Chủ nhật, 22/12/2024,


Người ca sĩ mang quân hàm đại tá (13/08/2010) 

Căn phòng nhỏ đầy ắp… nhạc là nhạc. Cây đàn piano bóng loáng màu thời gian. Những bức ảnh treo la liệt trên tường, trên giá sách, trên nóc đàn… Những tưởng cái không gian cũ kỹ kia sẽ rất hợp với tính cách mà chủ nhân của nó đang ở. Tôi đã nhầm. Dù mái tóc đã ngả màu nhưng trông ông vẫn trẻ hơn nhiều so với tuổi 60 của mình. Ông vẫn dạy, vẫn đi hát và vẫn “vui”… đều đều. Chỉ cho tôi xem thùng rượu Vốtka chỉ còn vơi nửa, ông cười: “Dường như ông Trời thương nên ban cho tớ cái cổ họng bằng…inox!”. Tôi chợt ngẫm ra, từ trước đến giờ, bạn bè nghệ sĩ, giới báo chí yêu mến đặt cho ông cái biệt danh “Trưởng ban vui vẻ” quả là không sai…

 

Cách đây đã khá lâu, tôi có đọc một bài báo nói về niềm đam mê thứ hai của ông- thú chơi xe ô tô cổ. Hôm nay, được ngồi hầu chuyện ông tôi mới thấy ca hát và chơi xe cổ có lẽ là hai niềm đam mê song hành trong cuộc đời ông. Nói đến hai chữ ô tô, mắt ông sáng lên. Ông kể rất hăng cho tôi nghe các dòng xe, hãng xe, những chuyện vui buồn và số phận về những chiếc xe của ông. Tôi hỏi, trong đời ông đã xài bao nhiêu con xe rồi? Ông ráo hoảnh, cho đến thời điểm đang ngồi với cậu đây, tớ đã thay tới… 17 đời xe rồi đấy! Nghe xong mà tôi bái phục cho cái thú “máu mê” của ông.

 

Lại nữa, biết tôi ở Hải Phòng mới lên ông bảo, nhớ Hải Phòng lắm! Tại sao? Tôi cắc cớ hỏi lại. Ông bảo ngay, vì Hải Phòng có Bộ Tư lệnh Hải quân- Tớ là dân Hải quân thứ thiệt đấy! Và còn nữa, mối tình đầu của tớ cũng ở Hải Phòng. Bị tôi bắt đúng mạch, ông say sưa kể, cô ấy cũng là ca sĩ. Tớ và cô ấy yêu nhau tha thiết lắm, lãng mạn lắm. Thử hỏi có ai mà cứ ngày  thứ bảy là tớ lại cưỡi chiếc xe máy cà tàng từ Hà Nội về Hải Phòng thăm nàng! Yêu nhau được hơn hai năm thì hai người tự nguyện chia tay vì điều kiện xa xôi cách trở quá. Nhưng dù sao, Hải Phòng vẫn để lại cho ông rất nhiều kỷ niệm mặc cho đến khi đậu lại với tổ ấm bây giờ, ông đã trải qua rất nhiều mối tình to nhỏ!

 

Ông bảo, ơn trời cho ông được cái sự học. Học nhiều, đi nhiều nên bây giờ ông cũng tạm hài lòng với những gì mà cuộc đời đã ban cho ông. Tốt nghiệp trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi năm 1965 ở Quế Lâm (Trung Quốc), ông về nước nhập ngũ vào trường Quân chính Quân khu Tả Ngạn ở Hải Phòng. Sau đó ông được điều về Bộ Tư lệnh Hải quân, Lữ đoàn 171, tàu T185 với chức danh pháo thủ. Tàu T185 cùng biên đội tàu của Lữ đoàn 171 làm nhiệm vụ trực bảo vệ cầu Long Biên trong những tháng năm giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Trên mâm pháo canh trời, ông vẫn tranh thủ ôn bài và đã thi đỗ vào trường Đại học Kỹ thuật Quân sự khóa đầu tiên. Sau 5 năm học, tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư chế tạo máy loại giỏi (và niềm đam mê xe cộ bắt đầu từ đây), ông lại thi đỗ Nhạc viện Hà Nội. Có lẽ ông là trường hợp đặc biệt bởi thi vào thẳng bậc đại học thanh nhạc, không phải qua hệ trung cấp thanh nhạc như thông thường. Ông lại miệt mài học, miệt mài hát trong suốt 5 năm (1975- 1980). Tốt nghiệp Nhạc viện, ông về gắn bó với ngôi trường Văn hóa nghệ thuật Quân đội cho đến nay. Lúc mới ra trường, có nhiều đoàn nghệ thuật xin ông về nhưng ông đều từ chối. Ông chỉ muốn được làm công tác giảng dạy và đi hát mà thôi. Gần 30 năm đứng trên bục giảng, từ một giảng viên, chủ nhiệm khoa thanh nhạc cho đến lúc nghỉ hưu ông đã là đại tá, Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, đã từng chứng kiến mọi thăng trầm của ngôi trường này. Nhiều người vẫn tự hào rằng, cho đến nay chỉ có ông và NSND Tường Vi là hai ca sĩ mang hàm đại tá. Cùng lứa với ông, hiện có năm người đều đã thành danh là Quang Thọ, Quang Huy, Doãn Tần, Hoàng Chè và ông. Đó là những giọng ca đã vượt qua thời gian và luôn in sâu trong lòng khán giả. Biết bao lứa học sinh qua tay ông nhào nặn và đã tỏa sáng như Hà Thủy, Rơ Chăm Pheng… đến lứa đàn em đàn cháu sau này như KaSim Hoàng Vũ, Quang Hào, Khánh Hòa… Hầu hết các ca sĩ của các đoàn nghệ thuật Quân đội đều là học sinh của ông.

 

    

      NSƯT Dương Minh Đức đang dạy thanh nhạc cho sinh viên

 

Còn những giải thưởng? Tôi hỏi. Ông bảo, nhiều lắm, chỉ nhớ được 3 cái mốc cơ bản là HCV Hội diễn Toàn quân năm 1974, HCV Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc năm 1979 và giải Ba “Hoa cẩm chướng đỏ” tại Liên Xô năm 1981. Chỉ thế thôi là đủ!

 

Tôi lại bị “choáng” khi ông “dội” cho một câu chuyện nữa. Đó là khi cùng đoàn đi biểu diễn ở khắp các đảo nổi đảo chìm ở Trường Sa, ông đã lập kỷ lục hát đến... 70 bài có lẻ. Ông lý giải cho cái “sự” hát của mình: Giọng mình là giọng Tenor (nam cao) rất khỏe, hầu hết anh em ngoài đảo đều biết tên tuổi mình nên đi đến đảo nào cũng “bị” yêu cầu hát. Mà phải hát bài nào có địa danh của quê hương của từng chiến sĩ. Tại mình thuộc diện “bài nào cũng thuộc” nên thành thử “ai trồng khoai đất này”. Vậy là, với cây đàn ghi ta trên tay, tớ cứ hát và hát không nghỉ. Như đã nói rồi, ơn trời giọng càng hát càng vang, không hề hấn gì cả. Một số anh em trong đoàn phải phát ghen vì tại mình được… hát nhiều. Đó là kỷ niệm đáng nhớ của mình trong lần ra với Trường Sa.

 

Nghỉ hưu, theo ông quan niệm, đó là chỉ nghỉ công tác quản lý. Còn việc dạy học thì “đó là một nghề thật cao quý, là ước mơ mà tớ luôn tâm đắc và suốt đời đeo đuổi!”. Ông bảo, nếu có điều kiện được đi biểu diễn phục vụ bộ đội tại các vùng biển đảo, tớ xin đi ngay bởi biển đảo đã cho mình quá nhiều kỷ niệm. Hải quân là máu thịt của tớ cơ mà!

 

Ngày ngày, tôi vẫn thấy một ông già trông rất tráng kiện, vui vẻ lái chiếc xe ô tô cổ lỗ sĩ vào cổng trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Ông là đại tá, NSƯT Dương Minh Đức.

 

 

Lê Mạnh Thường

ĐC: Đằng Giang- Ngô Quyền- Hải Phòng

ĐT: 0974.420698 - Email: manhthuongle@yahoo.com.vn

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Phạm Thanh Cải - phamthanhcai@gmail.com - 01696306682 - Chợ Mơ - Hai Bà Trưng - Hà Nội  (Ngày 14/08/2010 07:23:29 AM)

                                    Một lời chào thuỷ thủ

Chào anh Dương Minh Đức, người anh, người bạn đồng môn (khoá 4 -7)Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự, những năm còn chiến tranh đi sơ tán , cùng tham gia nội dung thơ - ca trong nhiều Hội diễn Văn nghệ cách đây 35 - 40 năm của Trường, cùng là Lính thuỷ của Quân chủng Hải quân... Vẫn nhớ những lần anh hát vo không cần amply ở khu 125, giọng anh thật vang, mọi người ở sân trường xa mấy trăm mét vẫn nghe thấy.
       Kính chúc anh mạnh khoẻ và hát khoẻ, một người ca sĩ duy nhất đơn ca với dàn kèn đồng với những khúc quân hành hùng tráng, một cựu cầu thủ bóng đá của Trường ĐH KTQS chúng ta.

                                     4// Phạm Thanh Cải

Các bài khác: