Thứ sáu, 27/12/2024,


Thái Thăng Long với Nàng thơ và tình yêu nỗi nhớ (19/09/2008) 

     Nhà thơ Thái Thăng Long tên thật là Thái Gia Trí, sinh năm 1950, tại Ba Đình- Hà Nội, đã từng dành tuổi trẻ “đi qua cuộc chiến tranh” chống Mỹ cứu nước. Anh là nhà thơ có nhiều bài được phổ nhạc, đặc biệt thơ về Hà Nội của anh như một cõi riêng thấm đẫm tình yêu, nỗi nhớ.

     Gặp anh vào một sáng Sài Gòn nắng vàng mật như mùa thu Hà Nội, anh đang xem lại lần cuối để hòan chỉnh tập thơ mới nhất của mình sắp được xuất bản mang tên “Đồng hành thế kỷ” gồm 162 bài thơ, mà mở đầu là bài “Sông Hồng thần thánh”. Hà Nội hình như chưa bao giờ xa trong trái tim người thơ mang tên Kinh thành nghìn năm tuổi này. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng anh.

 

     - Thưa anh, vì sao lại có tên Thái Thăng Long? Bắt đầu từ khi nào,từ một bài thơ đầu tiên hay là một chuyện tình?

     - Năm 1969, vào chiến trường B2- Nam Bộ, tôi viết những bài thơ đầu tiên cho tờ Văn nghệ Quân giải phóng, lấy bút danh Thái Thăng Long. Thăng Long- Những người lính Hà Nội chúng tôi ngày đó vào chiến trận là mang cả Hà Nội với tất cả tình yêu và nỗi nhớ sâu đậm, da diết… theo mình. Thăng Long- như một lời nhắn gửi, chúng tôi sẽ trở về với Hà Nội trong vinh quang ngày chiến thắng. Thăng Long- còn là lời hứa với Hà Nội, chúng tôi quyết chiến đấu vì sự thống nhất đất nước, sự tòan vẹn của Thủ Đô thương yêu.

 

     - Anh là một sinh viên Đại học Tổng hợp Văn Hà Nội, vào chiến trường anh lại là lính trinh sát đặc công của B2 hoạt động ở Rừng Sác danh tiếng. Có gì chung và riêng giữa một “văn nhân thư sinh” với một “lính chiến tinh nhuệ”? Điều đó sau này có trong thơ của anh?

     - Cũng thật ngẫu nhiên mà tôi được chọn vào Binh chủng Đặc công, làm lính trinh sát.Có thể vì lúc đó nhìn tôi cao lớn, thể hình, thể lực đều chuẩn…(anh cười). Dĩ nhiên cũng phải trải qua một thời gian huấn luyện cơ bản, sau vừa hành quân, vừa đánh trận, vừa học thêm kinh nghiệm của lớp đàn anh đồng đội. Lính trinh sát không chỉ có sự nhạy bén, tinh tế, biết phán đóan tình hình, có trí nhớ tốt, mà còn phải có linh cảm- giác quan thứ 6, để có thể tránh được những sai sót gây thiệt hai thương vong không chỉ cá nhân mình… Những “đức tính” đó, cũng là cần có của một nhà thơ, nếu không nhậy cảm, không tinh tế, không có “cái nhìn từ trong tâm”- con mắt thứ 3, thì khó mà làm thơ được.

 

     - Bài thơ đầu tiên của anh ?

     - Tôi không thể nhớ được, nhưng những bài thơ đầu tiên là đăng trên tờ Văn nghệ Quân giải phóng, thơ chiến đấu, thơ về lính, thơ hồi đó chưa được tinh tế lắm, nhưng là những vần thơ có mùi khói bom, thuốc súng chiến trận, là cuộc sống của những người lính chiến, đặc biệt là những người lính Hà Nội như tôi, luôn hướng về Thủ Đô yêu dấu trong tình yêu và nỗi nhớ.

 

     - Nàng thơ của anh có phải chính là Thăng Long- Hà Nội? Điều đó ảnh hưởng đến thơ anh như thế nào?

     - Chính xác, Thăng Long- Hà Nội là “nàng thơ” của tôi. Tôi sinh ra ở Hà Nội, dòng dõi 5-6 đời ở Ngọc Hà. Kỷ niệm về Hà Nội trong tôi rất đẹp, dù là những kỷ niệm từ thời thơ ấu, tất cả luôn như cùng đồng hành trong ký ức, trong giấc ngủ,trong mỗi nhịp đập trái tim, trong mỗi hơi thở của tôi. Tình yêu Hà Nội trong tôi là sắc đỏ phù sa Sông Hồng, những con đường với hàng cây phố, cái oằn mình lột xác của con ve vào mùa hạ, cơn gió heo may trong màu mây trời thu xanh trong vắt, lây phây mưa phùn dưới mái ngói vảy cá phố cổ,cái rét ngọt chiều đông,là người Hà Nội… và là tất cả những gì thuộc về Hà Nội. Trong thơ của tôi chữ “Em” không thuộc về riêng bất kỳ người con gái nào, mà là “Em”- Hà Nội của tôi, tình yêu, nỗi nhớ.

 

     - Thơ của anh thường được các nhạc sĩ nổi tiếng phổ thành ca khúc, đặc biệt là thơ về Hà Nội, có nhiều bài được yêu thích và “sống” với thời gian.Khi anh làm thơ, anh có nghĩ đến “nhạc cảm” trong ngôn ngữ thơ của mình?

     - Hiện giờ tôi có 40 bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc. Khi tôi làm thơ, tôi không nghĩ bài thơ này sẽ được phổ nhạc, mà có lẽ cái chất nhạc- nhạc cảm đã “ăn” vào tôi, để bật ra ngôn từ trong thơ. Tôi mê âm nhạc, hội họa, tôi ham thích hiểu biết về vũ trụ- sự tinh diệu của  bầu trời và những tinh tú, sự hình thành trái đất, con người…. Có thể những điều đó đã ngấm trong tôi và như một điều tự nhiên mà ngôn ngữ thơ như dòng chảy của nhạc điệu, hay như một bức tranh đẹp đầy ẩn dụ của thiên nhiên, hay là một cái nhìn về sự sống nhân gian, tồn tại hay không tồn tại….

 

     - Anh yêu Hà Nội như thế, có rất nhiều bài thơ về Hà Nội, nhưng vì sao anh không chọn Hà Nội để làm việc? Phải chăng điều đó làm cho những bài thơ về Hà Nội của anh tha thiết, day dứt, nồng nàn, say đắm, sâu thẳm hơn? Cứ luôn “mơ về nơi xa lắm” sẽ làm cho thơ có “hồn” hơn?

     - Sau khi hết chiến tranh, tôi chỉ về thăm lại Hà Nội để thỏa nỗi nhớ trong suốt những ngày chiến trận. Tôi chọn TP. Hồ Chí Minh, vì thấy nó thích hợp với tính cách tôi: nhanh, sôi động, luôn mới mẻ, làm con người lúc nào cũng cảm giác phấn chấn, luôn muốn họat động. Tôi học Tổng hợp Văn ở TP. Hồ Chí Minh, và hơn 30 năm nay tôi gắn bó với thành phố này. Nhưng đúng thế, nếu tôi ở Hà Nội, có lẽ những bài thơ về Hà Nội của tôi không có được cái chất sâu lắng, đằm thắm, da diết, nồng nàn, day dứt… bởi chỉ khi xa, khi nhớ, thì tình cảm mới như bộc lộ hết, mới có được những lúc lắng hồn để mà cảm nhận trong ký ức, trong kỷ niệm… và có xa thì cái nhìn về Hà Nội mới có cái “đau đáu”, để rồi hiện ra thành câu chữ như cả hồn xác nhập vào.

 

     - Anh là một nhà thơ “có đẳng cấp”, anh nghĩ về thơ hôm nay giữa thế hệ anh và những người thơ trẻ có gì giống nhau, khác nhau? Anh có thích một sự phá cách trong thơ? Hay vẫn thích kiểu truyền thống?

     - Theo ý tôi, thơ hay là thơ muôn thuở, sống mãi với thời gian. Thơ hay là ngôn ngữ có tính ẩn dụ, giai điệu, cảm xúc, tưởng tượng… gợi cho người thưởng thức nhiều trạng thái xúc cảm, ám ảnh với từng câu, từng chữ, từng hình ảnh được thể hiện qua bài thơ.Thơ hay theo tôi nghĩ còn phải là những bài thơ có tâm trạng, có suy tư, khát vọng… thơ mà vui thì khó hay lắm. Thơ thế hệ tôi,các thế hệ trước, thế hệ bây giờ cảm xúc là giống nhau, nhưng thể hiện thì khác nhau. Nhưng cuối cùng truyền thống hay hiện đại thì cũng là để thơ mình tồn tại trong lòng bạn đọc, muốn thế thì phải có sự phấn đấu, phải có thái độ nghiêm túc với thơ, phải sống thật với cảm xúc chính bản thân mình, không vì một thứ hào nhóang, ồn ào, danh lợi… dùng thơ để mưu cầu những danh vọng phù du.

 

     - Anh ngoài là nhà thơ, anh còn là một nhà quản lý trong công việc xuất bản, vậy anh có ủng hộ những đột phá mới, chưa thật sự được chấp nhận của thơ trẻ để cho phép inh ấn phát hành những “thể nghiệm” của họ?

     - Tôi không phải là người có quyền hành quyết định việc cho phép một ấn phẩm được in ấn, xuất bản, tôi làm công việc thẩm định. Những gì mới, không trái luật pháp, không sai quy chế hiện hành, riêng tôi đều khuyến khích. Công chúng là người thầy đánh giá chính xác tác phẩm đó hay, không hay và quy luật đào thải tự nhiên sẽ thấy ngay lập tức.Nếu nó là cái mới hay thì nó sẽ tồn tại.

 

     - Thơ VN thời này hình như chưa có những bài thơ mà đi đâu ai cũng thuộc, cũng biết, và nhớ rất lâu… Theo ý anh, có phải thơ đã “xuống cấp” hay người làm thơ bây giờ quá dễ dãi với thơ làm thơ “mất giá”?

     - Có lẽ phong trào “xã hội hóa” của kinh tế thị trường đã đi đến từng ngóc ngách của các môn nghệ thuật nói chung,thơ văn nói riêng, và vô hình chung ý nghĩa của danh từ “nghệ sĩ” ( tôi  muốn nói các nhà văn, nhà thơ cũng là giới  nghệ sĩ), đã bị giảm đi phần nào sự thiêng liêng, tinh túy… Ai cũng có thể làm thơ, xuất bản thơ, một nhà kinh tế, một quan chức nhà nước,một lão nông tri điền,một cô cậu sinh viên… Lại thêm sự tiếp sức “thổi” của báo chí, ngòai văn chương mà đơn thuần là các kiểu PR- quảng cáo, làm thơ như một món hàng trên thị trường mua bán. Không thể cấm làm thơ hay có định chế thơ như thế nào mới được xuất bản, nếu nó không trái luật. Nhưng theo tôi thi sĩ là người có những cảm xúc trời cho, được thể hiện ra bằng ngôn ngữ mà đôi khi hơi tâm linh- là sự dẫn dắt của Thần linh, và vì thế thơ mới có sức sống, mới tồn tại. Người làm thơ, nếu tự bản thân hoang tưởng tài năng của mình, thì đó cũng chính là sự xuống cấp của thơ, và thơ mất giá là đương nhiên. Người thiệt thòi nhất chính là những người yêu thơ, độc giả thơ.

 

              

 

     - Thời gian gần đây có một số nhà thơ làm thơ thế sự, thơ không còn thuần túy thơ- đẹp, mà như một bản xã luận, bình luận thời cuộc.Theo anh, có phải điều đó cũng làm cho “nàng thơ”mất đi vẻ đẹp truyền thống, hay “nàng thơ” cũng phải chạy theo thế sự nhân gian cho hợp thời?

     - Như tôi nãy giờ đã nói, thơ  là phải có “hồn”, cảm xúc, có chút tâm linh, có trí tưởng tượng… Còn thế sự là xuất phát từ chính trị, triết học, nếu muốn làm thơ thật sự về thế sự như người xưa “thế sự du du nại lão hà”… thì phải thật gai góc, mỗi chữ phải như “đinh đóng cột”, đọc lên là thấy cả cái thế sự đầy phức tạp, hỗn mang…, chứ chỉ như minh họa lại một sự kiện, một vấn đề mà báo chí hàng ngày đưa đầy các trang thì thơ đó không phải thơ, chưa nói tới thơ thế sự. “Nàng thơ” cũng phải “mắc cỡ”.

 

     - Gia tài thơ của anh hiện thời?

     - Tôi có 3 tập thơ đã phát hành và chuẩn bị phát hành.Chiều Phủ Tây Hồ- 99 bài thơ,Thời gian huyền thọai- 135 bài thơ, Đồng hành cùng thế kỷ- 162 bài thơ, sắp phát hành.

 

     - Anh sẽ làm thơ tới khi nào?

     - Khi tôi không còn cảm xúc, lúc đó là thơ trong tôi đã chết.

 

     - Nếu cho anh chọn lại, anh có chọn thơ?

     - Tôi có nhớ một câu nói của triết gia Hy Lạp:”Sau thần linh là thi ca”. Thơ trong tôi có một chút gì như là của thần linh trao tặng. Tôi vẫn không chọn ngòai thơ cho dù có thể làm việc khác tôi sẽ khá hơn nhiều.

 

     - Trong các nhà thơ già- trẻ hiện thời, anh thích ai?

     - Nếu nói thích hẳn một người thì tôi không thật sự thích ai, tôi chỉ thích từng tác phẩm của họ. Như “Bên kia sông Đuống”- Hòang Cầm, những bài thơ thời hòa bình của Chế Lan Viên, “Lời mẹ dặn”- Phùng Quán…., và một số bài thơ của các nhà thơ các thế hệ 6X, 7X, 8X… Đọc thơ của các nhà thơ cũng có cái thú của nó, làm phong phú thêm bản thân mình.

 

     - Trong con mắt của nhà thơ, nhà quản lý xuất bản, anh nghĩ thơ Việt Nam sẽ đi tới đâu?

     - Với tâm thế một nhà thơ, tôi tin vào lớp trẻ hôm nay của thế kỷ 21 , họ sẽ làm được những điều mà các thế hệ trước kỳ vọng. Thơ Việt Nam chắc chắn sẽ có những bước phát triển, tạo nên diện mạo mới cho văn chương Việt Nam sánh vai với các cường quốc văn chương nghệ thuật khác trên thế giới,mang đến vinh quang cho lịch sử văn chương nước Việt. Trong suy nghĩ của một người làm công tác quản lý xuất bản, tôi có lòng tin vào những ấn bản phẩm thi ca Việt Nam trong tương lai sẽ có tác phẩm, tác giả tồn tại với thời gian.

 

     - Chân thành cảm ơn nhà thơ Thái Thăng Long, người thơ có một tình yêu đặc biệt với Hà Nội, anh đã mang một góc Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh, để những người Hà Nội, yêu Hà Nội tìm đến thơ anh, tìm đến những ca khúc  Hà Nội được phổ nhạc từ thơ anh có một cõi riêng thiêng liêng mỗi khi nhớ, nghĩ về Hà Nội./.

 

                                        Hoài Hương (thực hiện).

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: