Chủ nhật, 22/12/2024,


Một người Đức đam mê nhạc Trịnh (01/09/2010) 

Vài năm trở lại đây, nhắc tới Long “Đức” – tức tiến sĩ văn học người Đức Frank Gerke, tức Trịnh Công Long (người được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đặt thêm họ và tên đệm), giới văn nghệ sĩ hẳn không quên hình ảnh một “ông Tây” chính hiệu luôn đam mê nhạc Trịnh và những ai đã một lần chứng kiến Trịnh Công Long ôm đàn hát “Một cõi đi về”, “Hãy yêu nhau đi”, “Quỳnh hương”… đều không khỏi ngạc nhiên, ngỡ ngàng để rồi sau đó cũng bị niềm đam mê của anh cuốn đi, hoà cùng lời ca yêu thương, nồng nàn, không phân biệt tây hay là ta nữa…

 

Khi giải thích vì sao một người Đức chính gốc như anh lại vô cùng sành sỏi tiếng Việt và hiểu được sâu sắc ý nghĩa những ca từ của Trịnh Công Sơn, Frank Gerke cho biết: Từ thời thơ ấu, anh đã biết đến Việt Nam qua những thước phim truyền hình về cuộc chiến tranh tại đất nước này, sau đó được tiếp xúc với một số bạn học từ Việt Nam sang học tại Bonn và lần lượt theo học các chuyên ngành văn học Trung Quốc, Đông Nam Á, Xã hội học, Triết học và cả Việt Nam học do vậy vốn ngôn ngữ của anh về Việt Nam khá chắc.

Anh đã từng khiến nhiều người tham dự cuộc tọa đàm về nhà văn Nguyễn Quang Sáng sửng sốt khi thể hiện những suy nghĩ và phân tích sâu sắc, tinh tế và chính xác về các tác phẩm của ông. Riêng đối với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì Frank Gerke lại có những kỷ niệm không thể quên. Được một người bạn Việt Nam tặng một cuốn băng cassette “Sơn ca 7”, Frank Gerke đã nghe đi nghe lại nhiều lần vì thích thú, mặc dù hồi đó chưa hiểu nhiều về ca từ của bài hát, mà chỉ đơn giản là thích giai điệu. Sau này học được tiếng Việt, Frank Gerke càng thích cuốn băng này hơn. Anh rất muốn gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhưng chưa có cơ hội…

Lúc đến Việt Nam làm luận án tiến sĩ với đề tài: “So sánh văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc hiện đại”, Frank Gerke đã tìm tới Hội âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh để xin địa chỉ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Lần đầu tiên tới nhà nhạc sĩ họ Trịnh tại 47C Phạm Ngọc Thạch, Frank Gerke đã khoanh tay lễ phép “Chào bác!”. Trịnh Công Sơn và mọi người cười ầm lên khi thấy anh xưng hô như vậy. Anh Sơn vỗ vai Frank Gerke (lúc bấy giờ đang có tên Việt Nam là Long) nói: “Long gọi tôi bằng anh là được rồi. Gọi là bác, tôi thấy mình già lắm!”.


TS văn học Frank Gerke và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

 

Sau đấy, Frank Gerke thường xuyên có những buổi gặp gỡ, trò chuyện, trao đổi nhiều vấn đề văn học, âm nhạc, sáng tác với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những người bạn của ông như nhạc sĩ Bảo Phúc, Từ Huy, Thanh Tùng, Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập… Năm 1997, trong một lần đàm đạo với Trịnh Công Sơn, anh Sơn chợt nói với Frank Gerke: “Long là tên Việt Nam rồi nhưng chưa có họ và chữ lót bằng tiếng Việt, thì thôi em cứ lấy họ và chữ lót của anh nhé!”. Thế là Frank Gerke có tên Trịnh Công Long như hiện nay mọi người vẫn gọi.

Trong các buổi trò chuyện bên bàn trà hay trong các cuộc nhậu, Trịnh Công Sơn đã nói rất nhiều về những ca khúc, cảm xúc, tình cảm anh dành cho bạn bè, gia đình, xã hội và cả những người không quen biết. Trong các ca khúc của nhạc sĩ họ Trịnh luôn thể hiện tấm lòng bao dung, nhân hậu, đầy sẻ chia cho tất cả mọi người mà không loại trừ bất kể ai, bất kỳ thành phần nào, bởi anh Sơn luôn muốn các ca khúc của anh đến với mọi người như một món ăn tinh thần, như những bữa “rau quả” trong đời sống bình dân chứ không chỉ là “thịt cá”, tiệc tùng.

Đặc biệt khi hiểu được những ý nghĩa sâu xa mà vẫn gần gũi thân thương nhưng không kém phần mới lạ trong các ca từ của Trịnh Công Sơn như: “Người ngồi xuống xin mưa đầy/ Trên hai tay cơn đau dài/ Người nằm xuống nghe tiếng ru/ Cuộc đời có bao lâu mà hững hờ”, hay “Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ/ Dài tay em vẫy thu mắt xanh xao”… thì Trịnh Công Long càng say mê những sáng tác của nhạc sĩ họ Trịnh. Anh nói: “Mỗi khi buồn bã hay gặp chuyện gì không vui, không thuận lợi, tôi lại thường nhẩm trong đầu những lời hát trong các ca khúc của Trịnh Công Sơn như: Tôi ơi đừng tuyệt vọng, Ở trọ, và dường như nỗi buồn của tôi cũng bỗng nhiên tan biến”.

Bắt nguồn từ lòng ngưỡng mộ, say mê nhạc Trịnh, đã từ lâu Trịnh Công Long ấp ủ mong muốn được dịch các ca khúc của anh Sơn sang tiếng Đức. Từ năm 1996 đến năm 1998, Trịnh Công Long làm dự án tại Buôn Mê Thuộc. Những lúc rảnh rỗi Trịnh Công Long lại lấy các ca khúc của Trịnh Công Sơn ra mày mò tìm cách dịch. Có nhiều lần đang dịch nhưng không hiểu hết nghĩa của bài hát lại gọi điện cho anh Sơn để hỏi. Có ngày Trịnh Công Long phải gọi cho anh Sơn đến trên chục lần và bao giờ cũng là câu: “Em có câu này đang dịch nhưng không hiểu!” Thế là anh Sơn lại vui vẻ trả lời cho đến khi Trịnh Công Long hiểu được mới thôi. Trịnh Công Long cũng nhớ có một lần anh Sơn nói: “Long muốn hiểu những bài hát của mình, Long phải hiểu luôn cả thế giới riêng của mình nữa!”. Thế là Trịnh Công Long luôn quan tâm tới những gì Trịnh Công Sơn đang tâm huyết, suy nghĩ và từ đó anh cảm nhận được ở mỗi ca khúc của Trịnh Công Sơn những điều sâu sắc, ý nghĩa hơn.


Frank Gerke đang thể hiện các ca khúc của Trịnh Công Sơn

 

Trịnh Công Long rất thấu hiểu những gì Trịnh Công Sơn “thổi” vào ca khúc của mình. Đó chính là cách nhìn về đời sống, con người, xã hội được thể hiện rất chân thực và sinh động. Với Trịnh Công Long thì anh Sơn đã sáng tạo ra một thế giới ngôn ngữ riêng trên cơ sở tiếng Việt, sử dụng các từ ngữ một cách rất lạ. Chẳng hạn như anh Sơn viết: “Môi nào hãy còn thơm/ Cho ta phơi cuộc tình…” thì Trịnh Công Long nói: người ta chỉ phơi quần, phơi áo, phơi đồ vật chứ không ai phơi những tình cảm riêng tư. Còn riêng Trịnh Công Sơn là đem “phơi cuộc tình”. Rồi sau này Trịnh Công Sơn cũng viết “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…” thì rõ ràng sỏi đá là những vật vô tri, vô giác nhưng qua đó anh Sơn muốn nói đến một tình yêu mãnh liệt của mình.

Đến hôm nay, các ca từ của Trịnh Công Sơn đã được Trịnh Công Long dịch ra tiếng Đức khá nhiều và giới thiệu cùng giới sinh viên, bạn đọc ở Đức. Khán giả Đức đón nhận các tác phẩm của Trịnh Công Sơn rất nồng nhiệt, mặc dù ở một số ca khúc của Trịnh Công Sơn có những địa danh Việt Nam song khi dịch, Trịnh Công Long đã “biến” các địa danh ấy thành địa danh của Đức nhưng vẫn tạo được hiệu quả cao.

Đem nhận xét của nhiều người cho rằng: Nhạc Trịnh Công Sơn chỉ có Khánh Ly hát, nhưng với Frank Gerke (Trịnh Công Long) thì anh cho rằng: đây là một nhận xét chưa xác đáng, bởi mỗi người có một phong cách và những cảm thụ khác nhau. Khi bắt đầu nổi tiếng, Khánh Ly đã hát nhạc Trịnh Công Sơn nên khán giả đã rất quen thuộc với giọng hát nhạc Trịnh ấy. Thậm chí nhiều người còn không muốn chấp nhận ca sĩ nào khác hát nhạc Trịnh.

Tuy nhiên với nhận xét của Trịnh Công Long thì Khánh Ly hát nhạc Trịnh rất quyến rũ, dù chưa phải đã hay về mặt kỹ thuật song người nghe vẫn cảm nhận được trong giọng hát mộc mạc của cô những tình cảm say đắm, thấu hiểu mà người ca sĩ đã dành cho nhạc sĩ. Điều này cũng thật đúng khi chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng nói với Trịnh Công Long và nhiều người khác: “Ca sĩ nào hát và phối nhạc kiểu gì cũng được. Miễn là hiểu mình!”

 

NGÔ HUYỀN ANH

(Nguồn: Hồn Việt)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: