Đã từ lâu, khán giả khắp mọi miền Tổ quốc từng quá đỗi quen thuộc với hai gương mặt nghệ sĩ đất Cảng thường xuyên xuất hiện dưới ánh đèn sân khấu cũng như trên màn ảnh nhỏ với rất nhiều vai diễn ấn tượng. Với tình yêu nghệ thuật sâu sắc và luôn coi biển như chính giọt máu của mình, họ đã hóa thân vào những nhân vật mang đậm nét đặc trưng của con người vùng biển quê hương. Họ là cặp vợ chồng nghệ sĩ Trần Tường- Hoài Thu, hai tên tuổi đã từng “làm mưa làm gió” ở Đoàn Kịch Hải Phòng.
Tình yêu của chàng “Đianốp”...
“Đianốp” là tên của một nhân vật đẹp trai và hào hoa trong bộ phim “Trên từng cây số” của điện ảnh Bungari. Một thời, người dân đất Cảng đã yêu mến đặt cho NSƯT Trần Tường biệt danh ấy bởi dáng vẻ bề ngoài trông thật hào hoa, lịch lãm của anh. Một lần ra hiệu ảnh, tình cờ chàng trai trẻ Trần Tường thấy ảnh một cô gái xinh đẹp treo trên tường. Anh đã thầm yêu trộm nhớ bởi cái vẻ duyên dáng, xinh tươi của nàng. Rồi một lần đi xem kịch, Trần Tường thót tim lại khi nhận ra cô diễn viên đang diễn trên sân khấu chính là cô gái trong tấm hình ở hiệu ảnh. Đó là diễn viên Hoài Thu. Vậy là Trần Tường đã lên một kế hoạch “tác chiến” nhằm mục đích tiếp cận được người đẹp. Năm 1974, mặc dù Trần Tường trúng tuyển lớp diễn viên SKĐA khóa 2, cùng lứa với Thanh Quý, Bùi Bài Bình, Phương Thanh... nhưng anh không đi mà xin về Đoàn Kịch Hải Phòng để “lửa dễ gần rơm”. Hoài Thu biết được ý định tấn công của “đối thủ”, vả lại chị lại hơn “đằng ấy” những hai tuổi nên nhẹ nhàng “khuyên bảo”: “Tường cứ suy nghĩ cho kỹ đi!”. Và rồi, dưới ánh đèn lung linh của sân khấu, họ đã đến với nhau bằng tình yêu chân thành, nồng cháy. Trần Tường và Hoài Thu đã trở thành cặp diễn ăn ý nhất của Đoàn. Vào Đoàn được mấy tháng thì có lệnh tổng động viên lên đường làm nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn, Trần Tường đành phải tạm xa tổ ấm của mình và ánh đèn sân khấu để đi làm nhiệm vụ cao cả của Tổ quốc, để rồi số phận lại đưa anh trở thành anh lính lái xe trên con đường Trường Sơn huyền thoại…
Vợ chồng NSƯT Trần Tường- Hoài Thu
Vai diễn đầu tiên của Trần Tường về người lính Hải quân là nhân vật Quân trong vở “Mùa hè ở biển” (Kịch bản Xuân Trình, đạo diễn NSND Phạm Thị Thành). Quân là thuyền trưởng một con tàu đánh cá của Hải quân, anh đã phải đấu tranh với bản thân về những trăn trở, khó khăn trong cơ chế thị trường để làm sao nâng cao năng suất đánh bắt cá cho đơn vị. Và chính trong môi trường đó anh đã quen và yêu một cô gái miền biển chân chất, dịu dàng. Còn nhân vật Trọng trong vở “Phong tỏa”, Trần Tường đã khắc họa hình tượng một người lính Hải quân dũng cảm, mưu trí trong việc rà phá thủy lôi do Mỹ phong tỏa cảng Hải Phòng trong những năm kháng chiến ác liệt. Vai diễn này đã mang về cho anh chiếc huy chương vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995 tại Hà Nội. Nhưng có lẽ đáng nhớ nhất đối với Trần Tường là khi anh vào vai Tư lệnh Hải quân trong phim “Huyền thoại Vũng Rô” (Kịch bản Đình Kính, đạo diễn Trần Vịnh). Trong đó có một chi tiết đẩy khả năng diễn xuất lên cao khi Bộ Tư lệnh Hải quân họp để quyết định cho một đồng chí sĩ quan trẻ làm thuyền trưởng của chuyến tàu không số chở vũ khí vào
... và nàng Galia
Có lẽ con đường để Hoài Thu trở thành một diễn viên chuyên nghiệp cũng là một lẽ đương nhiên bởi chị sinh ra trong một gia đình nghệ thuật. Bố mẹ chị từng là diễn viên gạo cội của Đoàn Cải lương Hải Phòng. Đến với Đoàn Kịch Hải Phòng từ năm 1968. Vai diễn nổi tiếng của Hoài Thu tạo dấu ấn đẹp trong lòng khán giả là Galia trong vở kịch “Masa” (kịch Liên Xô). Với lối diễn tự nhiên, ấn tượng, Hoài Thu đã làm người xem hết lời khen ngợi, còn hai vị đạo diễn Liên Xô thì khi xem xong nhận xét rằng: “Cô diễn xuất như một diễn viên Nga thực thụ chứ không phải là diễn viên Việt Nam!”. Rồi Hoài Thu lại thể hiện thành công vai Thúy, con gái ông thuyền trưởng trong vở “Người thuyền trưởng” nói về thời gian thực dân Pháp cưỡng bức người dân Hải Phòng di cư vào Nam, chúng đã bắt cô con gái để làm sức ép đối với ông bố phải rời tàu ra đi nhưng cuối cùng số phận những con người đó đã được cách mạng giải phóng, cứu sống. Hay vai diễn con gái người quét rác trong vở “Lịch sử và nhân chứng”, đó là một cô gái đi ở cho địa chủ, được Bác Hồ giác ngộ cách mạng và cô đã đi theo cách mạng phục vụ Bác. Với vai diễn này, Hoài Thu đã dành huy chương bạc tại Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1985...
Hoài Thu cũng đã tham gia gần 20 bộ phim truyện nhựa và truyền hình. Khán giả còn nhớ như in nhân vật mẹ chồng cô Trúc trong phim “Những ngọn nến trong đêm”- một bà mẹ chồng cay nghiệt, độc đoán và gây ác cảm với người xem. Đó chính là do lối diễn xuất rất “ngọt” của chị để thể hiện đúng tính cách nhân vật. Bạn bè đồng nghiệp thường gọi chị là “con dao pha” nghĩa là chị thể hiện được tất cả các chất nhân vật. Từ chú bé đánh giày 12 tuổi đến cô gái tiểu thư con nhà trâm anh thế phiệt, từ cô bé đi ở đến bà già 60 tuổi. Năm 1978, Đoàn làm phim CAND xuống Hải Phòng chọn diễn viên cho phim truyện đầu tiên “Kế hoạch P76” đúng lúc Trần Tường về phép thăm vợ (lúc này anh đang là bộ đội lái xe đóng quân ở Hà Nội). Vậy là ông đạo diễn chọn luôn cả hai vợ chồng và họ bắt đầu làm một cuộc hành trình vào thành phố Hồ Chí Minh quay trong 6 tháng mới hoàn thành.
Trải bao thăng trầm trong nghiệp diễn, giờ đây Hoài Thu đã chấp nhận hy sinh nghề để lui về hậu phương chăm lo cho cuộc sống bếp núc gia đình, để Trần Tường an tâm theo đuổi con đường nghệ thuật đã chọn. Chị quan niệm, cuộc sống của cặp vợ chồng nay đây mai đó đi biểu diễn thì không thể nào có được một gia đình ổn định và chị sẵn sàng nhận thiệt thòi về phần mình. Tuy vậy, chị vẫn không thể bỏ được nghề. Hoài Thu vẫn tham gia cộng tác với Xưởng phim truyền hình Hải Phòng với vai trò Phó đạo diễn, vẫn tham gia dựng các vở kịch ngắn, tiểu phẩm cho các cơ quan đơn vị trên địa bàn tham dự Hội diễn nghệ thuật không chuyên. Hai con trai của họ hiện giờ đã thành đạt, người con thứ hai từng là diễn viên Đoàn Kịch nói Công an nhân dân.
Long lanh giọt biển
NSƯT Trần Tường kể, khi còn là trưởng Đoàn Kịch nói Hải Phòng, anh đã nhiều lần mang quân đi biểu diễn phục vụ tại các đơn vị Hải quân khắp chiều dài đất nước. Đoàn đi đến đâu cũng được những người lính biển cổ vũ nồng nhiệt. Nghệ sĩ Hoài Thu nhớ lại kỷ niệm thật xúc động trong lần biểu diễn tại Vùng C Hải quân. Khi vở diễn đang vào đoạn cao trào thì bỗng trời đổ mưa, gió to nổi lên đổ hết phông cảnh trang trí trên sân khấu ở cảng. Anh chị em nghệ sĩ rất lo ngại liệu các đồng chí có tiếp tục xem không? Dường như hiểu được những băn khoăn đó, tất cả anh em cán bộ chiến sĩ đều hướng lên sân khấu để cổ vũ Đoàn vẫn cứ biểu diễn. Đó là động lực, hưng phấn thúc đẩy toàn đoàn biểu diễn dưới cơn mưa và vở diễn đã thành công, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp mặc cho hôm đó cả chủ và khách đều ướt nhòe. Đó là hạnh phúc của người nghệ sĩ không thể nào quên.
“Bây giờ nếu có kịch bản hay về đề tài biển, đảo và người lính Hải quân, hai nghệ sĩ có sẵn sàng nhận lời tham gia không”- Tôi hỏi. “Chúng tôi tin và sẵn sàng nhận lời. Chúng tôi hứa sẽ hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình bởi biển, đảo và hình tượng người chiến sĩ Hải quân luôn in đậm trong tim những người nghệ sĩ như chúng tôi!” Câu trả lời của vợ chồng NSƯT Trần Tường- Hoài Thu đã làm cho tôi lặng người trong giây lát vì cảm động trước tấm lòng chân thành của họ. Tôi hiểu, biển là cuộc sống, là hơi thở đã nuôi dưỡng cho những khát khao nghệ thuật và tình yêu của họ.
Lê Mạnh Thường
Ngô Quyền - Hải Phòng
ĐT: 0974.420698 - Email: manhthuongle@yahoo.com.vn