Lễ hội “Lục bát Canh Dần 2010” khai mạc ngày 12/9/2010 tại Trung tâm Triển lãm Văn hoá nghệ thuật Việt
Ấn tượng thư họa “Tinh hoa lục bát”
“Tinh hoa lục bát” là cuốn thư hoạ bằng thơ lục bát có kích thước lớn 80cm x 110cm được tuyển chọn từ 110 câu thơ lục bát của 100 tác giả từ xưa tới nay. Trong đó phần lớn tinh tuyển từ thơ của 77 tác giả đương đại có thơ in trong tập “Lục bát tự chọn” năm Kỷ Sửu và tuyển chọn thêm một số câu thơ lục bát đặc sắc của 23 nhà thơ lớn rất thành danh với thể thơ lục bát như Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Đình Chiểu, Tản Đà, Nguyễn Bính, Huy Cận, Tố Hữu, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Duy, Trần Nhuận Minh, Đặng Vương Hưng,Trần Đăng Khoa, Nguyễn Trọng Tạo, Bằng Việt, Vũ Nho, Lâm Thị Mỹ Dạ…
Cuốn sách ra mắt trong dịp chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và kỉ niệm sinh nhật lần thứ nhất của “Lễ hội thơ lục bát” năm Canh Dần. Sách là tâm huyết hơn một năm của tác giả Đậu Phi Hùng với mong muốn góp phần tôn vinh thể thơ lục bát dân tộc, thể thơ được xem là “khuôn vàng thước ngọc”, là “quốc thơ” của dân tộc ta hàng ngàn đời nay.
Độc đáo “Lục bát Quán”
Ngay từ tối hôm trước 11/9, không gian triển lãm Vân Hồ đã đậm đặc không khí lục bát với các hoạt động giao lưu bên lề của các tác giả thơ lục bát. Cổng chào cho Lễ hội Lục bát đã được thiết kế đặc biệt. Từ cổng chào vào sân đặt các cô nàng bê tráp, đội cau trầu, hai bên là những cối đá, chum vại, đậm nét không gian ngày xưa. Một “màn trình diễn sắp đặt” lớn về di sản văn hóa lúa nước, thông qua các “lục bát quán” của nhà sưu tầm giới thiệu văn hóa và cổ vật Trần Thế Kôi với không gian tre trúc, trang trí thêm hoa cỏ, rơm vàng, cối đá, thóc gạo, bánh đa... khiến hàng ngàn tín đồ lục bát hào hứng, say sưa trò chuyện với những thiếu nữ mớ bảy mớ ba, ăn ngô luộc, kẹo dừa, uống nước vối, nước chè xanh…
Lần đầu tiên Chúc văn Dâng hương thơ Lục bát âm vang
Nhưng Lễ hội Lục bát hàng năm không chỉ là để tôn vinh thơ mà cái chính là tôn vinh hồn dân tộc! Dự kiến, tâm điểm của Lễ hội Lục bát năm Canh Dần - 2010 sẽ nghi lễ... dâng hương thơ thơ lục bát. Lễ dâng hương thơ lục bát của đội nữ tế, đội nam tế Thủ đô... người chủ trì là Thượng tọa Thích Chân Quang; có kiệu rước với phường bát âm từ sân khấu đến nhà thờ tổ Vân Hồ và ngược lại.
Đặc biệt lần đầu tiên âm vang Chúc văn Dâng hương thơ Lục bát, (văn tế thiên địa và tiên tổ) gồm 9 khổ, 68 câu do Lucbat.com phụng soạn…
Xin tâm nguyện:
Nỗi Ngàn Năm Hồn Việt
Chắp cánh bay
Chim Lạc vượt trùng khơi
Việt Nam - Đất nước ta ơi
Giang tay lục bát ôm lời ngàn năm.
Lucbat.com sẽ giới thiệu toàn văn bài Chúc văn tế thiên địa, tổ tiên trong thời gian tới.
Tiếp theo đó là lễ phát lộc thơ lục bát cũng có sự tham gia của đội nữ tế, đội nam tế, phường bát âm Thủ đô... do các vị cao tăng chủ trì; tiến hành phát lộc tượng trưng cho một số khách mời tiêu biểu.
Tôn vinh lục bát là “Quốc thơ”
Lễ hội mang tên “Ngàn năm hồn Việt” đã diễn ra với nhiều hoạt động phong phú như biểu diễn thơ lục bát thông qua một số làn điệu dân ca và sinh hoạt văn hoá dân gian truyền thống; “Quán lục bát” trưng bày và giới thiệu những sản vật dân dã, mang đặc trưng văn hoá của các vùng miền, để tôn vinh hồn Việt và di sản văn hoá dân tộc.
Đây là hoạt động do website lucbat.com, Trung tâm Văn hoá thành phố Hà Nội, Báo Người cao tuổi, Câu lạc bộ Thơ Việt Nam, Báo Người Hà Nội, Trung tâm Triển lãm Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam và phối hợp tổ chức để chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Ban tổ chức Lễ hội còn tổ chức một số chiếu thơ để giao lưu giữa các tác giả, câu lạc bộ yêu thơ lục bát, đồng thời, tổ chức thi sáng tác thơ lục bát tứ tuyệt. Lễ hội còn có một không gian dành cho việc biểu diễn và trưng bày các tác phẩm thư hoạ thơ lục bát và sách, với sự tham gia của nhiều nhà thư hoạ đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Định, Khánh Hoà, Hải Dương, Hà Nội… Nhóm thư pháp Khánh Hoà cũng mang đến cho khán giả Thủ đô chiêm ngưỡng cuốn sách độc bản thơ lục bát khổ lớn.
Những người yêu thơ đã cùng nhau ký tên để ủng hộ việc tôn vinh lục bát là Quốc thơ và góp phần vận động để lục bát trở thành Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Tại lễ hội có một khu vực tiếp nhận sách ủng hộ trẻ em nghèo vùng sâu, vùng xa và trao tặng trực tiếp cho đại diện của địa chỉ được tiếp nhận.
Thơ lục bát sẽ là Di sản văn hoá phi vật thể?
Theo Nhà thơ Đặng Vương Hưng- thành viên Ban tổ chức: “Chúng tôi cũng rất mong nhận được sự ủng hộ giúp đỡ từ phía các cơ quan chức năng, các cơ quan thông tấn báo chí, của Hội Nhà văn Việt Nam, những trang web văn chương, các tác giả và những người yêu thơ lục bát gần xa. Mong ước của chúng tôi là mỗi người chúng ta hãy làm một việc gì đó, dù nhỏ, tuỳ theo khả năng, để một ngày không xa, thơ lục bát sẽ không chỉ là 'Quốc thơ' mà còn được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại!”
Lễ hội lục bát Canh Dần mang tên “Ngàn năm hồn Việt” không chỉ có tính thời sự nhân kỷ niệm Đại lễ Ngàn năm Thăng Long – Hà Nội mà còn có ý nghĩa hướng về cội nguồn, về bản sắc và sự kế thừa văn hoá truyền thống cha ông.
“Xin thơ ươm nụ trổ hoa
Ngàn năm lục bát
bay xa vạn trùng”
(Chúc văn tế Lễ Dâng hương thơ Lục bát)
NHỮNG KHOẢNH KHẮC ĐÁNG NHỚ TRONG LỄ HỘI LỤC BÁT
Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội gõ trống khai hội
Thượng tọa Thích Chân Quang ban 'Lộc thơ'
Cho tác giả Đặng Cương Lăng
Hai thiếu nữ đang lật giở cuốn “Tinh hoa lục bát”
của nhà thư pháp Đậu Phi Hùng
Rực rỡ sắc màu lễ hội
Các thi lão và những cô nàng 9X
thưởng thức Lễ hội Lục bát theo cách riêng của mình
Tan hội có cả quà Bánh đa Kế mang về...
Mời xem thêm ảnh Lễ hội lục bát trên các đường dẫn:
http://www.trannhuong.com ; http://blogtiengviet.net Lưu Quốc Hòa
http://blog Hãy sống chân tình ; http://www.baodatviet
CẦN SƯU TẦM CLIP, ẢNH TƯ LIỆU VỀ LỄ HỘI LỤC BÁT
Kính mời các tác giả và người yêu thơ có clip, ảnh đẹp về Lễ hội Lục Bát Canh Dần, hãy gửi cho chúng tôi theo địa chỉ email: lucbat.com@gmail.com. (Lục bát sẽ ghi rõ nguồn sử dụng).
Trân trọng cảm ơn!