Chủ nhật, 22/12/2024,


LỄ TRAO GIẢI “THƠ VỀ HÀ NỘI”: THẤM ĐẪM CẢM XÚC NGÀN NĂM (16/10/2010) 

Lễ trao giải thưởng “Thơ về Hà Nội” đã diễn ra vào 20h ngày 15/10/2010 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam - Hà Nội) và được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội.

 

 

Đến dự có ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội; ông Hữu Thỉnh – Chủ tịch Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT VN; Hồng Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng LLPB VHNT TƯ; ông Đỗ Kim Cuông Vụ trưởng Vụ Văn hoá – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; nhà văn Nguyễn Trí Huân - Tổng BT báo Văn Nghệ; nhà văn Trần Gia Thái – Tổng giám đốc Đài PT&TH Hà Nội; nhà thơ Lê Quang Sinh, nhà thơ Vũ Quần Phương, lucbat.com… các tác giả đoạt giải thưởng “Thơ về Hà Nội” (Nguyễn Phan Quế Mai, Đoàn Mạnh Phương, Khuất Bình Nguyên, Đặng Huy Giang, Bùi Tuyết Mai, Nguyễn Thánh Ngã, Trần Kim Hoa, Nguyễn Việt Chiến, T. Possenbell…) và đông đảo phóng viên báo chí, người yêu thơ đã có mặt tại Nhà hát Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội.

 

HÀ NỘI NGUỒN CẢM HỨNG THI CA BẤT TẬN

 

Hà Nội đã trở thành cảm hứng thi ca cho không biết bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu nhà thơ, những người Hà Nội, những người đã đi qua Hà Nội, những người không ở Hà Nội. Đã có hàng ngàn, hàng vạn bài thơ, bài hát về Hà Nội nhưng vẫn chưa đủ, mỗi người có một tình yêu Hà Nội, một cách nhìn Hà Nội nên viết về Hà Nội bao nhiêu vẫn còn thấy thiếu.

Năm 2010 Thăng Long – Hà Nội vừa tròn 1000 năm tuổi, có nhiều hoạt động để kỷ niệm sự kiện này, trong đó có một hoạt động đầy ý nghĩa, góp phần bồi đắp thêm văn hoá 1000 năm của Thăng Long – Hà Nội đó là cuộc thi “Thơ về Hà Nội” do Đài PT&TH Hà Nội và tuần báo Văn Nghệ (Hội nhà văn Việt Nam) phối hợp tổ chức từ tháng 11 năm 2008 đến tháng 8 năm 2010.

Đã có hàng ngàn tác giả tham dự cuộc thi “Thơ về Hà Nội”. Đó là tình cảm của người Hà Nội, của người dân trên mọi miền tổ quốc và cả những người Việt ở nước ngoài hướng về thủ đô thân yêu của đất nước. Hàng ngàn bài thơ của các tác giả miền núi phía Bắc, cho đến miền Trung, Tây Nguyên, Tp Hồ Chí Minh, Nam Bộ đã được giới thiệu trên sóng phát thanh, truyền hình, boá điện tử, tạp chí truyền hình của Đài phát thanh truyền hình Hà Nội và in trên báo Văn Nghệ tạo thành chuyên mục hấp dẫn với công chúng, tiếp tục khơi dậy bồi đắp tình yêu và niềm tin tự hào về thủ đô Hà Nội thông qua một loại hình nghệ thuật đặc biệt, giàu bản sắc dân tộc. Đó là thi ca.

Hà Nội được mở ra với nhiều góc cạnh khác nhau, nhiều chiều kích cảm xúc khác nhau. Tất cả nhằm dựng lên hình ảnh một Hà Nội của quá khứ, hiện tại và tương lai, thể hiện một Hà Nội hào hoa, thanh lịch dẫu trong đạn bom hay trong những lúc khó khăn nhất.

Hà Nội, thành phố 1000 năm tuổi đứng trầm tư cùng bao danh thắng đền đài, những con phố cổ rêu phong, những ngõ nhỏ bình lặng, những hàng cây cổ thụ, những tiếng chim hót trong sương sớm, đàn sâm cầm vỗ cánh trên mặt nước Hồ Tây… Hà Nội, thành phố đã đi qua 1000 năm, những trang sử đã trải dài ra có chiến tranh loạn lạc, có đau thương mất mát nhưng vẫn kiên cường bất khuất để có được những niềm vui, những giọt nước mắt của ngày hoà bình. Và Hà Nội ngày nay, thành phố đang từng ngày chuyển mình mạnh mẽ vẫn cố giữ được nét riêng của mình, đó là một Hà Nội hào hoa thanh lịch, một Hà Nội anh dũng kiên cường, một Hà Nội yêu kiều mơ mộng, một Hà Nội nghìn năm văn hiến, một Hà Nội sống mãi trong lòng cả nước

Mỗi bài thơ là tình cảm riêng của mỗi tác giả, là những hoài niệm, những vui buồn tự đáy lòng, nhưng tất cả đã hoà vào dòng chung, hoà vào một Hà Nội vô cùng gần gũi.

 

HƠN 2 VẠN BÀI THƠ DỰ THI

 

2.500 lượt tác giả với hơn 20.000 bài thơ tham gia cuộc thi “Thơ về Hà Nội” do Đài PT-TH Hà Nội và báo Văn Nghệ tổ chức trong 2 năm chứng tỏ tình yêu thơ và người làm thơ hiện nay vẫn rất đông đảo chứ không như ai đó lo “thơ sẽ chết” trong thời đại internet và kinh tế thị trường. Chiều 30- 9, tại Đài PTTH Hà nội đã diễn ra buổi họp báo công bố kết quả cuộc thi Thơ về Hà nội do tuần báo Văn nghệ và Đài PTTH Hà nội tổ chức.

Cái khó với các nhà thơ đây là cuộc thi một chủ đề (Hà Nội), định hướng về nội dung (ngợi ca thành phố tròn nghìn năm tuổi), và trong một nghìn năm qua đã có biết bao bài thơ hay về Hà Nội.

Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, thành viên Hội đồng chung khảo, thơ dự thi tuy nhiều, nhưng bài hay thì vẫn còn ít, chưa có bài thơ (và tác giả) nào vượt qua được những áng thơ hay về Thăng Long - Hà Nội mà công chúng từng quen thuộc và yêu mến.

Tuy nhiên 20 nghìn bài thơ tham gia dự thi với các cung bậc và chiều kích cảm xúc của các tác giả (trong đó có 2 tác giả là người nước ngoài làm thơ bằng tiếng Việt), chứng tỏ Hà Nội vẫn là nguồn cảm hứng lớn lao của người viết, đem đến cho độc giả những góc nhìn mới mẻ từ quá khứ, hiện tại và tương lai.

Tìm được gương mặt mới để trao giải nhất cũng là một thành công của cuộc thi lần này. Bên cạnh các nhà thơ “chuyên nghiệp” (Đặng Huy Giang, Đoàn Mạnh Phương – giải Nhì, Khánh Chi, Hoàng Quý, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Hoàng Sơn… - giải Ba) đã có một Nguyễn Phan Quế Mai tiếp tục bứt phá sau khi giành giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội 2010 cho tập thơ “Cởi gió”,  đã đoạt giải Nhất cuộc thi này với chùm thơ 3 bài “Hà Nội”, “Những ngôi sao hình quang gánh” và “Ta phố”.

 Thơ Nguyễn Phan Quế Mai, theo ông Vũ Quần Phương đánh giá là có tìm tòi về thể hiện, tạo được một giọng điệu riêng, lạ, nhưng dễ hiểu và dễ được chấp nhận. Cái lạ của Quế Mai là tuy xa nước đã lâu (học ở Úc, lấy chồng ở Đức và mới trở về Việt Nam sinh sống một thời gian) nhưng vẫn giữ được tâm hồn Việt hồn hậu, ấm áp và yêu thương.

Về giải thưởng, theo đại diện BTC thì ban đầu định trao những giải có giá trị kỷ lục cho xứng với tầm cỡ cuộc thi nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long, nhưng sau “cân đối lại” để không vượt quá xa với thông lệ nên giải Nhất trị giá 20 triệu đồng, tương ứng là Nhì: 15 triệu, Ba: 10 triệu và giải Tư: 5 triệu.

 

 THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG GIẢI THƯỞNG NÓI GÌ?

 

Để bạn đọc có một cái nhìn tương đối rõ nét hơn về cuộc thi này, xin đưa lại lời các nhà thơ trong BGK của cuộc thi đã phát biểu trên báo Văn Nghệ (Số 41+42, ra ngày 9/10 và 16/10/2010).

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu:

Sau nhiều lần làm việc, Ban sơ khảo đã chọn được hơn 140 bài thơ của 41 tác giả để đưa vào chung khảo. Trên cơ sở đó, Ban chung khảo đã đọc rất kỹ, chọn các tác phẩm để phân loại vào các nhóm giải, sau đó bỏ phiếu kín. Có một số tác giả đã đạt được sự đồng thuận rất cao khi xếp giải. Nhưng cũng có nhiều tác giả, Ban chung khảo đã phải đưa ra đọc đi đọc lại phân tích kỹ lưỡng, tranh luận thẳng thắn để đi đến thống nhất.

Nhà thơ Vũ Quần Phương:

Nhìn chung, mặt bằng cuộc thi chưa được cao. Có thể đây là cuộc thi giới hạn trong đề tài và dù sao cũng có định hướng chủ đề, phù hợp với ngày đại lễ nghìn năm Thăng Long – Hà Nội. Nên nội dung ít nhiều bị khuôn lại, ít đất để táo bạo tung hoành và thử nghiệm. Đề tài là vậy nhưng để làm bật lên chủ đề tư tưởng có tính triết lý và sức khái quát thời đại thì còn ít, quá ít tác giả làm được.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa:

Một cuộc hội ngộ tưng bừng và náo nhiệt. Đây cũng có thể xem như một ngày Lễ hội thi ca hoà chung cùng với ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội… Thời nào cũng có những tinh hoa tiêu biểu của nó… Rồi thời gian sẽ định đoạt. Thời gian mới là vị giám khảo công tâm và thông minh nhất định đoạt mọi giá trị ở đời. Trong đánh giá văn chương rất cần sự tỉnh táo công tâm và bình tĩnh.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Văn:

Nhìn chung cuộc thi còn thiếu những bài thơ gọn gàng, thiếu những bài nêu được chi tiết dù nhỏ nhưng thú vị và thật Hà Nội. Sự tìm tòi dường như còn nặng về cách thể hiện và câu chữ. Hơn 140 bài thơ được chọn vào Chung khảo nhưng có lẽ khi cuộc thi kết thúc sẽ hiếm có được bài thơ để mọi người nhớ, mọi người thuộc… Thơ hay điều đầu tiên là khi đọc xong người đọc cảm thấy có mình trong đó và họ nhớ mãi.

 

  HÀ NỘI TỰ SINH RA VÀ TỰ LỚN TRONG TÔI

 

Nguyễn Phan Quế Mai đoạt giải nhất trong tiếng ì xèo khẩu nhân hè phố, có lẽ người ta nhớ nhiều đến chị trong vai trò một dịch giả chuyển động hợp lý và ít khi bị ùn tắc trong ngôn ngữ. Cả 3 bài thơ đoạt giải đều được in trong tập CỞI GIÓ (Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu giải thích không vi phạm quy chế cuộc thi, vì trước đó có gọi điện xin phép). Cả tập thơ lạ vậy, CỞI GIÓ 82 trang, mất khoảng 10 trang thư pháp tiên phong của Trịnh Tuấn, mặc dù đã được trao giải của Hội nhà văn Hà Nội, song rất khó lựa bài để chọn “hoa khôi”.

Như một sự kỳ diệu của Đại lễ ngàn năm, “Ba mươi sáu phố dẫn về ngực tháp rùa” khi 3 bài thơ (Hà Nội, Những ngôi sao hình quang gánh, Ta phố) đứng riêng, lập thế, lại ngạo nghễ một thi tháp tài sắc. Cả 3 bài đều vào giải, đứng ở vị trí cao nhất. Phải thấm tháp, va đập và xanh non lắm mới viết được “Hà Nội sinh ra và tự lớn trong tôi”. Nguyễn Phan Quế Mai đã giải thiêng kinh kỳ bằng thứ ngôn ngữ thảo dân như thế. Hà Nội, những người yêu Hà Nội biết ơn chị.  

Đoàn Mạnh Phương cho thấy mình vẫn sung sức như ngày nào, con chữ trưởng thành biết mai phục, âm thầm toả khí, công thủ toàn diện. Trong bài Sống chậm trong thành phố của mình, đó là khi anh thèm khát một lắng sâu để “duỗi thẳng” mọi cảm giác và “Thật chậm rãi/ Để có thể trò chuyện nhiều hơn với thành phố của mình/ Giữa những hiện hữu và biến mất/ Thầm ước áo có những cánh chim/ Mỗi ngày cộng thêm vào ban mai một tiếng hót…”. Sẽ còn rất mệt khởi giác được vỉa phố thơ anh.

Khuất Bình Nguyên là ông quan làm thơ. Thơ Khuất Bình Nguyên đầy hoài gợi, niệm cổ và thi cảm: “Tuổi thơ đi quanh hào nước/ Hiện hình trên mặt lụa phúc âm” và ông có những liên tưởng, so sánh, tường giải thú vị vô cùng “Thị xã nhỏ không rộng hơn vòng tròn tiếng chuông”. Khuất Bình Nguyên có phẩm cách thi sỹ.

Đặng Huy Giang cho thấy mình “lõm” với Hà Nội bằng những khúc “lồi” nhân tình thế thái trong bối cảnh Hà Nội những năm hai nghìn “Thời mặt tiền” “tiền mặt lên ngôi” và tỉnh táo tuyên ngôn “Chẳng còn người chơi hoa nào bị chết bởi mùi hương”. Thơ anh ắp ứ triết sự, người đọc dễ bị hút vào lỗ thông tin tuỳ biến, khi bước ra thấy mình là một người khác mình.

Hoàng Quý với bộ pháp vững chãi, đường nét tài hoa trong mạch ngôn ngữ tinh kỳ. Đó là một chiều ra ngồi chơi với sen, hoài nhớ mắt biếc thủa nào, giữa một Hà Nội đương đại tím vàng xanh trắng đỏ và “chan chan đèn” trống vắng. Và hình như gió hững hờ với những tiếc nhớ mang đi trong một chiều giản dị đến vô cùng “Sen còn bận mơ thu/ Cho chim về lót ổ”  (Bên sen nghe tiếng sâm cầm). Hoàng Quý cho thấy mình ổn định như thế nào.

Hơi tiếc cho các tác giả không đoạt giải như Anh Vũ (Khoảng nhớ), Nguyễn Linh Khiếu (Lá non mùa Hà Nội), Nguyễn Hữu Quý (Độc huyền cầm Hà Nội), Nguyễn Lập Em (Một khúc hát rong trên đất Thăng Long), Phạm Hồ Thu (Người đàn bà ba mặt), Nguyễn Thanh Mừng (Cọng rơm nhà Lý), Lữ Thị Mai (Ngày của sông Hồng)…

Giải thưởng là vốn quý, song tấm lòng mới bất tử. Lá thư đề ngày 10/10/2010 được viết tại TP. Vũng Tàu của nhà thơ Hoàng Quý vô cùng xúc động:

“Tôi nghĩ, Thăng Long - Hà Nội đã, sẽ và mãi là cảm hứng bất tận của không chỉ riêng các tác gia mọi thời. Thăng Long - Hà Nội mãi mãi là góc linh thiêng trong trái tim người Việt ở bất cứ đâu, trong lòng đất nước, hay những xứ sở có con cháu Lạc Hồng dẫu sống xa Tổ Quốc. Những thi phẩm gửi về dự thi từ nhiều quốc gia có người Việt lưu lạc, và của cả những thi hữu không là người Việt Nam, minh chứng cho thành công lớn của cuộc thi. Vì thế, tính vinh dự của giải thưởng cuộc thi “Thơ về Hà Nội” xứng đáng được trao cho mọi tấm lòng hướng về Hà Nội, hướng về Thăng Long.

Tôi xin tặng toàn bộ tiền giải thưởng của tôi cho Quỹ chăm sóc các cháu học sinh khiếm thị Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, số 21 phố Lạc Trung, phường Vĩnh Tuy, Quận Hai Bà Trưng Hà Nội, và đề nghị Ban tổ chức cuộc thi “Thơ về Hà Nội” trao giúp cho nơi tôi hiến tặng”.

Cảm ơn nhà thơ Hoàng Quý đã giành toàn bộ giải thưởng trị giá 10 triệu cho Quỹ chăm sóc các cháu học sinh khiếm thị Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, số 21 phố Lạc Trung, phường Vĩnh Tuy, Quận Hai Bà Trưng Hà Nội. Hà Nội, những người yêu Hà Nội biết ơn nhà thơ.

 

Xin chúc mừng các tác giả đoạt giải thưởng “Thơ về Hà Nội” 2008 – 2010 do Đài PT& TH Hà Nội và báo Văn Nghệ tổ chức.

 

 

GIẢI THƯỞNG THƠ VỀ HÀ NỘI

 

GIẢI NHẤT: Giải trị giá 20 triệu đồng

Nguyễn Phan Quế Mai

Chùm thơ 3 bài: Hà Nội, Những ngôi sao hình quang gánh, Ta phố

 

GIẢI NHÌ: Giải trị giá 15 triệu đồng

1. Đoàn Mạnh Phương

Chùm 2 bài: Sống chậm trong thành phố của mình, Một ngày

2. Khuất Bình Nguyên

Chùm 2 bài: Thị xã Sơn Tây, Về Nhị Khê nhớ Nguyễn Trãi

3. Đặng Huy Giang

Chùm 2 bài: Những sân ga chiến tranh, Hà Nội những năm hai nghìn

 

GIẢI BA: Giải trị giá 10 triệu đồng

1. Khánh Chi (Kỷ niệm tuổi thơ tôi, Nghe tiếng dương cầm ở Hà Nội)

2. Hoàng Quý (Bên sen nghe tiếng sâm cầm, Hồn liễu đâu)

3. Lương Hữu Quang (Ký ức Hà Nội, Tượng đài trên phố Khâm Thiên)

4. Đàm Khánh Phương (Gửi chàng trai Hàng Bạc, Gặp đường hoa sấu nở)

5. Nguyễn Việt Chiến (Thăng Long sử thi)

6. Nguyễn Hoàng Sơn (Vạn phúc)

7. Huỳnh Minh Tâm (Ký ức Hà Nội)

 

GIẢI TƯ: Giải trị giá 5 triệu đồng

1. Trần Cao Sơn (Người lính cũ hát bài hát cũ)

2. Trần Kim Hoa (Nhớ bờ vai Hà Nội rộng nghìn năm)

3. Đặng Hiển (Chị tôi)

4. Nguyễn Vũ Tiềm (Trên mặt thành hai nghìn tuổi)

5. Bùi Tuyết Mai (Nhật ký Hà Nội)

6. Nguyễn Thánh Ngã (Trên đất Lâm Hà)

7. Lã Ngọc Khuê (Gánh quà rong)

8. Khánh Nguyên (Thanh Cù)

9. Nguyễn Thanh Lâm (Giây phút xuất thần)

10. Lê Ái Siêm (Hà Nội một nghìn tám trăm ki lô mét)

11. Lê Xuân Đố (Hà Nội khát khao)

12. Nguyễn Hạnh Hiếu (Sông Hồng)

 

TẶNG THƯỞNG: 5 triệu

Tác giả: T. Possenbell (Lại ở giữa lòng Hà Nội)

 

CHÙM ẢNH LỄ TRAO GIẢI

 

Toàn cảnh Lễ trao giải

 

Ông Phạm Quang Nghị trao giải nhất cho tác giả Nguyễn Phan Quế Mai

 

Các tác giả đoạt giải nhì (Trái sang)

Đặng Huy Giang, Đoàn Mạnh Phương, Khuất Bình Nguyên

 

Ông Trần Gia Thái, Đỗ Kim Cuông (Trái sang)

Trao giải thưởng cho các tác giả đoạt giải ba

 

Các tác giả đoạt giải tư

 

Nhà thơ Hữu Thỉnh trao tặng phẩm cho T. Possenbell

 

Từ trái qua: Phong Điệp, Bùi Tuyết Mai,

Nguyễn Phan Quế Mai, T. Possenbell, Nguyễn Thánh Ngã

 

Sau Lễ trao giải tại Nhà hát Âu Cơ

ông Phạm Quang Nghị tặng hoa cho Trần Gia Thái (Tổng GĐ Đài PT&TH HN)

- Người có sáng kiến tổ chức cuộc thi 'Thơ về Hà Nội'  2008 - 2010

 

T. Possenbell (Mỹ) và Tác giả bài viết trên phố đêm Hà Nội

 

 

Bài, ảnh: LÃNG TỬ ĐẠT MA

(lucbat.com)

ĐT: 0945 222 578

Email: yeulucbat@gmail.com

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Thạc Lưu - daotuyetthanh@gmail.com - 0123 228 2766 - Phan Long Tân Hội Đan Phượng Hà Nội  (Ngày 22/10/2010 06:14:57 PM)
Trân trọng đề nghị BBT LB com cho đăng tải các bài thơ được giải để độc giả được thưởng thức, chuyển cho bạn bè không có đ/k đọc và học hỏi thêm. Xin cảm ơn!
Các bài khác: