Chủ nhật, 22/12/2024,


Bác Hồ với vốn âm nhạc cổ truyền (02/09/2010) 

“Âm nhạc dân tộc của ta rất độc đáo. Việt Nam có rất nhiều câu hát dân ca hay cần phải khai thác và phát triển. Thanh niên phải làm nòng cốt tiếp thu và phát triển âm nhạc dân tộc”...

 

Gìn giữ nghệ thuật của cha ông

 

Những người làm công tác sưu tầm, nghiên cứu và phát huy vốn âm nhạc cổ truyền - di sản của dân tộc - không ai là không nhớ lời nhắn nhủ của Hồ Chủ tịch trong Hội nghị Cán bộ văn hoá ngày 30/10/1959: “Những câu tục ngữ, câu vè, ca dao rất hay là những sáng tác của quần chúng, những sáng tác ấy là những hòn ngọc quý”.

 

 

Các nghệ sĩ Ngô Thị Liễu, Ái Liên, Nguyễn Nho Tuý, Châu Loan, Thanh Huyền, Kim Nhớ, Đinh Thìn..., những người đã nhiều lần hát cho Bác nghe, biểu diễn cho Bác xem, vẫn nhớ như in những lời Bác dặn: “Nghệ thuật của cha ông hay lắm, tốt lắm, phải cố gắng giữ gìn; hoặc: “Việc khai thác vốn cũ dân tộc nên làm nhanh. Có trước mới có sau, có cũ mới có mới”; hay: “Âm nhạc dân tộc của ta rất độc đáo. Việt Nam có rất nhiều câu hát dân ca hay cần phải khai thác và phát triển. Thanh niên phải làm nòng cốt tiếp thu và phát triển âm nhạc dân tộc”...

 

Hồ Chủ tịch cũng lưu ý chúng ta đừng nệ cổ: “Bây giờ là thời đại cách mạng, phải nhanh, phải cải cách”. Nhưng Người cũng không quên nhắc nhở: “Chớ có gieo vừng ra ngô”...

 

Những lời nói trên đây của Bác Hồ trong các cuộc tiếp xúc với văn nghệ sĩ (sách “Bác Hồ với văn nghệ sĩ”) đã để lại nhiều ấn tượng đẹp của vị Chủ tịch nước với sự nghiệp văn hoá văn nghệ dân gian Việt Nam nói chung, âm nhạc Việt Nam nói riêng. Bởi đó không chỉ là phương hướng, mục đích cho công tác văn hóa, văn nghệ hiện tại mà cho cả tương lai.

 

Trên đất nước ta có nhiều vùng văn hoá nghệ thuật từ Bắc chí Nam, từ đồng bằng đến miền núi. Cái gốc làm cho mỗi địa phương trở thành vùng văn hoá nghệ thuật độc đáo chính là vốn văn nghệ dân gian. Vùng Tây Bắc nổi tiếng với xoè Thái, các truyện thơ dân gian độc đáo; Vùng Việt Bắc có hát then hát lượn; Vùng Tây Nguyên với những bài trường ca, nhạc và múa sôi động; Vùng Kinh Bắc với hát quan họ; Vùng Hoan Châu, Việt Thường xưa với hát ví dặm Nghệ Tĩnh; rồi ca nhạc Huế, hát tuồng, hát Chầu văn, hô Bài chòi, hò, lý Bến Tre, Mỹ Tho cùng những thầy đờn nổi tiếng với vốn dân ca Nam bộ phong phú đã sáng tạo nên sân khấu hát cải lương, ca vọng cổ...

 

 

Nếu chỉ tính riêng về âm nhạc dân gian cũng đã có hàng vạn bản dân ca được sưu tầm, chỉnh lý, lựa chọn ghi vào băng đĩa. Hơn 2.000 làn điệu dân ca độc đáo đã được thống kê và hơn 100 nhạc khí đã được phân loại.

 

Niềm tự hào ấy là của hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, của 80 năm Đảng ta kiên trì phấn đấu, 65 năm kỷ nguyên mới của cách mạng Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vĩ nhân luôn tồn tại và gắn liền với non sông đất nước trong mỗi thành quả ấy.

 

“Đã là người Việt Nam không được quên những khúc hát dân ca”

 

Cảm động biết bao khi biết rằng “trước lúc lâm chung, Bác Hồ muốn được nghe một câu hò Huế, một câu hò ví dặm nhưng không ai biết hát. Thương Bác không nỡ nói, sợ Bác thất vọng, anh Vũ Kỳ đứng im, nhưng Bác vẫn chờ. Anh Kỳ buộc phải nói thật. Không giấu được nỗi buồn, qua giọng nói trầm trầm, Bác hỏi tiếp: Thế có ai biết hát quan họ không? May thay có một cô phục vụ. Không rõ có chủ định sẵn hay ngẫu nhiên, cô gái hát bài Người ở đừng về. Cả căn phòng im lặng trong nước mắt. Bác lắng nghe rơm rớm hàng mi và nói: “Bác cảm ơn cháu, cháu hát rất hay. Bác dặn cháu nhé, đã là người Việt Nam đừng bao giờ quên những khúc hát dân ca và phải biết cả dân ca ba miền”.

 

Sinh thời nhạc sĩ Trần Hoàn khi được nghe kể lại câu chuyện xúc động, ông tự đặt câu hỏi và tự trả lời: Phải chăng đó là tâm trạng chung của mỗi người trước lúc đi xa, qua bên kia bầu trời, đều khắc khoải trong lòng tình cảm với quê hương. Phải chăng dân ca là một cái gì đó rất đặc biệt, có thể khái quát và gợi nhớ nhiều nhất đến tình cảm xóm làng, đất nước. Câu chuyện như lời di chúc của Bác cho những người làm công tác âm nhạc, cho giới văn nghệ sĩ và cho tất cả mọi người. Câu chuyện cũng nhắc nhở chúng ta mãi yêu thương trân trọng, bảo vệ, phát triển nền văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, giàu tính nhân văn./.

 

 

Nhạc sĩ Dân Huyền

(Nguồn: VOV News)

 

 

Nghe bài hát Lời Bác dặn trước lúc đi xa qua giọng hát NSND Thanh Hoa

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: