Chủ nhật, 22/12/2024,


Cùng “Cảm nhận” với Phùng Thiên Tân (04/08/2010) 

       Từng quen biết tác giả có dễ đến hơn ba chục năm, và đã từng gặp nhau thân thiết giữa Sài Gòn, tôi vẫn luôn có ý nghĩ rằng tạng người của Phùng Thiên Tân thích hợp với chất văn và ký hơn là thơ. Anh là người luôn có những quan sát sắc sảo và chi tiết, những cử chỉ và cách ứng biến năng động, cùng với một lối tư duy nhanh nhạy và khúc chiết. Với những ưu điểm ấy, anh đã có nhiều trang văn xuôi đầy ấn tượng chân thực, với cách dẫn dắt lôi cuốn và ngồn ngộn tư liệu sống. Thật bất ngờ là trong khoảng mươi năm trở lại đây, anh lại bắt đầu in thơ.

       “Cảm nhận” là tập thơ có lẽ được tập hợp đầy đủ nhất các sáng tác thơ của anh từ trước đến nay. Cầm tập sách dày dặn và phong phú về đề tài, chân thật và thẳng thắn trong cảm xúc, người đọc bỗng chốc như được “phát hiện lại” một Phùng Thiên Tân mới trong thơ. Nói là “phát hiện lại” cũng không hẳn là ngoa ngôn, vì thực sự, anh đã biết giữ lại những ưu điểm vốn có của văn xuôi, và biết làm nó hòa tan vào trong thơ một cách dung dị mà tinh tế. Chất liệu viết sống động và có sức khơi gợi, cách cấu tứ các bài thơ chặt chẽ, khúc chiết và hàm súc, lối nói tưng tửng và thẳng băng đến tận cùng, cảm xúc dồn nén tới mức nhiều khi tưởng như không hiện diện, nhưng lại gây tác động ngay từ cách xếp sắp và bố trí chi tiết đến bất ngờ, để bản thân nó đủ gây ra cảm xúc, đó chính là những ưu điểm vốn được tích lũy từ văn xuôi rồi tan biến vào thơ và ở lại với thơ. Anh cũng không thích dàn trải cảm xúc thơ theo lối cũ, không để cảm xúc kéo mình đi lan tràn và ồ ạt, nhiều khi lạc lối mãi trong câu chữ và vần điệu. Thơ anh thích phô diễn ngắn gọn và cố gắng càng đạt tới độ súc tích đến đâu thì càng tốt tới đấy, tất nhiên, nhiều khi cố gắng quá theo hướng đó cũng có thể làm bài thơ bị nén chặt lại và khô khan đi, thiếu cái tươi mát tình cờ, ngẫu hứng của những câu thơ tưởng như bỗng dưng bắt được, nó cũng làm nên cái duyên kỳ ngộ thầm kín và hấp dẫn của thơ! Tuy nhiên, biết làm sao được, gắng đạt được mặt này tất cũng phải hy sinh đi mặt kia, không thể ôm đồm, để cái gì cũng có đủ, cân bằng đến thừa thãi, như thế thì còn đâu dấu ấn và bản sắc cá nhân một người sáng tạo!

       Tôi cũng rất thích tính logic chặt chẽ và dễ gây bùng nổ trong thơ anh. Khi ta liên tiếp ném một loạt sự vật mà ta đã chọn sẵn lên trang thơ, mới nhìn tưởng như hỗn độn, nhưng thật ra là đã có chủ ý sắp xếp theo một mạch ngầm trong ta, là ta đã mong muốn đưa đến cái hiệu quả “bùng nổ”, để cho bản thân các sự vật được ném lộn xộn vào đó va chạm nhau và tạo ra hiệu ứng bất ngờ! Nhiều nhà thơ hiện đại đã dùng cách ấy để tạo ra hiệu ứng bùng nổ dây chuyền trong thơ mình, mà không cần phải tự nhảy ra “ôi a” - cao giọng đưa đẩy và tạo nên cảm xúc lây lan từ tác giả. Phùng Thiên Tân đã áp dụng thủ pháp này thành công trong văn xuôi, và anh cũng khá tinh tế và có lý, khi thử thủ pháp này vào thơ, để tạo ra hiệu ứng tương tự.

       Thơ Phùng Thiên Tân, bên cạnh các ưu điểm về cách viết, cách thể hiện như vừa nêu, thì anh còn một ưu điểm rất đáng giá trong thơ nữa, là anh thành thật, thành thật đến tận cùng! Không một chút màu mè, không một chút làm dáng, không ưa lối nói vòng vo, cái thành thật của anh thực sự là xuất phát từ tấm lòng, từ bản chất con người anh đối với người thân, với bạn bè và với cả cuộc đời xung quanh. Tuy nhiên, cái gì thái quá thì cũng sẽ có hại, đôi bài thơ của anh rơi vào tình thế “thật thà quá”, nó cũng làm ta gợi nhớ tới những câu thơ làm khi thù tạc giản đơn, tự nhiên nhi nhiên, không giữ được lâu bền trong trí nhớ người đọc.

       Tuy nhiên, nếu nói một cách khách quan, thì loại trừ những nhược điểm không tránh khỏi của một người quen viết văn xuôi nay lại làm thơ, tập “Cảm nhận” của anh xứng đáng cho ta những giá trị tốt đẹp, đáng trân trọng. Ta được như cùng đồng hành, đi với anh tới mọi tình huống, hoàn cảnh khác nhau trong đời, chia sẻ với anh mọi vui buồn bất chợt hay lắng đọng, chạm vào cùng anh tới những dây đàn cảm xúc sâu xa của kỷ niệm quá khứ, của chiến trường, của quê hương, của nơi anh đang sống hoặc anh đã đi qua, của cả những mối tình sâu kín mà anh đã từng trải nghiệm và còn chưa thôi day dứt, của cả những mối quan hệ thân thương giữa bạn bè riêng tư hay cả các mối quan hệ xã hội phức tạp, luôn ẩn chứa trong mặt trái những bề sâu thăm thẳm, mà anh không ngại phô bày với mọi ý nghĩ thẳng tưng đầy ý thức khám phá của mình!...

       Tập thơ không chịu giống ai, vì nó mang đậm dấu ấn Phùng Thiên Tân. Nó vừa là một dòng suy tưởng không đứt đoạn, vừa là những phút giây bùng nổ có tính thăng hoa của một tâm hồn giàu xúc cảm, có ý thức trong mỗi giai đoạn của cuộc đời mình. Tôi trân trọng tập thơ này không phải chỉ vì nó là một tác phẩm, mà lý thú hơn nữa, - như một ý nghĩ đã nói ở trên đầu, - là nhờ nó, tôi mới được dịp “phát hiện lại” tâm hồn sâu kín và nhiều cung bậc của một người bạn từng quen biết cũng khá lâu, tưởng chừng đã biết đủ về nhau suốt hơn ba thập kỷ! Có lẽ, đó cũng là điều kỳ diệu bất ngờ nữa, mà biết đâu, chỉ có Thơ mới có khả năng mang lại!.

 

Hà Nội, tháng Bảy 2010

 

Nhà thơ Bằng Việt

(Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Hà Nội)

 

Đại tá Nhà văn Phùng Thiên Tân, sinh ngày 20/05/1954 tại Thanh Hóa. Bút danh: Phùng Thiên Tân, Phùng Nguyễn…

Các tác phẩm: Hồ sơ chưa kết thúc; Sống để đời yêu; SBC xung trận; Chuyện tình mù quáng; Vị chát đầu tiên trong đời; Giây phút ấy đã qua; Nghĩa hiệp; Lũ trẻ ngả ba Bùng; Lớn lên trên bến cảng Sài Gòn; Cảm nhận...

Giải thưởng văn chương: Tặng thưởng Văn học 20 Giải phóng 1975-1995 của Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh. Giải thưởng văn học thiếu nhi năm 1982 của Hội Nhà văn Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí minh. Giải thưởng Văn học 1995-2005 của Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công An

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: