Chủ nhật, 22/12/2024,


Long đong Hoa sữa (10/09/2010) 

“Với tôi, Hoa sữa không đơn giản là ký ức của một thời trai trẻ như nhiều người vẫn nghĩ. Tôi luôn coi bài hát này như một chút gì đó của riêng mình để nhớ thương với Hà Nội - mảnh đất tôi đã gắn bó và yêu thương” - nhạc sĩ Hồng Đăng, tác giả bài Hoa sữa, tâm sự

 

1. Nhạc sĩ Hồng Đăng rất thành thực rằng Hoa sữa không phải là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của ông. Bài hát ấy cũng không phôi thai trong một khát khao đau đáu rất nghệ sĩ nào cả. Đơn giản, ông viết theo “đơn đặt hàng”. Nhưng ông hài lòng với nó. Vì giờ đây khi nói đến Hà Nội, mỗi người con ở Hà Nội nơi xa, hay ở ngay trên mảnh đất này, nhớ ngay đến hoa sữa, nhớ đến Hồng Đăng. Hoa sữa rất Hà Nội, đậm chất Hà Nội! Một Hà Nội của những đôi tình nhân, những mối tình trong trẻo. Nhưng tuyệt không một danh từ, một địa danh nào của Hà Nội xuất hiện trong bài hát. Hồng Đăng khẽ tủm tỉm cười khi nói về chi tiết ấy!

 

Ông cũng không còn nhớ chính xác năm nào, chỉ áng chừng đầu những năm 1970. Khi ấy, đạo diễn Đức Hoàn (nữ diễn viên thủ vai Mỵ trong Vợ chồng A Phủ) đặt viết một ca khúc cho bộ phim Hà Nội mùa chim làm tổ. Bộ phim kể về mối tình của một đôi nam nữ gắn liền với phố phường Hà Nội. Đi với đoàn làm phim cả tháng trời, ông không viết được bài hát nào, đặt bút xuống nhưng không thể nào viết nổi. “Đến lúc hậu kỳ của phim mà vẫn chưa có nhạc, tôi lo lắm. Đức Hoàn thì giục ời ời. Bất chợt, có một người bạn gợi ý cho tôi là Hà Nội có một loài hoa đặc trưng lắm, ở đường Nguyễn Du”.

 

Nói vậy thôi, dù là “đặt hàng” nhưng cái nghĩa “đặt hàng” thời kỳ ấy cũng khác bây giờ nhiều lắm - không thể cẩu thả. Mà mỗi tác phẩm giống như một đứa con. Đẻ ra, con nào mà không yêu! Trong sáng tác, có khi nhạc sĩ viết nhạc trước rồi mới viết lời, hoặc cũng có khi làm ngược lại, viết lời xong rồi mới viết nhạc. “Nhạc và lời bài Hoa sữa cùng được viết một lúc, rất nhanh. Đó là trường hợp cảm xúc rất mạnh. Đó là sự hẹn hò của thơ và nhạc” - Hồng Đăng mơ màng.

“Tôi sinh ra ở miền Trung. Yêu quê hương, yêu nơi chôn nhau cắt rốn. Và cũng rất yêu Hà Nội. Hà Nội là một thành phố đặc biệt. Có lẽ không một thành phố nào có nhiều bài hát viết về mình như Hà Nội, tới cả ngàn ca khúc. Mà hầu như ca khúc nào cũng sống được”.

 

(Nhạc sĩ Hồng Đăng)

2. Gia tài khoảng 1.000 tác phẩm, thuộc nhiều thể loại: ca khúc, hợp xướng, ca cảnh, khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu..., lĩnh vực nào cũng có dấu ấn nhưng Hồng Đăng rất có duyên với nhạc phim. Ông gắn bó với nghệ thuật thứ 7 từ thời trai trẻ qua nhiều phim của những đạo diễn kỳ cựu như Phạm Văn Khoa, Phạm Kỳ Nam, Nông Ích Đạt, Huy Thành... Sáng tác của ông được sử dụng cho hơn 70 bộ phim, trong đó có những ca khúc nhạc phim nổi tiếng như: Lênh đênh (phim Đời hát rong), Biển hát chiều nay (nhiều phim về đề tài biển), Nỗi nhớ đêm đại dương (phim Những hạt muối của biển), Biển và cô gái tôi chưa quen (phim Những ngôi sao nhỏ), Không gian xanh (phim Vùng trời)...

 

Ông nói mình không làm thơ mà tự nó cứ tuôn ra theo từng khuôn nhạc trên những trang giấy trắng. Vì thế, ca từ của ông không cầu kỳ, trau chuốt mà tự nhiên như hơi thở, như một câu nói bình thường nhưng cũng đầy tinh tế. Sự tinh tế ấy được gọi tên thành Hoa sữa. Phải chăng cũng vì thế mà giờ đây nhiều người không còn nhớ đến nội dung nhưng vẫn nhớ đến Hà Nội mùa chim làm tổ? 

 

3. “Tôi biết về tử vi, một môn khoa học cao nhưng tôi lại chưa xem được số phận của chính tác phẩm của mình. Mỗi tác phẩm như một đứa con tinh thần, đều có số phận riêng. Có thể có những tác phẩm rất hay, mình tâm đắc nhưng lại không có tiếng vang trong cuộc đời, không âm vang trong lòng người. Có ca khúc vừa ra mắt đã nổi đình đám ngay, có ca khúc phải sau hàng chục năm trời mới ngấm, mới được người ta quý. Hoa sữa là bài hát có số phận kỳ lạ” - cha đẻ của Hoa sữa tự sự.

 

Nhạc sĩ Hồng Đăng. Ảnh: C.T.V

 

Hoa sữa được Lê Dung thể hiện lần đầu tiên trong phim Hà Nội mùa chim làm tổ. Nhưng rồi cũng chỉ như một sự thoáng qua. Đột nhiên, sau hơn chục năm, nó hồi sinh, bắt đầu từ giọng hát của Nhã Phương. Rồi Thanh Hoa, Lệ Quyên. Tiếp đến là Hồng Nhung, Mỹ Linh. Sau gần 30 năm, giờ là những Hồ Quỳnh Hương, Mai Khôi... Mỗi người một phong cách khác nhau, giống như mỗi góc nhỏ Hà Nội. Hoa sữa trong giọng hát Thanh Hoa là sự day dứt, trong Hồng Nhung là sự nhẹ nhõm đầy tinh tế, ở Mai Khôi là sự giản dị... “Nhưng độc đáo nhất là qua giọng Thanh Lam. Có người nói Hà Nội thì không gào thét nhưng tôi thích sự dữ dội, sáng tạo của Thanh Lam” - nhạc sĩ Hồng Đăng nhận xét.

 

Hồng Đăng nói rằng ông cũng rất tâm đắc với nhiều ca khúc khác của mình viết về Hà Nội. Kỷ niệm thành phố tuổi thơ cũng là đứa con ông rứt ruột đẻ ra nhưng không có nhiều may mắn.

 

Hoa sữa là bài hát hay về Hà Nội. Điều đó không ai phủ nhận. Nhưng cũng vì không có bất kỳ địa điểm nào xuất hiện trong ca khúc nên dù đã được lựa chọn trong nhiều cuộc thi, tuyển chọn ca khúc hay viết về Hà Nội, Hoa sữa của ông đều bị gạt ra. Hồng Đăng tự hào: “Trong đời một nhạc sĩ có những bài hát được đánh giá cao một cách bất ngờ! Được mọi người yêu thích, thuộc và hát theo ca khúc của mình là phần thưởng lớn nhất của một người nhạc sĩ?”. Song còn có niềm tự hào khác, Hồng Đăng cũng không ngờ mình còn “khai sinh” một loài hoa đặc trưng cho Hà Nội. Ông không cố công tìm xem hoa sữa bắt đầu được trồng ở Hà Nội từ bao giờ. Chỉ biết rằng, trước khi Hoa sữa ra đời, nó là một loài cây chưa có tên, lặng lẽ mà nồng nàn tỏa hương mỗi đêm thu.

 

“Bạn bè nhạc sĩ của tôi, ai cũng có ca khúc hay viết về Hà Nội, như Hoàng Dương, Hoàng Hiệp, Phan Nhân, Vũ Thanh... Có những ca khúc vừa ra đời đã được đón nhận ngay. Còn như Hoa sữa, mất tới 15 năm nhưng yêu mãi đến giờ. Chỉ người Hà Nội mới yêu kiểu ấy!”.

 

 

Thái An

(Nguồn: Báo Người Lao Động)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: