Một cõi người, một cõi đời… với biết bao muộn phiền, ngổn ngang, trắc trở, vấn vương là tâm trạng của nhà thơ nữ - Thy Minh (tên thật là Phạm Thị Minh), trong tập “Mắt hoàng hôn” của chị.
Mặc dù đã có nhiều thơ đăng trên các báo, tạp chí Trung ương, địa phương nhưng Thy Minh mới xuất bản hai tập thơ; tập thứ nhất có tên là “Dấu thời gian”, và đây là tập thơ thứ hai của chị. Chị sinh ra ở Đà Lạt, Đà Lạt đã nuôi dưỡng tâm hồn thơ chị, tạo nên một giọng điệu thơ có âm điệu buồn, bởi như người ta vẫn gọi Đà Lạt là “thành phố buồn”, nhưng đầm ấm, thiết tha trong từng câu chữ, thể hiện sự chiêm nghiệm của tâm hồn chị với cuộc sống tại ngoại với những thăng trầm, biến động trong tâm tư, tình cảm con người, cho nên tuy ngôn ngữ thơ rất mộc mạc, đơn giản, nhưng chân thành và sâu sắc đến cháy lòng, đã làm lay động trái tim người đọc.
Cũng như nhiều nhà thơ khác, khởi nguồn cảm xúc trong mỗi tập thơ cũng như suốt cuộc đời thơ của chị là tấm lòng với tình yêu quê hương đất nước, với gia đình, bè bạn và tình yêu nam nữ. “Mắt hoàng hôn” là những góc cạnh trăn trở của Thy Minh về những điều như vậy.
Về quê hương đất nước chị không viết nhiều, nhưng chị biết khơi gợi cái điều sâu thẳm nhất của đất nước và con người một thời mà ai cũng nhớ, cũng cồn cào, cũng đau thương không nguôi:
Đâu rồi cái thuở xanh xao
Rừng xanh hoang phế, nắng cào cháy lưng.
(Hương rừng)
Chỉ với câu thơ này thôi, đã nói lên tất cả cái thời đất nước gian lao đến thế nào và cái tâm thế của mỗi con người nơi quê hương thuở ấy. Chị thể hiện tình yêu thương đất nước, con người của mình bằng cả tấm lòng cảm thông, trìu mến với lòng biết ơn vô hạn những người đã hy sinh cả cuộc đời mình để cho chúng ta có cuộc sống hôm nay nhưng rất có thể có người đã lãng quên và chị đã đánh thức lại nỗi niềm đó.
Viết về các bậc sinh thành (cha, mẹ), chị dành trọn tấm lòng thành kính biết ơn sâu nặng như núi cao, biển rộng, mà không bút lực nào tả nổi:
Căng mình chắn gió che mưa
Cho con ấm dưới chăn thưa tháng ngày.
(Tìm trong ký ức)
Viết về tình mẫu tử, chị thương yêu vô bến vô bờ:
Con đi
ngày ấy ấu thơ
Thời gian xa cách
Đôi bờ đại dương
Làm sao ngăn giọt ly hương
Gói chùm kỷ niệm
Vấn vương quê nhà.
(Mùa hẹn)
Sự xa cách mẹ - con có thể là xa cách về không gian, nhưng không bao giờ hết tình cảm của người mẹ thương con nơi góc bể chân trời. Câu thơ cháy bỏng một niềm thương nỗi nhớ, đau đáu nỗi buồn dằng dặc bởi sự bất lực với khoảng cách không gian. Đây chính là tiếng khóc đau lòng của sự chia ly, cách biệt, nếu ai gặp cùng cảnh ngộ, ắt phải nghẹn ngào, xúc động.
Trở về với không gian của riêng mình - không gian tình yêu, chị không còn ở cái thời bồng bột, thơ ngây đầy ước vọng huyền ảo để viết nên những câu thơ mộng mơ, đắm đuối , nồng nàn nhưng vẫn còn cháy bỏng khát khao. Chị tự nhận mình đã là “Thiếu phụ… hóa đá”, nhưng đó chỉ là cái con người hữu hình mà thôi, chứ còn con người vô hình của chị vẫn mãi chẳng thể nào có thể “hóa đá” được:
Người đàn bà thơ
Hóa đá…
…
Lặng thầm thơ…
Lặng thầm yêu…
Lặng thầm dào dạt…
(Khúc thiếu phụ)
Theo chị, người phụ nữ là thế đấy, cái gì cũng âm thầm lặng lẽ và “yêu” cũng vậy. Nhưng trong cuộc sống cũng có khi có những xao động chỉ là thoáng qua, nhưng cũng khiến cho con tim dào dạt, vấn vương và chị sẵn sàng bộc lộ điều đó, mặc dù đó chỉ là sự viển vông, nghiêng ngả:
Anh như ngọn gió bay qua
Bơ vơ em…
Giữa sân ga….
Lỡ tàu…
(Lối về)
Bằng cả cuộc đời của mình, trải qua biết bao vần vũ, nổi trôi, chị nghiệm ra rằng: cuộc đời, tình yêu, sự nghiệp chỉ là phù du, là cõi tạm trong trần gian, nó mênh mông lắm, trần ai, chát chua lắm, nó là một món nợ khổng lồ mà con người lại rất nhỏ nhoi, yếu đuối, có khi ta chưa kịp làm được gì thì đã già nua mất rồi:
Biển đời vò trắng gió mưa
Thế nhân nợ nỗi chát chua kiếp người
Xóa cho xong nợ đầy vơi
Trắng tay tình bạc
Dòng đời mông mênh.
(Nợ)
Có lẽ chính vì vậy mà trước số phận đắng cay của cuộc đời, chị không né tránh mà luôn chấp nhận nó, nhưng chị luôn luôn thể hiện sự khát khao sống, khát khao yêu và được yêu, khát khao được bình yên:
Vốc ở biển đời
Số phận đắng trong tay
…
Sóng trộn cát mềm, khao khát bình yên.
(Em về)
Tác giả Thy Minh hẳn là người rất đa cảm, rất yêu thương cuộc sống, con người nên chị mới có những vần thơ rất giàu cảm xúc, đậm chất trữ tình, sâu kín tâm trạng đến thế. Toàn bộ tập thơ là một bản nhạc tuy buồn nhưng rất trong sáng, tự nhiên, đôn hậu, đầy lòng nhân nghĩa. Chị viết là để giãi bày chiêm nghiệm cuộc sống, hạnh phúc và tình yêu và thể hiện khát khao. Giọng điệu thơ có buồn nhưng là buồn tâm trạng chứ không bi lụy, sầu thảm chính vì vậy mà người đọc phải ám ảnh, suy tư, neo đậu trong lòng cái triết lý sống và yêu của chị mà mỗi người cần phải trải qua một giai đoạn nhất định mới có thể chiêm nghiệm được, chính vì vậy mà ta cảm thấy thú vị khi đọc tập thơ này của Thy Minh. Chị đặt tên cho tập thơ là “Mắt hoàng hôn” có lẽ cũng là vì vậy chăng.
Nha Trang, 23.05.2010
Đoàn Đức Yên Khang
Email: yenkhang@gmail.com