệ thuật truyền thống của mình bởi họ phát hiện đây là một giá trị nghệ thuật phương Đông. Trong khi đó, thanh niên ta lại cho rằng cái mình đang có là cái thứ "cổ lỗ sĩ" nên không ai chịu học. Chính các bạn trẻ là người sẽ thay thế chúng tôi bảo vệ và phát huy những giá trị truyền thống nhưng lại đang quay đi, đó là điều lo lắng lớn nhất của tôi hiện nay.


* Vậy phải làm thế nào để khôi phục và phát huy nghệ thuật tuồng?


- Cũng đã có nhiều cuộc hội thảo được tổ chức để tìm giải pháp cứu nguy cho nghệ thuật tuồng, nhưng đây cũng là vấn đề rất đau đầu của những người nghiên cứu và bảo tồn văn hóa dân gian. Theo tôi, bản thân tuồng là một môn nghệ thuật kén người xem. Hiểu được tuồng không phải là dễ vì vậy để cho người dân thích xem tuồng thì trước tiên phải hiểu được tuồng. Mà khi đã hiểu thì sẽ thấy cái hay của nó, sẽ quay lại với nó.


* Phải chăng cần có những động thái rõ ràng hơn để cho người dân tiếp cận và yêu thích tuồng?


- Tuồng có ngôn ngữ nghệ thuật riêng. Văn hóa của cha ông ứng xử sâu xa đều được thể hiện trong đó. Hiểu được tuồng phải phải hết lòng với nó thì mới hiểu đúng tinh thần của môn nghệ thuật đặc biệt này. Cách tối ưu nhất lúc này có lẽ là đưa tuồng vào các trường học để giảng dạy cho các em học sinh. Nhà hát Tuồng Trung ương cũng đã sử dụng hình thức này và thu được những kết quả nhất định khi đi diễn tại trường Đại học Văn hóa. Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc cũng đã đưa tuồng vào học đường, có những nơi các em nhỏ đã diễn được cả một vở. Nhưng tiếc là hoạt động này không được thường xuyên nên như muối bỏ bể.


* Có ý kiến cho rằng phải cách tân tuồng để cho dễ xem, dễ hiểu, để phù hợp với thị hiếu của công chúng. Là người đã dàn dựng được hàng chục vở tuồng trong đó nhiều vở đã đạt được huy chương vàng, huy chương bạc trong các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, ông nhận định vấn đề này như thế nào, thưa ông?


- Cần phải cách tân, nhưng tuồng phải là tuồng để người xem không bị lẫn tuồng với bất kỳ loại hình nghệ thuật nào khác. Lối cải tiến theo kiểu "gieo vừng ra ngô" chính là một trong những nguyên nhân làm cho tuồng mất gốc, mất bản sắc dẫn đến những hiểu biết sai lầm về tuồng, khiến tuồng không còn chỗ đứng.


* Xin cảm ơn giáo sư!

 

 

Khánh Chi thực hiện

(Nguồn: Báo Kinh tế Đô thị)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: