“Quê hương theo mỗi bước chân
Độ lượng cả với lỗi lầm, dại khôn…”
(Thủy Hướng Dương)
Ngày còn nhỏ, cả nhà ở thành phố nên rất hiếm khi được bố mẹ cho về quê chơi. Quê lúc đó là cái gì đó rất lạ trong mắt một con bé con chưa tròn 5 tuổi.
Về quê, tôi lại được ngồi sau xe mẹ có lót một cái gối con cho êm mông, được mẹ bế qua một cây cầu bé tí xíu, chênh vênh và không có lan can. Những lần đó mắt cứ nhắm tịt lại vì sợ bị... rơi xuống nước. Về quê đôi lần, được cậu cho đi xe ngựa. Ngày đó xe của cậu "xịn" như xe ô tô con bây giờ, chả thế mà bao nhiêu đứa trẻ nhìn mình ngưỡng mộ, thèm thuồng với những cặp mắt mở to, nhìn hau háu.
Về quê là được bà ngoại giấu sẵn cho một cái bánh đa vừng ăn giòn tan, thơm phức. Nhớ quê, nhớ cả bà ngoại ốm bệnh trên giường, không ăn uống gì nhưng luôn gọi rất nhiều cơm, tuồn ra cửa sau cho hai đứa em nhà cậu lúc nào cũng thiếu no. Nhớ ánh mắt sung sướng, hạnh phúc của hai anh em chúng nó.
Hơn 5 tuổi, gia đình có nhiều biến cố, nên cả nhà chuyển về quê ở. Quê nội và ngoại là làng trên với xóm dưới, đi vượt qua một bờ ruộng là đến nơi. Tuy ở cùng xã, nhưng nhà mình ở tách hẳn ra một cái xóm mới mở. Cái xóm có cái tên cũng rất lạ - Đông Quang. Chẳng ăn hợp gì với những làng Bắc, làng Nam trên (quê nội), làng Nam dưới (quê ngoại), làng Trung hay làng Chè. Cái xóm cũng lạ như cái tên. Cái xóm mà dân làng khác nhìn vào đều ghen tị vì "xóm đó toàn con nhà giàu" (giàu vì trẻ con xóm mình toàn mặc quần áo lành lặn, đi dép tử tế và bố mẹ làm công nhân viên chức, hoặc đi buôn và xóm nằm ngay bên sông, gần chợ nên giàu).
Ngày đầu, vài gia đình ở thưa thớt, rộng thênh thang, đi từ nhà này qua nhà khác ban đêm là nó phải co giò chạy cho thật nhanh vì sợ ma và bóng tối. Rồi người ở đâu kéo đến mua đất, xây nhà rồi ở luôn đấy. Lũ trẻ con nhiều hơn, đông vui hơn thì cũng bắt đầu chia bè, chia phái để "oánh" nhau.
Quê nổi tiếng với nghề đúc đồng. Nói đến Thanh Hóa, người ta hay nói đến trống đồng Đông Sơn. Nhưng trống đấy lại chủ yếu được đúc ở làng "Chè thôn" quê mình. Nghề đúc đồng có từ lâu lắm rồi. Lâu đến mức không ai biết, chỉ truyền miệng từ đời này sang đời khác. Nay nghề truyền thống ấy đang dần bị mai một và được kêu gọi phải phục chế. Nhưng thanh niên trai tráng đi tha hương nơi khác hết, quê giờ chỉ còn lại ông già bà già, hơi sức đâu mà phục chế. Quê nổi tiếng với cả đền thờ nhà sử học đầu tiên Lê Văn Hưu. Đến giờ, không còn tiêu điều như xưa nữa.
Quê qua mẹ kể, còn có truyền thống làm thừng bằng nứa. Khi mẹ còn bé vẫn hay vượt hết cánh đồng nọ đến cánh đồng kia để đón ngoại lên rừng chặt nứa về "chắp" thừng. Nhà nào cũng chắp thừng, đêm đêm tiếng máy căng sợi thừng, xoắn thừng ken két, bên mấy cái đèn dầu, các mẹ các bà thi nhau chẻ nan. Họ chẻ nan rất khéo, rất mỏng. Thừng làm ra được ngâm dưới nước rồi treo lên gác bếp cho có độ bền. Nay công nghệ tiên tiến, người ta dùng thừng bằng sợi nilon. Tiện lợi, sạch sẽ nhưng cũng nhanh "mủn" và nhanh hỏng. Quê mất nghề làm thừng từ lâu lắm rồi. Lớp trẻ bây giờ không còn ai biết "chắp" thừng, không còn ai biết chẻ nan. Họa may khi Tết đến họ kéo nhau đi bán nan gói bánh chưng dưới thành phố kiếm ít tiền sắm Tết cho con. Lại nhớ Tết năm nào cũng thế, cứ sáng sớm là nghe họ rục rịch kéo nhau đạp xe đạp đi. Đằng sau chỉ cột sơ sài vài ống nứa, một cái bì gai và một con dao rất sắc. Nhẹ nhàng, nhưng khi về họ có thể sắm thêm ít đồ cho cả nhà.
Trường quê nghèo, vách vôi tróc lở, mái ngói dột nát quanh năm, bàn gỗ nhưng ghế bằng xi măng, ngồi đau cả người, phòng học thiếu trầm trọng nên phải học cả ca ba (buổi trưa). Thậm chí lớp một, mình còn phải đi học ở phòng chờ của trạm xá xã. Bây giờ trường ba, bốn tầng khang trang, sạch sẽ, lớp học đèn nion sáng trưng, sân lát gạch từ cổng đi vào. Chợt nhớ cái sân trường bằng đất đầy lá xà cừ rơi và những phòng học cấp bốn lụp xụp với hàng lan can thô sơ, góc sân trước lớp được cả lớp cuốc cày rồi trồng vào những cái cây hoa bé tí.
Quê là những buổi đi học theo bọn trẻ làng Chè (làng gần xóm mình nhất) lội "Bến" từ bên này sang bên kia là trường. Xắn quần ngang đầu gối, cắp cặp vào nách và lò dò đi theo bọn "thổ dân". Có đứa bước hụt chân ngã ướt hết người, hết sách, cả bọn nhăn nhở cười mà chẳng cần biết tên đấy đang mếu máo sắp khóc. Bây giờ về đố mà tìm lại được đứa nào của ngày xưa ấy. Chúng nó bây giờ tha hương cầu thực ở tận phương
Quê là nhớ những con đường con bé tí xíu bằng đất chạy ngang dọc giữa xóm này, xóm khác, cây cối mọc um tùm, vừa làm bờ rào cho những mảnh vườn đầy rau xanh, vừa là nơi mà mọi người có thể kiếm được bó lá xông khi ốm. Bây giờ quê "hiện đại hóa" bằng tường gạch quét vôi, quét ve xanh đỏ, cổng sắt sơn cầu kỳ, thay cho những cái cổng tre ọt ẹt cũ kỹ, những con đường "bê tông hóa" đi về thấy nó là lạ.
Quê là con sông chảy qua làng, qua xóm nó ở. Mùa hè là rủ nhau ra sông tắm táp, vẫy vùng, là một lần bị anh trai dìm xuống nước muốn chết ngạt, là một lần suýt chết trôi, là một lần cứu một thằng bé bị xẩy chân xuống nước, nhưng về nhà lại bị mẹ nó mắng cho một trận tơi bời vì "dám rủ con tao đi tắm sông". Nhớ sông là nhớ những lần nước cạn, phụ anh chị ra sông lấy cát phù sa về lấn ao làm nhà. Sông ngày ấy bên bờ cỏ mọc xanh ngắt, mùa nước cạn là được đi bắt hến về nấu canh, nấu cháo. Thèm một bát cháo hến đến mê muội. Ở đây kiếm đâu ra. Sông bây giờ hai bên bờ lát xi măng, không cảm xúc. Nước sông bây giờ không ai còn dám uống, bao nhiêu rác làng trên, làng dưới đổ xuống sông, bao nhiêu chất thải hóa học đổ xuống, cá cũng chết, chứ nói gì những con hến con con...
Nay xa quê, ở xứ người, mới thấy hai chữ "Quê hương" thân thương đến nhường nào...
Phương Ly
(Nguồn: Báo Đất Việt)