Thứ sáu, 26/04/2024,


Quà quê (14/09/2008) 

     Quê tôi trước 1945 là một vùng quê nghèo. Vài trăm nóc tranh tre bạc phếch, cùn mòn ẩn mình bên con đê sông Hồng. Quê nghèo sinh ra những tên làng cũng mộc mạc, lam lũ: làng Tè, làng Cốc, làng Lở, chợ Gò...

 

 

Chợ Gò một tháng sáu phiên

Có cô hàng xén kết duyên chợ Gò

 

     Mẹ tôi không là cô hàng xén. Nhưng làng tôi có nghề kéo mía, nấu mật. Phiên chợ nào mẹ cũng gánh mật đi chợ Gò bán. Thỉnh thoảng mẹ cũng cho tôi đi theo. Đến chợ, mẹ ngồi bán mật dưới gốc đa cổ thụ. Còn tôi chồm hổm bên cạnh, tay cầm nắm bỏng rang, to hó mắt nhìn chăm chắm đôi tay ông lão nặn tò he. Dưới những ngóc tay gầy vê vuốt thần tình, những cục bột đủ màu như có phép biến đổi kỳ ảo: Này chú tiểu đồng xinh xắn, này cô thôn nữ váy dài lướt thướt, khăn vuông mỏ quạ che mặt cười duyên, này ông tiến sĩ mũ áo xênh xang...

     Có những hôm đắt hàng, mẹ dúi cho tôi hẳn một đồng hai xu sáng loáng: "Này con vào hàng bà Mùi mà ăn cháo cá. Đi đi, mẹ còn phải trông hàng". Tôi tần ngần rồi miễn cưỡng quay đi mà vẫn tiếc rẻ: Cháo cá ngon thế, sao mẹ không ăn? Ngày ấy tôi bé dại đâu biết, mẹ không ăn vì bốn xu là nửa đấu ngô cho bữa cơm độn buổi chiều cho cả nhà.

     Đồng hai xu nắm chặt trong tay, tôi rụt rè bước vào quán cháo đơn sơ, chỉ bốn đòn tre đực cao quá đầu người chôn bốn góc miếng đất hẹp vừa một chiếc chiếu đôi, nóc lều được che bằng những phên tranh ghép bằng những lá mía khô, còn tứ phía chẳng có gì che chắn ngoại trừ ba ông đầu rau nhọ nhem ở góc lều đang lom đom ngọn lửa giữ cho nồi cháo cá liu riu sôi bởi những gốc tre ngâm rất đượm lửa. Vừa ngồi xuống chiếc đòn tre, cái mùi cháo cá dăm hành thơm ngào ngạt đã vây bọc quanh tôi. Bà Mùi giơ tay đỡ lấy đồng hai xu tôi bao giờ cũng trả trước, bỏ vào cái bị cói cũ kỹ ngoặc nơi đầu gối, rồi lấy khăn lau cẩn thận chiếc bát chiết yêu, bà mở vung nồi, chậm rãi cầm chiếc muôi dừa khoắng nhẹ vài vòng cho cháo khỏi vón cục dưới đáy nồi trước khi múc đầy một muôi cháo đặc sánh có lẫn những miếng cá trắng ngần, ngọt lịm đổ ra bát: “Nào, cháu ăn đi cho ấm bụng. Thìa đây”. Bát cháo trên tay tôi còn bốc khói. Tôi múc một thìa vơi đưa lên môi, thổi khẽ khẽ. Và, ngay khi chất cháo quánh quện ngọt bùi chạm vào đầu lưỡi thì những giọt mưa cũng bớt lạnh và cái giá rét ngoài trời cũng trở nên nóng ấm không làm tôi sởn da gà nữa. Ở chợ Gò ngày ấy không chỉ có một quán cháo bà Mùi, cũng còn vài ba hàng cháo khác nữa. Nhưng bất kỳ cháo cá ở đâu cũng không ngon bằng cháo cá bà Mùi... Lần này, hai chị em tôi về quê. Chợ Gò đang đông. Đã lâu mới về thăm làng, tôi không khỏi ngạc nhiên vì sự thay đổi ở quê nhà trong cơn lốc thị trường. Những lều quán lụp sụp trong chợ Gò ngày nào giờ đã thay thế bằng từng dãy nhà hàng tường xây mái ngói. Gốc đa cũ không còn nữa. Ở chỗ ấy bây giờ đã chen chúc những nhà bê tông mái bằng với những sạp hàng tạp phẩm và vải vóc đủ màu khiến cho chợ quê tôi đã rất giống với những phố chợ ở bất cứ nơi nào ta đã đi qua. Và, trong những sắc màu loè loẹt và hỗn độn trước mắt, chúng tôi đã không tìm thấy quán cháo cá ngày nào. Chị tôi có vẻ buồn. Tội nghiệp! Tôi hiểu, đâu phải chị chỉ đi tìm món cháo cá quà quê. Thật ra, chị muốn tìm về những kỷ niệm một thời con gái đã qua đi không bao giờ còn trở lại. Nhưng chị ơi, ao xưa giờ đã nên nhà... Và mẹ nữa, ước gì có một lần mẹ còn trở về lại cho con hai xu để con được thấy món quà thần tiên của thời tuổi dại.

Nguyễn Thị Như Trang

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: