Chủ nhật, 22/12/2024,


Nhà nghiên cứu Giang Quân với 30 đầu sách về Hà Nội (06/10/2010) 

Với gia tài gồm 30 cuốn sách về Hà Nội (in riêng), chỉ riêng trong dịp Đại lễ 1.000 năm sắp tới đây, ông đã cho ra 8 cuốn sách về Hà Nội, trong đó có những cuốn đã được tái bản nhiều lần. Riêng 2 cuốn “Ký sự địa chí Hà Nội” và “Từ điển đường phố Hà Nội”, đã đưa tên tuổi ông trở thành một định danh trong giới nghiên cứu về Hà Nội.

 

Xây dựng vùng quê mới cho Hà Nội ở Lâm Đồng

* Là một người công tác thâm niên ở Sở VH, TT&DL Hà Nội, phải chăng đó là điều kiện thuận lợi đưa ông đến với công việc của một nhà nghiên cứu về văn hóa Hà Nội?

- Vâng, có thể nói là như vậy. Năm 1950, tôi bắt đầu cuộc sống ở Hà Nội với nghề viết báo và bán sách. Khi tiếp quản thủ đô, tôi về làm ở phòng sáng tác của Sở Văn hóa Hà Nội (nay là Sở VH,TT&DL). Trong những năm kháng chiến, công việc của tôi như một phóng viên chiến tranh. Còn khi đất nước được giải phóng, 13 năm liền, tôi lại làm công tác tuyên truyền về xây dựng đời sống mới ở Lâm Đồng. Để làm công tác tuyên truyền cho bà con từ địa bàn Ba Vì đến Hà Nội đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Lâm Đồng, tôi đã cùng đồng chí Trần Duy Dương (Phó Bí thư, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội lúc bấy giờ) đi đến tận mảnh đất Lâm Đồng để khảo sát, tìm hiểu nơi này. Hồi đấy, những người tiền trạm như chúng tôi đã phải sinh hoạt trong điều kiện rất khó khăn, thức ăn toàn phải dùng cá khô và ngô răng ngựa, nhai đến sái cả quai hàm. Nói chung là cuộc sống mới ở đây rất khổ cực, vậy mà vẫn có những người bám trụ lại được. Còn những ai không chịu nổi thì đã bỏ về từ lâu. Những người ở lại giờ đây cũng rất thành đạt. Tôi nhớ những năm đầu nhớ Tết Hà Nội, họ phải nhờ người gửi cành đào mang vào, nhưng giờ thì họ đã có cả một dinh đào. Gắn bó với mảnh đất và người dân nơi đây trong suốt hơn chục năm đã giúp tôi có nhiều vốn để phục vụ cho công việc viết kịch thơ, chèo Tàu. Đây cũng là một trong những công việc mà tôi góp phần xây dựng một vùng quê mới cho Hà Nội (huyện Lâm Hà ở Lâm Đồng) bằng công tác lao động nghệ thuật của mình. Tính đến nay, vừa tròn 30 năm tôi nghiên cứu về văn hóa Hà Nội và văn hóa dân gian Hà Nội.

 


Nhà nghiên cứu Giang Quân

 

Gắn bó với những đường phố Hà Nội

* Ông đã có bao nhiêu tác phẩm viết về đề tài Hà Nội? Tác phẩm nào mà ông tâm huyết nhất trong số đó?

- Tôi đã viết khoảng trên dưới 50 cuốn về đề tài Hà Nội, trong đó có khoảng 30 cuốn viết riêng, còn lại là in chung. Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long tới đây, đã có 8 cuốn vừa in xong và trong đó có những cuốn mới viết, có những cuốn được tái bản. Tôi tâm đắc nhất với cuốn Ký sự địa chí Hà Nội. Cuốn này được viết cách đây 7 năm, bản thảo được viết trong 2 năm. Khi viết cuốn này, Hà Nội chưa mở rộng mà mới có 9 quận, 5 huyện và 14 đơn vị, mỗi đơn vị tôi viết trong một chương, bao gồm các mục như văn hóa, con người, danh nhân, khoa bảng, các nghề truyền thống, di tích, danh thắng, ca dao, ngạn ngữ, lễ hội. Trong thời gian tới, tôi sẽ hoàn thành nốt 12 đơn vị mới sáp nhập cho đồng bộ.

 

* Vậy còn cuốn Từ điển đường phố Hà Nội, ông đã thực hiện nó như thế nào?

- Trong quá trình đang công tác, không có một xã nào ở ngoại thành mà tôi không đến. Tôi lại làm giảng viên các lớp văn hóa thông tin cho các xã, phường cho nên đây cũng là một điều kiện thuận lợi giúp tôi làm cuốn sách này. Tôi đã tìm hiểu tên gọi đường phố Hà Nội qua nhiều thời kỳ, từ thời Pháp thuộc đến ngày nay. Cuốn sách này đã in đến lần thứ 5, mỗi lần in lại là một lần sửa chữa, cập nhật thông tin.


Sách nghiên cứu về Hà Nội của Giang Quân


* Trong quá trình làm cuốn sách này, ông có nhận xét gì về việc đặt tên đường phố Hà Nội?

- Việc đặt tên đường phố nhiều khi không được thống nhất. Đặc biệt là dùng tên của các vị vua, lúc thì dùng tên húy như: Ngô Quyền, Phùng Hưng, lúc dùng tên Miếu hiệu (sau khi vua chết) như Lý Thái Tổ, Trần Nhân Tông, lúc lại đặt theo niên hiệu như Quang Trung, Lê Đại Hành. Hoặc lúc thì đặt theo tên thật, lúc thì đặt theo bút danh. Ví dụ Ôn Như Hầu đặt là Nguyễn Gia Thiều khiến nhiều người không biết (là 1 người). Hoặc ngay cả những phố đang dùng tên thật lại bị đổi sang tên bút danh như phố Tản Đà chuyển thành Nguyễn Khắc Hiếu rồi lại đổi lại là Tản Đà. Một điểm nữa là cách gọi tên đường với tên phố, tên ngõ nhiều khi bị lẫn lộn. Có cái ngõ to hơn phố, ví dụ như ở ngõ chợ Khâm Thiên, giờ đây người dân cũng tháo cả biển ngõ xuống và tự cho đây là phố Chợ Khâm Thiên. Tuy ngõ dài chừng 1km nhưng lại không đủ tiêu chuẩn trở thành phố bởi ngay đến cái vỉa hè cũng không có.


         Người Hà Nội gốc chỉ còn chiếm… 5%

Nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân tên thật là Nguyễn Hữu Thái, quê ở Cẩm Giàng, Hải Dương. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông về Hà Nội như:

1. Khâm Thiên gương mặt cuộc đời.

2. Trò chơi trò diễn dân gian vùng Hà Nội.

3. Hà Nội phố phường.

4. Từ điển đường phố Hà Nội.

5. Hà Nội trong ca dao ngạn ngữ.

6. Ký sự địa chí HN.

7. Văn hóa gia đình người HN.

8. Thăng Long HN nghìn năm truyền thống và thanh lịch.

* Sự thay đổi của đường phố Hà Nội có phản ánh điều gì về đời sống người Hà Nội không thưa ông?

- Cuộc sống phát triển thì không có gì bất biến. Nhưng tôi thấy văn hóa phương Tây du nhập vào ta quá nhiều và ảnh hưởng không nhỏ đến lớp trẻ hiện nay. Văn hóa đọc đang dần mất đi khi thanh niên giờ đây xem truyện tranh là chính mà không có văn hóa đọc thì không thể thấy được giá trị của văn hóa. Có lẽ văn hóa cũng chỉ còn lại ở một số người, còn lại đều bị pha trộn. Ngày xưa, dù có đi đến đâu, chỉ cần nhìn vào cách ăn mặc, đi đứng là biết ngay đó có phải người Hà Nội không. Bây giờ thì khó đoán lắm. Thanh niên bây giờ đâu có uống rượu bằng chén hạt mít hay bỏ ra hàng tiếng đồng hồ để làm một món ăn. Con người giờ đây sống thiếu tình cảm và không có tính thân thiện. Trẻ nhỏ ngày xưa không đánh nhau đến độ dắt dao găm trong người như bây giờ, cũng không bao giờ bạo lực với nhau, nhất là bạn gái. Lớp trẻ bây giờ cũng không được học về kỹ năng sống mà như ngày xưa là “tiên học lễ, hậu học văn”. Trước đây có khoảng 9% người Hà Nội gốc còn sau khi Hà Nội mở rộng thì có lẽ con số đó giảm xuống chỉ còn 5 % (tính theo 6,3 triệu dân ). Vì thế mà tính hào hoa, thanh lịch của người Hà Nội đang ngày một phôi pha. Đó là điều trăn trở của tôi trong những đề tài nghiên cứu sau này về văn hóa Hà Nội.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

 

 

Ngọc Minh thực hiện

(Nguồn: Thể thao & Văn hóa)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: