Chủ nhật, 22/12/2024,


Đọc thơ lục bát của Huy Trụ (19/10/2010) 

Có nhiều người biết làm thơ lục bát, kể cả những người chưa thông chữ Việt. Nhưng thơ lục bát làm hay rất khó, ví như chuyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du hơn ngàn câu mà câu thơ nào cũng như vàng như ngọc. Nguyễn Bính có những bài lục bát tuyệt vời. Rồi Nguyễn Duy, Lê Đình Cánh, Đồng Đức Bốn cũng có những bài lục bát đi vào lòng người. Từ lúc còn trẻ tôi đã khắc sâu trong tâm trí mình những bài dân ca, ca dao lóng lánh như hạt ngọc “Ước gì sông rộng một gang/ Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi…”  hoặc như học sinh phổ thông đọc thơ “Việt Bắc” của Tố hữu cũng gieo vào lòng mình nhạc điệu hào hoa đẹp đẽ của thể thơ lục bát.

Tôi cũng là người làm thơ và có nhiều bài lục bát, nhưng khó kiếm được bài hay đến tay bạn đọc. Không phải cái khó ở chỗ gieo vần chân, vần lưng mà còn cái ý, cái nghĩa, cái tứ của thơ như thế nào cho hàm súc sâu sắc. Rồi chữ nghĩa phải như thế nào cho biểu thị, biểu hiện sự phong phú, đa dạng, giàu có của ngôn ngữ Việt. Cái gì là bản sắc truyền thống, cái gì là hàn lâm… đều mang dấu ấn tài năng của nhà thơ. Đọc tập thơ lục bát của Huy Trụ - Nhà xuất bản văn học, tôi vô cùng cảm phục tài năng của nhà thơ xứ Thanh. Chưa đầy lục tuần mà anh đã trải nghiệm nhiều điều và anh chắt lọc những bài thơ lục bát nhè nhẹ đầy gợi nhớ, gợi tình và sâu lắng. Từ những chuyện thật đến hư ảo, anh diễn đạt khá nhuần nhị những tứ thơ hợp với lòng mình cả lòng người. Bạn đọc dễ chia sẻ lối nghĩ, lối viết của anh không sa đà bi lụy, không hoan hỉ phô trương. Mọi sự vật, hiện tượng như vốn có của nó được anh “đan lát” rất khéo như những đồ mỹ nghệ tinh xảo. Những ẩn dụ, hoán dụ, phúng dụ… mà anh sử dụng tôi cảm nhận như anh đã đi nhiều, suy nghĩ nhiều và luôn mong cho thơ mình đổi mới mà vẫn giữ được cái nền “cầm đèn đi cấy sáng trăng”.

Tám mươi chín bài thơ lục bát của Huy Trụ đi từ vòng trời riêng của tình yêu trai gái, tình yêu chồng vợ, cha con và nhất là những mất mát hy sinh của những người mẹ người vợ trong lao động cực nhọc, trong chờ đợi người thân ra mặt trận…

Trong bài “Bắt đầu từ đất” anh đã giải bày lòng biết ơn Đất Mẹ:

 

Đất là nôi của tuổi thơ

Đất nâng con vịn tay bà đi men

Bánh trưng vuông bánh dày tròn

Tích xưa…ai đã dạy con nghĩa tình…

 

Trên cánh đồng chiêm trũng quê anh, ông bà cha mẹ đánh vật với đất, bán lưng cho trời, ta càng nhớ công cha nghĩa mẹ mặn mòi dành hết những bông lúa mẩy để lưng này còng xuống:

 

Cây lúa thì đứng thẳng hàng

Bao nhiêu cỏ dại học quàng, đâm chen

Đất cứng tay mẹ lại mềm

Mẹ chăm cây lúa mà quên mình già

 

Anh đưa vào thơ những điều giản dị, khiêm nhường như một chuẩn mực văn hóa ứng xử của người nghèo mà giàu lòng nhân ái:

 

Miếng ngon để bát người ta

Bát mình rau muống quả cà, vậy thôi

Quanh năm nốt lạt buộc người

Buộc cây mạ buộc một đời đa mang

Và:

Mẹ như giọt nắng của trời

Để con ngửa mặt suốt đời trông theo…

 

Anh cố tìm tòi cách diễn đạt lục bát không rơi vào sáo mòn:

 

Làng là bánh đúc, bánh đa

Là con dê cỏ vắt qua cánh đồng

Làng là mỏm núi mom sông

Là ông phỗng đá đứng trông cửa chùa…

 

Anh cũng có những câu thơ “Đanh đá” diễn tả lối nghĩ suy say say, cay cay của mình:

 

Nửa say ném đá lên trời

Nửa mê ném gọn cuộc đời cho em

Nửa yêu con mắt lim dim

Nửa thương chống gậy đi tìm bóng nhau

Nửa đời, nửa đoạn, nửa câu

Nửa giăng mắc, nửa buộc vào hư không

 

Rồi anh chia sẻ với người lao động phải giao bán sức lực của mình chốn đô thị - nghề cửu vạn:

 

Trăm cái thiếu, một cái thừa

Thừa sức lực, bán như cho, cũng đành!

Trộn hồ, xúc đất, bốc, khênh

Chỉ mong bán được sức mình cho ai?

Anh cầu mong đến ngày “Thái lai”

Bao giờ hết cảnh nhà nông

Đi làm cửu vạn, tối không thấy đường?

Có những câu thơ “Trần tình” những lẽ ở đời

Tay mình dại, mắt mình khôn

Dại khôn dồn dại, để còn là ta

Rồi:

Bỏ chữ oán, tìm chữ ân

Bước qua mọi cửa phù vân đặt bày…

 

Có những câu thơ anh “đặt vấn đề” cho người đọc suy nghĩ về cuộc đời:

 

Ngửa bàn tay, mấy giọt vui?

Thôi đừng hắt gió lạnh trời sang nhau

Ai xục vạt tóc ngả màu

Có còn xanh lại lá trầu ngày xưa?

 

Anh Trịnh Ngọc Dự trong lời bạt cuối tập thơ này có nói anh Huy Trụ “vẫn giữ mực thước, nghiêm cẩn với thể thơ truyền thống”. Theo tôi anh Huy Trụ vẫn thích đùa, thích vui và rất hóm hỉnh trong nhiều câu thơ viết về Chí Phèo, Thị Nở, Thị Màu hay cả những bài viết cho em. Cái lối viết của anh rất cần thiết cho thơ nói chung và thơ lục bát nói riêng. Ta đọc lại Nguyễn Du hay Nguyễn Bính, Nguyễn Duy và cả Trần Đăng Khoa hay Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh… Vẫn thấy những “Ca khúc” thơ vừa nghiêm lại vừa thương, vừa khe khắt cẩn trọng lại vừa hóm hỉnh, duyên thầm.

Tôi cười nụ, cười thầm trong nhiều câu thơ của Huy Trụ.

 

Lẳng lơ ai chẳng có phần

Tại người giả bộ, lối gần quành xa

Thị Mầu chẳng giống người ta

Đành mang lấy tiếng gọi là… lẳng lơ

Đã sông thì có hai bờ

Đã Mầu, thì thấy của chua phải thèm

Ối người ăn chả, ăn men

Phận Mầu ăn quả táo mềm trời cho

 

Vâng đúng là “quả táo mềm của anh Nô cho” để mà cảm thông chia sẻ cái xuân thì ấy của Thị Mầu và cả của Nô…

Thơ tình của Huy Trụ rất mềm mại, kín đáo và bóng bẩy, chứng tỏ anh ra công rất nhiều cho đề tài này.

 

Mắt em thả biển vào trong

Để con sóng đánh nát lòng anh ra

Trời sinh nắng đất sinh hoa

Ai sinh gian díu cho ta với mình

 

Có thể nói Huy Trụ đã đứng vững trong ngôi nhà lục bát của anh. Nếu sâu lắng hơn nữa, chọn lọc hơn nữa và cả tứ thơ và bố cục, nhất là ngôn ngữ giàu có của tiếng Việt (và cả tiếng các dân tộc khác), tôi tin rằng thơ Huy Trụ - Thơ lục bát – sẽ đi xã hơn nữa, đằm thắm, sâu lắng và nghệ thuật hơn.

                                               

 

PHÙNG NGỌC DIỄN

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Phạm Thái Bình - phamthaibinh0603@yahoo.com.vn - 0912395578 - Thị trấn Bến Sung, Như Thanh, Thanh Hóa  (Ngày 22/08/2011 22:43:45)

Tôi rất cảm phục bài viết của Bác Phùng Ngọc Diễn. Có rất nhiều điều phát hiện sâu sắc trong thơ Huy Trụ mà nhiều người hiểu nhưng không nói ra được. Tôi chưa được đọc nhiều thơ của Huy Trụ và rất thích bài thơ "Làng"... Làng là Bánh đúc bánh đa....Bác Diễn cho em xin trọn vẹn bài thơ này được không? Xin trân trọng cám ơn

Các bài khác: