Phạm Nhuệ Giang sinh năm 1957 tại Hà Nội, lớn lên trong một gia đình cả bố và mẹ đều là nghệ sĩ nổi tiếng. Bố chị là đạo diễn Phạm Văn Khoa, nổi tiếng với những phim Chị Dậu, Làng Vũ Ðại ngày ấy. Mẹ chị là nghệ sĩ Bích Châu, diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam.
Theo chân bố đi làm phim, gắn bó với nghệ thuật từ khi còn nhỏ nhưng tốt nghiệp PTTH, Nhuệ Giang lại quyết định thi vào Ðại học Xây dựng. Năm 1980, chị tốt nghiệp và đi làm nghề xây dựng. Thế nhưng công trường và vôi vữa gạch đá không hấp dẫn chị được bao lâu. Thừa hưởng truyền thống nghệ thuật của gia đình, cộng thêm niềm đam mê và yêu thích điện ảnh, Nhuệ Giang đã quyết định chọn nghề đạo diễn, mặc dù đã biết đây là con đường vất vả. Năm 1983, dù đã ở tuổi 25, chị vẫn quyết định thi vào khóa Ðạo diễn đầu tiên Trường đại học Sân khấu Ðiện ảnh Hà Nội. Tốt nghiệp, chị về làm ở Hãng phim truyện Việt Nam và trở thành nữ đạo diễn duy nhất của hãng.
Ðiện ảnh Việt Nam lúc đó còn đang thời kỳ khó khăn, gần chục năm trời cả nước mới sản xuất được vài phim, suốt mấy năm đầu chị theo chân các đoàn phim để làm phó đạo diễn, chỉ đạo diễn xuất. Ngoài giờ làm việc chị đọc truyện, xem phim để rút kinh nghiệm cho bản thân và viết kịch bản. Năm 1992, đạo diễn Nhuệ Giang hoàn thành phim ngắn đầu tay Chú bé cu-li. Năm 1996 chị làm phim nhựa Bỏ trốn, nói về chuyện em bé tên Thi. Bị đuổi khỏi nhà, em đi lang thang và lạc vào thế giới của những đứa trẻ vô gia cư trên đường phố. Tại đây em nhận thức được giá trị của sự lao động, của lòng nhân ái và tình thương. Với dàn diễn viên hầu hết là trẻ em, bộ phim đã góp một tiếng nói hiếm hoi vào quyền trẻ em trong xã hội ngày nay. Giải B của Hội Ðiện ảnh Việt Nam năm 1996, giải của Ban giám khảo LHP quốc gia lần thứ 12 năm 1999 đã ghi nhận sự thành công của đạo diễn trẻ Nhuệ Giang. Năm 1997, Nhuệ Giang làm phim truyền hình Mọi thời của họ (do chị viết kịch bản) dài hai tập kể về những mâu thuẫn, rắc rối trong quan niệm và lối sống của một gia đình. Năm 2002 đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp đạo diễn của Phạm Nhuệ Giang bằng phim Thung lũng hoang vắng. Phim nói về việc "cõng chữ lên núi" của các cô giáo miền xuôi với bao hy sinh thầm lặng. Ðể thực hiện bộ phim này Nhuệ Giang và phó đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đã phải vất vả lặn lội lên tận bản Tả Giàng Phình ở Tây Bắc, xuống chân núi Phan-xi-păng, rồi lại ngược cả nghìn cây số vào rừng quốc gia Cúc Phương. Suốt mấy tháng trời thực đơn chỉ có su su và thịt luộc, trần mình trong mưa dầm gió bấc nắng hanh, chị và đoàn làm phim đã thỏa nguyện khát khao ghi lại cuộc sống chân thực của người Mông trên rẻo cao. Chị quan niệm: "Mình là con người của công việc, mà đã là công việc thì phải hoàn thành bằng được." Chính nhờ sự năng nổ nhiệt tình hết mình đó của chị mà phim Thung lũng hoang vắng đã đoạt giải Bông sen bạc tại LHP quốc gia lần thứ 13 và giải Fipresci cho các đạo diễn trẻ châu Á của Liên đoàn các nhà phê bình phim Quốc tế tại LHP Quốc tế Melbourne lần thứ 51 năm 2002. Ngoài ra diễn viên chính Hồng Ánh, quay phim Lý Thái Dũng và nhà văn Nguyễn Quang Lập đều đạt giải diễn viên, quay phim và biên kịch xuất sắc nhất cho bộ phim này.
Trong mỗi bộ phim của mình Nhuệ Giang đều cố gắng mang lại cho khán giả những dư vị day dứt khiến họ không thể không nhớ. Ðể có được những điều ấy, Nhuệ Giang không ngại học hỏi, không ngại khó, không ngại khổ và quan trọng nhất chị luôn làm việc với thái độ nghiêm túc, chuyên nghiệp. Chị thường được đồng nghiệp trong đoàn làm phim nhận xét là người "chịu khó nhưng cũng rất khó chịu". Trong suốt thời gian hoạt động trong Hãng phim truyện Việt Nam, chị đã theo chồng là đạo diễn Nguyễn Thanh Vân rong ruổi khắp nơi giúp chồng làm phim. Những ngày Thanh Vân làm phim Ðời cát ở vùng gió Lào cát trắng Quảng Bình là lúc Nhuệ Giang cũng vất vả đến sạm cả người. Phim nào làm ra đều là "của chồng công vợ," đều có sự cố gắng công sức nhọc nhằn của cả hai người.
Những bộ phim điện ảnh và truyền hình của hai vợ chồng Nhuệ Giang-Thanh Vân liên tục giành những giải thưởng lớn của điện ảnh Việt Nam như Bông sen vàng, Cánh diều vàng và ở nhiều liên hoan phim quốc tế. Nhiều người bạn đùa rằng vợ chồng họ làm phim để đua nhau giành giải thưởng, nhưng Nhuệ Giang bảo giải thưởng không phải là mục đích cuối cùng mà lớn hơn cả là những đóng góp nghệ thuật do giá trị của những bộ phim mang lại cho khán giả.
CÚC PHƯƠNG
(Nguồn: Báo Nhân Dân)