Thứ sáu, 27/12/2024,


Thơ Huế lẽ nào không Huế!? (17/09/2008) 

     Thơ Huế lẽ nào không Huế, ở đây có một chấm than và một chấm hỏi. 
     Chấm than: Thơ Huế lẽ nào không mang nét Huế! - chuyện đó hiển nhiên.
     Chấm hỏi: Thơ Huế lẽ nào không viết khác được về Huế khi Huế đã thành một đề tài yêu mến của nhiều thi nhân nước Việt có tài?

     Huế thơ vẫn còn đang chờ được đánh thức ở những bề sâu khác lạ của mình, giống như Huế di sản vật thể đang cố làm sống lại mình trong những phương diện khác lạ qua mỗi kỳ festival.

     Trước hết tôi muốn phân định một khái niệm thơ Huế, ít nhất là trong bài viết này của tôi. Thơ Huế là một khái niệm tưởng cụ thể nhưng lại khá mơ hồ. Thế nào là thơ Huế? Có phải đó là thơ viết về Huế và thơ của người Huế viết. Mặc nhiên mọi người đều hiểu thế. Thơ viết về Huế thì có của người gốc Huế, người đang sống ở Huế và người ở khắp mọi nơi. Thơ của người Huế viết thì không chỉ viết riêng về Huế mà viết đủ mọi đề tài, nhưng người Huế đây lại là người nào: người gốc Huế dù đang sống ở Huế hay đã xa Huế, người nơi khác nhưng đã sống hay đang sống ở Huế. Có lẽ là cả hai. Phân định thế này nghe có vẻ phân biệt quê hương bản quán, nhưng một tiêu chí rõ ràng lại là cần thiết khi làm một tuyển tập mang tên Thơ Huế để tránh hai cực: hoặc rộng quá thành vơ vào, hoặc hẹp quá thành đẩy ra. Khéo mà ở đây phải dùng thuyết tương đối của Albert Einstein, có rộng và hẹp. Thơ Huế rộng là thơ viết về Huế. Thơ Huế hẹp là thơ của người Huế viết. Mà như thế là vinh danh cho Huế, một vùng, một xứ thuộc số ít địa danh trên toàn cõi Việt Nam rất nên thơ và có rất nhiều thơ. Trong bài này, tôi dùng 'thơ Huế' với nghĩa là thơ viết về Huế, tức là thơ Huế rộng.

     Huế đẹp và thơ! Thiên nhiên và lịch sử đã cho Huế một vị thế, một ý nghĩa để trở thành nguồn cảm xúc dồi dào cho nhiều thế hệ thi nhân. 'Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được / Nét dịu dàng pha lẫn trầm tư' (Nguyễn Thị Thanh Bình). Tất cả, có lẽ thế, thơ về Huế đều đã bị đóng khuôn, bị điều kiện hóa trong nội dung mà hai câu thơ trên đây diễn đạt. Thơ Huế đa cảm và đa tình. Thi liệu như đã thành cổ điển: sông Hương núi Ngự, lăng tẩm đền đài, nón trắng áo tím, Nam ai Nam bình. Có thể tuyển được những tập thơ về từng đặc điểm riêng của Huế, như thơ về lăng tẩm, thơ về sông Hương, thơ về mưa Huế, thơ về gái Huế. Thi cảm như đã thành khuôn: mộng mơ và buồn bã. Thi tứ như đã thành nếp: hoài niệm và trầm tư. Ai bước chân đến Huế cũng là mang tâm trạng Nguyễn Bính 'Hôm nay có một người du khách, Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên'. Bề dày và bề sâu lịch sử, văn hóa, tình cảm của một vùng đất cố đô đã tạo nên Huế thơ và khơi dòng thơ Huế rất định hình riêng biệt.

          Bài thơ dưới đây của Huy Tập, một người quê gốc Nam Hà nhưng từng sống và làm việc ở Huế tôi dẫn ra như một thí dụ xem xét dưới góc độ thơ Huế bị quy định và ràng buộc thế nào bởi địa lý phong thủy tâm tình của một vùng đất.

Nếu như chẳng có sông Hương

Gửi tình cho Huế gửi thương nơi nào

Nếu như nước chẳng ngọt ngào

Áo em sao lại tím màu thủy chung

Nếu như chẳng có dòng sông

Câu thơ ai chở xuôi dòng Huế thơ

Nếu như nước chảy ngẩn ngơ

Câu thơ áo tím anh chờ Huế ơi

Ai qua Huế một lần thôi

Mang đi từ Huế ngọt lời nhớ thương

Nếu như chẳng có dòng Hương

Câu thơ xứ Huế giữa đường đánh rơi

Thương màu tím Huế đầy vơi

Sông Hương xanh suốt những lời cho nhau

     Nghĩa là, thơ Huế lẽ nào không Huế! Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi. 'Huế đẹp tưởng chừng không có thực' (Ngô Thế Oanh). Và thơ Huế chuyên chở cái 'tưởng chừng' đó trong dạt dào cảm xúc lãng mạn u buồn sâu lắng nhẹ nhàng. Trong nhiều bài thơ về Huế có khá nhiều bài hay theo mạch cảm xúc này. Ngay hai câu thơ Thu Bồn phát hiện cái lững lờ của dòng Hương khiến đọc lên giật mình ngỡ ngàng 'Con sông dùng dằng con sông không chảy / Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu' rất hay, nhưng vẫn là trong mạch chảy của một điệu cảm.

          Nhưng, thơ Huế lẽ nào không Huế.

          Tôi nhớ có lần đã ngạc nhiên thích thú khi nghe ca sĩ đại ngàn Ymoan hát bài hát 'Thành phố hoa phượng đỏ' theo kiểu rock. Bài hát vang lên trong một giai điệu tiết tấu khác lạ như nó vốn từng quen nghe đã cho tôi những khám phá, phát hiện mới, dẫu ca từ vẫn đã thuộc lòng. Gần đây, việc ca sĩ Thanh Lam 'làm mới' những ca khúc Trịnh Công Sơn có gây những dư luận phản ứng khác nhau, nhiều phần là chê, nặng lời hơn thì bảo là phá nhạc Trịnh. Tôi thì nghĩ khác: ai cấm những thử nghiệm hát nhạc Trịnh khác cách lâu nay từng hát? Nói cách khác, ai quy định nhạc Trịnh là chỉ được hát theo một kiểu tạm gọi là à la Khánh Ly? Nghe Lam hát Trịnh tôi tưởng như thấy dòng Hương hiền hòa thoắt hóa 'sông dài như một lưỡi gươm giữa trời' ('Trường giang như kiếm lập thanh thiên') trong mắt nhìn của ngông sĩ họ Cao. Huế như nhạc Trịnh vậy, lâu nay bị 'bắt chết' ở một góc nhìn, góc cảm. Thơ Huế, thơ về Huế, cần có những Chu Thần, những Thanh Lam để lạ hóa, để làm mới cách cảm, cách nhìn của một vùng đất, một vùng thơ.

      Huế có sông An Cựu nắng đục mưa trong. Cái nghịch lý, ngược đời đó cũng là một nét tính cách Huế. Huế như là thống nhất của mâu thuẫn. Hay nói như nhà văn Túy Hồng một thời: 'Huế của tôi không bao giờ khóc người đi và cũng chẳng bao giờ mừng người trở lại. Huế của tôi không yêu ai mà cũng chẳng phản bội ai. Huế thừa lẽ sống nhưng thiếu kẻ sống'. Dòng Hương Giang là dòng thơ làm bao thi nhân mộng mơ với điệu slow dịu êm của nó. Nguyễn Bính liên tưởng chuyện cung nữ mới thấy 'Hai bờ hai cánh tay vua / Cung nga úp mặt làm thơ thất tình'. Dòng Hương thất tình này mãi đến Lê Thị Mây mới thấy lại khi nhà thơ nhìn đám mây trôi trên sông không phải chiếc áo, không phải tấm khăn quàng, mà là 'mái tóc của cô gái trẫm mình'. Một nhớ chuyện xưa, một nói chuyện nay. Và dòng Hương của thi ca nhạc họa xứ Huế đã chảy theo một mạch khác. Mạch cảm xúc này tạo nên cái 'không Huế', phá bỏ cái lững lờ quen mòn áp cho sông, cho thơ lâu nay.

     Phan Huyền Thư có một bài thơ mà ở đấy là một Huế khác trong một cách nhìn, cách cảm khác của thơ. Bài thơ như một cuốn phim quay các góc độ Huế và rồi ống kính chiếu tập trung vào chỗ thắt, điểm lõm mà Huế được đặt vào trên dải đất hình chữ S. Huế trong bài thơ này là 'nơi nhạy cảm trên cơ thể Việt Nam'. Và thế là Huế đã được 'lạ hóa', Huế đã được đánh thức, Huế đã thành không Huế. Phải thế chăng mà bài thơ hay này cũng đã bị thành nhạy cảm khiến nó không được duyệt cho vào tập thơ đầu của tác giả (tập Nằm nghiêng), phải chờ thêm thời gian mới được đưa vào tập thơ sau (tập Rỗng ngực)? Chưa ai, tôi có nhầm chăng, nhìn Huế thành ra một bộ phận thân thể, mà lại là bộ phận nhạy cảm, như nữ thi sĩ này. Giống như dải đất Việt Nam hình chữ S, trong mắt thi sĩ chiến trận Trần Mạnh Hảo là 'đất nước hình tia chớp', trong mắt thi sĩ tình yêu Vi Thùy Linh là 'dáng hình người đàn bà khuỵu chân ngửa mặt', và trong mắt một thi sĩ khác là con đỉa bị cắt ngang bởi con sông vĩ tuyến thành hai nửa ngo nghoe tìm cách dính lại với nhau.

     Vậy là ở đây có chuyện cách nhìn, cách cảm. Chuyện phải vượt thoát khỏi những khuôn mòn sáo cũ, những cliché, mà thơ dễ vướng vào do áp lực của truyền thống văn hóa, của đặc điểm một vùng đất. Trung niên thi sĩ Bùi Giáng đã khái quát cái bất biến của cố đô miền Trung: 'Dạ thưa xứ Huế bây chừ, Ngự Bình vẫn đứng bên bờ sông Hương'. Chỉ có người thơ bằng cảm xúc và cái nhìn tươi mới của mình giúp Huế và người yêu Huế phát hiện ra những vẻ đẹp khác lạ đằng sau những cảnh vật di tích đã quen thuộc và mòn trơ. Vâng, đất đá tre gỗ là những thứ trơ. Lâu đài thành quách lăng tẩm là những vật trơ. Nhưng 'những lăng tẩm như hoàng hôn níu lại đời quên lãng' (Thu Bồn) thì cái tham vọng của bậc đế vương đã hóa sự ngẫm ngợi phù du kiếp người. Vỹ Dạ thôn, ai cũng biết, trở thành một tâm tưởng cho người đến Huế là nhờ lời thơ của Hàn Mặc Tử. 'Lá trúc che ngang mặt chữ điền' đến bây giờ vẫn là một nghi vấn, một lạ lùng, một khó hiểu, và một thơ, của Huế.

     Thơ Huế lẽ nào không Huế?

     Không Huế, như Tiếng chuông Thiên Mụ ngân day dứt, khắc khoải, tan hoang trong từng câu thơ Nhã Ca, một người con gái Huế. Trong thơ về Huế tôi ít thấy bài viết về chùa Thiên Mụ, mà viết như Nhã Ca thế này tôi lại thấy càng ít. Huế, với Nhã Ca, đã là một niềm nhớ, niềm đau.

    Vẫn nói chuyện 'làm vua' trong thành nội, nhưng mấy câu thơ sau đây của Cao Thoại Châu tôi muốn tách riêng ra như để nói riêng cho người làm thơ về Huế:

Ngồi trên ngai vàng anh bắt đầu tập nói

những tiếng ni tiếng nớ lạ đời

như trẻ thơ đang ngồi trong nôi

tập nghe ngóng và gọi tên sự vật

     Đập vỡ cái mặc định về Huế để tìm ra một Huế mới của hôm nay chứ không phải hôm qua, đó là trách nhiệm của thơ Huế hiểu theo nghĩa khái quát và bao trùm.

     Thơ Huế lẽ nào không Huế, ở đây có một chấm than và một chấm hỏi.

     Chấm than: Thơ Huế lẽ nào không mang nét Huế! - chuyện đó hiển nhiên.

     Chấm hỏi: Thơ Huế lẽ nào không viết khác được về Huế khi Huế đã thành một đề tài yêu mến của nhiều thi nhân nước Việt có tài? Huế thơ vẫn còn đang chờ được đánh thức ở những bề sâu khác lạ của mình, giống như Huế di sản vật thể đang cố làm sống lại mình trong những phương diện khác lạ qua mỗi kỳ festival.

 

                                                   Theo Phạm Xuân Nguyên

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: