Chủ nhật, 22/12/2024,


Ca sĩ Tấn Minh: Với Hà Nội, tôi được là chính mình (16/09/2010) 

Không quá ồn ào, và không bị cuốn theo vòng quay áp lực, ca sĩ Tấn Minh vẫn có chỗ đứng riêng đối với công chúng. Không biết tự bao giờ, nói đến Tấn Minh, người yêu nhạc vẫn nghĩ rằng, đó là một giọng ca mang chất “đặc trưng” Hà Nội.

Album thứ ba của anh, với cái tên rất giản dị “Tấn Minh & Hà Nội: Những tình khúc Phú Quang”, sẽ phát hành vào ngày 16-9 tới, như một món quà tri ân Hà Nội nhân kỷ niệm 1000 năm tuổi.

 

Không nằm trên đường ray giải trí

 

* Chọn hát những ca khúc của Phú Quang, lại phát hành đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, có vẻ như anh đã tìm đúng dịp để lăng xê tác phẩm của mình?

 

- Không biết có phải tự nhiên thế không, nhưng từ những ngày đầu đi hát, tôi đã rất thích hát những bài về Hà Nội. Và cũng như một lẽ tự nhiên, tôi thích hát những bài hát của nhạc sĩ Phú Quang. Từ lâu rồi, trong tôi khi nào cũng ấp ủ cái dự định sẽ làm một album riêng những ca khúc về Hà Nội, đặc biệt là riêng những ca khúc của Phú Quang. Dù không sinh ra ở Hà Nội, nhưng có thể nói Hà Nội đã nuôi tôi trưởng thành và tạo ra một Tấn Minh như ngày hôm nay, và còn rất nhiều điều không thể nói hết. Tôi có thể nói không quá to tát rằng mình làm album này là để “trả ơn” Hà Nội. Ngoài cái chuyện yêu thích, thì đó là một cái gì đó để “trọn vẹn” hơn với công chúng. Tôi gặp rất nhiều người Hà Nội gốc, những người ở tầng lớp bố mẹ tôi, họ nói với tôi rằng, “Tấn Minh ơi, cháu là một trong những người hát về Hà Nội rất hay, cô chú rất thích”. Rồi có khi tôi vào TP Hồ Chí Minh, cũng có người nói với tôi, em hát về Hà Nội hay lắm, nghe em hát anh, chị nhớ Hà Nội quá. Đó là lời động viên, cổ vũ, cũng là mong chờ từ khán giả, chính điều đó đã thôi thúc tôi làm album này. Hơn nữa, Hà Nội của tôi đang chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm tuổi, tôi cũng muốn làm cái gì đó góp phần mình ghi dấu sự kiện này. Khi tôi nói điều này với nhạc sĩ Phú Quang, ông ấy rất ủng hộ.

 

* “Tấn Minh & Hà Nội - Những tình khúc Phú Quang” – cái tên có vẻ giản dị, đến mức cũ kỹ, nhạc Phú Quang thì đã định hình, Tấn Minh thì cũng đã quá quen thuộc, vậy anh có gì mới để giới thiệu với công chúng ở album này?

 

- Đúng nhạc Phú Quang đã định hình phong cách. Khi nghe giai điệu, ca từ bài hát cất lên người nghe đã nhận ra ngay đó là nhạc của Phú Quang rồi. Album này có cái khác, đó không phải là album thứ mười mấy của nhạc sĩ Phú Quang, mà là vol.3  của Tấn Minh. Tự tôi quyết định hết từ khâu biên tập, chọn bài, chọn phối khí hoà âm đến thiết kế bìa đĩa. Chưa biết hay dở thế nào, nhưng tôi muôn nó phải mới, phải khác. Trong album này, tôi hát 10 bài của nhạc sĩ Phú Quang mà tôi thích, đó cũng là những bài tiêu biểu về Hà Nội. Phần hoà âm sẽ do Huyền Trung, một nhạc sĩ trẻ mới tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội đảm nhiệm. Màu sắc chủ  đạo của album sẽ là new semi-classic, nhưng sẽ đa dạng cả phong cách pop, world music…

 

* Semi-classic hay pop thì đúng là phong cách của anh cũng như của nhạc Phú Quang rồi, còn world music, anh sẽ thể hiện ở ca khúc nào vậy?

 

- Đó là ca khúc Chiều phủ Tây Hồ, tôi song ca  với Khánh Linh. Đó cũng là ca khúc duy nhất trong album tôi song ca. Khánh Linh cũng lần đầu tiên hát song ca với tôi ca khúc này.

 

* Chọn một nhạc sĩ “mới toanh” chưa có tên tuổi đảm nhận phần hoà âm cho album thứ ba của mình, anh có nghĩ là mình mạo hiểm?

 

- Tôi biết Huyền Trung cách đây hai năm, khi đó tôi tình cờ nghe một bài hát do cậu ấy phối khí. Và tôi đã nghĩ rằng, nếu hai năm nữa, cậu ấy cứ phát triển trên cái nền như thế này, tôi sẽ hợp tác. Những nhạc sĩ trẻ, họ chưa có kinh nghiệm, chưa nổi tiếng, chưa từng trải thì họ sẽ có sự trong sáng, hồn nhiên, thậm chí ngây thơ rất dễ thương. Nói rằng mạo hiểm cũng có phần đúng, nhưng tôi đã hợp tác với ai thì tin tưởng người đó tuyệt đối, và sẽ chấp nhận rủi ro, nhưng nó phải nằm trong vòng kiểm soát của mình. Theo tôi, Huyền Trung là một nhạc sĩ đầy triển vọng.

 

* Từ góc độ là một người hát, anh cảm nhận như thế nào về nhạc của Phú Quang?

 

- Nhạc Phú Quang thiên về những bản tình ca, rất trữ tình, sâu sắc, lãng mạn. Nó cũng hợp tạng người tôi. Đặc biệt, những bài hát về Hà Nội, tôi cho rằng  Phú Quang đã viết bằng tất cả nỗi nhớ nhung. Ông là người con Hà Nội, nhưng sống ở TP. Hồ Chí Minh 20 năm nay. Có thể nói ông thân ở nơi khác nhưng tâm luôn ở Hà Nội. Tình cảm và sự gắn bó, nhớ thương Hà Nội trong ông luôn cháy bỏng nên ông mới viết được nhiều bài hay như thế. Ai cũng biết, ông là một nhạc sĩ viết nhiều và viết hay về Hà Nội.

 

* Sao anh không lấy một cái tên gì khác ấn tượng hơn cho album đặc biệt này?

 

- Khi tôi nói với nhạc sĩ Phú Quang ý định làm album, tôi cũng nhờ ông ấy chọn cho cái tiêu đề, và tôi đặt ra là không lấy tên bài hát nào trong số tôi hát, nhưng lại nói được tâm tư khắc khoải, tình cảm của nhạc sĩ dành cho Hà Nội. Nhưng sau hai tháng, ông ấy nghĩ mãi rồi cuối cùng viết cho tôi một dòng: Tấn Minh & Hà Nội: Những tình khúc Phú Quang. Thôi thì cuối cùng tôi nghĩ, lại quay về giản dị nhất, và tôi cho rằng tên đó nó... hợp với tôi!

 

* Vâng, giản dị và không mấy ồn ào, trong khi đó thì dường như bây giờ có nhiều ca sĩ bằng mọi cách để tạo cho mình dấu ấn?

 

- Có lẽ tôi không thuộc “trường phái” đó. Tôi không nằm trên đường ray giải trí. Đôi khi tôi cũng tự hỏi, không hiểu sao mình tồn tại được trong giới showbiz nhiều hào quang. Nhưng tôi hiểu giá trị của mình, cuộc sống cũng như gia đình mình. Mình ở một góc này, không va chạm với ai cả. Nói chung ca sĩ thì cũng phong cách mỗi người một khác, do ý thức của từng người mà họ xác định được điều mình làm. Có những người bất chấp mọi thứ, sẵn sàng gây ồn ào vì những điều ngoài âm nhạc, ngoài chuyên môn để có được những gì mong muốn. Tuy nhiên, tôi cho rằng họ không đạt được nhiều như họ nói đâu. Những người làm nghề một cách chính đáng và chuyên nghiệp, thì tự thân họ sẽ “tỏa hương” và đó là những giá trị rất bền. Còn nếu tự khuấy động, khua khoắng lên thì có thể cũng nổi đấy, nhưng rồi sẽ qua nhanh thôi. Những người đang sống làm việc miệt mài và chất lượng, thì họ không việc gì phải làm thế cả.

 

 

Với Hà Nội, tôi được sống đúng là mình

 

* Anh từng nhận giải Ca sĩ hát bài hát Hà Nội hay nhất từ những ngày đầu đi hát. Đối với nhiều người  nghe, anh là một trong những người hát có chút gì đó thâm trầm giản  dị, nhẹ nhàng mà sâu lắng kiểu “rất Hà Nội”, anh nghĩ sao về điều này?

 

- Tôi cũng không biết hát như thế nào là “Hà Nội” cả. Nhưng tôi hát bằng tất cả cảm xúc chân thật của mình, cứ thế mà hát, bằng tất cả những gì mình có. Tôi không phải người Hà Nội gốc, nhưng tuổi trưởng thành của tôi ở Hà Nội, nên chắc là trong con người tôi cũng có chút gì đó của Hà Nội. Khi hát chính là lúc tôi bộc lộ mình chân thật nhất, nên có lẽ, những người Hà Nội  và yêu Hà Nội họ cảm nhận được.

 

* Bài hát nào về Hà Nội mà anh yêu thích nhất và cho rằng mình hát thành công nhất?

 

- Quả thật là tôi hát rất nhiều bài về Hà Nội, và mỗi bài có một kỷ niệm riêng, thành công riêng. Bài hát đầu tiên tôi hát về Hà Nội là “Mối tình đầu” của nhạc sĩ Thế Duy. Rất trong sáng, hồn nhiên, khi đó tôi mới bắt đầu đi hát, và hát bằng tất cả cảm nhận, tình cảm và tư duy thời đó. Sau đó tưởng thành hơn một chút tôi hát Một thoáng Tây Hồ, chính bài đó đã giúp tôi đoạt giải Giọng hát vàng ASEAN năm 1993. Đó cũng là bài mà tôi tham gia dự thi Giọng hát hay Hà Nội. Ngoài giải thưởng cao nhất, tôi còn được báo Hà Nội mới trao giải Người hát bài hát Hà Nội hay nhất. Đó là năm 1998. Có nhiều bài hát về Hà Nội mà tôi thích lắm, như Hà Nội ngày trở về, Im lặng đêm  Hà Nội… nhưng tôi chỉ có thể nói về chúng khi hát thôi.

 

* Hẳn rằng Hà Nội đối với anh là một nơi chốn rất đặc biệt. Anh có thể  chia sẻ tình cảm của mình?

 

- Về Hà Nội thì sự gắn bó và tình cảm của mỗi người một khác nhau. Tôi có thể tự hào mà nói tôi là người rất yêu Hà Nội, bất chấp cả tắc đường, cả ngập lụt. Hà Nội với tôi là những góc yên tĩnh, thanh bình. Ở Hà Nội, tôi được là chính mình, là sống đúng với con người của mình. Nói như thế nào nhỉ, nó trầm trầm, giống tôi (cười). Ở đây, tôi sống đúng tư duy của mình, không bị cái gì cuốn đi cả, không bị áp lực. Khi ở TP. Hồ Chí Minh, tôi thấy mọi thứ phải vào guồng quay nếu mình muốn tồn tại. Còn ở đây, tôi vẫn tập trung ca hát mà vẫn giành thời gian cho bạn bè, cho gia đình. Chiều chiều đến tôi hay ngồi café góc này để nhìn ra hồ. Cùng với những người thân, bè bạn, đồng nghiệp, chúng tôi cùng bàn tán, tranh luận về âm nhạc, chuyện phiếm về cuộc sống. Ở đây có không gian, có thời gian... để chúng tôi giành cho nhau.

 

* Vâng, cám ơn anh về cuộc trò chuyện.

 

 

HỒNG MINH thực hiện; ảnh: NGÔ BÁ LỤC

(Nguồn: Báo Nhân Dân)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: