Cả tuổi thanh xuân cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, khi về già là nơi nương tựa cho cả trăm đứa trẻ tật nguyền, côi cút. Cuộc đời bà cho đi nhiều nhưng chẳng đòi hỏi điều gì, có chăng chỉ là thèm được nghe tiếng cười đùa của lũ trẻ từ mái ấm Thiện Duyên sau bao năm được bà cưu mang, đùm bọc. Bà là Trần Thị Cẩm Giang, 72 tuổi, ở ấp Phú Hòa, xã Phú Hòa Đông, Củ Chi, được mọi người trìu mến gọi “má Mười”.
TRÁI TIM SON SẮT
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, 14 tuổi Trần Thị Cẩm Giang đã tham gia Đội Thanh vận huyện Củ Chi, rất gan dạ và nhanh nhẹn. Trong nhiều lần vận chuyển tin tức, lương thực cho bộ đội, bị địch truy bắt ráo riết nhưng Cẩm Giang đều nhanh trí thoát khỏi vòng vây. Năm 1967, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, cô được chuyển qua hoạt động ở Hoa vận đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn - Gia Định. Chiến tranh cực khổ, thân gái dặm trường nhưng Cẩm Giang chẳng nề hà, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Cảm kích tấm lòng kiên trung ấy, anh Phan Văn Pha - chiến sĩ biệt động thành Sài Gòn - Gia Định nổi tiếng lúc bấy giờ đã đem lòng thương mến. Trong lửa đạn tơi bời, tình yêu lứa đôi vẫn son sắt. Năm 1968, hai chiến sĩ biệt động Sài Gòn nên duyên vợ chồng trong niềm hạnh phúc, chung vui của đồng đội.
Do hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt, đứa con gái đầu lòng của Cẩm Giang không may bị bệnh rồi qua đời trong rừng. Ngày 12-8-1973, đang làm nhiệm vụ do có kẻ gian chỉ điểm, cô bị địch bắt. Mua chuộc, dụ dỗ không được, kẻ thù dùng nhục hình tra khảo dã man như thời trung cổ nhưng không khuất phục được người chiến sĩ biệt động gan lì, dũng cảm.
Từ nhà tù Tổng nha, địch đưa Cẩm Giang sang nhà lao Gia Định với âm mưu đưa đày biệt tích ngoài Côn Đảo. Nhưng may mắn thay, dã tâm của chúng chưa kịp thực hiện thì đất nước được giải phóng, cô và các chiến sĩ cộng sản được đồng đội giải thoát khỏi gông cùm. Má Mười rưng rưng nước mắt: “Lúc đó ai cũng vui mừng đến phát khóc, má và bao người như được sống lại. Mỹ ngụy cút rồi dân ta mới sung sướng được”.
Đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, người nữ chiến sĩ biệt động lại cùng chồng trở về cuộc sống đời thường xây dựng quê hương đất nước. Trần Thị Cẩm Giang được Chủ tịch nước trao tặng huân chương kháng chiến hạng nhất, giữ chức vụ phó chủ tịch phường 23, quận Tân Bình, rồi cán bộ hội phụ nữ quận một thời gian. Với thương tật 34% vĩnh viễn, má Mười được Nhà nước cho nghỉ ngơi sớm.
MẸ HIỀN NƠI ĐẤT THÉP
Chiến tranh qua đi nhưng nỗi đau còn đọng lại. Hình ảnh những trẻ thơ dị dạng, queo quắt vì chất độc dioxin, đứa mất cha mẹ lang thang đầu đường cuối phố, bao mảnh đời già yếu không nơi nương tựa... luôn ám ảnh trong tiềm thức má Mười. Khi người chồng, người chiến sĩ cùng chiến tuyến một thời qua đời, má bán đất ở quận Tân Bình trở về quê chồng ở Củ Chi bắt đầu công việc bấy lâu nay ấp ủ. “Nhà nước còn nhiều khó khăn, chưa nuôi hết được thì mình phải phụ một tay. Má chỉ mong sắp nhỏ được ăn no, mặc ấm, được đi học là vui lắm rồi” – má Mười bộc bạch.
Má Mười (bên phải) cùng người bạn “đồng nghiệp”
và các em nhỏ ở mái ấm Thiện Duyên
Lúc đầu, với đồng lương ít ỏi má chỉ nhận nuôi dăm em, nhưng rồi nhiều người biết nên đem tới “gởi” má. Có trường hợp cha mẹ đều qua đời vì bệnh tật, không có người thân thích, hàng xóm đưa đến nhờ má Mười nuôi giùm, hay những cô gái trẻ lầm lỡ, không muốn gia đình biết chuyện nên khi vừa sinh con cũng về nơi đây trông cậy. Nhưng tội nghiệp nhất là mấy đứa nhỏ dị tật bị cha mẹ nhẫn tâm “chối từ” vứt trước cổng cơ sở. Má kể: “Một hôm má mới ngủ dậy, ra mở cổng thấy một cái bọc treo trên tường, tò mò mở ra phát hiện một hình hài đỏ hỏn bị kiến, gián bu đầy. Má và mọi người hốt hoảng đưa vào viện cấp cứu, giờ nó đã ba tuổi, rất khỏe mạnh”.
Cơ sở ngày càng đông lên nhưng nguồn thu nhập thì không, má đành phải bán nhà, bán đất, vay mượn bạn bè khắp nơi lo cho các con. Mái ấm Thiện Duyên hiện có 124 em, trong đó 73 em bại não. Nuôi những đứa trẻ bình thường đã khó, nuôi các em tật nguyền lại càng khó gấp bội phần. Mọi công việc ăn uống, vệ sinh, giặt giũ cho các em đều do má Mười và những người bảo mẫu đảm nhiệm.
Muốn làm từ thiện phải có cái tâm, nhưng cũng phải có tiền. Đồng lương ít ỏi không đủ trang trải nên phải mướn người bày cách nuôi dế, tắc kè, làm bánh và may vá, thuê thùa lấy kinh phí lo cho cơ sở. Năm 2008, các em ở cơ sở Thiện Duyên đã lập kỷ lục với “chiếc bình bằng nút áo lớn nhất Việt Nam” và nhận thư khen của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Mỗi năm trang trại dế đem về nguồn thu hơn 100 triệu đồng, bà con nào muốn nuôi dế, trồng nấm, má Mười đều sẵn sàng giúp đỡ. Đến nay đã có gần 10 hộ học cách nuôi dế hiệu quả từ mái ấm Thiện Duyên.
Ở tuổi 72, đôi lúc má nhầm lẫn tên gọi từng đứa con, nhưng nhìn má vẫn khỏe mạnh, hoạt bát như người lính. Đến giờ người nữ biệt động năm nào vẫn giữ nếp sống giản dị, chân chất như thuở còn hoạt động nằm vùng. Bộ quần áo sờn màu, đôi dép cũ mòn, bữa cơm vài con cá lòng tong. Tình yêu thương má Mười dành cho các em nhỏ ở mái ấm Thiện Duyên như biển hồ lai láng.
TRIỀU DƯƠNG
(Nguồn: