Một họa sĩ trẻ sống như kẻ ẩn dật, giữa bốn bề cỏ xanh, rau muống và tiếng ếch nhái côn trùng hòa tấu… Anh vẽ tranh để nuôi gia đình và để có tiền chữa bệnh cho chính mình. Anh bị ung thư.
|
Chân dung tự họa. |
Ngồi trước mặt tôi là Lê Hữu Thông - chàng trai hiền lành, đôi mắt sáng, giọng nói nhỏ khó nghe bởi hóa chất, xạ trị ung thư vòm họng đã làm hỏng thanh quản của anh.
Nhà Thông ở thôn Bình Tây, xã Thạch Bình, thành phố Hà Tĩnh. Tiếng là dân thành phố, nhưng gia đình làm nông vốn đã khó khăn lại thêm thống khổ bởi bố Thông và ba chị em Thông đều bị ảnh hưởng chất độc da cam. Hiện nay gần như cả nhà anh phải sống bằng những đồng tiền trợ cấp ít ỏi.
Rắn rỏi vượt lên số phận
' Chỉ có cách quên đi mà sống và vẽ' - Họa sĩ Lê Hữu Thông |
Năm 2005 khi Thông tròn 20 tuổi, đang ôn thi vào Đại học Mỹ thuật Hà Nội thì phát hiện bị ung thư phải vào BV K Hà Nội chữa trị. Đến đầu năm 2007 thì phát hiện bệnh đã di căn. Mọi người thấy Thông còn trẻ nên cố giấu. Đến khi nói năng thấy khó khăn, gặng hỏi mọi người xung quanh anh mới biết mình bị ung thư.
Lúc ấy Thông thấy cuộc đời đóng cửa trước mắt mình. “Em khi ấy tuyệt vọng, nhưng nghĩ đến gia đình và niềm đam mê hội họa của mình, lại thấy cần rắn rỏi”, vậy là lại nghĩ đến chuyện học hành theo đuổi nghề vẽ. Nhưng Thông đành phải về Đại học Hà Tĩnh học Cao đẳng Sư phạm Mỹ thuật, để gần gũi gia đình, nhỡ có mệnh hệ nào…
Dù bệnh tật, Thông vẫn vẽ liên tục hàng ngày.
Ra trường với tấm bằng khá, nhưng bệnh tình không thể cho Thông theo nghề dạy học. Vậy là hai bàn tay trắng, mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, anh ra Hà Nội định vừa đi vẽ kiếm sống để chữa bệnh và tiếp tục học lên Đại học.
Và nay Thông sống và vẽ trong ngôi nhà hoang tại làng rắn Lệ Mật (quận Long Biên, Hà Nội). Vợ con anh vẫn ở quê, sống cùng gia đình anh. Thỉnh thoảng anh lại nhảy ô tô về thăm gia đình gian khó của mình.
- Sao lại ở trong ngôi nhà hoang lạnh, ẩm thấp như thế?
- Em thuê ngôi nhà này bởi ít tiền, mà khung cảnh ấy lại cho cảm hứng để vẽ anh ạ. Đành vậy.
Một chuyện tình cảm động
Mối tình ấy bắt đầu từ khi hai đứa cùng học ở trường sư phạm. Khi biết Thông mang trọng bệnh, Hằng Nga vẫn yêu thương, vẫn săn sóc động viên. Ra trường, Thông khuyên Nga nên đi tìm một mối tình khác, nhưng cô giáo trẻ tương lai ấy đã nhất quyết. Một bé gái ra đời đem thêm niềm hy vọng sống. Thông không ngờ số phận vẫn còn mỉm cười với mình, bởi bình thường, bệnh nhân ung thư đã qua xạ trị, phải tiếp tục dùng thuốc thì khó có thể có con.
Hằng Nga - Vợ Thông và con gái nhỏ.
Trước mắt chàng trai là cả một núi khó khăn. Giờ đây, Thông chỉ mong vợ được nhận vào dạy vẽ ở một trường nào đấy. Yêu thương gia đình bé nhỏ của mình, Thông bảo anh phải sống và chiến đấu với số phận bằng cây cọ để đáp lại tình yêu mọi người dành cho mình.
Tự chữa bệnh bằng... tâm y
May Thông gặp một vị sư thầy, bảo anh thử chữa bệnh bằng tâm y và dạy Thông cách thực hành. Thật kỳ lạ, bệnh như bị chặn đứng. Từ ngày đó Thông như quên căn bệnh quái ác, chỉ lao vào vẽ.
Nhờ tự chữa bằng tâm y, ba năm nay Thông không thấy bệnh tiến triển. Tuy vậy anh vẫn phải khám định kỳ và uống thuốc theo đơn. Câu chuyện chữa bệnh bằng tâm y nghe có vẻ kỳ bí, tôi hỏi bí quyết là gì.
Thông cười:
- Sống lạc quan, say mê làm việc vì người khác và dưỡng tâm cùng với việc đều đặn thuốc thang.
Ngôi nhà mà Thông cùng vài người bạn thuê là nhà hoang đúng nghĩa (bạn bè chạy qua chạy lại làm việc, còn Thông thì sống chung thân ở đây). Nó chìm ngập giữa cỏ dại và rau muống. Tường gạch lở lói, sàn nhà thấp hơn mặt sân và ngõ.
Lê Hữu Thông và tác phẩm của mình.
Thông kể: Có hôm mưa, nước ngập đến giường mấy anh em phải lôi toan và màu lên giường mà vẽ. Mấy lần mưa ngập vào tranh chất đống dưới sàn. Hàng trăm bức tranh bị ẩm mốc phải bỏ đi.
Tranh của Thông và bạn bè treo đầy lên vách. Gian bếp ẩm thấp không dùng để nấu nướng mà cũng... treo tranh. Góc duy nhất ấm áp còn lại là cái bàn kê cao làm bếp nấu trên có cái bếp ga mini, mấy cái nồi.
Thông ngậm ngùi: “Lâu lâu vẽ được một ít, lại đem tranh đi gửi các galery, bán được thì họ gọi cho mình. Bấp bênh lắm...”.
Một người bạn Thông chia sẻ: Thông hiền và cần mẫn như một tín đồ của hội họa. Tranh Thông ám ảnh về sắc và chắc khỏe đường nét, mảng khối.
***
Gặp Thông, tôi tin cuộc đời có thật những cách sống đẹp đúng nghĩa. Những người bạn của Thông luôn bên cạnh anh. Họ tựa vào nhau mà sống với lòng trung hậu.
Thông hay vẽ những bức hoạ mang vẻ đẹp của cánh đồng và những khu vườn sau bão. Hình như sự nghiệt ngã của số phận đã bí mật có mặt trong mỗi bức hoạ của Thông. Nhưng trong đó còn có niềm hy vọng và luôn tràn ngập sự sống.
Tân Linh
(Điện thoại: 0913 024 394
Email: tanlinhbvh@yahoo.com.vn)
Bạn đọc muốn liên hệ chia sẻ với họa sĩ Lê Hữu Thông xin gọi: 0976743336
Hà Ngọc Kim - nhacvuvn12@gmail,com - 0386273134 - xom1,Nhan Son, Do Luong, Nghe An
(Ngày 2/08/2010 07:17:55 PM)
Vô cùng cảm phục ý chí, nghị lực của họa sĩ Lê Hữu Thông . Xin chúc anh tiếp tục chiến đấu và chiến thắng bệnh tật , cho đời những bức tranh đẹp , khỏe , đầy sức sống .
Hà Ngọc Kim |