Chủ nhật, 22/12/2024,


CON GÁI ÚT NHÀ THƠ QUANG DŨNG NHỚ MÙA "BÓNG BAY” (13/10/2010) 

 

Vậy là đã 22 năm ngày ông đi xa (Nhà thơ Quang Dũng mất ngày 13 tháng 10 năm 1988 tại bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội), Website:  Lucbat.com trân trọng giới thiệu những hồi ức đầy nhớ thương của con gái út của cố nhà thơ tài hoa Quang Dũng, tác giả của những bài thơ nổi tiếng như Tây Tiến, Đôi mắt người Sơn Tây, Đôi bờ, Quán ven đường, Lính râu ria... Quý bạn đọc lục bát chia sẻ với chị Bùi Phương Thảo qua SĐT: 0982 533 618;

Email: thaokhoi313@yahoo.com.vn

 

 

  

 

*********

 

Khi những cơn mưa ngâu đã vãn, mùa lễ vu lan đã qua, hương khói, vàng mã… thỏa thuê cơn báo đáp sinh thành của những tấm lòng hiếu thảo, là lúc tiết heo may chuyển mùa rõ nhất. Thu đây rồi!

 Bấy nhiêu lần đi lại qua Hồ Gươm, vào trong khu phố cổ, sao đêm nay tôi lại thấy có gì như mới hơn, lạ hơn và có cảm giác  bồi hồi nữa. Đúng thôi, một khu phố đang chuẩn bị cho sinh nhật 1000 tuôỉ chứng kiến đêm trung thu thứ một nghìn. Một đêm trung thu se lạnh với màn sương mỏng như giấy lụa, chỉ đủ cho ta cảm thấy hơi âm ẩm trên tóc, man mát ở da mặt .

  

Ảnh gia đình: Chụp năm 1965 - Từ trái sang

Hàng trên: Nhà thơ Quang Dũng - Bùi Phương Thảo (con gái út)

- Bà Bùi Thị Thạch (vợ nhà thơ) - Bùi Quang Vĩnh (con trai cả)

Hàng dưới: Bùi Phương Hạ - Bùi Quang Doãn - Bùi Quang Thuận

Ảnh do ông Nguyễn Bá Khoản là bạn của bố chụp.

* Anh Bùi Quang Doãn và chị Bùi Phương Hạ đã mất .

 

Đông quá, nẻo phố nào cũng toàn xe và người, xe máy nhiều, xe ô tô còn nhiều hơn. Tắc đường cũng là chuyện cơm bữa ở một thành phố được mở rộng lại sắp bước vào những ngày đại lễ. Tất cả xe cộ như đều dồn về khu phố cổ, khu vực chợ Hàng Mã, nơi buôn bán đồ chơi phục vụ tết Trung thu.Thực ra khu chợ được thông ra hết các phố như bàn cờ trong khu vực phố cổ. Dẫy phố nào cũng sáng choang đèn mầu, nhà nào cũng trang trí cho gian hàng của mình thật nổi bật. Sau một hồi luồn lách trổ tài, ba mẹ con tôi cũng vào được chợ. Từ xa, đã nghe nổi lên từng hồi trống ngũ liên, nhịp trống tưng bừng, mời gọi, giục giã…. cũng là cách chào hàng của phường làm trống. Anh thanh niên chừng ngoài hai mươi tuổi chít chiếc khăn lụa đỏ ngang trán, liên tục gõ chiếc  dùi đã bóng vết  tay cầm vào mặt từng chiếc trong dãy trống đại  theo nhịp, gương mặt đầy phấn khích và khuôn ngực để trần nhễ nhại mồ hôi, dù cho tiết thu đang dịu mát. Đồ chơi nhiều loại phong phú nhưng nhiều nhất vẫn là hàng nhập ngoại. Từng tốp thanh niên túm đuôi áo nhau cùng lần lượt thổi tù và sừng trâu bằng nhựa,có đèn nhấp nháy bên trong, đỏ lòm, inh cả tai. Thỉnh thoảng , lại có tiếng trẻ con ré lên khóc thét vì bị dọa bằng chiếc mặt nạ ma quỷ nhe răng, thè lưỡi dài thườn thượt.

 

Đang chen chúc trong đám hỗn loạn âm thanh, tôi cũng bị giật mình vì một loạt nước bắn vào người. Đúng là từ trên trời rơi xuống vì đó là thứ nước bắn ra từ một con quay phát sáng bay vụt lên trên trời ….Tôi nghển cổ cố tìm cho được dãy hàng đồ chơi cổ truyền, thứ được bày khiêm tốn ở một góc khuất hơn trong chợ. Chiếc trống bỏi, thứ đồ chơi ngồ ngộ khi quay (mà chỉ quay được một chiều) phát ra tiếng kêu giòn tan như băng pháo tép nổ (thứ tiêng kêu mà bây giờ lũ trẻ như con tôi không còn nghe thấy). Đêm cuối rằm nên bà cụ bán hàng chỉ bán với giá một nghìn đồng. Một nghìn chỉ mua được 3 nhánh hành hoa ở chợ, tôi sợ nghe nhầm hỏi lại, bà cụ nói to hơn: “một nghìn thôi, bán hết còn đi về phá cỗ!”. Tôi hào phóng mua cho con gái 2 cái (nó mà quay liên tục hai cái trống bỏi này thì thế nào cũng cãi nhau với hàng xóm mất!).

 

Ba mẹ con tôi tiếp tục hành trình tìm một chiếc đèn lồng, lại gặp nhiều đèn lồng nhập ngoại hơn, mãi rồi cũng tìm được  một cửa hàngcuối phố có bày một dãy đèn lồng làm bằng giấy màu hình con cá hóa rồng , hình rùa và cá chép. Tôi lại tự thưởng cho mình một chiếc đèn hình chú rùa vàng( gọi chú vì trông con rùa đèn này có vẻ còn trẻ) và không quên lải nhải nói với con về ý nghĩa thứ đồ chơi dân gian này. Lung linh giữa nhiều gian hàng đồ chơi bằng nhựa bắt mắt, nhiều hình thù hấp dẫn mới lạ về mẫu mã,còn đôi ba gian hàng làm đầu sư tử bằng giấy bồi, đầu lân cách điệu có mấy cái râu gắn chùm bông trắng lúc lắc khi múa, đèn ông sao bằng giấy bóng kính đỏ, đèn cù, đèn kéo quân, đèn xếp…. những con Tò he bằng bột nếp thật khéo.

 

Có một thứ tôi để ý tìm không thấy và chắc không còn ai làm nữa, thứ đồ chơi gợi cho  tôi nhớ về một kỉ niệm ngày thơ ấu, khi tôi còn là một cô bé bảy, tám tuổi và được cha cho đi chơi chợ tết trung thu. Cũng trên dãy phố này, qua những gian hàng như thế và trong một đêm thu mờ hơi sương, man mác mùi hương hoa sữa… đó là Ồng Phỗng, một đồ chơi làm bằng giấy bồi mỏng hơn thứ giấy bồi để làm đèn sư tử, được hong khô rồi vẽ vào mặt, mũi, quần áo, mũ… tùy vào người thợ làm đồ chơi khéo tay vẽ sao cho đẹp và ngộ nghĩnh, cả người ông Phỗng chỉ cao chừng mươi mười lăm cen- ti -met. Thứ quà mộc mạc ấy, năm nào cũng có mặt trên mâm cỗ bày đêm trung thu của gia đình tôi.

 

Cha tôi thường xếp ông Phỗng đứng cạnh đĩa cam vàng và một lọ gốm giọt mật màu nâu, trong cắm mấy bông hoa  cúc cũng màu vàng. Cha tôi bày thêm bên cạnh mấy pho sách dày, thế là tết Trung thu đã hiện hữu trong gian phòng nhỏ của gia đình tôi rồi. Hồi ấy, gia đình tôi ở trong căn nhà gác cuối phố Bà Triệu. Nhà tôi có hai chiếc sân thượng rất rộng và lộng gió, ở một góc sân, cha tôi mắc giàn nứa và trồng hoa Phong Lan. Mùa nào cũng có hoa nở vì cha tôi trồng nhiều loại lan lắm.

 

Thích nhất là vào dịp trung thu, hoa lan Rồng nhả ngọc, lan Quế, lan Móng rồng..lại ra hoa. Riêng tôi góp phần nhỏ vào bữa tiệc trung thu với một chậu cây nhài nở trắng hoa. Chiếc sân vừa rộng, mát lại thơm ngát hương hoa nên lũ trẻ hàng xóm thích mê đi và đặt trước chỗ từ chiều hôm rằm  để tối lên bày cỗ trông trăng. Mỗi đứa mang theo một món quà trung thu để bày vào mâm cỗ chung. Nào là bánh dẻo, bánh nướng, hồng ngâm, hồng hạt, bưởi tết hình con chó ngồi, hai mắt dính bằng hai hạt đỗ đen, đèn ông sao, sư tử…. nhưng thứ không thể thiếu được với chúng tôi là mấy dây hạt bưởi được phơi khô, xâu vào sợi dây thép mềm. Khi đốt lên những hạt bưởi cháy lép bép vừa sáng vừa vui tai lại thơm nữa (thích hơn cả đốt pháo dây, thứ pháo trẻ con hồi ấy rất thích.)

 

Đâu phải chỉ dành cho trẻ em, cái háo hức đón đợi không khí náo nhiệt của đêm trăng rằm đã đến trên khu phố  từ nhiều ngày trước. Ngoài phố,trong ngõ đã nghe rộn ràng tiếng trống của những đội múa rồng tập dượt từ khi trăng mới bằng chiếc  lưỡi liềm. Cứ thế, rồi cũng đến ngày  lũ chúng tôi cùng chờ đón giây phút vầng trăng tròn sáng rực hiện lên ở đỉnh đầu, cùng múa hát hò reo khản cả giọng quanh mâm cỗ, những câu chuyện  không đầu không cuối, mồ hôi nhễ nhại bết cả vào những túm tóc đuôi gà ngoe nguẩy, khuôn mặt được hóa trang với mặt nạ hình mặt khỉ, thỏ, công chúa…hò reo chán rồi ngắm nhìn mâm cỗ mà tiếc rẻ vì bao nhiêu công sức bày biện sắp được phá trong sự vui thỏa thích. Những tiếng cười giòn giã, trong trẻo ấy còn âm vang trong tôi tới bây giờ.

 

“Mẹ ơi, mua cho con quả bóng!”. Nghe tiếng  con gái  gọi và yêu cầu, bất giác tôi chạnh lòng nhớ tới cha cồn cào hơn. Trong đêm trung thu ấy, tôi cũng thèm có một quả bóng bay xanh, đỏ như thế kia nhưng tôi chỉ  ngắm nhìn mà không dám xin cha vì cho rằng đó là một thứ đồ chơi xa xỉ lắm! Bất giác, tôi thấy cay xè nơi sống mũi.

  

Đường về se se lạnh đêm giữa thu, mấy con phố nhỏ xa trung tâm phố cổ có 1km đã thật khác lạ, yên ắng, không ùn tắc và thoáng đãng. Hoa sữa lại càng ngát hơn, kiêu sa trong đêm vắng. Tôi như thấy cha thật gần và quấn quýt bên cô con gái nhỏ, bàn tay tôi lọt thỏm trong bàn tay ấm áp của cha. Làm sao để cảm giác ấy còn mãi, còn mãi? Tôi chợt trộm nghĩ, mẹ tôi còn khỏe mạnh trên cõi đời này ngày nào thì cha còn quẩn quanh bên tôi ngày ấy! Bỗng quả bóng trong tay con gái tôi bị tuột dây, con bé tiếc ngẩn ngơ nhìn theo quả bóng dần lên cao, tôi cùng ngó theo mãi cho tới khi nó khuất hẳn tầm mắt.

 Tôi thầm nói với cha: “Cha ơi! Với con, ngày trăng tròn nào trong năm cũng là ngày tết Trung thu, con đã nhận được món quà xa xỉ ngày ấy của cha đầy ắp cả tuổi thơ của mình !”./.

 

BÙI PHƯƠNG THẢO (Hà Nội)

Con gái út nhà thơ Quang Dũng

Bài viết được gửi riêng cho lucbat.com

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: