Thứ bảy, 27/04/2024,


Người đàn bà phố núi bị chồng ghen và ly hôn (18/09/2008) 

Cả cuộc đời sống, chiến đấu, chống lại những luật tục lạc hậu, gây nên những nỗi oan trái, bất hạnh cho chị em phụ nữ, bảo vệ quyền lợi chính đáng mà họ được hưởng. Thế nhưng, giống một thầy thuốc “chữa được bệnh cho người nhưng không thể tự chữa bệnh cho mình”; người đàn bà đẹp nối tiếng một thời ở phố núi ấy đã phải chịu bao nỗi buồn khổ, trước khi có được sự thanh thản như bây giờ.

     Bà Bàn Thị Kim Cúc nguyên Phó trưởng Ty Văn hóa Hoà Bình; hiện trú tại 69 Phương Lâm, TP. Hòa Bình; ĐT: 018.851218. Câu chuyện dưới đây do chính bà kể lại với chúng tôi...

 

     Khi thiếu nữ Dao Tiền “tuyên chiến” với hủ tục tảo hôn

     Ngày ấy, Bàn Thị Kim Cúc mới 13 tuổi, đang làm liên lạc và được các chú bộ đội đặt cho biệt hiệu là “Bé Còi”, do dáng vóc “loắt choắt” quá. Vào một ngày đẹp trời, hoa nở khắp núi rừng. Đó cũng là ngày mà các thầy tướng số xem chuyện tình duyên cho rằng “duyên trời định” đã đến. Họ buộc “Bé Còi” phải lấy một người đàn ông tít tận nơi xa xôi nào đó làm chồng. Người mà “Bé Còi” chưa từng biết mặt, lại hơn cô những 20 tuổi, tức là xấp xỉ tứ tuần. Gia đình nhà chú rể mượn đủ người mai mối, khiêng theo 3 con lợ to, một nén hai bạc trắng là cái giá để được “bắt” cô dâu và những đồng tiền xoé để thưởng cho bà con họ hàng nhà cô dâu, rồi rồng rắn leo đèo, lội suối tới bản Dao Tiền, án ngữ tại nhà “Bé Còi”.

     Người nhà lên đơn vị bộ đội báo tin và dẫn Cúc về để “lấy chồng”. Biết tin, bé Còi tròn xoe mắt, các chú bộ đội cũng ngơ ngác không hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao. “Phép vua thua lệ làng”, luật tục mà. Dù không muốn nhưng bé Còi vẫn phải theo người nhà về để chuẩn bị “lên xe hoa”. Tất nhiên, đơn vị cử 2 đồng chí bộ đội hộ tống và cũng là để dự đám cưới bất ngờ của đồng chí “bộ đội tí hon”.

     Tới nhà, Cúc thấy mọi thứ đã chuẩn bị đâu vào đấy, chỉ chờ “cô dâu” về là tiến hành làm lễ và giết lợn ăn mừng. Theo luật tục, một khi cổ lợn đã bị cắt, thì dù trời có xuống cũng hết quyền phán xét, mà chỉ biết dự bữa tiệc coi như làm chứng cho một cuộc “hôn nhân”, sau đấy ngậm ngùi tiễn cô dâu tí hon về nhà chồng mà thôi.

     Tối đó, “Bé Còi” nghĩ rất nhiều để tìm cách thoát khỏi cuộc tảo hôn của mình. Cúc từng biết nhiều trường hợp vì không bằng lòng chuyện cưới xin kiểu vậy nên những cô gái phải bỏ trốn vào rừng, nhưng rồi sẽ lại bị gia đình bắt về bằng được. Có những trường hợp phải tìm tới cái chết bằng cách ăn lá ngón độc để thoát nợ duyên phận chớ chêu.

     Cuối cùng, “Bé Còi” quyết định bỏ trốn lên đơn vị bộ đội. Trước khi đi, Cúc nhờ người bác là cán bộ đứng ra dàn xếp, thuyết phục cha mẹ cô cũng như họ đằng trai huỷ đám cưới. Không làm gì hơn được trước quyết định táo bạo và hành động kiên quyết phản đối tập tục vô lí của “Bé Còi” và lí lẽ thuyết phục của người bác, gia đình nhà trai đành chấp nhận để bố mẹ Cúc nhờ người tiễn và khiêng giúp họ vật phẩm “sính lễ” về, mà không có “kiệu hoa”. Sau một thời gian dài biệt tăm, trốn tránh và chống tảo hôn, “Bé Còi” mới trở về thăm nhà, và dĩ nhiên phải hứng chịu sự rầy la của gia đình vì tội dám chống lại khế ước bất thành văn truyền đời của dân tộc mình. Nhưng, với Cúc, việc quan trọng nhất là đã thay đổi được “vận mệnh” của cuộc đời, để sau này là nền tảng cho công cuộc tuyên truyền, giáo dục chống tảo hôn thành công mĩ mãn.

     Không những thay đổi được vận mệnh của bản thân, bà Cúc còn can thiệp trực tiếp để thay đổi số phận tương tự của em gái ruột là Bàn Thị Hồng. Đồng thời với thời gian về thăm gia đình sau lần chạy trốn đám cưới, là lúc thân thế hoạt động liên lạc bí mật của bà Cúc cho bộ đội bắt đầu bị địch nghi ngờ. Để bảo đảm an toàn cho đồng chí “bộ đội tí hon” đơn vị quyết định đưa bà về huyện công tác.

     Từ đấy, câu chuyện chống tảo hôn của cô gái dân tộc Dao Tiền đi vào lịch sử Hoà Bình, trở thành bài học sáng giá cho công cuộc cải cách văn hoá, trong việc lập gia đình đúng theo quy định của pháp luật. Và đó cũng là tiền đề cho sự nghiệp tuyên truyền, giáo dục, xây dựng nếp sống văn hoá mới đối với đồng bào dân tộc thiểu số của cô sau này.

      Với vị trí, vai trò người bảo vệ quyền lợi phụ nữ, bà Cúc đã thành công trong việc thay đổi hẳn những luật tục lạc hậu, bất lợi đối với phụ nữ, góp phần giải tỏa và thay đổi tư duy, nếp sống trói buộc trong cộng đồng những dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh. Quả thực, bà được trời phú cho sắc đẹp, tài năng và duyên với công tác văn hoá xã hội. Thuở nhỏ đi học thì nhảy cóc, tuổi thì được cấp trên cố ý khai tăng để đủ tư cách, tiêu chuẩn gánh vác trách nhiệm vì bà biết rành rõi 7 thức tiếng của các dân tộc anh em mà không hề được đào tạo bài bản ở đâu cả. Bà nói được, viết được, làm cũng được. Thật, hiếm có người phụ nữ đương thời với bà sánh kịp!

 

     “Dao sắc chẳng gọt được chuôi”

     Rồi Bàn Thị Kim Cúc lấy chồng – một người đàn ông quá yêu cô, tới mức ghen tuông mù quáng. Mỗi lần nhắc tới máu ghen tuông, với những hành động xúc phạm nực cười của đức người chồng đã ly dị, bà Kim Cúc vừa cảm thấy buồn vừa thấy xấu hổ. Thời gian bà đang làm cán bộ ngành Văn hoá tỉnh Hà Sơn Bình (cũ), khi bà đi họp tại Hà Nội thì chồng lại bám theo. Sáng, bà xuống Hà Nội (thời gian này bà Cúc đang ở tại thị xã Hoà Bình) thì chiều ông đã canh ở cửa phòng họp. Đeo đuổi như hình với bóng, chỉ vì một chữ “Ghen”. Thậm chí, có những lần bà cứ ra khỏi nhà là ông lại xách túi lẽo đẽo theo bằng được. Kể cả khi bà đã hoàn thành vai trò một người con dâu, người vợ và người mẹ của ba người con trai trong gia đình, trước khi ra khỏi nhà.

     Dù khó khăn trong vấn đề gia đình và phải lo toan chu toàn cho các con, mẹ đẻ và mẹ chồng nhưng bà Cúc vẫn luôn bám sát cơ sở, gần gũi thấu hiểu, chia sẻ, tuyên truyền vận động, giáo dục hướng dẫn bà con lối sống văn hoá lành mạnh với tư cách cán bộ văn hoá tỉnh.

     Tuy bà giấu nhẹm chuyện buồn riêng của gia đình, nhưng hầu hết bà con lối phố, bè bạn đồng nghiệp thời bấy giờ đều biết. Họ hiểu và rất thương bà. Họ mong muốn bà được giải thoát khỏi tình cảnh chớ chêu ngang trái. Nhưng hồi đó, khái niệm ly hôn còn rất mờ nhạt, chuyện ly hôn là chuyện “động trời” và hầu như đều bị coi là mang tính vô đạo đức. Hơn nữa, với vai trò cán bộ lãnh đạo ngành văn hoá, thì việc ly hôn lại càng không thể xảy ra.

     Sau mỗi lần “ghen vì quá yêu”, ông lại năn nỉ xin lỗi bà. Công khai có, riêng tư có, nhưng rồi đâu lại vào đó, “mèo lại hoàn mèo”. Lòng đố kị ghen tuông trong ông cứ như thứ ma tuý không thể từ, và ông lúc nào cũng như đang chìm đắm trong cơn nghiện, nó dần trở thành bản chất bất đổi thay của một con người. Cuối cùng, bà Cúc gợi ý ông nên quyết định ly hôn sau 23 năm chung sống và được 3 người con trai với bà, dù bà không hề muốn.

     Mọi chuyện rồi cũng qua, sau ly hôn, bà Cúc đi học tại Liên Xô (cũ) hai năm. Đó là thời gian đủ để bà tĩnh tâm xét lại mọi chuyện và tôi luyện ý chí, vượt qua nỗi thống khổ cá nhân, để dồn hết tâm huyết cho công việc.

     Bấy giờ, hai người con trai lớn của bà đi bộ đội và ở trong quân ngũ. Cậu con trai út sau một thời gian cũng sang học và làm việc tại Liên Xô. Ly hôn xong, bà vẫn chăm sóc mẹ chồng hơn một năm mới đưa về nhà em chồng bà Cúc.

     Còn ông, tái giá với một người phụ nữ khác, nhưng không được yên ổn cho lắm. Hai người sinh hạ được duy nhất người con gái, nhưng bị mắc chứng tâm thần, thường phải ra vào bệnh viện Tâm Thần trung ương điều trị và láy thuốc, nơi ăn chốn ở chưa ổn định.

     Hiện nay bà Cúc vẫn sống độc thân trong một căn nhà nhỏ tại thành phố Hoà Bình. Đôi khi, bà nghĩ lại chuyện xưa chỉ như một giấc mơ buồn, hoài cổ...

                                                                        

                                                           Vũ Hiền Thắm

 

     Chú thích ảnh trong bài:

    1- Bà Bàn Thị Kim Cúc trong trang phục dân tộc Dao Tiền.

    2- Gia đình bà Bàn Thị Kim Cúc trong những ngày sơ tán máy bay Mĩ năm 1971.

    _____________

     LBT: Nếu Quý bạn đọc muốn tham gia chuyên mục 'Chuyện đời tôi'? Nếu các bạn trẻ muốn dành món quà tặng bất ngờ, đầy ý nghĩa văn hóa cho ông bà, cha mẹ mình (nhân lễ mừng thọ, kỷ niệm ngày cưới vàng, bạc...) xin hãy liên hệ với số máy 0913210520, hoặc email: lucbat.com@gmail.com. Các nhà văn trẻ đang có mặt ở nhiều vùng miền trên cả nước, sẵn sàng đến tận nhà riêng để phục vụ và thể hiện tác phẩm theo thỏa thuận.

 

 

 

 

 

           

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: