Nghìn đời nay những sợi rơm
Vít cong lưỡi hái vẫn đơm đói nghèo
(Văn Thành Lê)
Sắm sửa mọi thứ để làm lễ nhập trạch cho nhà mới, tưởng đã đầy đủ lắm rồi, nhưng mẹ tôi vẫn bảo: “Còn thiếu cái chổi rơm nếp để đốt lấy tro bỏ bát hương, và cái chổi nhỏ để quét bàn thờ con ạ...”.
Nghe mẹ nói, suýt thì tôi buột miệng nói đã rửa đồ thờ bằng nước ngũ vị và lau sạch sẽ bằng cái khăn bông mới rồi..., may đã kịp nhận ra có cả chút nao lòng trong thẳm sâu câu nhắc khe khẽ ấy của mẹ. Chổi rơm! Phải là cái chổi rơm nếp óng vàng nho nhỏ để quét bụi trên bàn thờ.
Những sợi rơm vàng đã gói bọc ôm ấp suốt tuổi thơ tôi ở nơi quê ngoại. Rơm như đứa trẻ con cùng vui đùa những lúc tôi lăn lộn vật nhau hay chơi trốn tìm với lũ trẻ con hàng xóm. Rơm đón bước chân tôi lút sâu âm ấm êm êm suốt dọc con đường làng những ngày se lạnh bất chợt óng lên chút hanh hao nắng tháng Mười. Ổ rơm ru hời những giấc ngủ đêm đông gió bấc hú gào trên mái rạ. Những giấc ngủ thơ bé trong lòng ngoại với mênh mang chuyện cổ tích.
Ngoại tôi không biết chữ, nhưng đức nhẫn nại và yêu thương vô bờ bến từ trái tim người mẹ đã đắp vun cho cái chí, cái nghĩa, cái nhân của con cháu mình được bằng người, bằng đời. Ấy là mãi sau này, khi lớn lên, đi nhiều, va vấp đắng cay và gặt hái trong đời, tôi mới hiểu ra được điều ấy. Còn thì khi ấy, tôi chỉ hay khóc tỉ ti, tủi thân vì mẹ cứ mải học, mải làm mãi ở cái thành phố tuyết nào đó xa xôi, mà trút bỏ tôi nơi xó quê nghèo này với Ngoại. “Nhìn cây rơm thì biết mùa màng bội thu hay thất bát”, Ngoại vẫn bảo thế khi tối tối, bên ngọn đèn dầu cùng đám trẻ con chúng tôi tuốt từng sợi rơm vàng bện những chiếc chổi. Chổi to, thì có thể bằng rơm tẻ, thơm ngái. Nhưng chổi nhỏ thì nhất thiết, ngoại chọn kỹ càng từng sợi rơm nếp thơm ngát, óng ngà, đều tăm tắp.
“Thứ chổi này chỉ dùng để quét bàn thờ cho sạch sẽ, tinh khiết, cúng ông bà”. Ngoại nói, mà bàn tay tết rơm cũng như nắn nót hơn, mềm dẻo hơn, kính cẩn hơn. Sự trang trọng, thành kính, là ở nơi trái tim, tấm lòng Ngoại gửi gắm vào đồ vật, dẫu chỉ là một nếp chổi rơm quê. Người nông dân lam lũ vất vả hai sương một nắng, nhưng khi được nâng trên tay hạt thóc, vẫn cứ luôn tạc dạ ghi ơn phúc lộc của đất trời tiên tổ ban cho. Ngoại bảo: “Cây lúa là lộc của Cha Trời Mẹ Đất sinh ra. Hạt thóc là ngọc thực. Còn cái rơm cái rạ, cũng chẳng bỏ đi tí gì. Nhóm lửa, cho trâu bò ăn, lợp nhà, trát vách...”. Mỗi lần trở về, mỗi lần ra đi, lòng tôi cứ khắc khoải nhớ cái mùi đốt đồng nồng ấm, nhớ làn khói lam bay phơ phất trên nóc mái rạ những buổi chiều đông mưa phùn sập sùi, nhớ tiếng trâu cọ sừng đêm đêm. Nhớ bóng Ngoại lưng còng ngồi bện chổi...
Tôi đã rời quê bằng một sợi rơm vàng vắt ngang qua những miền ký ức. Ngang qua tuổi thơ. Ngang qua nắng trời... Để hôm nay, mẹ lại dắt tôi trở về với ngọt ngào quê hương, trên chính cây cầu rơm mảnh óng thơm lừng hương lúa, lung linh ánh vàng, lung linh kỷ niệm tinh khôi ấy.
(Theo Đại Đoàn Kết)
Phạm Đình Nhựt - nhuthoangdinh@gmail.com - 0933476523 - Duy Tân Duy Xuyên Quảng Nam
(Ngày 10/10/2010 06:01:15 PM)
Bức Họa Mùa Gặt |