Thứ sáu, 27/12/2024,


Nhà văn… nhặt bút soạn 7 vạn trang sách (17/09/2008) 

 

     Chỉ tính riêng số đầu sách đã in là 165 cuốn, với tổng cộng 6,6 vạn trang (chưa tính hàng chục cuốn khác đang nằm trên bàn biên tập), có lẽ nhà văn Dương Thu Ái (Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội; điện thoại: 04.8362927) là một trong những người đang giữ kỷ lục dịch và biên soạn nhiều sách nhất Việt Nam hiện nay. Điều lạ lùng hơn, tất cả số sách trên, ông đều viết bằng những cây bút bi... nhặt ngoài đường và loại giấy đã sử dụng một mặt.

 

     Về hưu từ chức vụ... đánh trống trường

     Dương Thu Ái sinh năm 1936 trong một gia đình nông dân tại xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Tên thật của ông là Dương Văn Thụ. Học đến lớp 4, cậu bé Văn Thụ tự quyết định đổi tên là Thu Ái, chỉ bởi những học trò tên có vần 'T' thường đứng cuối danh sách của lớp. Nhiều hôm thi vấn đáp, phải chờ đợi đến trưa vẫn chưa đến lượt.

     Học hết cấp ba (hệ 9 năm), những năm 1954 - 1956, Dương Thu Ái may mắn được chọn đi học sư phạm tại Khu Học xá Nam Ninh Trung Quốc. Cùng lớp với ông, sau này có những người khá nổi tiếng như: GS Phan Văn Các, GS Trương Thâu, GS Nguyễn Bằng Tường, dịch giả Trần Đình Hiến, TS Thanh Vân, GS Phương Lựu...

     Về nước, Dương Thu Ái được phân công làm giáo viên Trung văn dạy học nhiều năm ở các tỉnh miền núi; Cao Bằng, Bắc Thái, Vĩnh Phú, Hà Bắc (cũ)... Cho tới năm 1976, khi đang dạy ở Trường Cấp III Tân Yên I (thuộc tỉnh Bắc Giang hiện nay) thì ông bị mất nghề, vì học sinh không được học Trung văn nữa. Nhà trường bố trí cho ông cái chân cán bộ văn phòng, chuyên tiếp khách, xếp thời khoá biểu và... 'đánh trống trường'. Mười ba năm sau (1988) ông được Nhà nước cho nghỉ hưu.

 

     20 năm và 7 vạn trang sách

     Về nhà, rỗi rãi chẳng có việc gì làm, Dương Thu Ái bắt đầu dịch sách cho đỡ buồn. Cuốn sách đầu tiên ông hoàn thành, in năm 1993 là 'Thích Ca Mâu Ni Phật', đã tái bản lần thứ hai, được bạn đọc, đặc biệt là giới nghiên cứu Phật học đánh giá cao. Thậm chí có nhà chùa còn tha thiết mời ông về, sẵn sàng phục vụ 'cơm bưng nước rót' để chuyên dịch sách kinh Phật.

     Nhưng Dương Thu Ái đã nhã nhặn từ chối. Cũng thời gian này, vợ chồng GS Phong Lê đã giới thiệu “cây bút trẻ” Dương Thu Ái với anh Nguyễn Thụ (tức Hoàng Huệ Thụ, hiện là Đại tá, Phó Giám đốc, kiêm Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Công an nhân dân). Ông đã nhận được “đơn đặt hàng” của nhà xuất bản,  cùng lúc vừa dịch, vừa biên soạn hàng chục cuốn sách.

     Chỉ sau vài năm, Dương Thu Ái liên tiếp cho hàng loạt bộ sách có giá trị như bộ 'Mưu lược gia tinh tuyển' (gồm 7 tập, hơn 4000 trang); bộ “Thánh hiền thư” (hơn 2000 trang); bộ 'Thi Công kỳ án' (1600 trang); bộ 'Tào Tháo' (hơn 1000 trang)... Hiện nay, Dương Thu ái đã hoàn thành xong bộ sách “10 đạo làm người” gồm 10 tập, và dịch xong tác phẩm “Duyên số” – Bộ tiểu thuyết cổ điển cuối cùng của Trung Quốc (nguyên tác là “Kính hoa duyên”) đang chờ ấn hành…

     Sức viết của Dương Thu Ái thật là đáng nể. Gần 20 năm nay, đều đặn mỗi ngày ông đều viết kín 10 trang giấy A4 (tương đương 15 trang sách), với thể loại chủ yếu là dịch và biên soạn. Những tập bản thảo viết tay của ông cứ mỗi ngày một nhiều lên, nếu xếp thành chồng đã cao quá tay người đứng với...

     Hiện Dương Thu Ái đã cho in tới 166 đầu sách dày dặn, với khoảng 6,6 vạn trang. Chỉ tính riêng Nhà xuất bản Công an nhân dân trong những năm gần đây đã in của ông hơn 60 đầu sách các loại. Nhiều cuốn trong số đó được tái bản nhiều lần. Hàng chục tác phẩm khác đã được ông hoàn thành, đang nằm trên bàn biên tập chờ duyệt và đưa in tiếp.

 

 

     Đi bộ... nhặt bút để viết văn

     Không chỉ viết khoẻ và viết nhiều sách, điều đặc biệt thú vị nhất là nhà văn Dương Thu Ái chỉ sử dụng một loại bút duy nhất: bút bi. Mà phải là loại bút ông tận dụng đi nhặt ở ngoài đường mang về! Ông cũng chỉ sử dụng một loại giấy để viết: giấy phế loại, khổ A4, hầu hết đã được người ta đã sử dụng một mặt.

     Không phải là nhà văn Dương Thu Ái thiếu tiền. Vợ chồng ông có nhà cho thuê, thu nhập mỗi tháng hàng chục triệu đồng, tiêu không hết tiền. Con gái ông, chị Dương Thu Hương là Giám đốc của Hãng thời trang Alcado Fashion nổi tiếng, có lần đã mua làm quà cho bố viết văn cả hộp bút xịn, cả lố giấy ngoại và thậm chí còn lắp đặt cho ông cả máy vi tính... Nhưng nhà văn Dương Thu Ái kiên quyết không động đến những thứ văn phòng phẩm 'xa xỉ' ấy. Ông bảo: Nếu sử dụng loại bút sang trọng, hay giấy trắng hai mặt, là ông không có cảm hứng để viết. Ông chỉ quen dùng bút nhặt và giấy phế loại! Đó là một thói quen kỳ lạ, do tính tiết kiệm, có từ thời bao cấp, đã 'ngấm' vào máu ông từ lúc nào chẳng hay.

     Hằng ngày, nhà văn Dương Thu Ái thức dậy lúc 5 giờ kém 15, vệ sinh cá nhân xong, ông ngồi vào bàn viết đến 7 giờ thì dừng lại và bắt đầu đi bộ. Vợ chồng nhà văn Dương Thu Ái thường có thói quen đi bộ xung quanh hồ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy - Hà Nội). Việc đi bộ với ông bà không chỉ là thay thể dục, rèn luyện sức khỏe, mà còn là để... nhặt bút bi rơi. Ông bảo, lúc đầu chỉ là thú vui, thấy tiếc thì nhặt, nhưng sau thành quen. Ngày nào ông cũng nhặt được cả chục chiếc bút và ruột bút, đem về rửa sạch, dùng dần. Trong khoảng 10 năm gần đây, Dương Thu Ái đã nhặt được trên một vạn cái bút bi. Viết hết mực, ông xếp cả vào mấy cái hộp các tông để giữ làm... kỷ niệm.

     ...Đi bộ hết ba vòng hồ Nghĩa Tân, thì khoảng 8 giờ 30 sáng, nhà văn Dương Thu Ái về tắm rửa, ăn sáng và ngồi vào bàn viết tới 12 giờ trưa. Nghỉ ăn cơm rồi ngủ trưa tới 2 giờ, thì ông dậy ngồi vào bàn viết đến 5 giờ chiều. Ông bà tiếp tục đi bộ thêm hai vòng hồ và tìm nhặt bút, mất khoảng một tiếng rưỡi thì về ăn tối, rồi nghỉ ngơi, xem ti vi…

 

     “Trợ thủ đắc lực nhất chính là… vợ tôi”

     Nhà văn Dương Thu Ái không có thói quen làm việc đêm. Ông cũng rất hạn chế tiếp khách tại nhà, thậm chí còn không muốn cả nghe điện thoại, vì sợ mất thời gian chỉ để cho bà nghe hộ. Tất cả công việc nội trợ, sinh hoạt trong nhà, đều do vợ ông là bà Nguyễn Kim Hanh - một cựu giáo chức đảm nhiệm. Bà cũng là người giúp ông đọc soát lỗi và hiệu chỉnh bản thảo trước khi chuyển tới Nhà xuất bản. Chính vì thế, nhiều tác phẩm ông trân trọng ghi tên bà đứng chung phần tác giả: Dương Thu Ái - Nguyễn Kim Hanh. Thật sự họ là một đôi uyên ương hạnh phúc từ khi còn trẻ cho tới 'đầu bạc răng long'.                                        

                                                    Hà Nội, tháng 9 năm 2008

                                                          Đặng Vương Hưng

 

_____________________

Chú thích ảnh trong bài:

- Nhà văn Dương Thu Ái đang giới thiệu một chiếc thùng đựng bút bi nhặt đã viết hết mực của ông.

- Từ trái qua: Vợ chồng nhà văn Dương Thu Ái - Nguyễn Kim Hanh, GS. Phong Lê, PGS-TS Thanh Vân, TS. Nguyễn Thị Huệ, Đại tá Nguyễn Thụ, nhà thơ Đặng Vương Hưng và người mẫu Thảo Hiền, tại nhà riêng của nhà văn Dương Thu Ái, tháng 9 năm 2008.

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  trinh nguyen hoang anh - 4446355322 - 03203819156 - hai duong  (Ngày 30/11/2010 08:09:38 PM)
kham phuc wa
Các bài khác: