Chủ nhật, 22/12/2024,


Ngón đàn Vĩnh Bảo - Tiếng đời thiết tha (23/08/2010) 

Nhạc sư Vĩnh Bảo năm nay đã bước vào tuổi 93. Ông là người kỳ cựu nhất còn lại của đờn ca tài tử “nguyên gốc” Nam bộ. Hơn 75 năm chơi đàn, ông tiếp cận hơn 200 nhạc sư, nhạc sĩ, nghệ nhân ba miền Nam, Trung, Bắc với quan niệm “tri âm, tri điệu” thật phóng khoáng.

Ở con phố nhỏ hẹp đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh, ít ai ngờ vị nhạc sư khiêm tốn ấy đã từng nhận giải thưởng Đào Tấn năm 2005; được vinh danh tại hội nghị âm nhạc dân tộc nhạc học thế giới tại Honolulu, Mỹ năm 2006; và đầu năm 2009, ông vinh dự được Chính phủ Pháp tặng Huân chương Văn học nghệ thuật…

Giản dị, ân cần, đôi khi khá dí dỏm, nhạc sư Vĩnh Bảo luôn làm người tiếp xúc, trò chuyện hay ngay cả những người đến xin thọ giáo học nhạc với ông đều có cảm giác thú vị bất ngờ về tài đàn, về kiến thức uyên bác và biết nhiều ngoại ngữ của ông.

 

Nhạc sư Vĩnh Bảo đang hướng dẫn bản Tứ đại oán cho Alexander M.Cannon,

nhạc sĩ - nghiên cứu sinh Mỹ (Đại học Michigan). Ảnh: YÊN NGỌC

 

Vĩnh Bảo sớm có mặt trong làng âm nhạc Việt Nam. “Dấu ấn” của nghề nghiệp bắt đầu khi tiếng đàn của ông được thu đĩa Béka năm 1938 cùng tiếng hát của cô Ba Thiệt. Ông cũng là một trong những người sáng lập Trường Quốc gia âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (tiền thân Nhạc viện TPHCM) và tham gia giảng dạy, truyền bá âm nhạc truyền thống dân tộc tại đây khoảng 10 năm (1956 - 1966).

 

Năm 1970, một “dấu ấn mới” khi nhạc sư Vĩnh Bảo được Trường Đại học Illinois mời sang Mỹ tham gia giảng dạy bộ môn âm nhạc dân tộc Việt Nam, cùng GS-TS Trần Văn Khê và nhạc sĩ Phạm Duy.

Một điều thật thú vị, dù nhạc sư Vĩnh Bảo đã rời xa trường học hơn 40 năm trời nhưng khá nhiều “môn sinh” vẫn tìm đến xin “thọ giáo” ngón đàn của ông bằng cả tấm lòng ngưỡng mộ và yêu kính.

 

Ngoài lớp học trò trong nước, không ít người Việt ở nước ngoài tìm về cội nguồn dân tộc qua việc thường xuyên học nhạc trên phương tiện internet hoặc trở về nước xin học đàn trực tiếp với ông. Đây cũng là niềm hạnh phúc của một con người dành hết cuộc đời cho âm nhạc. Nhưng đối với nhạc sư Vĩnh Bảo, âm nhạc còn có một ý nghĩa thiêng liêng vì nó gắn liền với tâm hồn sâu lắng của con người.

 

Đàn là một cách tỏ bày tâm tư, tình cảm vui buồn, sự thăng hoa, nỗi đau khổ của nhạc sĩ về cuộc đời. Người nghệ sĩ chia sẻ mọi điều với đời nhưng suốt cuộc đời họ vẫn luôn đi tìm ý nghĩa vô cùng của nó. Có lẽ, điều này, nhạc sư Vĩnh Bảo đã được một “khách tri âm” đáp lại bằng một bài thơ qua lần ghé thăm căn gác nhỏ và được thưởng thức tiếng đàn của ông:


Kìm tranh mấy tiếng dạo qua,
Khi than thở, lúc vui hòa lứa đôi,
Tiếng kim, tiếng mộc, tiếng người,
Ngón đàn Vĩnh Bảo, tiếng đời thiết tha.

Bài thơ ấy là của nhà thơ Huy Cận, viết tặng nhạc sư Vĩnh Bảo ngày 29-5-1996.

Nhạc sư Vĩnh Bảo, một bậc thầy kiệt xuất về âm nhạc cổ truyền Nam bộ, nhất là lĩnh vực đờn ca tài tử. Nhưng điều đáng quý là ông sống giàu tình cảm và cũng rất đa cảm! Nhiều nhạc sinh yêu quý ông không chỉ vì tài đàn mà chính từ tấm chân tình của người thầy tài hoa, giản dị ấy.

 

Chúng tôi nhớ lại những hình ảnh thật cảm kích của Alexander M. Cannon, một nhạc sĩ Mỹ sang Việt Nam nghiên cứu âm nhạc Việt, đã bày tỏ tình cảm “tôn sư, trọng đạo” qua buổi tiệc sinh nhật nhỏ mừng nhạc sư Vĩnh Bảo ở IDECAF vào ngày 19-8 năm ngoái; nhớ nhiều email từ những người học trò của nhạc sư Vĩnh Bảo gửi đi liên tục kêu gọi thật cảm động, tha thiết mong mỏi đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Vũ Anh, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược TPHCM cứu chữa người thầy yêu kính thoát hiểm tình trạng xuất huyết não vào cuối tháng 3 vừa qua…

Và những người bạn, đồng nghiệp, cùng nhiều học trò yêu âm nhạc dân tộc luôn gọi nhạc sư Vĩnh Bảo là “quốc gia chi bảo”! 

 

 

KIM ỬNG

(Nguồn: Báo SGGP)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: