Thứ bảy, 27/07/2024,


BÊN BỜ GIẬU QUÊ (19/09/2010) 

Xốn xang kẽ lá giậu xưa
Con chuồn chuồn giấu tuổi thơ bên thềm

(Trần Trọng Tâm)

 

 

Quê tôi cũng như bao làng quê khác của đất nước Việt Nam, yên bình với lũy tre xanh rì rào gọi gió, với dòng sông êm đềm uốn quanh, với những mái nhà thân thương và những bờ giậu được tạo thành từ hàng đài bi, dâm bụt, chè tàu… cắt bằng ngang ngực, xanh miên man chạy tít tắp quanh làng.

 

Bờ giậu trong mắt tôi, là hình ảnh biểu hiện đặc trưng cho sự tinh tế của người dân quê trong quan hệ xóm làng. Bởi bờ giậu không đơn thuần là sự phân định ranh giới giữa các gia đình, mà nó còn là nơi trao gửi tình cảm xóm giềng lúc tối lửa tắt đèn. Bên bờ giậu cạnh hiên nhà, những vui buồn, đắng cay ngọt bùi của cuộc sống thôn dã được hiện lên và dần trôi như dòng nước lững lờ qua cầu.

 

Còn nhớ, những đêm sáng trăng, cha tôi thường đứng bên bờ giậu nhà mình gọi vọng qua nhà chú Tư, bác Sáu, ông Hai mời sang nhà uống nước. Bên ấm chè xanh ngạt ngào, những câu chuyện đồng áng, chuyện làm ăn được mọi người trao đổi với nhau một cách rôm rả. Có những hôm cao hứng, mấy người còn bàn đến cả chuyện thời sự trong nước, thế giới mới được cập nhật qua chiếc đài bán dẫn chạy bằng 2 cục pin đại hiệu Con Thỏ. Bên bờ giậu quê, mẹ tôi vẫn thường đứng trò chuyện với dì Tám, cô Ba về chuyện giá cả chợ búa đắt rẻ; chuyện làng trên con ông Mười đi làm ăn xa mới gửi tiền về; chuyện cháu gái bà Bảy từ Hà Nội về nghỉ hè trông cứ như công chúa… Những ngày đẹp nắng, mẹ thường mang mấy chiếc chiếu cói ra phơi trên bờ giậu. Có những buổi chiều, bên bờ giậu quê xảy ra những trận “khẩu chiến” mà lý do cũng thật đơn giản chỉ vì con gà nhà nọ qua nhà kia ăn thóc, con chó nhà này qua đuổi vịt của nhà bên. Nhân vật chính của những trận khẩu chiến đó là các bà, các mẹ. Họ cãi nhau, thậm chí chửi nhau kịch liệt tưởng chừng như không bao giờ còn nhìn mặt nhau. Ai cũng cho mình đúng, chuyện bé xé ra to, chuyện nọ xọ chuyện kia. Cứ như thế “trận chiến” chỉ kết thúc khi hai bên đã thấm mệt. Cãi nhau là thế, nhưng sáng hôm sau đã thấy bác này đứng ngoài bờ giậu ơi ới gọi cô kia đi làm đồng hoặc đi chợ. Trưa về đã thấy người này gọi người kia ra cho bát canh, quả cà thế là mọi chuyện lại êm đẹp như chưa có điều gì xảy ra.

 

Với lũ trẻ chúng tôi, bờ giậu quê là một sự vật không có hình ảnh cố định. Nó luôn được biến đổi tùy theo trí tưởng tượng trẻ thơ. Có lúc bờ giậu là căn nhà xinh xắn, khi lại là cái hang bí ẩn, lúc là lâu đài của các vua chúa… Bên bờ giậu quê, chúng tôi đã lớn lên cùng với những trò chơi của con trẻ. Để mãi đến bây giờ mỗi lần có dịp hội ngộ, câu chuyện ngày xưa vẫn tràn đầy trong tâm hồn của mỗi người.

 

Về quê bây giờ, hình ảnh những bờ giậu dần xa vắng, thay vào đó là những bức tường rào được xây bằng gạch kiên cố, phía trên cắm nhiều mảnh vỏ chai hoặc chông sắt nhọn. Một nỗi buồn lan tỏa khôn nguôi.

 

 

Xuân Vũ

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Dương Vinh - nguyenduong.vinh@ymail.com - 0914721256 - Vũng Tàu  (Ngày 3/10/2010 09:39:10 PM)
Vu vơ
Bỗng dưng lại nhớ mùa đông
Như là vẫn đợi vẫn trông một người...
Xin trời se lạnh chút thôi
Để lòng ta bớt bồi hồi nhớ ai.
Dương Vinh
Các bài khác: