Chủ nhật, 22/12/2024,


LỄ HỘI LỤC BÁT ĐỘC ĐÁO VÀ ẤN TƯỢNG NHƯ THẾ NÀO? (11/09/2010) 

Chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Lễ hội Lục bát năm Canh Dần mang tên “Ngàn năm hồn Việt”, do sáu cơ quan đồng tổ chức (Website www.lucbat.com, Trung tâm văn hoá TP. Hà Nội, Báo Người Cao Tuổi, CLB Thơ Việt Nam, Trung tâm TLVHNT Việt Nam, Báo Người Hà Nội) được tổ chức vào ngày Chủ nhật 12-9-2010, tại Triển lãm Vân Hồ, số 2, Hoa Lư, Hà Nội.

Nhân sự kiện này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Đặng Vương Hưng, chủ nhiệm Website. Lucbat.com, đồng tổ chức Lễ hội lục bát năm Canh Dần.

 

 

Gia đình lục bát: Đạt Ma, Vũ Thiên Kiều, Vũ Phương, Mạnh Lương, Đặng Vương Hưng,

Trần Mạnh Tuân, Thu Hằng, Ngọc Hoàng, Thục Anh, Thủy Hướng Dương, Đặng Khánh Cường

 

* Thưa nhà thơ, Lễ hội lục bát “Ngàn năm hồn Việt” năm nay có những điểm gì mới?

 

- Cùng với việc đón khách từ 7 giờ sáng là việc tiếp nhận sách ủng hộ trẻ em nghèo vùng sâu, vùng xa. Mỗi tác giả, khách mời, người yêu thơ đến với Lễ hội Lục Bát Canh Dần, nên mang theo ít nhất một cuốn sách, để ủng hộ chương trình này. (Cuối buổi lễ, BTC sẽ trao tặng trực tiếp cho đại diện của địa chỉ được tiếp nhận). Mỗi người một chữ ký: Ban tổ chức sẽ thiết kế một số băng zôn dài 6,8 mét mời các tác giả và người yêu thơ cùng ký tên, (có thể lưu niệm cả địa chỉ, điện thoại, email…) ủng hộ việc tôn vinh Lục Bát là Quốc thơ và góp phần vận động để Lục Bát trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Lễ dâng hương Thơ lục bát sẽ do Tổng Biên tập báo Người cao tuổi và một Cao tăng Đại đức và chủ trì. Lần đầu tiên có Chúc văn Lễ dâng hương thơ lục bát, gồm 9 khổ, 68 câu đậm nét “Ngàn năm Hồn Việt”. Sau lễ dâng hương, Đại đức sẽ “phát lộc” tượng trưng cho một số khách mời tiêu biểu và người yêu thơ đăng ký trước. Đó là ấn phẩm “Lộc phát Canh Dần”, được trình bày đẹp và in trên giấy tốt và đóng bìa cứng trang trọng.

BTC sẽ dành không gian rộng cho việc biểu diễn và trưng bày các tác phẩm Thư họa Thơ Lục Bát và sách. Dự kiến, sẽ có các nhà thư họa đến từ  TP. Hồ Chí Minh, Bình Định, Khánh Hòa, Hải Dương, Hà Nội… biểu diễn tại chỗ. Các tác giả có thể mang theo những tác phẩm Thư họa Lục Bát, tác phẩm đã xuất bản, để trưng bày, giao lưu và cuối ngày thơ có thể ủng hộ thư viện vùng sâu vùng xa. Đặc biệt, tác giả Đậu Phi Hùng và Nhóm Thư pháp Khánh Hòa sẽ trưng bày cuốn sách độc bản thơ Lục Bát khổ lớn.

Ban tổ chức khuyến khích và hoan nghênh các tác giả mặc trang phục dân tộc (nam: áo the, khăn xếp; nữ: áo tứ thân, áo dài). Khán giả và các phóng viên báo chí sẽ bình chọn và giới thiệu những gương mặt tiêu biểu tham gia Lễ hội Lục Bát; BTC sẽ có 3 tặng thưởng đặc biệt dành cho một nam, một nữ và một tập thể mặc cổ trang dân tộc đẹp nhất. BTC sẽ mời dịch vụ cho thuê trang phục dân tộc tại Lễ hội để phục vụ các tác giả và người yêu thơ có nhu cầu.

 

* Nhà sưu tầm cổ vật và giới thiệu văn hoá dân gian Trần Thế Kôi đóng vai trò gì trong Lễ hội lục bát?

 

- Đây cũng chính là điểm nhấn trong lễ hội năm nay là việc sẽ tổ chức một số “Quán lục bát” trưng bày và giới thiệu những sản vật dân dã, “nhà quê”, đặc trưng văn hóa của các vùng miền, do các tác giả và người yêu thơ thơ lục bát mang đến.  Đặc biệt, Nhà sưu tầm và giới thiệu di sản văn hóa Trần Thế Kôi (ĐT: 0988 592 879) sẽ có cuộc sắp đặt trình diễn 6 “Lục bát quán” độc đáo, ấn tượng,  “không đụng hàng”, với những cô nàng áo mớ ba mớ bảy ngồi thêu thùa, bên gánh hàng hoa, bên cối đá, chum nước, ba ông đầu rau… để tôn vinh Hồn Việt và di sản văn hóa dân tộc. BTC Lễ hội sẽ Tổ chức một số chiếu thơ để giao lưu giữa các tác giả, câu lạc bộ yêu thơ lục bát; đồng thời, tổ chức thi sáng tác thơ Lục Bát tứ tuyệt, trao thưởng ngay trong ngày.

 

* Cơ sở nào để tin rằng Lễ hội lục bát “Ngàn năm hồn Việt” thành công như mong đợi?

 

- Xin được dẫn hai ví dụ, một là cuộc thi thơ lục bát “Ngàn năm thương nhớ” đã quy tụ được tới 6 cơ quan báo chí cùng tổ chức và chỉ trong 6 tháng đã thu hút được hàng ngàn tác giả gửi hàng vạn tác phẩm tham gia. Website lucbat.com rất tự hào trong vai trò khởi xướng và phối hợp đồng tổ chức, đây là một sự kiện đánh dấu bước trưởng thành của một trang web cộng đồng, phi lợi nhuận, đã được bạn đọc yêu thơ ghi nhận, với hàng vạn lượt người truy cập mỗi ngày.

Hai là, việc tổ chức Lễ hội lục bát lần thứ nhất năm Kỷ sửu thành công rực rỡ với hàng ngàn người tham gia, trong đó có rất nhiều bạn trẻ 9X, 8X  tham gia, các “thi lão” ở các địa phương, đặc biệt các tác giả nước ngoài đã đặt vé máy bay, liên tục gọi điện, email, trao đổi thông tin Lễ hội để về nước hội ngộ trong ngôi nhà lục bát, trong tình yêu thơ lục bát. Điều đó đã mang lại niềm tin vững chắc cho chúng tôi vào tinh thần dân tộc, yêu truyền thống, yêu nét đẹp của văn hoá Việt Nam.

 

* Có ý kiến cho rằng vinh danh lục bát là “quốc thơ” thực sự không cần thiết trong thời điểm này, thậm chí “buồn cười” vì lục bát từ lâu đã mặc định là thể thơ truyền thống của người Việt, văn hoá Việt?

 

- Lục bát là một thể thơ truyền thống của dân tộc ta, được nhiều người xem như là “hồn vía” văn hóa Việt, là “cội nguồn” của thi ca Việt Nam. Nếu như người Anh và người Ý tự hào vì có thơ Sonne, người Nhật có thơ Haikư, người Trung Quốc có Đường thi… thì chúng ta cũng có quyền tự hào vì có thơ Lục bát. Đó là một trong những thể thơ đã có từ hàng ngàn năm, tồn tại và phát triển thông qua lời ăn, tiếng nói của ông bà ta xưa truyền lại cho con cháu, qua tục ngữ, ca dao và qua các làn điệu dân ca ở khắp mọi miền đất nước. Có thể nói: Ở đâu có lục bát là ở đó có văn hóa Việt Nam. Không thể thơ nào có khả năng bám sát đời sống nhân dân như Lục bát. Thơ Lục bát đã luôn được các thế hệ nhà thơ Việt Nam làm mới và không bao giờ xưa cũ. 

Lục bát từ lâu đã ăn sâu bắt rễ trong nhân dân, thể hiện rõ tính dân tộc của thơ Việt Nam. Đã là người Việt, có ai không thuộc đôi câu lục bát. Từ người có học vị cao đến người dân không biết chữ, đều có thể thuộc và thậm chí ứng tác một đôi câu lục bát trong giao tiếp đời thường. Bởi thế, việc “chính danh” thơ lục bát là cần thiết, góp phần tôn vinh Lục bát. Việc văn bản hoá, công nhận lục bát là quốc thơ không làm mất đi hồn vía, không làm xơ cứng thể thơ này đi, mà điều quan trọng hơn, một lần nữa chúng ta khẳng định tầm quan trọng và sức sống mãnh liệt của thơ lục bát trong dòng chảy văn hoá Việt, tâm thức Việt. Hãy giúp cho thể thơ này trở thành “Quốc Thơ” của Việt Nam! Đó là một việc làm thiết thực, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

 

* Việc duy trì Lễ hội lục bát được tổ chức hàng năm và khởi xướng đề nghị Thơ Lục bát được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể gặp phải những khó khăn nào khi lucbat.com là một trang Web phi lợi nhuận?

 

- Để thực hiện những điều nêu trên, thật không dễ dàng đối với lucbat.com - một trang web hoạt động không có kinh phí Nhà nước, chỉ với tinh thần tự nguyện, tâm huyết và niềm đam mê của những người yêu thơ lục bát. Chúng ta đều biết thể hát quan họ, ca trù đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trong khi đó các làn điệu dân ca quan họ, ca trù, hát chèo, chầu văn, hát xẩm, hát đúm, hát ru con, hát giã gạo, hát xoan, hát ghẹo, hát ví dặm, hát phường vải, hò Nam ai, Nam bình… Hiện nay, chúng ta có một kho tàng ca dao mà đa phần là lục bát, có tới hàng ngàn, hàng vạn câu, nhiều câu đã vượt thử thách của thời gian. Ca dao cổ, ca dao thời chống Pháp, chống Mỹ..., có rất nhiều câu hay, đến nay vẫn được lưu truyền. Theo thống kê của nhiều nhà nghiên cứu văn học dân gian thì có đến trên 90% ca dao, dân ca là thể thơ lục bát. Như vậy, Lục bát là nguồn sinh, đã hoà nhập vào giá trị văn hoá chung của nhân loại.

Bởi thế, chúng tôi rất mong nhận được sự ủng hộ giúp đỡ từ phía các cơ quan chức năng, các cơ quan thông tấn báo chí; sự ủng hộ giúp đỡ của Hội Nhà văn Việt Nam, những trang Web văn chương, các tác giả và những người yêu thơ lục bát gần xa. Mong ước của chúng tôi là: Mỗi người chúng ta hãy làm một việc gì đó, dù nhỏ, tuỳ theo khả năng, để một ngày không xa, Thơ Lục bát sẽ không chỉ là 'Quốc Thơ' mà còn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại!

 

* Lễ hội lục bát có gì khác so với những lễ hội truyền thống? Và như vậy món quà “Lễ hội lục bát - Ngàn năm hồn Việt” được tổ chức vào chủ nhật ngày 12/09/2010 tại Triển lãm Vân Hồ (2 Hoa Lư, Hà Nội) có ý nghĩa như thế nào khi khắp nơi đang hào hứng chào đón sự kiện Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tuổi?

 

- Khác với lễ hội cổ truyền, khi nó được truyền từ năm này sang năm khác, từ đời này sang đời khác, lặp đi lặp lại theo một chu kỳ riêng và trở thành quy luật, thì được gọi là lễ hội cổ truyền hay lễ hội dân gian, tuỳ theo cách gọi tên. Lễ hội là một phần của di sản văn hoá phi vật thể. Di sản văn hoá phi vật thể, được Unesco sử dụng trong Công ước quốc tế về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể.  Lễ hội lục bát “Ngàn năm hồn Việt” là lễ hội đương đại. Như với bất lễ hội đương đại nào, nếu chỉ được phát động mang tính thời sự phục vụ một nhiệm vụ tuyên truyền nhất định, thì khi khép lại sẽ lắng dần dư âm và thậm chí có thể chìm vào quên lãng.

Chúng tôi tin rằng Lễ hội lục bát “Ngàn năm hồn Việt” sẽ không chỉ có tính thời sự nhân kỷ niệm Đại lễ Ngàn năm Thăng Long – Hà Nội. Những người thực hiện Website lucbat.com đã cố gắng vận động tổ chức Lễ hội lục bát như một cách xây dựng thương hiệu. Một thương hiệu thơ và văn hóa rất xứng đáng được tôn vinh, được thường xuyên duy trì, bảo tồn xây dựng và phát triển mãi mãi, khẳng định tầm quan trọng không thể thiếu, không thể mai một, không thể mất của thể thơ lục bát vốn được coi là hồn thiêng, là tinh tuý của dân tộc. Và Lễ Hội Lục bát sẽ được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng 8 âm lịch hàng năm như một ý thức về cội nguồn, về bản sắc và sự kế thừa văn hoá truyền thống cha ông.

 

* Trân trọng cảm ơn nhà thơ Đặng Vương Hưng đã dành cho cuộc trò chuyện hết sức cởi mở, bổ ích và thú vị này.

 

Lãng Ma

(Thực hiện)

 

 Nguồn; Văn nghệ Sông Cửu Long

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: