Chủ nhật, 22/12/2024,


Hành trình tìm mộ Hồ Quý Ly (Phần I) (18/08/2010) 

Hồ Quý Ly là vị vua đầu tiên của nhà Hồ, một nhân vật với những cải cách táo bạo hồi thế kỷ 14. Đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về ông, song điều mà tất cả đều rõ: Hồ Quý Ly là người dấn thân vào chính trường suốt hơn 30 năm và quyết liệt chống quân Minh xâm lược. Cuối đời ông bị giặc bắt giải về Trung Quốc và mất bên ấy, chưa rõ được chôn nơi nào...

 

Mộ ông ở đâu? Và mộ hàng nghìn người Việt Nam yêu nước, phải sống xa xứ và bị đày chết bên Trung Quốc cùng Hồ Quý Ly thời ấy nay đâu? Câu hỏi nhức nhối đó từng thôi thúc các nhà sử học và khảo cổ học ở nước ta để tâm tìm kiếm. Trong đó có giáo sư Trần Văn Giáp (đã mất) và nhà khảo cổ học lão thành Đỗ Đình Truật (nay đã 80 tuổi, hiện sống tại TP.HCM).

 

Từ những giấc mộng lạ...

 

Hai vị (Trần Văn Giáp và Đỗ Đình Truật - NV) đã gặp nhau tại Quảng Tây (Trung Quốc) vào cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, cùng đi tìm dấu vết của mộ Hồ Quý Ly và tìm hiểu về đời sống của hậu duệ họ Hồ tại đó sau cuộc lưu đày. Vì theo sử liệu của nhà Minh, Hồ Quý Ly đã mất tại Quảng Tây (cùng một số thân thuộc họ Hồ). Lúc gặp nhau để cùng tìm đến các địa điểm nghi vấn có mộ Hồ Quý Ly và con cháu họ Hồ thì giáo sư Trần Văn Giáp đã là một nhà nghiên cứu sử học, ngôn ngữ học và dân tộc học nổi tiếng ở Việt Nam, tuổi đã hơn 60 (sinh năm 1898). Còn nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật 30 tuổi, được cử sang du học ở Trung Quốc. Họ đi khắp các địa phương, đến cả Dinh tổng đốc Lưỡng Quảng, tìm hiểu tàng thư cổ của Việt Nam ở Côn Minh - Vân Nam, xem xét nghiên cứu kỹ các tài liệu, các bản đồ sưu tập được. Công việc có thuận lợi vì lúc bấy giờ giáo sư Trần Văn Giáp đang làm việc tại các thư viện lớn ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quế Lâm, nhất là vùng Quảng Tây...

 

Nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật trên đường đi

tìm mộ Hồ Quý Ly - Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

... Một vài năm trước khi giặc Minh đem quân xâm lược nước ta (1406), Hồ Quý Ly đã lo tính việc tổ chức phòng vệ khá chu đáo, gấp rút đào sông, đắp thành, xây dựng lại quân đội (...) nhưng cuối cùng thất bại. Ba cha con ông (gồm Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng, Hồ Hán Thương) bị giặc bắt. Trừ Hồ Nguyên Trừng được chúng trọng dụng, Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương cuối cùng đều bị hãm hại. Có thuyết nói vua Minh giả vờ cho đi làm quan rồi sai người ám sát trên đường đi. Thuyết khác nói Hồ Quý Ly không bị giết nhưng bị bắt lưu đày ở Quảng Tây, phải làm lính (và chết ở đó, chưa biết mồ mả nơi đâu)...

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi

 

Dựa trên tài liệu truy cứu từ các thư viện trên, hai ông Trần Văn Giáp và Đỗ Đình Truật đã đến tận những nơi cần thiết để dò xem dấu vết mộ Hồ Quý Ly cùng những người Việt bị lưu đày và chết chôn ở đó. Nhưng cuối cùng, hai ông có được kết luận bất ngờ (khác với những khẳng định trước kia) rằng: thông tin Hồ Quý Ly cùng các bộ tướng, thân quyến bị bắt đày đi lính và mất ở Quảng Tây là không đúng! Vậy thì mộ Hồ Quý Ly ở đâu?

 

Hai vị lại tiếp tục nghiên cứu tìm kiếm. Đến năm 1962, ông Đỗ Đình Truật phải về nước để chuẩn bị tham gia cuộc khai quật lớn đầu tiên tại Việt Nam (và phát hiện những hóa thạch trên vùng Lạng Sơn). Những năm sau đó, mặc dù tất bật, ông vẫn cất công tổng hợp tất cả các tài liệu về Hồ Quý Ly trên đất Trung Quốc, trao đổi và  hỏi ý kiến giáo sư Trần Văn Giáp để chọn lọc tài liệu, đối chiếu các bản đồ có trong tay ở nhiều vùng mộ chí của các dân lưu đày trên đất khách. Ông vào Thanh Hóa, về thành Tây Giai - thành nhà Hồ, ráp nối các điểm có thể liên quan đến dấu vết của con cháu nhà Hồ còn sót lại, như Hồ Quý Công - cháu Hồ Quý Ly - trốn thoát vào đất Quảng Ngãi và có miếu thờ ở tỉnh Quảng Nam. Ông đến Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) tìm hiểu, ghi chép những nội dung cần thiết trên di mộ của võ tướng Đỗ Đình Hầu, người có công với nhà Hồ trong công cuộc chinh phạt quân Chiêm Thành (Chiêm Thành lúc ấy âm thầm cấu kết với nhà Minh để tạo thế gọng kìm âm mưu vây bức đất Việt). Sau ngày giáo sư Trần Văn Giáp qua đời năm 1973, ông Đỗ Đình Truật dần dần tìm thấy ánh sáng le lói qua các dấu vết và thông tin sử học từ nhiều nhà nghiên cứu có uy tín khác. Trong các thông tin đó, ông “chấm dấu đỏ” vào một địa danh đáng chú ý nhất trên đường tìm kiếm: núi Lão Hổ Sơn nằm trên địa bàn thôn Kim Lăng, thuộc thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô. Theo ông đoán định, đó là nơi có mộ của Hồ Quý Ly và gia tộc họ Hồ sau cơn quốc nạn.

 

Từ đó, ông mong sao đến tận Nam Kinh tham cứu thực địa. Nhưng mãi sau năm 1975, lúc đã vào Nam để tiến hành các cuộc khai quật khảo cổ học mới, ông vẫn chưa có cơ hội thực hiện. Đến đầu thập niên 1990, ông được cộng tác với nhiều người cùng chung chí hướng tại TP.HCM, nên dự định đi tìm lăng mộ họ Hồ bên Trung Quốc lại sống dậy mãnh liệt. Nhất là, như ông nói: “Suốt mấy đêm liền tôi không ngủ được, hình như có sức mạnh siêu hình hối thúc tôi lên đường. Tôi linh tính cơ hội đang đến gần. Hễ chớp mắt ngủ được một lát thì có ai đó lay thức dậy, bắt tôi tưởng tượng về một chuyến đi tìm mộ mà tôi chưa đủ điều kiện để sắp đặt. Không ngủ được, tôi lại ngồi dậy lôi tấm bản đồ đã cũ rách vì xem quá nhiều lần ra xem đi xem lại mấy lần nữa, để mắt đến khu vực thành phố Nam Kinh thuộc tỉnh Giang Tô trên bản đồ. Đó là nơi giam giữ tù binh gồm những người Việt Nam yêu nước chống quân Minh xâm lược thuở nào. Tôi nhủ thầm đâu là núi Lão Hổ Sơn, đâu là thôn Kim Lăng, nơi chôn những nắm xương tàn của người Việt bị đày sang và có thể là nơi hoàng đế Hồ Quý Ly an nghỉ. Tôi lại tự hỏi suốt 600 năm qua, những linh hồn xa quê lạc xứ ấy phải chịu cảnh mồ hoang cỏ rậm, ai là người lo hương khói cho họ? Lòng tôi quặn đau cùng cảnh ấy và tôi thề rằng quyết làm sáng tỏ sự việc mặc cho hậu thế hiểu họ sao thì hiểu...”.

 

Không lâu sau những đêm có giấc mơ lặp đi lặp lại về cuộc gặp gỡ với những người lạ mặt, mà nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật đoán là các linh hồn viễn xứ, thì ông có được cơ hội để bay đến tận thành phố Nam Kinh vào năm 2004.

 

...Đến vùng mộ táng Lão Hổ Sơn 

 

Cách thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) khoảng 20 cây số có một vùng núi âm u, vắng vẻ với các bãi tha ma chập chùng trong cỏ dại, đã trải nhiều thế kỷ mộ táng - đó là vùng Lão Hổ Sơn - nơi nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật và những cộng sự của ông đoán định có mộ cổ của vua Hồ Quý Ly.

 

Nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật (giữa) tiếp chuyện các

nhà du khảo Trung Quốc tại Nam Kinh - Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

Đến nay ông Đỗ Đình Truật cùng tất cả cộng sự vẫn còn nguyên những thao thức chưa nguôi vì tuy đến được nơi đó cách đây 6 năm (vào 2004) nhưng do vướng một số trở ngại, khúc mắc, nên việc khai quật và tìm kiếm vẫn chưa thực hiện thích đáng và rốt ráo được. Về việc này, nhà khảo cổ học lão thành Đỗ Đình Truật thay mặt mọi người cùng chung sức trong việc tìm kiếm mộ Hồ Quý Ly tại Trung Quốc đã nói với phóng viên Báo Thanh Niên trong cuộc tiếp xúc gần đây nhất, vào ngày 9.8.2010, như sau:

- Tôi đặt chân đến TP Nam Kinh vào một buổi sớm mùa thu. Thành phố này có lịch sử tạo lập ngót 2.400 năm qua, nghĩa là bắt đầu từ năm 333 trước Công nguyên khi nước Sở đã thôn tính xong nước Việt và vua Sở bấy giờ là Sở Uy Vương ra lệnh xây thành Kim Lăng trên đất Nam Kinh ngày nay. Rồi trải các đời Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần, Nam Đường, cho đến đời Minh có hết thảy 8 vương triều lấy Nam Kinh làm kinh đô. Kinh đô này có nhiều truyền thuyết đầy chất thơ về một loại đá hiếm có tên là đá Vũ Hoa. Đây là loại đá “đặc sản” của vùng Nam Kinh cổ kính. Người ta kể rằng, xưa kia lâu lắm rồi, có một dạo hoa từ đâu trên trời không biết đã rơi xuống như mưa trên vùng đất Nam Kinh. Những nơi có mưa hoa thì đất ở đó cứng lại thành đá, rất đẹp, trên đá in hẳn hình các bông hoa rơi thân vào đó. Loại đá ấy đã được vua đầu nhà Minh là Chu Nguyên Chương lấy xây thành quách Nam Kinh với quy mô lớn, đến nay tường thành bằng đá của thời Minh vẫn còn khoảng 20 km và trở thành di tích hiếm quý của Trung Quốc. Chính đá Vũ Hoa ấy cũng có mặt ở lãnh địa Lão Hổ Sơn quanh những ngôi mộ im lìm bí ẩn mà tôi cho là mộ của con cháu họ Hồ bị quân Minh bắt từ nước Việt giải về Nam Kinh thời trước. Nhất là dưới lòng đất đồi Lão Hổ Sơn có thể còn ôm ấp tro tàn của vị vua Hồ Quý Ly từng chống quân Minh xâm lược vào ngót 600 năm trước. Trên chuyến tàu đến TP Nam Kinh vào ban đêm tôi có thời giờ hỏi thăm cô gái đã đón tôi ở nhà ga Bắc Kinh và được biết tên cô là Hồ Thị Thu Vân, sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Bắc Kinh. Sở dĩ cô biết tôi đến Bắc Kinh tìm mộ Hồ Quý Ly là do gia đình cô ở Việt Nam thông báo trước, vì thế cô sẵn sàng làm người tình nguyện dẫn đường cho tôi suốt chuyến đi đặc biệt này...

 

Ông Đỗ Đình Truật cho biết đang viết hồi ức về những năm tháng lần theo dấu vết mộ cổ Hồ Quý Ly và hậu duệ họ Hồ bị lưu đày trên đất Trung Quốc. Chúng tôi hỏi mượn để xem tập tài liệu (chưa xuất bản) ấy của ông. Ông đã vui vẻ đưa ra và đồng ý để chúng tôi trích dẫn các phần liên quan như dưới đây: “Ngoài cô sinh viên Thu Vân, trên chuyến tàu đêm đến TP Nam Kinh, còn có một người khác không quen biết gì chúng tôi nhưng sau khi biết tôi là người Việt Nam sang Trung Quốc tìm mồ mả của cha ông đi làm ăn và chết ở bên này mấy trăm năm về trước, anh ta tỏ ra rất cảm động và cũng tình nguyện dẫn đường cho chúng tôi. Hỏi ra, rất tình cờ, anh ta cũng là người họ Hồ sinh sống ở Giang Tô, anh nói vanh vách về dòng họ Hồ của một số người VN lưu lạc từ rất lâu đời ở tỉnh này. Xuống tàu, chúng tôi đến đồn công an địa phương, sau khi nghe trình bày mục đích đi tìm kiếm người thân đã mất ở đây từ lâu đời, họ đã vặn hỏi kỹ càng, mới cho biết ở nguồn ngọn núi Lão Hổ Sơn, thôn Kim Lăng xưa, hiện còn lại một bãi tha ma hình như của người Việt chết chôn ở đó mấy trăm năm rồi. Nghe vậy, cô Thu Vân rất hoạt bát, thông minh, đã tiếp chuyện họ bằng tiếng thổ ngữ tỉnh Giang Tô, một cách trôi chảy không vấp váp một tí nào, làm cho họ nhanh chóng hiểu ra sự việc, lấy làm cảm động tỏ ý muốn giúp đỡ chúng tôi. Thật vậy, sau đó họ cử một sĩ quan công an cấp bậc đại úy, với chiếc xe cảnh sát dẫn đường phía trước đưa chúng tôi đi, rời trung tâm TP Nam Kinh để chạy ngoằn ngoèo độ hai tiếng đồng hồ sau mới đến một nơi vắng người, bấy giờ một đồng chí cảnh sát nói: “Đây là khu vực núi Lão Hổ Sơn - thôn Kim Lăng ngày xưa đấy”. Chúng tôi bồi hồi leo lên những ngọn đồi heo hút, đầy mồ mả vô chủ nằm ven những con đường mòn cỏ rậm, lấp gần như hết lối đi. Nửa chừng, bất giác tôi bị choáng trong giây lát và vấp ngã vào một ngọn cây nhọn hoắt bên đường, tưởng đã bị thương nặng - ấy thế mà tôi không có việc gì. Mọi người thở phào nhìn tôi qua keo nguy hiểm. Rồi đó, chúng tôi thấy núi Lão Hổ Sơn hiện ra trước mắt - nửa ảo nửa thật như một phần trong hiện tại - và phần kia đã chìm sâu vào quá khứ mịt mờ - với hàng trăm hàng ngàn người VN yêu nước đã gửi nắm xương tàn đó đây trên đất khách chứ có riêng gì Hồ Quý Ly đâu... Nghĩ thế mà tôi choáng”.

Nguyễn Trãi - từng làm quan dưới triều Hồ - đã tiễn cha mình là Nguyễn Phi Khanh cùng đoàn người (vua Hồ Quý Ly cùng các con và nhiều bộ tướng) bị giặc bắt giải về đất Bắc. Đến ải Nam Quan, ông nghe lời khuyên của cha trở về lo việc trả nợ nước, báo thù nhà. Về sau có lần đi qua cửa biển Thần Phù, Nguyễn Trãi đã chạnh lòng tưởng nhớ đến Hồ Quý Ly - con người đã một thời oanh liệt, từng bố phòng chống giặc nơi đây - nên làm bài thơ Quan hải có câu:

Họa phúc hữu môi phi nhất nhật
Anh hùng di hận kỷ thiên niên

(Nghĩa là: Họa phúc có manh mối không phải từ một ngày. Người anh hùng thì để hận tới mấy nghìn năm sau).

Nguyễn Anh (Danh nhân đất Việt)

Đọc tới đó, chúng tôi hỏi ông cụ thể hơn về những người yêu nước bị quân Minh bắt mà ông đang có tài liệu tổng hợp đầy đủ trong tay. Ông đáp, khi cuộc kháng chiến chống quân Minh thất bại vào giữa năm 1407, thì theo Đại Việt sử ký toàn thư, tướng nhà Minh là Trương Phụ và Mộc Thạnh đã sai đô đốc Liễu Thăng và các tướng bắt Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương, Hồ Nguyên Trừng, cùng các con là Triết, Uông, các cháu là Nhuế, Lô, Phạm, cháu nhỏ là Ngũ Lang, em là Quý Tỳ, cháu gọi bằng bác là Nguyên Cửu, Tử Tuynh, Thúc Hoa, Bá Tuấn, Đình Việp, Đình Hoãn, cùng các tướng nhà Hồ là Hồ Đỗ, Nguyễn Ngạn Quang, Lê Cảnh Kỳ, Đoàn Bồng, đình bá Trần Thang Mông, trung lang Phạm Lục Tài, mang theo ấn tín giải tất cả về Kim Lăng, tức Nam Kinh. Quân Minh xâm lược đã thu đất của 48 phủ và châu, 168 huyện, 3.129.500 hộ, 112 con voi, 420 con ngựa, 35.750 con trâu bò, 8.865 chiếc thuyền. Những con số đó là do người Minh thống kê, đau xót hơn quân Minh đã mang rất nhiều sách vở ở nước ta đem về Trung Quốc, cuốn nào không đem về được thì đốt bỏ. Không dừng ở đó, theo tài liệu của Quỳnh Chi, sau khi bắt Hồ Quý Ly về giam ở Nam Kinh, nhà Minh còn ra sức vơ vét nhân tài vật lực và đã đưa về Trung Quốc hơn 16.000 người bao gồm các nhân sĩ, trí thức, những người thợ giỏi và gia quyến của họ. Sau này, số người ấy bị phân tán đi xây thành Bắc Kinh, một số chết tuyệt tích - trong đó có Hồ Quý Ly.

(còn tiếp)…

 

Giao Hưởng

(Nguồn: Báo Thanh Niên)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: